Cải thiện môi trường kinh doanh: Không chỉ là “trên nóng dưới lạnh” mà “nóng - ấm không đều”
Toàn cảnh Hội thảo
Bộ đã “vào ga cuối”, Bộ mới qua chặng đầu
Điểm lại kết quả cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh giai đoạn 2014-2017, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), TS. Nguyễn Đình Cung đánh giá: “Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn còn. Thủ tướng, Phó Thủ tướng “nóng”, nhưng một số Bộ trưởng vẫn còn “lạnh”. Nhiều chủ tịch tỉnh, thành phố còn chưa “nóng”. Bộ trưởng “nóng” nhưng nhiều Cục trưởng, Vụ trưởng chưa “nóng”, còn có các chuyên viên “lạnh”, thậm chí rất “lạnh”…”.
Ông Cung cho biết, các cải cách quy định về điều kiện kinh doanh đạt một số kết quả, chuyển động tích cực, nhưng không đồng đều về quy mô, tốc độ và tính quyết liệt.
Hiện mới chỉ có Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng đã “vào ga cuối” từ rà soát, đề xuất phương án, đến thực hiện bãi bỏ, sửa đổi các điều kiện kinh doanh. Nhiều bộ mới qua “chặng đầu”, thậm chí chưa “xuất phát”.
Đây cũng là tình trạng của quá trình cải cách các quy định về kiểm tra chuyên ngành.
Dẫn trường hợp của Bộ Công Thương bãi bỏ kiểm tra formadehyte, thay đổi dán nhãn năng lượng, Bộ Y tế thay đổi phương thức quản lý về an toàn thực phẩm, Bộ Xây dựng bỏ 4 nhóm sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành, thống nhất 1 bộ quản lý mặt hàng phân bón… ông Cung chỉ rõ : “Mới chỉ có tiến bộ ở các chỉ số, các ngành, lĩnh vực có vấn đề nóng, vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, những vấn đề có phản biện, góp ý và yêu cầu mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp”.
Vì vậy, kết quả đạt được về cải cách quản lý chuyên ngành mới chỉ bước đầu, chưa mang tính hệ thống và còn xa so với mục tiêu đặt ra của Nghị quyết 19 là giảm 20% số lượng và 50% danh mục hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành.
Cần tăng thêm vai trò của tư nhân và tăng cường giám sát
Ghi nhận những kết quả đạt được của Việt Nam, nhưng bà Catherine Masine, Trưởng nhóm Tư vấn toàn cầu về các quy định kinh doanh (Ngân hàng Thế giới-WB) cho rằng, Việt Nam vẫn cách khá xa các nước. Vì vậy Việt Nam phải cải cách nhanh và mạnh hơn nữa và cần nhìn sang các nước láng giềng xem họ đang làm gì để tăng tốc nhằm đuổi kịp họ.
Bà Catherine Masine cho rằng, Việt Nam còn nhiều “dư địa” để nâng cao thứ hạng môi trường kinh doanh thông qua việc cải thiện những chỉ số môi trường kinh doanh đang ở thứ hạng thấp như phá sản doanh nghiệp, tranh chấp hợp đồng, khởi sự kinh doanh.
Bà Catherine gợi ý, cần có tầm nhìn ở cấp cao phải biến thành các mục tiêu hoạt động và kế hoạch hành động chi tiết tại tất cả các cấp. Cần thể chế hóa sự chỉ đạo – cần có một hệ thống tương tác minh bạch và hiệu quả giữa các cơ quan Chính phủ, từ trung ương tới địa phương, cần có báo cáo thường kỳ về kết quả thực hiện.
Với chỉ số khởi sự kinh doanh, bà Catherine Masine dẫn kinh nghiệm quốc tế cho biết: “Nhiều nước đã thành lập cơ chế hội đồng với sự tham gia của đại diện Chính phủ và đại diện doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân để thảo luận chương trình nghị sự, kế hoạch hành động nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra trong môi trường kinh doanh. Các bên phải có trách nhiệm giải trình về những gì mình đã cam kết thực hiện”.
Bổ sung cho ý kiến này, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione, nhấn mạnh rằng, việc kết nối và tháo bỏ các điểm nghẽn, thiết lập cơ chế phản hồi từ doanh nghiệp có vai trò quan trọng.
Đồng thời với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hành pháp
Cũng ghi nhận “4 năm qua đã tốt hơn, mỗi năm một tốt lên với những việc làm mới, phương thức mới dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng”, song chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề nghị phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương.
"Đang nổi lên vấn đề kỷ cương chưa nghiêm, đến nỗi từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và nhiều lãnh đạo cấp cao khác đều phải thốt lên rằng trên nóng dưới lạnh. Tại sao tất cả đều là người trong hệ thống, có kỷ cương mà có không thực hiện. Với tình trạng "trên nóng dưới lạnh" như hiện nay, không bao giờ có thể rượt đuổi để chờ công chức nóng lên được trong khi họ đang lạnh tanh với sự phát triển của doanh nghiệp, của đất nước", bà Lan thẳng thắn.
“Không chờ các bộ nữa”, Bà Lan nói, “Không thể chờ đợi công chức nóng lên trong khi họ đang lạnh tanh, phải tăng kỷ cương, có biện pháp kỷ luật ngay người không làm. Không có lý do gì mà người dân phải nộp thuế nuôi những người trong bộ máy cứ ngồi đó mà không chuyển động gây cản trở cho sự phát triển của doanh nghiệp, của đất nước”.
Nghị quyết 19/2018 sẽ cố gắng để có sự “nóng” đều và sẽ làm mạnh hơn
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, không chỉ là “trên nóng dưới lạnh” mà “nóng - ấm không đều”. Nguyên nhân do, trước đây tập trung vào một số chỉ tiêu chính nên bộ, ngành nào liên quan đến mấy chỉ tiêu chính thì có “nóng”, như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, thậm chí còn rất “nóng”. Nhưng còn lại thì chưa “nóng”.
Bởi vậy, Nghị quyết 19/2018 sẽ cố gắng để có sự “nóng” đều và sẽ làm mạnh hơn, sẽ đốc đầu việc kèm theo tiến độ thực hiện. Không thể chỉ cho rằng ra văn bản là đã làm mà phải đi đến cùng xem kết quả được đến đâu.
Năm 2018, Chính phủ vẫn tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, toàn diện hơn. Dự thảo Nghị quyết 19/2018 đang được lấy ý kiến các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp.
Dự thảo vẫn duy trì mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh, nhấn mạnh cải cách điều kiện kinh doanh và quản lý chuyên ngành.
Dự thảo cũng bổ sung thêm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics và ngành du lịch để hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu ngành nói riêng, thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, qua kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết 19 giai đoạn 2014-2017, năm nay việc thực hiện sẽ phải khắc phục tình trạng không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương và “trên nóng, dưới lạnh” ở ngay trong một bộ, ngành.
“Trước đây chúng ta chỉ tập trung cải thiện những chỉ số chính, nên những bộ, ngành nào liên quan thì có sức ép, động lực để thực hiện như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tài chính được nhắc đến rất nhiều, rất nóng. Năm nay những bộ chưa được chú ý lắm, dù chỉ 1-2 quy định, cũng phải chuyển động mạnh hơn, nóng hơn”.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý thực hiện nghị quyết 19 cần phối hợp chặt chẽ với việc kiểm tra, đôn đốc nhiệm vụ mà Thủ tướng giao cho các bộ, ngành. Kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành không phải là ra văn bản đúng thời gian, đúng hạn, mà nội dung văn bản đó giải quyết được vướng mắc của doanh nghiệp, người dân.
“Tinh thần đổi mới phải từ trên gương mẫu xuống. Các bộ, ngành cần sát vào thực tế các địa phương, lựa chọn một số việc giải quyết đến cùng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả”, Phó Thủ tướng chỉ rõ./.
Bình luận