KHÁI NIỆM DTBB TRONG ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

Tỷ lệ DTBB là một công cụ quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ quốc gia ở hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới, cũng như tại Việt Nam. Công cụ tỷ lệ DTBB là tỷ lệ giữa số lượng phương tiện thanh toán cần vô hiệu hóa trên tổng số tiền gửi huy động, nhằm điều chỉnh khả năng thanh toán (hoặc cho vay) của các ngân hàng thương mại. DTBB là ngân hàng trung ương yêu cầu các tổ chức nhận tiền gửi phải gửi tại ngân hàng trung ương một phần tài sản hoặc phải duy trì tại quỹ một số tiền nhất định nhằm thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ. Thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ DTBB, ngân hàng trung ương tác động đến khối lượng và giá cả tín dụng của các ngân hàng thương mại, từ đó tác động đến khả năng cung ứng tín dụng và tạo tiền của hệ thống ngân hàng thương mại.

Cần điều hành linh hoạt công cụ dự trữ bắt buộc
Tỷ lệ DTBB là một công cụ quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ quốc gia.

Về số lượng, tăng hay giảm tỷ lệ DTBB có nghĩa là giải phóng hay phong tỏa, cho hoặc không cho các ngân hàng thương mại sử dụng khối lượng tiền bị coi là thiếu hay dư thừa, cũng có nghĩa là thắt chặt hay nới lỏng khả năng tạo tiền của các ngân hàng thương mại.

Về chi phí, giảm hay tăng DTBB (DTBB không được hưởng lãi, nếu có thì thường thấp) sẽ làm giảm hoặc tăng chi phí tín dụng của các ngân hàng thương mại. Tăng hay giảm số lượng tín dụng kép do tăng, giảm chi phí; tăng, giảm lãi suất cho vay, dẫn đến giảm hoặc tăng dung lượng tín dụng. Việc ngân hàng trung ương điều chỉnh tỷ lệ DTBB sẽ làm thay đổi DTBB của các ngân hàng thương mại, qua đó sẽ tạo thêm hoặc giảm bớt vốn khả dụng của thị trường nhằm thực hiện nới lỏng hoặc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Do tỷ lệ DTBB là tỷ lệ phần trăm áp dụng cho tổng số dư tiền gửi, nên một thay đổi nhỏ trong điều chỉnh tỷ lệ DTBB cũng sẽ tạo nên những thay đổi rất lớn đến cung vốn khả dụng và lãi suất thị trường. Vì vậy, trước khi điều chỉnh tỷ lệ DTBB, các ngân hàng trung ương cần cân nhắc cẩn trọng đến điều kiện thị trường, lãi suất và vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại. Đặc biệt, trong trường hợp cần điều chỉnh tăng tỷ lệ DTBB, ngân hàng trung ương cần xem xét kỹ lưỡng số vốn khả dụng dự kiến giảm trong toàn hệ thống khi rút vốn khả dụng, tránh hiện tượng giảm lượng vốn quá lớn gây căng thẳng về vốn khả dụng, sẽ tạo ra cú sốc về lãi suất hoặc khó khăn về khả năng thanh toán của hệ thống ngân hàng.

THỰC TRẠNG ĐIỀU HÀNH DTBB Ở VIỆT NAM

Trong các giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn, như: bị tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế các năm 2008-2009, hoặc bị tác động mạnh của đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay, để hạ lãi suất trên thị trường tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, NHNN cần chủ động giảm tỷ lệ DTBB, để góp phần giải phóng một khối lượng vốn rất lớn cho nền kinh tế, tăng cung vốn ra thị trường. Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, NHNN giữ ổn định tỷ lệ DTBB. Gần đây nhất, ngày 29/05/2018, NHNN đã ban hành Quyết định số 1158/QĐ-NHNN về tỷ lệ DTBB áp dụng cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Quyết định này chỉ hạ tỷ lệ DTBB của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô, những đơn vị có thị phần nhỏ trên thị trường, nên không tác động lớn đến vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhưng lại gián tiếp hỗ trợ thêm cho nhóm người yếu thế, đối tượng khách hàng chính của quỹ tín dụng nhân dân và các tổ chức tài chính vi mô.

Ngoài ra, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 14/2018/TT-NHNN, ngày 29/05/2018 hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ các tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó tiếp tục có những chính sách hỗ trợ rất lớn cho các tổ chức tín dụng trong cho vay tam nông thông qua tái cấp vốn và qua công cụ DTBB. Theo đó, tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực tam nông bình quân từ 70% trở lên sẽ được áp dụng tỷ lệ DTBB theo đề nghị của tổ chức tín dụng, nhưng không thấp hơn 1/20 tỷ lệ DTBB tương ứng với từng loại tiền gửi do NHNN quy định. Tổ chức tín dụng có tỷ trọng tín dụng cho vay tam nông bình quân đạt từ 40% đến dưới 70%, thì áp dụng tỷ lệ DTBB theo đề nghị của tổ chức tín dụng, nhưng không thấp hơn 1/5 tỷ lệ DTBB tương ứng với từng loại tiền gửi do NHNN quy định. Các tỷ lệ này không thay đổi so với quy định tại Thông tư số 20/2010/TT-NHNN, ngày 29/09/2010 của NHNN hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhưng có lộ trình và công thức tính rất cụ thể cho từng giai đoạn để đảm bảo tính chính xác và minh bạch.

Cuối tháng 11/2019, NHNN quyết định giảm lãi suất dự trữ bắt buộc. Theo đó, từ ngày 01/12/2019, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND của các tổ chức tín dụng giảm về mức 0,8%/năm và tiếp tục không trả lãi đối với khoản tiền gửi vượt DTBB bằng VND.

NHNN kiên định giữ tiền gửi DTBB bằng ngoại tệ cao hơn tiền gửi nội tệ ở tất cả các kỳ hạn. Việc điều hành này nhằm làm giảm tình trạng đô la hóa nền kinh tế, khuyến khích người dân lựa chọn đồng nội tệ để gửi ngân hàng thương mại và hạn chế tình trạng doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ trên tài khoản, khuyến khích bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại. Điều này giúp cung - cầu ngoại tệ trên thị trường được cải thiện, không có tình trạng đầu cơ ngoại tệ, không có các cơn sốt tỷ giá. Công cụ tỷ lệ DTBB khuyến khích mở rộng tín dụng nông nghiệp, nông thôn, hoạt động của tổ chức tài chính vi mô. Tuy nhiên, thực trạng huy động tiền gửi của các ngân hàng thương mại những năm gần đây khó khăn, lãi suất huy động tăng cao, nên lãi suất cho vay cũng tăng hoặc không giảm. Bên cạnh đó, từ năm 2013 đến nay, NHNN chỉ thực hiện 2 lần điều chỉnh tỷ lệ DTBB với mức độ rất nhỏ, không tác động đến giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế. Việc ổn định như vậy là thiếu linh hoạt trong phối hợp thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.

KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP

Để điều hành linh hoạt công cụ DTBB trong thời gian tới, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế để tiếp sức cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh tốt hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, theo tác giả, NHNN cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, chủ động đánh giá toàn diện tác động đến điều tiết tiền tệ trước khi điều chỉnh tỷ lệ DTBB

DTBB là một nghiệp vụ có tác động mạnh nhất đến thị trường tiền tệ thông qua điều tiết vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng, điều tiết hệ số nhân tiền tệ và tác động đến chi phí hoạt động của tổ chức tín dụng. Vì vậy, khi điều chỉnh tỷ lệ DTBB cần đánh giá toàn diện tác động của công cụ này đến thị trường tiền tệ. Theo đó, cần điều chỉnh tỷ lệ DTBB dần ở những tỷ lệ nhỏ và quan sát diễn biến của thị trường tiền tệ, hết sức tránh điều chỉnh đột ngột, điều chỉnh ở mức độ lớn, đồng thời sẵn sàng sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ khác để hỗ trợ. Theo tính toán, khi điều chỉnh giảm 1% DTBB thanh khoản của các tổ chức tín dụng, thì sẽ có khoảng 100.000 tỷ đồng vốn khả dụng.

Thứ hai, quy định tỷ lệ DTBB cho từng loại tiền gửi và từng loại hình tổ chức tín dụng

Tỷ lệ DTBB cần được quy định đối với từng loại tiền gửi và từng loại hình tổ chức tín dụng theo hướng: tiếp tục duy trì tỷ lệ DTBB đối với tiền gửi ngoại tệ cao hơn đối với nội tệ, để kiên trì mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế. Trong điều kiện thị trường tiền tệ của Việt Nam còn tình trạng đô la hóa, thì việc quy định tỷ lệ DTBB riêng cho tiền gửi bằng VND và tiền gửi bằng ngoại tệ là phù hợp. Tỷ lệ DTBB đối với tiền gửi bằng ngoại tệ được quy định cao hơn so với tiền gửi bằng VND làm cho chi phí huy động vốn bằng VND thấp hơn so với chi phí huy động vốn bằng ngoại tệ, từ đó tạo ra mức chênh lệch giữa lãi suất VND và ngoại tệ hợp lý để bù đắp kỳ vọng về biến động tỷ giá của VND. Điều này sẽ tạo lợi thế cho hoạt động huy động và sử dụng vốn bằng VND, khuyến khích người dân bán ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng để gửi VND với lãi suất cao hơn so với gửi ngoại tệ.

Cần xem xét bãi bỏ quy định các tỷ lệ DTBB khác nhau giữa các loại kỳ hạn tiền gửi. NHNN đang quy định các loại tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng có tỷ lệ DTBB là 3%, cao hơn 2% so với các loại tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Quy định này trong giai đoạn trước đây đã thúc đẩy các tổ chức tín dụng huy động vốn có kỳ hạn dài hơn, phù hợp với tính chất dự phòng thanh khoản của từng loại tiền gửi. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đa dạng và linh hoạt của các hình thức huy động vốn, ranh giới giữa các kỳ hạn gửi tiền càng khó xác định. Các tổ chức tín dụng có thể chuyển các khoản tiền gửi có kỳ hạn ngắn sang các khoản tiền có kỳ hạn dài thông qua các hình thức tiết kiệm theo thời gian thực gửi, tiết kiệm linh hoạt..., để giảm nghĩa vụ DTBB. Bên cạnh đó, do đặc điểm của các hình thức huy động vốn, nên nhiều khoản tiền gửi trên danh nghĩa là ngắn hạn, nhưng thực tế được quay vòng nhiều lần nên trở thành những khoản tiền gửi dài hạn. Vì vậy, việc quy định các tỷ lệ DTBB khác nhau cho các kỳ hạn tiền gửi khác nhau sẽ là cơ hội để tổ chức tín dụng tránh thực hiện nghĩa vụ DTBB, đồng thời làm phức tạp quá trình đánh giá tác động của tỷ lệ DTBB đến hệ số nhân tiền tệ. Vì vậy, NHNN nên quy định thống nhất một tỷ lệ DTBB đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn khác nhau.

Mặt khác, tỷ lệ DTBB nên quy định riêng đối với từng loại hình tổ chức tín dụng. Hiện nay có nhiều loại hình tổ chức tín dụng, mỗi loại hình có đặc điểm và lĩnh vực hoạt động riêng biệt. Hiện NHNN mới quy định tỷ lệ DTBB đối với quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô là 0%; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, tổ chức tín dụng khác đối với tiền gửi nội tệ dưới 12 tháng đều là 3%, từ 12 tháng trở lên là 1%, tiền gửi ngoại tệ là 1%. Tuy nhiên, trong thực tế, có những tổ chức chỉ được huy động vốn dài hạn, như: công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính; có những loại hình phục vụ cho địa bàn nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Lại có những loại hình tổ chức phục vụ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, như: Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tài chính vi mô... Vì vậy, tỷ lệ DTBB nên được tiếp tục quy định riêng cho từng loại hình tổ chức để đảm bảo phù hợp với đặc điểm hoạt động, cũng như định hướng phát triển kinh tế đối với từng lĩnh vực...

Hiện tại và trong những năm tới, nghiệp vụ DTBB ở Việt Nam vẫn có tác động tới nhu cầu vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại, cũng như tính hiệu quả của chính sách tiền tệ. Vì vậy, cần phải có những biện pháp nâng cao hiệu quả điều tiết tiền tệ của công cụ này. Theo đó, điều chỉnh cách tính DTBB theo số dư tiền gửi của các tổ chức tín dụng tại Sở Giao dịch NHNN và các chi nhánh NHNN. Cần điều chỉnh kỳ tính DTBB xuống còn 2 tuần, đồng thời nên thực hiện các bước chuẩn bị để có thể thực hiện trùng một phần giữa kỳ tính DTBB và kỳ duy trì DTBB trong thời gian thích hợp nhằm tăng hiệu quả điều tiết của nghiệp vụ này. Tỷ lệ DTBB phải được điều chỉnh linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường. Cần chú ý khi phối hợp sử dụng nghiệp vụ này với các nghiệp vụ và công cụ khác của chính sách tiền tệ, đặc biệt khi cần có sự tác động kép cả về giá và về lượng, thì việc kết hợp giữa nghiệp vụ thị trường mở với DTBB có hiệu quả rất nhanh.../.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ngân hàng Nhà nước (2018). Quyết định số 1158/QĐ-NHNN, ngày 29/05/2018 về tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

2. Ngân hàng Nhà nước (2010). Thông tư 20/2010/TT-NHNN, ngày 29/09/2010 hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn

3. Ngân hàng Nhà nước (2018). Thông tư số 14/2018/TT-NHNN, ngày 29/05/2018 hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ các tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn

4. Ngân hàng Nhà nước (2011-2021). Truy cập tại www.sbv.gov.vn

5. Vietstock (2017-2021). Truy cập tại www.vietstock.vn

6. VNBA (2010). Truy cập tại www.vnba.org.vn

TS. Hoàng Nguyên Khai

Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021)