Là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 6/11/2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Tuân - Thái Bình, kết quả xây dựng nông thôn mới về đích trước 2 năm, song mới tập trung vào xây dựng các thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội, nhưng chưa thực sự làm chuyển biến, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, còn hạn chế về vấn đề bảo vệ môi trường và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thành tựu đạt được rất toàn diện và bứt phá.

“Thủ tướng Chính phủ đã dùng một từ trong tổng kết Chương tr ình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 10 năm tại Nam Định đó là: "một kết quả lịch sử". Toàn bộ các thiết chế hạ tầng chúng ta chỉ trong vòng 9 năm được nâng lên với giá trị 2,4 triệu tỷ đồng đầu tư. Đất nước trong một thời gian rất ngắn như vậy 100% số xã có điện lưới, 99,1% số thôn có điện, đây là một sự cố gắng vượt bậc chúng ta”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận, quá trình xây dựng nông thôn mới còn nhiều tồn tại.

Cụ thể, mặc dù đời sống của người dân vùng nông thôn đã được nâng lên 3,5 lần so với chỉ tiêu mục tiêu ban đầu chỉ 2,5 lần, nhưng so với thực tế, so với yêu cầu và với nguyện vọng vẫn còn thấp. Chỉ tiêu chất lượng chưa đảm bảo đó là về môi trường.

“Hiện nay, mới đảm bảo có 63,7% số xã có thu gom rác thải. Đây là bước thu gom còn xử lý triệt để theo công nghệ mới lại hoàn toàn khác nữa. Hai nữa là các môi trường từ môi trường sản xuất, môi trường tự nhiên còn là cả một vấn đề”, Bộ trưởng Cường cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện vẫn còn tình trạng người dân không mặn mà với ruộng đất. Do đó, tới đây cần phải tháo những cái nút về tích tụ thế nào? Rồi tái cơ cấu nông nghiệp nào? Đưa khoa học công nghệ nào? Rồi liên kết thành hợp tác xã như thế nào?

“Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành nông nghiệp cùng các ngành khác chuẩn bị tham mưu để tới đây giai đoạn 2021-2025 định dạng cho rõ, tập trung nguồn lực, tập trung sự chỉ đạo, tập trung nhóm giải pháp phải giải quyết cho được những nút thắt, những vấn đề còn tồn tại. Đó là thúc đẩy sản xuất, đó là văn hóa xã hội. Đó là vấn đề môi trường. Đó là tổ chức sản xuất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Trong phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã tạo những bước đột phá, biến đổi, đưa lại niềm vui cho người dân. Tuy nhiên, sự biến đổi khí hậu của Việt Nam diễn biến thất thường, nguy cơ tiềm ẩn sạt lở đê điều, đập hồ thủy lợi. Đại biểu yêu cầu Bộ trưởng lý giải để cho người dân yên tâm và không lo ngại đến nguy cơ sạt lở.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tác động biến đổi khí hâu đang ngày một khốc liệt. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất, tần suất 3 năm qua cho thấy, thời tiết khí hậu ngày càng cực đoan hơn, tần suất mạnh hơn thế ở tất cả các vùng miền, trong đó có miền Trung là nơi chịu đựng nhiều nhất. Chính vì thế, trong chương trình chỉ đạo chung, bao giờ cũng xác định đi đôi phát triển với các nhóm giải pháp bền vững, nâng cao năng lực của cộng đồng, nâng cao phương châm 4 tại chỗ.

Về giải pháp, Bộ trưởng chỉ rõ, trước mắt, cần tăng cường các khâu trong quá trình ứng phó. Từ dự báo cố gắng được sát hơn, kịp thời hơn, nhiều hơn. Phương châm ứng phó cần tích cực, đồng bộ hơn, từ cấp cơ sở đến toàn dân.

“Tới đây trong chương trình đầu tư nguồn lực trung hạn, việc đầu tư phát triển bền vững bằng các nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu phải được coi là một nhóm nguồn lực ưu tiên nhất”, Bộ trưởng cho biết.

Đồng tình với nhận định Chương trình Xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao dân trí và kinh tế của các vùng nói riêng và của quốc gia nói chung, tuy nhiên đại biểu Võ Đình Tín - Đắk Nông chỉ rõ, sự chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng miền còn thể hiện rõ, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Điều này cho thấy, sự phân bổ nguồn lực, phương thức chỉ đạo, cách thức huy động nguồn lực chưa phù hợp với đặc điểm vùng miền. Đồng thời, yêu cầu Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chúng ta chia ra làm 2 giai đoạn. Một là giai đoạn từ 2011-2015 và hai là giai đoạn 2016-2020, xen giữa của 2 giai đoạn này có giám sát tối cao của Quốc hội bằng việc chúng ta ban hành Nghị quyết số 32 về yêu cầu tập trung xử lý 10 nội dung căn cốt tồn tại của giai đoạn 1 là giai đoạn 2011-2015, trong đó có một nội dung chúng ta đã rút kinh nghiệm giai đoạn trước, tức là phân bổ bình quân trên tổng số gần 9.000 xã với một định mức như nhau, thì sau khi có kết quả giám sát của Quốc hội, thì tổ chức lại.

Theo đó, phân bổ tính theo vùng miền, những xã miền núi thì được 4-5 lần. Ví dụ xã nào dưới 5 tiêu chí, thì tập trung gấp 5 lần bình thường. Còn xã miền núi, thì tập trung 4 lần, đây cũng là điều chỉnh chính sách. Cùng với đó, nguồn lực nhà nước giai đoạn trước chỉ chiếm có 10%, thì giai đoạn này điều chỉnh lên 13% trong hoàn cảnh kinh tế, ngân sách khó khăn. Do vậy, trong tổng số 2,4 triệu tỷ đồng đầu tư cho 9 năm, riêng phần Nhà nước, ngân sách đã tập trung tới 13,2%, thì cũng là một cố gắng chung.

“Trong chỉ đạo, chúng ta cũng chú ý những vùng miền núi khó khăn. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng là kết quả cuối cùng chưa được đồng đều”, Bộ trưởng thừa nhận.

Do vậy, tới đây, phải phân hạng lại để những vùng miền ít điều kiện phải được ưu tiên nhiều hơn nữa, không chỉ chính sách về kinh tế - xã hội miền núi mà ngay trong Chương trình này.

“Bộ đang xây dựng lại tiêu chí phân bổ; tăng nguồn lực nhà nước; thay đổi bộ tiêu chí, 19 nhóm tiêu chí nay mai cũng phải thay đổi và không lấy đơn vị xã, mà phải lấy đơn vị thôn bản. Bởi, nếu lấy đơn vị xã, thì có nhiều nơi 20 năm nữa cũng không xây dựng được nông thôn mới”, Bộ trưởng cho biết./.