TS. Bùi Văn Thời

Phó Trưởng khoa Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Email: bvthoi@ntt.edu.vn

ThS. Huỳnh Minh Tâm

Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Email: tamhm@ntt.edu.vn

Huỳnh Lê Trúc Giang

Trung tâm Dịch vụ và quản lý ký túc xá - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Email: hltgiang@ntt.edu.vn

Tóm tắt

Thông qua khảo sát 425 đáp viên là sinh viên thuộc 5 khối ngành của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành khu vực TP. Hồ Chí Minh, nghiên cứu nhằm khám phá các nhân tố ảnh hưởng tới Cảm nhận hạnh phúc của sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thông qua sự hài lòng của sinh viên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các nhân tố: Chương trình đào tạo, Giảng viên, Sự hỗ trợ sinh viên, Cơ sở vật chất, Chương trình học tập tại doanh nghiệp, Hoạt động ngoại khoá, Cân bằng cuộc sống có tác động tích cực tới tới Cảm nhận hạnh phúc của sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thông qua Sự hài lòng của sinh viên. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, có sự khác biệt về mối tác động các biến trong mô hình giữa việc lựa chọn khối ngành theo học của sinh viên.

Từ khóa: cảm nhận hạnh phúc, sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Summary This study aims to explore factors affecting the Sense of happiness of students at Nguyen Tat Thanh University through Student satisfaction by surveying 425 students from 5 majors of Nguyen Tat Thanh University in Ho Chi Minh City. Research results show that factors including Training programs, Lecturers, Student support, Facilities, Corporate learning programs, Extracurricular activities, and Life balance positively impact the Sense of happiness of students at Nguyen Tat Thanh University through Student satisfaction. The research results also show a difference in the impact of variables in the model between students’ choice of major.

Keywords: Sense of happiness, students, Nguyen Tat Thanh University

GIỚI THIỆU

Hạnh phúc bắt nguồn từ việc xác định các kỹ năng, năng lực và điểm mạnh của bản thân; sau đó trau dồi nó để giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn (Peterson và cộng sự, 2005). Cảm nhận hạnh phúc bản chất và cảm nhận hạnh phúc hưởng thụ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nhưng cũng có sự khác biệt. Trong khi cảm nhận hạnh phúc thụ hưởng liên quan đến sự hưởng thụ cảm xúc tích cực, tránh xa những cảm xúc tiêu cực thì cảm nhận hạnh phúc bản chất lại liên quan đến sự nỗ lực vượt qua thử thách. Tuy nhiên, cảm nhận hạnh phúc của sinh viên tại các trường đại học hiện nay còn nhiều khác biệt; có bạn thì cảm nhận tích cực, có bạn tiêu cực. Do đó, vấn đề tâm lý của sinh viên, đặc biệt là cảm nhận hạnh phúc của sinh viên đã được nhiều tác giả trên thế giới và trong nước quan tâm (Aulia và cộng sự, 2020).

Tuy nhiên ở Việt Nam, các nghiên cứu về cảm nhận hạnh phúc của sinh viên còn hạn chế về số lượng tại các trường đại học nói chung và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nói riêng. Chính vì vậy, nghiên cứu chủ đề “Các nhân tố ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc của sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành” là cần thiết đối với sự phát triển của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành hiện nay.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết và giả thuyết nghiên cứu

Hạnh phúc

Theo Diener (2000), hạnh phúc được định nghĩa hạnh phúc chủ quan là sự đánh giá nhận thức và tình cảm của một người đối với cuộc sống của họ. Những đánh giá này bao gồm các phản ứng cảm xúc đối với các sự kiện, cũng như những đánh giá nhận thức về sự hài lòng và thỏa mãn với cuộc sống. Ngoài ra, hạnh phúc là một trải nghiệm mang tính chủ quan và nó rất khác nhau ở mỗi con người chúng ta khi cảm nhận nó (Huỳnh Văn Sơn và Hồ Ngọc Kiều, 2023).

Sự hài lòng sinh viên

Theo Khan và Yildiz (2020) sự hài lòng của sinh viên thể hiện rõ qua hành động của họ. Họ giới thiệu trường đại học cho bạn bè và người thân của họ nếu họ hài lòng với trường. Một chiều hướng khác của sự hài lòng của sinh viên là ý định giữ lại hoặc mua lại các dịch vụ của cùng một trường đại học nếu họ được trao một cơ hội khác (Khan & Yildiz, 2020).

Các nhân tố tác động vào sự hài lòng và hạnh phúc của sinh viên

Nguyễn Quân và cộng sự (2023) chỉ ra, chương trình đào tạo có tác động vào sự hài lòng của sinh viên. Ngoài ra, giảng viên có tác động vào sự hài lòng của sinh viên (Võ Văn Việt, 2017). Trong khi đó, Huỳnh Thế Nguyễn và cộng sự (2024) chỉ ra, sự hỗ trợ sinh viên và hoạt động ngoại khoá có tác động vào sự hài lòng của sinh viên. Còn Nguyễn Thị Xuân Hương và cộng sự (2016) chỉ ra, cơ sở vật chất có tác động dương tới sự hài lòng của sinh viên. Hà Thị Thuỳ Dương và Trần Thị Thu Khánh, (2023) khẳng định, chương trình học tập tại doanh nghiệp có ảnh hưởng tới sự hài lòng của sinh viên. Nghiên cứu của Đỗ Thị Ngọc Anh (2021) cho rằng, cân bằng cuộc sống có tác động vào hạnh phúc của sinh viên. Đặc biệt, sự hài lòng của sinh viên có tác động tới sự hạnh phúc sinh viên (Zyl và Dhurup, 2018).

Từ các nhận định trên, nhóm tác giả đưa ra các giả thuyết nghiên cứu như sau:

H1: Chương trình đào tạo có tác động tới Sự hài lòng của sinh viên.

H2: Giảng viên có tác động tới Sự hài lòng của sinh viên.

H3: Sự hỗ trợ sinh viên có tác động tới Sự hài lòng của sinh viên.

H4: Cơ sở vật chất có tác động tới Sự hài lòng của sinh viên.

H5: Chương trình học tập tại doanh nghiệp có tác động tới Sự hài lòng của sinh viên.

H6: Hoạt động ngoại khoá có tác động tới Sự hài lòng của sinh viên.

H7: Cân bằng cuộc sống có tác động tới Sự hài lòng của sinh viên.

H8: Sự hài lòng của sinh viên có tác động tới Cảm nhận hạnh phúc của sinh viên.

Ngoài ra, khi Sự hài lòng có tác động tới Cảm nhận hạnh phúc của sinh viên (H8) thì sẽ có các hướng tác động gián tiếp tới Cảm nhận hạnh phúc của sinh viên qua trung gian Sự hài lòng; do đó, nhóm tác giả đề xuất các giả thuyết sau:

H9: Chương trình đào tạo có tác động gián tiếp tới Cảm nhận hạnh phúc của sinh viên qua Sự hài lòng.

H10: Giảng viên có tác động gián tiếp tới Cảm nhận hạnh phúc của sinh viên qua Sự hài lòng.

H11: Sự hỗ trợ sinh viên có tác động gián tiếp tới Cảm nhận hạnh phúc của sinh viên qua Sự hài lòng.

H12: Cơ sở vật chất có tác động gián tiếp tới Cảm nhận hạnh phúc của sinh viên qua Sự hài lòng.

H13: Chương trình học tập tại doanh nghiệp có tác động gián tiếp tới Cảm nhận hạnh phúc của sinh viên qua Sự hài lòng.

H14: Hoạt động ngoại khoá có tác động gián tiếp tới Cảm nhận hạnh phúc của sinh viên qua Sự hài lòng.

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Từ các giả thuyết nói trên, nhóm tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Các nhân tố ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc của sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Nguồn: Nhóm tác giả xây dựng

Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện nghiên cứu này, nhóm tác giả tiến hành khảo sát đối với 425 đáp viên là sinh viên thuộc 5 khối ngành của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành khu vực TP. Hồ Chí Minh. Kích thước mẫu đủ để thực hiện cho các kiểm định trong nghiên cứu này. Trong 425 mẫu khảo sát, tỷ lệ nam và nữ khá tương đồng (nam chiếm 45.9% và nữ chiếm 54.1%) và tỷ lệ sinh viên phân theo khối ngành cụ thể là: khối sức khoẻ chiếm 20.5%; khối kỹ thuật công nghệ chiếm 25.2%; khối kinh tế và quản trị chiếm 26.4%; khối xã hội nhân văn chiếm 16.9% và sau cùng là khối mỹ thuật - nghệ thuật chiếm 11.1%. Thời gian khảo sát được tiến hành từ ngày 15/03/2024 đến ngày 17/04/2024 (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Kết quả kỉểm định CFA

Kết quả kỉểm định CFA ở Hình 2 cho thấy, các thành phần: Chương trình đào tạo, Giảng viên, Sự hỗ trợ sinh viên, Cơ sở vật chất, Chương trình học tập tại doanh nghiệp, Hoạt động ngoại khoá, Cân bằng cuộc sống, Sự hài lòng của sinh viên, Cảm nhận hạnh phúc của sinh viên có kết quả đều thoả mãn các điều kiện: TLI = 0.988 > 0.9; CFI = 0.989 > 0.9; GFI = 0.915 và RMSEA = 0.019 < 0.05; Chi-square/df = 1.150 < 5. Vì vậy, mô hình đo lường phù hợp với dữ liệu thực tế.

Hình 2: Kết quả phân tích CFA

Các nhân tố ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc của sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Nguồn: Tổng hợp từ kết quả phân tích

Kết quả ở Bảng 1 cho thấy:

- Tất cả giá trị của MSV đều < AVE, các giá trị SQRTAVE đều lớn hơn tất cả các tương quan giữa các cấu trúc (Inter-Construct Correlations).

- Những giá trị của CR đều > 0.7, do đó độ tin cậy thang đo được đảm bảo.

- Tất cả giá trị AVE đều > 0.5, do đó tính hội tụ được đảm bảo.

Bảng 1: Đánh giá sự phù hợp của mô hình

Các nhân tố ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc của sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả phân tích

Kết quả kiểm định SEM

Qua phân tích SEM ở Hình 3 cho thấy, hệ số tác động của chương trình đào tạo (β = 0.218; P = 0.033) vào Sự hài lòng của sinh viên (H1); Giảng viên (β = 0.193; P = 0.023) tác động tới Sự hài lòng của sinh viên (H2); Sự hỗ trợ sinh viên (β = 0.292; P = 0.000) tác động tới Sự hài lòng của sinh viên (H3); Cơ sở vật chất (β = 0.229; P = 0.009) tác động tới Sự hài lòng của sinh viên (H4); Chương trình học tập tại doanh nghiệp (β= 0.300; P = 0.002) tác động tới Sự hài lòng của sinh viên (H5); Hoạt động ngoại khoá (β = 0.269; P = 0.031) tác động tới Sự hài lòng của sinh viên (H6); Cân bằng cuộc sống (β = 0.154; P = 0.021) tác động tới Cảm nhận hạnh phúc của sinh viên (H7); Sự hài lòng của sinh viên (β = 0.083; P= 0.016) tác động vào cảm nhận hạnh phúc của sinh viên (H8); chương trình đào tạo (β = 0.015; P = 0.040) tác động gián tiếp tới Sự cảm nhận hạnh phúc của sinh viên qua sự hài lòng (H9); Giảng viên (β = 0.017; P = 0.048) tác động gián tiếp vào Cảm nhận hạnh phúc của sinh viên qua sự hài lòng (H10); Sự hỗ trợ sinh viên (β = 0.025; P = 0.012) tác động gián tiếp vào cảm nhận hạnh phúc của sinh viên qua sự hài lòng (H11); Cơ sở vật chất (β = 0.018; P = 0.030) tác động gián tiếp vào cảm nhận hạnh phúc của sinh viên qua sự hài lòng (H12); chương trình học tập tại doanh nghiệp (β = 0.023; P = 0.012) tác động gián tiếp tới Cảm nhận hạnh phúc của sinh viên qua sự hài lòng (H13); Hoạt động ngoại khoá (β = 0.015; P = 0.027) tác động gián tiếp vào Cảm nhận hạnh phúc của sinh viên qua sự hài lòng (H14). Do đó, chấp nhận tất cả 14 giả thuyết đã đặt ra.

Hình 3: Kết quả phân tích SEM

Các nhân tố ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc của sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Nguồn: Tổng hợp từ kết quả phân tích

Bảng 2: Phân tích đa nhóm của khối ngành theo học

Các nhân tố ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc của sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Nguồn: Tổng hợp từ kết quả phân tích

Kết quả kiểm định sự khác biệt các chỉ tiêu tương thích giữa mô hình khả biến và bất biến từng phần theo Bảng 2 cho thấy, sự khác biệt giữa hai mô hình có ý nghĩa thống kê (P-value = 0.000 < 0.05), bác bỏ giả thuyết H0, như vậy có sự khác biệt Chi-square giữa mô hình khả biến và mô hình bất biến. Vì thế, mô hình khả biến được chọn và cho phép kết luận rằng: Có sự khác biệt về mối tác động các biến trong mô hình giữa việc lựa chọn khối ngành theo học của sinh viên.

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý

Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy, Chương trình đào tạo, Giảng viên, Sự hỗ trợ sinh viên, Cơ sở vật chất, Chương trình học tập tại doanh nghiệp, Hoạt động ngoại khoá, Cân bằng cuộc sống là 7 nhân tố có tác động trực tiếp đến Sự hài lòng và tác động gián tiếp đến Cảm nhận hạnh phúc của sinh viên qua trung gian Sự hài lòng. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra, có sự khác biệt về mối tác động các biến trong mô hình giữa việc lựa chọn khối ngành theo học của sinh viên.

Hàm ý

Dựa vào kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số hàm ý giải pháp đối với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành như sau:

Một là, thường xuyên tập trung cải thiện chương trình đào tạo theo quy chế và luật giáo dục và cần công bố chính thức và giải thích đầy đủ cho sinh viên; khối lượng học tập cần được phân bổ phù hợp theo mỗi học kỳ. Cân bằng tỷ lệ lý thuyết và thực hành.

Hai là, quan tâm thường xuyên đến đến các hoạt động tương tác, giao tiếp và giảng dạy của giảng viên, để giảng viên làm tốt công việc động viên, hướng dẫn và dành nhiều thời gian đến các hoạt động học tập, nghiên cứu của sinh viên.

Ba là, khích lệ, động viên đội ngũ hỗ trợ, để từ đó họ làm tốt công tác hỗ trợ, giải quyết các vấn đề liên quan đến sinh viên.

Bốn là, bố trí sắp xếp nhân sự đánh giá định kỳ các thiết bị hỗ trợ cho công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu, từ đó có chính sách thay mới hoặc nâng cấp phù hợp.

Năm là, tổ chức các hoạt động ngoại khoá thường xuyên giúp cho sinh viên trải nghiệm và học hỏi nhiều hơn từ thực tế

Sáu là, thường xuyên tổ chức các hoạt động phong trào giúp sinh viên cân bằng việc học và xây dựng ngày càng nhiều các câu lạc bộ dành cho sinh viên.

Sau cùng, qua phân tích cho thấy, có sự khác biệt về mối tác động các biến trong mô hình giữa việc lựa chọn khối ngành theo học. Do đó, Nhà trường nên quan tâm và hỗ trợ cho sinh viên trong việc lựa chọn khối ngành phù hợp để theo học./.

Tài liệu tham khảo

1. Aulia, F., Hastjarjo, T. D., Setiyawati, D., Patria, B. (2020), Student Well-being: A Systematic Literature Review, Buletin Psikologi, 28(1), 1–14.

2. Diener, E. (2000), Subjective well-being: The science of happiness and a proposal for a national index, American Psychologist, 55(1), 34–43.

3. Đinh Thị Thi, Lê Thái Phượng (2022), Các nhân tố ảnh hưởng đến cảm nhận hạnh phúc của sinh viên – Nghiên cứu tại trường đại học kiến trúc Đà Nẵng, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Thái Nguyên, 227(12), 34–44.

4. Đỗ Thị Ngọc Anh (2021), Một số nhân tố tác động đến hạnh phúc của sinh viên: Nghiên cứu tại Trường Đại học Lạc Hồng, Tạp chí Công Thương, 25, 304–309.

5. Hà Thị Thuỳ Dương, Trần Thị Thu Khánh (2023), Mối quan hệ giữa học tập trải nghiệm, kỹ năng đáp ứng công việc với sự hài lòng của sinh viên ngành Quản lý khách sạn tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, 21(1), 29–38.

6. Huỳnh Thế Nguyễn, Phạm Ngọc Dưỡng, Trương Thị Thúy Vị, Bùi Thị Tố Loan (2024), Sự hài lòng của sinh viên với chất lượng dịch vụ hỗ trợ đào tạo tại Trường Đại học Tài chính – Marketing, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính – Marketing, 81(5), 134–146.

7. Huỳnh Văn Sơn, Hồ Ngọc Kiều (2023)., Thực trạng cán bộ quản lí, giáo viên và học sinh thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường học hạnh phúc tại các trường trung học phổ thông tỉnh Long An, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 20(6), 1093–1105.

8. Khan, N. U. S., Yildiz, Y. (2020), Impact of Intangible Characteristics of Universities on Student Satisfaction, Revista Amazonia Investiga, 9(26), 105–116.

9. Nguyễn Ngọc Phương Dung, Lưu Hớn Vũ (2015), Sự hài lòng của sinh viên về chương trình đào tạo ngành ngôn ngữ anh của Trường Đại Học Ngân hàng Thành Phô Hồ Chí Minh, Tạp chí Công Thương, 3(4), 210–217.

10. Nguyễn Quân, Đặng Trần Ngọc Thanh, Trần Thụy Khánh Linh (2023), Sự hài lòng của sinh viên điều dưỡng về chương trình đào tạo tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Tạp chí Khoa học Điều dưỡng, 6(5), 34–47.

11. Nguyễn Thị Xuân Hương, Nguyễn Thị Phượng, Vũ Thị Hồng Loan (2016), Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của sinh viên với điều kiện cơ sở vật chất và phục vụ của Trường Đại học Lâm nghiệp, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp, 2, 163–172.

12. Peterson, C., Park, N., Seligman, M. E. P. (2005), Orientations to happiness and life satisfaction: The full life versus the empty life, Journal of Happiness Studies, 6(1), 25–41.

13. Petruzzellis, L., D’Uggento, A. M., Romanazzi, S. (2006), Student satisfaction and quality of service in Italian universities, Managing Service Quality, 16(4), 349–364.

14. Võ Văn Việt (2017), Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng về chất lượng dịch vụ đào tạo: một nghiên cứu từ cựu sinh viên trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học - Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 14(4), 171–182.

15. Zyl, Y. van, Dhurup, M. (2018), Self-efficacy and its relationship with satisfaction with life and happiness among university students, Journal of Psychology in Africa, 28(5), 389–393.

Ngày nhận bài: 12/6/2024; Ngày phản biện: 17/6/2024; Ngày duyệt đăng: 27/6/2024