Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Ngày 26/03/2016, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội nghị “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển doanh nghiệp”.
Xếp thứ 56/140 nền kinh tế về năng lực cạnh tranh
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS, TS. Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đổi mới, phát triển doanh nghiệp đã được đề cập nhất quán trong các chủ trương, chính sách của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh nhóm chính sách tạo thuận lợi thúc đẩy môi trường kinh doanh, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tuy nhiên, GS.TS Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ, trong điều kiện đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của từng chủ thể kinh tế, cơ chế chính sách đối với loại hình doanh nghiệp nêu trên còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả thực thi còn thấp. Năng suất, hiệu quả của nền kinh tế không cao. Tính liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài còn yếu. Khoảng cách giữa chủ trương, chính sách với thực thi trên thực tế còn lớn. Phát triển các yếu tố thị trường và các loại thị trường còn nhiều vướng mắc, chưa được khơi thông.
“Đây cũng là những nguyên nhân cơ bản làm cho môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa được thuận lợi, năng lực cạnh tranh quốc gia còn hạn chế”, GS.TS Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (CGI), năm 2015, Việt Nam đứng thứ hạng 56/140 nền kinh tế, đạt 4,3/7 điểm, tăng 12 bậc so với năm 2014 và là thứ hạng cao nhất của Việt Nam giai đoạn 2006-2015.
Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 cũng đã chỉ ra 5 nhóm vấn đề được coi là trở ngại lớn nhất đối với Việt Nam, gồm: Tiếp cận tài chính, Chính sách không ổn định, Lao động qua đào tạo không đủ, Kỷ luật lao động kém và Tham nhũng.
Bên cạnh đó, sự cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong giai đoạn 2006-2014 cho thấy có sự tiến bộ đáng kể, nhưng còn thiếu bền vững. Các lĩnh vực có cải thiện rõ nét là: Chi phí gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động và Chi phí thời gian. Các lĩnh vực không được cải thiện hoặc có chiều hướng đi xuống, đó là: Chi phí không chính thức, Tính năng động của chính quyền, Tiếp cận đất đai và Cạnh tranh bình đẳng.
Đánh giá về năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã có thay đổi và được cải thiện dần, nhưng vẫn còn ở mức hạn chế, PGS, TS. Phạm Thị Hồng Yến, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, đó là: (1) Chưa có nhận thức đầy đủ về vai trò của việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; (2) Đổi mới, hoàn thiện thể chế về kinh doanh và cạnh tranh còn hạn chế; (3) Cơ chế thực thi và phối kết hợp trong tổ chức quán triệt, thực hiện các chủ trương, chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh còn đạt hiệu quả thấp…; (4) Chưa tập trung và huy động được nguồn lực và có cơ chế, chính sách phù hợp để hiện thực hóa việc đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là về đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển các loại hình doanh nghiệp, nâng cao năng lực đổi mới và sáng tạo, tăng cường quản trị hiện đại và chuyên nghiệp.
Toàn cảnh buổi hội thảo |
Cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh
Môi trường kinh doanh là các điều kiện thúc đẩy hoặc kìm hãm các quá trình sản sinh, sáng tạo ra của cải vật chất. Trong khi năng lực cạnh tranh quốc gia là tổng hợp các thể chế, chính sách và nhân tố quyết định mức độ hiệu quả và năng suất của một quốc gia. Do vậy, cải cách và thực hiện các hiệu quả các quy định tạo thuận lợi cho kinh doanh là nhân tố quyết định giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, chất lượng thể chế đóng vai trò cạnh tranh, đóng vai trò mấu chốt trong xã hội. Trong đó, thái độ của Chính phủ đối với thị trường tự do, quản lý điều tiết quá mức, thiếu sự minh bạch, sự phụ thuộc chính trị vào hệ thống tư pháp sẽ ảnh hưởng tới chi phí rất lớn.
Theo đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh, bà Victoria Kwakwa cho rằng, cần kết nối các thị trường, cải thiện kết cấu hạ tầng đồng thời giúp giảm nghèo, bình đẳng… và cả giáo dục, cần nuôi dưỡng những người có trình độ, nhất là các cán bộ hướng nghiệp, dạy nghề. Tuy nhiên, để làm được các việc trên, thì đòi hỏi mức can thiệp sâu hơn của Chính phủ.
Còn theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, thể chế chính là nút thắt trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính vì vậy, trong những năm tới, Chính phủ cần phải hành động bằng cả hai tay. Một tay là tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho các thành phần kinh tế để họ thỏa sức cạnh tranh. Một tay khác là xây dựng chương trình đồng bộ về trợ giúp các doanh nghiệp, trong đó, ngoài việc khuyến khích trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ, thì cũng cần phải trợ giúp các đối tượng là doanh nghiệp vừa và lớn có tiềm năng cạnh tranh, nhưng khó khăn tạm thời, để họ có thể trở thành đầu tàu của nền kinh tế.
"Chính phủ cần phát huy 4 nguồn lực: cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục để giảm chi phí không chính thức và chính thức; thành lập trung tâm hành chính công; thúc đẩy xúc tiến đầu tư; thúc đẩy thay đổi quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh", ông Lộc bày tỏ quan điểm.
Về phía doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến nghị, song song với việc hỗ trợ để các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, cần xây dựng cơ chế để tránh doanh nghiệp trông chờ, ỷ lại và sự hỗ trợ của nhà nước, đảm bảo có những định hướng về điều kiện cho những kết quả về xuất khẩu, về nộp ngân sách, về đổi mới công nghệ theo hướng phát triển xanh, sạch; phát minh sáng chế mới./.
Bình luận