Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định du học bán phần của sinh viên: Nghiên cứu tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
ThS. Tăng Thị Bích Hiền
Khoa Quản trị kinh doanh – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Email: ttbhien@ntt.edu.vn
ThS. Nguyễn Thị Bích Liên
Khoa Quản trị kinh doanh - Đại học Nguyễn Tất Thành
Email: ntblien@ntt.edu.vn
Tóm tắt
Thông qua kết quả khảo sát 254 sinh viên (SV) Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có ý định du học bán phần, nghiên cứu nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến ý định du học bán phần của SV Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 2 yếu tố có ảnh hưởng cùng chiều đến Ý định du học bán phần, được sắp xếp theo mức độ ảnh hưởng giảm dần là: Chuẩn chủ quan; Nhận thức về kiểm soát hành vi. Riêng yếu tố Nhận thức rủi ro có ảnh hưởng trái chiều đến Ý định du học bán phần của SV Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Từ khóa: ý định du học bán phần, sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Summary
Through the survey results of 254 students at Nguyen Tat Thanh University who intend to study abroad part-time, the study aims to determine the factors affecting the intention to study abroad part-time of Nguyen Tat Thanh University students. The research results show 2 factors that have the same influence on the intention to study abroad part-time, arranged in order of decreasing influence: Subjective norms and Perception of behavioral control. In particular, the Perception of risk has the opposite impact on Nguyen Tat Thanh University students' intention to study abroad part-time.
Keywords: intention to study abroad part-time, students, Nguyen Tat Thanh University
GIỚI THIỆU
Cùng với sự phát triển của kinh tế và hội nhập quốc tế thì trau dồi và phát triển kiến thức, kỹ năng để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội là nhu cầu cần thiết và ngày một gia tăng. Điều này thúc đẩy du học trở nên một xu hướng tất yếu và phổ biến trong những năm gần đây tại nước ta. Du học là cơ hội để SV hiểu thêm về bản thân, xây dựng sự tự tin, gặp gỡ những người mới và trải nghiệm những nền văn hóa mới cùng với nhiều kết quả tích cực khác. Du học được coi là “xương sống” để sản sinh ra một công dân tiềm năng hoạt động hiệu quả trong xã hội và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và quốc gia (Nguyễn, 2021).
Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều SV đang học tập, nghiên cứu tại nước ngoài. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch Covid-19, xuất hiện cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ và xu hướng hội nhập toàn cầu ngày càng sâu, rộng thì xu hướng du học cũng có sự thay đổi, xu hướng du học tại chỗ và du học bán phần gần đây trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, bởi chính sách giáo dục rộng mở, nhiều trường học quốc tế đã tập trung cung cấp chương trình hấp dẫn, bằng cấp quốc tế và tập trung vào các ngành hot trong tương lai. Kết quả là SV có thể tiếp cận nền giáo dục nước ngoài với chi phí tiết kiệm hơn so với du học trực tiếp; được tham gia cùng đội ngũ giảng viên quốc tế nhưng không phải đến các vùng đất xa lạ; gia đình vẫn có thể quan tâm và quản chế thường xuyên (Trường Thịnh, 2020). Do đó, hoạt động đào tạo song bằng, du học bán phần sẽ là thị phần phù hợp để các trường đại học mở rộng hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của SV Việt Nam. Bài viết này sẽ nghiên cứu ý định du học bán phần, một đề tài tương đối mới mẻ tại Việt Nam
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Du học bán phần
Du học bán phần gồm: Học kỳ trao đổi tại nước ngoài; Thực tập và đào tạo tại nước ngoài; Hoạt động tình nguyện (trong chương trình học) tại nước ngoài, Chương trình học ngoại ngữ (trong chương trình học) tại nước ngoài (theo Achinto Roy và cộng sự, 2018).
Tại Việt Nam, du học bán phần là hình thức SV sẽ học tập tại Việt Nam trong giai đoạn đầu sau đó chuyển tiếp du học tại các quốc gia tiên tiến. Hình thức này thường được triển khai theo hình thức 2-2 (2 năm ở Việt nam và 2 năm ở nước ngoài) hoặc 3-1 (3 năm ở Việt Nam và 1 năm ở nước ngoài) và 1-3 (1 năm ở Việt Nam và 3 năm ở nước ngoài). Đối với hình thức du học này, giai đoạn đầu học tại Việt Nam là khoảng thời gian giúp SV làm quen với chương trình, phương thức giảng dạy tại bậc đại học và tạo dựng kiến thức nền tảng để sẵn sàng chuyển tiếp du học ở giai đoạn sau
Ý định du học bán phần
Theo Ajzen (2002), ý định là hành động của con người hướng dẫn bởi việc cân nhắc 3 yếu tố niềm tin vào hành vi, niềm tin vào chuẩn mực và niềm tin vào sự kiểm soát. Các niềm tin càng mạnh thì ý định hành động của con người càng lớn. Theo Kotler và cộng sự (2001), ý định mua được hình thành trong giai đoạn đánh giá các phương án mua theo một thang điểm mà người tiêu dùng lựa chọn để đánh giá. Nếu bỏ qua các yếu tố cản trở thì quyết định mua của khách hàng sẽ là những lựa chọn được đánh giá cao nhất.
Ý định là kế hoạch hay khả năng một người nào đó sẽ thực hiện một hành động cụ thể trong một bối cảnh nhất định, ý định hành động là động lực chính dẫn đến hành vi (Ajzen, 1991). Chính vì thế, trong một số nghiên cứu, các tác giả đánh giá ý định mua trước khi hoặc thay cho việc nghiên cứu hành vi thực tế. Theo Ajzen và Fishbein (1980), ý định hành vi là khả năng mà cá nhân nghĩ là sẽ thực hiện hành vi mục tiêu.
Qua các khái niệm được trình bày ở trên, nhóm tác giả nhận thấy, khái niệm được đưa ra bởi Ajzen và Fishbein (1980) là phù hợp với mục tiêu và được sử dụng trong đề tài, nghĩa là Ý định du học bán phần là khả năng SV nghĩ sẽ thực hiện hành vi du học bán phần.
Giả thuyết và mô hình nghiên cứu đề xuất
Thái độ đối với ý định du học bán phần của SV
Thái độ đối với hành vi là mức độ mà một người đánh giá một hành vi là tích cực hoặc tiêu cực (Fishbein và Ajzen, 1975). Thái độ là một trạng thái tâm lý diễn tả sự đánh giá một chủ.
Các kết quả nghiên cứu trước đây về du học nước ngoài, du học bán phần ứng dụng TPB trong nghiên cứu (Goel và cộng sự, 2010; Presley và cộng sự, 2010; Schnusenberg và cộng sự, 2012; Zhuang và cộng sự, 2015; Phan Anh Tú và Trịnh Thúy Hằng (2016), Nguyễn Lý Kiều Chinh (2021) đều cho thấy thái độ có ảnh hưởng tích cực tới ý định hành vi tuy nhiên mức độ quan trọng của yếu tố này đối với ý định hành vi du học của các nghiên cứu có sự khác biệt do bối cảnh, đối tượng nghiên cứu có sự khác biệt. Trong nghiên cứu này, thái độ được dùng để chỉ trạng thái tâm lý là thích hay không thích của SV đối với việc tham gia du học bán phần. Rõ ràng thái độ của SV có ảnh hưởng đến ý định học du học bán phần của họ. Do đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết sau:
H1: Thái độ của SV về hành vi du học bán phần có tác động tích cực đến Ý định du học bán phần.
Chuẩn chủ quan đối với ý định du học bán phần của SV
Chuẩn chủ quan là nhận thức của cá nhân về những tác động xã hội để thực hiện hoặc không thực hiện hành vi (Ajzen và Fishbein, 1980) đề cập đến nhận thức áp lực xã hội từ những người quan trọng khác, như: gia đình, đồng nghiệp và xã hội để thực hiện hành vi mục tiêu. Những tham chiếu quan trọng này có ảnh hưởng đến mong muốn của một cá nhân (Leone và cộng sự, 2004; Prestwich và cộng sự, 2008). Trong đề án nghiên cứu này của nhóm tác giả, chuẩn chủ quan là nhận thức của SV về những tác động xã hội để thực hiện hay không thức hiện hành vi du học bán phần.
Tương tự như tác động của thái độ SV đối với ý định hành vi du học bán phần, chuẩn chủ quan có tác động tích cực đến ý định du học của SV (Goel và cộng sự, 2010; Presley và cộng sự 2010; Schnusenberg và cộng sự, 2012; Zhuang và cộng sự, 2015, Phan Anh Tú, Trịnh Thúy Hằng (2016), Nguyễn Lý Kiều Chinh (2021). Do đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết như sau:
H2: Chuẩn chủ quan của SV về hành vi du học bán phần có tác động tích cực đến Ý định du học bán phần.
Nhận thức kiểm soát hành vi đối với ý định du học bán phần của SV
Nhận thức kiểm soát hành vi có vai trò quan trọng như sự tự đánh giá của mỗi cá nhân về sự khó khăn hay dễ dàng trong việc thực hiện một hành vi. Càng nhiều nguồn lực và cơ hội, họ nghĩ rằng sẽ càng có ít cản trở và việc kiểm soát nhận thức đối với hành vi sẽ càng lớn. Theo Ajzen (1991), yếu tố nhận thức kiểm soát này xuất phát từ sự tự tin của cá nhân người dự định thực hiện hành vi và điều kiện dễ dàng và thuận lợi để thực hiện hành vi. Trong nghiên cứu này, nhận thức về khả năng kiểm soát đề cập đến niềm tin, mong muốn của cá nhân thực hiện hành vi du học bán phần.
Các kết quả nghiên cứu trước đây về du học nước ngoài, du học bán phần ứng dụng Lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB) của Fishbein và Ajzen (1975 (1975) trong nghiên cứu Phan Anh Tú, Phạm Thúy Hằng (2016) đều cho thấy, nhận thức kiểm soát hành vi có ảnh hưởng quan trọng tích cực đến ý định du học của SV. Do đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết như sau:
H3: Nhận thức kiểm soát hành vi của SV về hành vi du học bán phần có tác động tích cực đến Ý định du học bán phần.
Rủi ro nhận thức đối với ý định du học bán phần của SV
Niềm tin về cảm nhận rủi ro được như là một yếu tố trọng yếu liên quan đến ý định mua của người tiêu dùng (Brzezińska, Maciejewski, 2015). Đối với mỗi cá nhân khác nhau thì mức độ cảm nhận về rủi ro cũng khác nhau. Theo Dowling và Staelin (1994), cảm nhận về rủi ro là sự không chắc chắn hoặc các kết cục tiêu cực của việc mua một sản phẩm. Lepp và Gibson (2003) cho rằng: Cảm nhận về rủi ro là sự thể hiện thái độ tiêu cực của con người đối với một sự vật nào đó mang đến cảm giác e ngại, dè chừng của họ từ đó dẫn đến tâm lý sợ hãi và hạn chế tiếp xúc với sự vật đó. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, cảm nhận về rủi ro có tác động âm đến ý định hành vi tiêu dùng (Grewal và cộng sự, 2007). Theo nguồn gốc hình thành rủi ro, thì có nhiều rủi ro. Jacoby và Kaplan, 1972 phân loại nhận thức rủi ro của người tiêu dùng thành 5 loại: Rủi ro tài chính; Rủi ro tâm lý; Rủi ro vật lý; Rủi ro thực hiện; Rủi ro xã hội. Dựa vào nghiên cứu trước của Nguyễn Lý Kiều Chinh (2021) cùng với việc tìm hiểu lý thuyết về rủi ro, nhóm tác giả nhận thấy, nội dung cảm nhận về rủi ro tâm lý phù hợp nhất. Như vậy, trong nghiên cứu này, rủi ro nhận thức là những cảm nhận, suy nghĩ tiêu cực của SV về du học bán phần.
Kết quả nghiên cứu trước đây về du học nước bán phần ứng dụng tác giả Nguyễn Lý Kiều Chinh (2021) cho thấy, rủi ro nhận thức có ảnh hưởng quan trọng tiêu cực đến ý định du học bán phần của SV. Do đó, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết như sau:
H4: Rủi ro nhận thức của SV về hành vi du học bán phần có tác động tiêu cực đến Ý định du học bán phần.
Từ các giả thuyết nghiên cứu đề xuất, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến Ý định hành vi du học bán phần của SV Trường Đại học Nguyễn Tất Thành như Hình 1.
Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất
Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất |
Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện nghiên cứu này, nhóm tác giả tiến hành khảo sát đối với 254 đáp viên là SV thuộc Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đang có ý định du học bán phần. Kích thước mẫu đủ để thực hiện cho các kiểm định trong nghiên cứu này. Thời gian khảo sát được tiến hành từ tháng 3-10/2024 (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Đánh giá độ tin cậy Cronbach’s Alpha của thang đo
Bảng 1: Thống kê độ tin cậy thang đo
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu |
Bảng 1 cho thấy, các hệ số Cronbach’s Alpha của các biến độc lập và biến phụ thuộc đều > 0.6. Đồng thời, các biến quan sát có hệ số tương quan biến thành phần - biến tổng > 0.3. Điều này minh chứng rằng, các khái niệm thang đo của từng nhân tố trong nghiên cứu được thiết kế hợp lý và đáng tin cậy.
Phân tích EFA
Phân tích EFA các biến độc lập
Phân tích nhân tố EFA được áp dụng với 20 biến (4 nhóm nhân tố ảnh hưởng đến Ý định hành vi du học bán phần). Kết quả cho thấy, bộ dữ liệu hoàn toàn phù hợp để phân tích EFA. Trong đó, hệ số tải KMO = 0.852; Sig. của kiểm định Bartlet = 0.000 < 0.05; tổng phương sai trích là 61.578 > 50.0%. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như mong đợi, quan sát ma trận xoay Pattern Matrix khi chạy phân tích EFA cho thấy, biến, ATT2, ATT3 lần lượt có hệ số tải nhân tố < 0.5 (Hệ số tải nhân tố ATT2 là 0.497 và ATT3 là 0.435), nên 2 biến này sẽ bị loại. Ngoài ra, biến ATT1 được tải lên cùng lúc 2 nhân tố, nhưng có độ chênh lệch hệ số tải tính được là 0.504 – 0.317 < 0.3, nên vi phạm giá trị phân biệt, do đó biến ATT1 bị loại.
Sau khi loại bỏ các biến ATT1, ATT2, ATT3, kết quả EFA cho thấy còn 3 nhóm nhân tố ảnh hưởng đến ý định du học bán phần thỏa mãn, đồng thời các điều kiện đảm bảo giá trị phân biệt và giá trị hội tụ, như sau: KMO = 0.840 > 0.5; Sig. = 0.000 < 0.05 (Bảng 2); Tổng phương sai trích là 63.544% > 50.0%; Các hệ số tải đều > 0.5 (Bảng 3).
Bảng 2: Kết quả kiểm định KMO và kiểm định Barlett sau khi đã loại biến
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu |
Bảng 3: Hệ số tải các yếu tố ảnh hưởng đến Ý định hành vi
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu |
Như vậy, sau khi phân tích EFA, rút trích được 3 nhóm nhân tố tương ứng trong mô hình với 13 biến quan sát, trong đó:
Nhân tố Nhận thức về kiểm soát hành vi gồm 5 biến quan sát từ PBC1 đến PBC5, với hệ số tải đều > 0.5 và thấp nhất là 0.687 (Biến PBC1). Kết luận, các biến quan sát đều hội tụ tốt về nhân tố Nhận thức kiểm soát hành vi.
Nhân tố Nhận thức rủi ro gồm 4 biến quan sát từ PR2 đến PR5, đều có hệ số tải > 0.5 và thấp nhất là 0.556 (Biến PR2) nên đều hội tụ tốt về nhận thức rủi ro.
Nhân tố Chuẩn chủ quan gồm 4 biến quan sát từ SN1 đến SN3 và PR1 đều có hệ số tải > 0.5, nên đều hội tụ tốt về chuẩn chủ quan.
Phân tích EFA biến phụ thuộc
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hệ số KMO = 0.753, nên EFA phù hợp với dữ liệu và thống kê Chi-Square của kiểm định Bartlett đạt giá trị 497.223 với mức ý nghĩa 0.000 < 0.05; do vậy, các biến quan sát có tương quan với nhau xét trên phạm vi tổng thể.
Bên cạnh đó, phương sai trích đạt được 69.201% thể hiện rằng, nhân tố rút ra giải thích 69.201% biến thiên của dữ liệu, tại hệ số Eigenvalue = 2.768. Do vậy, thang đo rút ra là được chấp nhận được.
Dựa vào kết quả phân tích EFA, các nhân tố trích ra đều đạt yêu cầu về giá trị và độ tin cậy. Trong đó, 4 thành phần của thang đo các khái niệm nghiên cứu (4 biến độc lập) trong mô hình lý thuyết được EFA phân tích còn 3 biến, bao gồm: (1) Chuẩn chủ quan (SN) với 4 biến quan sát; (2) Nhận thức về kiểm soát hành vi (PBC) với 5 biến quan sát ; (3) Nhận thức rủi ro (PR) với 4 biến quan sát. Khái niệm nghiên cứu của biến phụ thuộc được giữ nguyên là Ý định hành vi (BI) được đo lường với 4 biến quan sát. Mô hình nghiên cứu điều chỉnh từ kết quả phân tích EFA được trình bày lại trong Hình 2.
Hình 2: Mô hình nghiên cứu điều chỉnh
Nguồn: Nhóm tác giả thực hiện |
Phân tích hồi quy
Phân tích hồi quy dữ liệu đo lường mức độ phù hợp của mô hình nghiên cứu đề xuất và xác định các nhân tố tác động của ý định du học bán phần của SV Trường Đại học Nguyễn Tất Thành bao gồm: 3 biến độc lập (PBC, SN và PR) và 1 biến phụ thuộc ý định (BI).
Các kết quả trình bày Bảng 7 cho thấy, mô hình nghiên cứu phù hợp với dữ liệu (R2=24.6% và Sig. < 0.05) và ý định du học bán phần của SV ĐH Nguyễn Tất Thành chịu tác động của 3 nhân tố là: Chuẩn chủ quan (SN), Nhận thức hành vị kiểm soát (PBC), Nhận thức rủi ro (PR). Ngoài ra, mô hình không vi phạm giả thuyết đa cộng tuyến (VIF của các biến độc lập < 2) và giả thuyết tự tương quan tuyến tính bậc nhất (1.5 < DW < 2.5). Kết quả đo lường tác động của SN, PBC, PR đến BI cho thấy, 3 giả thuyết H2, H3 và H4 được chấp nhận, trong đó SN, PBC đều tác động tích cực (+) đến Ý định du học bán phần của SV Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, còn PR tác động tiêu cực (-) đến Ý định du học bán phần của SV Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Bảng 4: Kết quả phân tích hồi quy
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu |
Phương trình hồi quy có dạng như sau:
BI = 0.437*SN + 0.141*PBC – 0.025*PR
Từ kết quả phân tích hồi quy trên có thể thấy, biến SN, PBC có tác động cùng chiều đến Ý định du học bán phần của SV Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (BI) với hệ số Beta của SN là lớn nhất và vị trí thứ 2 là biến PBC. Điều đó lý giải rằng, sự tư vấn của gia đình (ba, mẹ), nhận xét từ các cựu du học sinh, thông tin đại chúng về các thông tin liên quan đến việc du học và thời gian du học bán phần có ảnh hưởng mạnh nhất đến ý định du học bán phần của SV Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ngoài ra, biến PR có tác động tiêu cực đến ý định du học điều này cho thấy, nếu kiểm soát tốt các rủi ro liên quan đến vấn đề chi phí, luật pháp, an toàn, sức khỏe, kết quả học tập sẽ giúp tăng cường ý định du học bán phần của SV Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ
Kết luận
Trên cơ sở tổng kết các lý thuyết nền tảng của ý định hành vi du học bán phần, tác giả đề xuất mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến ý định du học bán phần của SV Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đại học gồm 4 thành phần: Thái độ, Chuẩn chủ quan, Nhận thức về kiểm soát hành vi, Nhận thức rủi ro. Kết quả phân tích cho thấy có 2 yếu tố có ảnh hưởng cùng chiều đến Ý định du học bán phần được sắp xếp theo mức độ ảnh hưởng giảm dần là: Chuẩn chủ quan, Nhận thức về kiểm soát hành vi. Riêng yếu tố Nhận thức rủi ro có ảnh hưởng trái chiều đến Ý định du học bán phần của SV Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Hàm ý quản trị
- Nhà trường không nên chỉ quá tập trung vào SV là những du học sinh, mà còn cần phải truyền thông thông tin đến cả người thân của họ. Sự ảnh hưởng từ cựu du học sinh cũng đưa ra gợi ý về các chương trình chính sách cho nhóm này như tặng phí giới thiệu cho các cựu du học sinh.
- Vấn đề tài chính là một trong những nhận thức rủi ro của SV có ý định du học. Vì vậy, Nhà trường cần minh bạch tài chính, bổ sung rõ ràng các thông tin về tài chính trước, trong và sau khi quá trình đăng ký nhập học diễn ra.
- Tích cực truyền thông những lợi ích mới mà du học bán phần mang lại so với việc lựa chọn học trong nước hoặc du học toàn phần. Chẳng hạn như: những hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, tổ chức câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động trải nghiệm… Lựa chọn những lợi thế quan trọng để thực hiện truyền thông nhằm truyền tải những thông điệp tích cực đến phụ huynh (ba, mẹ) của SV đang có ý định du học, như: có thể định cư, tích lũy kinh nghiệm sống, rèn luyện tính kỷ luật, cơ hội việc làm, thu nhập tốt... kết nối toàn cầu thông qua các hội thảo giáo dục quốc tế để tạo niềm tin cho phụ huynh (Nguyen, 2024).
- Tham gia liên kết đào tạo vơi các cơ sở giáo dục quốc tế và tổ chức giáo dục danh tiếng nước ngoài. Bên cạnh đó cần thúc đẩy tinh thần học tập ngoại ngữ của SV, xây dựng môi trường học tập ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin AI hỗ trợ việc học tập, trải nghiệm của SV về việc học ngoại ngữ, tư vấn các chương trình du học bán phần./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ajzen, I. (1985), From intentions to Actions: A theory of Planned Behavior, in Action Control: from Cognition to Behavior, ed. Julius Kuhl and Jurgen Beckman, Heidelberg: Springer, 11-39
2. Ajzen, I. (1991), The Theory of Planned Behavior, Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50, 179-211.
3. Brzezińska, J., Maciejewski, G. (2015), Multivariate data in the estimation of consumer risk, Econometrics, Ekonometria, Advances in Applied Data Analytics, 3, 20-32.
4. Dowling, G. R., Staelin, R. (1994), A model of perceived risk and intended risk-handling activity, Journal of Consumer Research, 21(1), 119–134
5. Fishbein, M., Ajzen, I. (1975), Belief, Attitude, Intention, and Behavior: An Introduction to Theory and Research, Reading, MA: Addison-Wesley.
6. Goel, L., de Jong, P., and Schnusenberg, O. (2010), Toward a comprehensive framework of study abroad intentions and behaviors, Journal of Teaching in International Business, 21, 248-265.
7. Grewal, D., Gopalkrisnan, R.I., Gotlieb, J., and Levy, M. (2007), Developing a deeper understanding of post-purchase perceived risk and behavioural intentions in a service-setting, Journal of the Academy of Marketing Science, 35, 250-258.
8. Kaplan, L. B., Szybillo, G. J., Jacoby, J. (1974), Components of perceived risk in product purchase: A cross-validation, Journal of Applied Psychology, 59(3), 287–291
9. Kotler, P., Armstrong, G., Saunders, J., and Wong, V. (2001), Principles of Marketing, Prentice Hall, 9nd edition.
10. Leone, L., Perugini, M. and Ercolani, A. (2004), Studying, practicing, and mastering: a test of the model of goal-directed behavior (MGB) in the software learning domain, Journal of Applied Social Psychology, 34, 1945-1973.
11. Lepp, A., Gibson, H. (2003), Tourist roles, perceived risk and international tourism, Annals of tourism research, 30(3), 606-624.
12. Nguyen, M. H. (2024). Natural absurdity: How satirical fables can inform us of a vision for sustainability?. https://books.google.com/books?id=viQtEQAAQBAJ
13. Nguyễn Lý Kiều Chinh (2021), Các yếu tố tác động đến ý định “Du học bán phần” bậc đại học: Trường hợp nghiên cứu về nhận thức của học sinh trung học phổ thông ở một số tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Giáo dục, 513, kỳ 1, tháng 11/2021, 39-44.
14. Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang (2010), Nghiên cứu khoa học quản trị kinh doanh, Nxb Thống kê.
15. Phan Anh Tú và Trịnh Thúy Hằng (2016), Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến ý định du học sau khi tốt nghiệp của SV khoa kinh tế Đại học Cần Thơ, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 23, 122-129.
16. Roy, A., et al. (2018), Partial Study Abroad Programs: Exchange Semesters, Internships, Volunteer Activities, and Language Programs, International Education Studies.
17. Schnusenberg, O., de Jong, P. ang Goel, L. (2012), Predicting study abroad intentions based on the theory of planned behavior, Decision Sciences Journal of Innovative Education, 10, 337-361.
18. Trường Thịnh (2020), Du học bán phần chuyển đổi tín chỉ được nhiều sinh viên lựa chọn, truy cập từ https://isb.edu.vn/du-hoc-ban-phan-chuyen-doi-tin-chi-duoc-nhieu-sinh-vien-lua-chon/.
Ngày nhận bài: 06/11/2024; Ngày phản biện: 11/11/2024; Ngày duyệt đăng: 28/11/2024 |
Bình luận