Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị nhiều giải pháp, thúc đẩy giải ngân đầu tư công về đích
Sau Hà Nội, Quảng Ninh, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tổ chức làm việc với một số địa phương để gỡ vướng và thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công |
Số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ còn lớn
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân đến hết tháng 8/2021 là 399.331,27 tỷ đồng, đạt 86,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó vốn trong nước đạt 86,2% kế hoạch, vốn nước ngoài đạt 89,4% kế hoạch.
Số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các dự án còn lại đến nay khá lớn. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 61.968,72 tỷ đồng, bằng 13,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
“Nếu tính cả Chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ 16.000 tỷ đồng, kế hoạch vốn NSNN năm 2021 chưa phân bổ bằng 16,5% kế hoạch Quốc hội quy định”, báo cáo của Bộ Kế hoạch nêu rõ.
Tiến độ giải ngân các dự án quan trọng quốc gia đang rất thấp
Theo số liệu của Bộ Tài chính, dự kiến giải ngân vốn ngân sách nhà nước đến 31/8/2021 là 187.285,01 tỷ đồng, đạt 40,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (46,41%), trong đó vốn trong nước đạt 44,7% (cùng kỳ năm 2020 là 50,02%), vốn nước ngoài đạt 7,94% (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,26%).
Có 10 bộ và 33 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức trung bình của cả nước, trong đó, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như Quảng Ninh, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bình Phước, TP. Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa…
Trong khi có 4 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn và có 3 bộ, cơ quan trung ương đã giải ngân nhưng tỷ lệ giải ngân dưới 1%.
Điều đáng lưu ý là trong bức tranh đầu tư chung, việc giải ngân dự án quan trọng quốc gia vẫn còn thấp.
Cụ thể, đối với dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc tuyến Bắc – Nam phía Đông, số vốn giải ngân đến hết ngày 27/8 là 7.919,19 tỷ đồng, đạt 51,9% kế hoạch.
Đặc biệt, giải ngân Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành còn ở mức thấp. Tổng kết hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương đã giao cho dự án là 22.855,03 tỷ đồng; trong đó, năm 2021 là 4.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay, dự án mới giải ngân được 10.698,8 tỷ đồng, đạt 46,81% kế hoạch đã giao, trong đó, kế hoạch năm 2021 giải ngân được 844,08 tỷ đồng, mới đạt 18,11% kế hoạch. Tổng số vốn còn lại chưa giải ngân là 12.156,2 tỷ đồng.
Như vậy, tỷ lệ giải ngân của dự án hiện ở mức thấp, đòi hỏi nỗ lực rất lớn trong các tháng còn lại mới có thể giải ngân toàn bộ số vốn được giao.
Covid-19 diễn biến phức tạp làm đình trệ tiến độ giải ngân
Một trong những giải pháp Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh đó là đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành trung ướng và địa phương. |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tiến độ giải ngân 8 tháng đầu năm chậm hơn so với cùng kỳ năm 2020 do đặc thù của năm 2021 là năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; một số nhiệm vụ, dự án khởi công mới chỉ được giao kế hoạch sau khi Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được thông qua.
Năm 2021 là năm tổ chức nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, việc kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền các cấp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo điều hành tại một số nơi. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn NSNN là do dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, xuất hiện nhiều biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh, trải rộng trên hầu hết các tỉnh, thành phố, khả năng khống chế khó khăn hơn nhiều so với năm 2020, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống đại dịch, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư công.
Công tác tác triển khai phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương còn thiếu thống nhất, có nơi ban hành quy định cứng nhắc làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng, chậm tiến độ triển khai dự án.
Hầu hết các công trình xây dựng tại khu vực có nguy cơ cao (vùng đỏ) và một số công trình ở các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg và 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ phải tạm dừng thi công.
Bên cạnh đó, giá các vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh tác động trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công dự án...
Tăng cường hoạt động Tổ công tác đặc biệt, "khơi" nguồn lực từ các dự án vướng mắc
Với quyết tâm phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư NSNN năm 2021 đạt 95%-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó đến hết quý III/2021 đạt tối thiểu 60% kế hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 63/NQ-CP và Công điện 1082/CĐ -TTg.
Đồng thời tập trung thực hiện một số giải pháp. Trong đó, từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương nhận thức rõ tầm quan trọng của đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, căn cứ tình hình thực tế đề ra các giải pháp khả thi nhất để thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án, các địa phương ít chịu ảnh hưởng bởi dịch tập trung thúc đẩy hoàn thành sớm các công trình, những tỉnh là tâm điểm của đại dịch tập trung hoàn thiện thủ tục hồ sơ dự án.
Các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc phân bổ giao chi tiết kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2021 cho các dự án dự kiến khởi công mới và các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 trong tháng 9/2021...
Một trong những giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh đó là đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành trung ướng và địa phương và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm về tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư.
Thực hiện giải pháp này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông – Tổ phó Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành trung ướng và địa phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện theo hướng, yêu cầu các địa phương tập hợp, rà soát, nhưng mà vẫn phải chọn các địa phương có nhiều vướng mắc, các địa phương lớn ở các vùng kinh tế trọng điểm.
Mới đây, ngày 1/9/2021, Tổ công tác đã tiến hành 2 hội nghị với Quảng Ninh và Hà Nội nhằm rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại 2 địa phương này.
Tại Hội nghị, trên tinh thần tháo gỡ “nút thắt” của các dự án để giải phóng nguồn lực cho nền kinh tế, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư đã tổng hợp, ghi nhận, cũng như giải đáp ngay 25 vướng mắc của Hà Nội trong 3 nhóm dự án là đầu tư công; sản xuất, kinh doanh và dự án đối tác công-tư (PPP).
Còn với Quảng Ninh, Tổ công tác đã cùng trao đổi, tháo gỡ 5 vướng mắc về đầu tư công và 13 vấn đề trong triển khai các dự án ngoài ngân sách.
Tại cả 2 hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng khẳng định, trên cơ sở kết quả làm việc với một số địa phương trong các vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương đang gặp nhiều vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư, Tổ sẽ đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền; Đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương; Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm khắc phục các vướng mắc trong tình hình mới.
Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tổ chức thêm các cuộc làm việc với địa phương khác, như: Đà Nẵng, hoặc Hải Phòng, Quảng Nam, những tỉnh trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Còn đối với những tỉnh miền Nam, Đông Nam Bộ, thì đợi khi kiểm soát được dịch, sẽ có trao điểm thêm. Tinh thần là Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn 8 đến 10 địa phương mang tính đại diện.
Dự kiến sau khi tổng hợp tất cả các kiến nghị địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì làm việc với các bộ, ngành. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là Tổ phó thường trực Tổ công tác sẽ lắng nghe, giải đáp và chia sẻ quan điểm độc lập, khách quan về thúc đẩy đầu tư công. Thực tế, trong lĩnh vực đầu tư công hiện nay vẫn có tình trạng còn những nhận thức khác nhau, hoặc đâu đó còn có câu chuyện vì lợi ích riêng, nên không muốn thay đổi, đi ngược lại với chủ trương phân cấp, phân quyền cho địa phương./.
Bình luận