Điều này lại một lần nữa dấy lên câu hỏi về những lợi bất cập hại của các dự án thủy điện, đặc biệt là trong vấn đề quy hoạch.

Người dân Hà Tĩnh trong những ngày vừa qua chìm trong biển nước lũ

Xả lũ... đúng quy trình

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, với lượng mưa hơn 700mm trong vòng 12 giờ, lượng nước trút xuống các tỉnh Bắc miền Trung, đặc biệt là với Quảng Bình, Hà Tĩnh mấy ngày qua (14-17/10/2016) thực sự đã gây nên thảm họa.

Chỉ có điều, ngoài yếu tố thiên tai thất thường, chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ mà lũ dâng lên cả 2-3 mét, ngập đến mái nhà như ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh thì không thể không nói đến một nguyên nhân khác: đó là do việc xả lũ của thủy điện Hố Hô.

Chia sẻ trên các báo Tuổi trẻ, Vietnamnet, người dân trên các tỉnh ngập lụt, thậm chí cả Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh và Chủ tịch huyện Hương Khê đều nhận định rằng, nước lên quá nhanh, thông tin cũng không được báo trước, khiến người dân không kịp trở tay. Hầu hết các xã trong huyện Hương Khê đều ngập từ 2-3 mét với trên 5.000 nhà bị ngập, hàng vạn nhân khẩu phải khổ sở vì bị nước cuốn trôi hết tài sản, hoa màu, gia súc, cảnh thiếu đói đã hiện hữu trước mắt.

Vậy những, đây không phải lần đầu thủy điện Hố Hô gây tai họa cho người dân Hà Tĩnh.

Lần lại thời gian, từ 2010 đến nay, hầu như năm nào việc xả lũ của nhà máy thủy điện này cũng gây thiệt hại không nhỏ cho Hương Khê. Buồn thay, lần nào, việc này cũng được chủ đầu tư khẳng định là “xả đúng quy trình”.

Lần này cũng vậy, trả lời trên Báo điện tử Tuổi trẻ, ông Vũ Mạnh Hùng, giám đốc nhà máy thủy điện Hố Hô vẫn khăng khăng là mình đã làm “đúng quy trình”. Bởi “nếu không xả, nó sẽ đầy và tràn ra”. Vị giám đốc Nhà máy thủy điện cũng khẳng định: “có thông báo tới Ban phòng chống bão lụt các cấp… và không có trách nhiệm thông báo tới chủ tịch UBND Huyện”.

Trong khi đó, Chủ tịch huyện Hương Khê cho hay: “Huyện không nhận được thông báo bằng văn bản nào của nhà máy về việc xả lũ, lưu lượng, thời gian để cảnh báo” và cả Huyện đã “trở tay không kịp”.

Đúng là nếu không xả, nước về hồ cấp tập đến 2000 m3/s thì hồ sẽ đầy và tràn, tai họa khi đó sẽ không thể nào lường hết. Tuy nhiên, hồ đầy hay không đều nằm trong sự tính toán của người quản lý. Bởi những thông tin về bão và áp thấp nhiệt đới đã được dự báo trước đó mấy ngày và thường xuyên được cập nhật.

Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, trong đợt mưa lũ ngày 14-17/10/2016, toàn Tỉnh có 2 người chết, 1 người mất tích; 723 ha lúa mùa bị ngập; 1.416 ha hoa màu bị ngập hỏng; 400 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng; 99.032 con gia cầm bị chết - cuốn trôi; 869 con trâu bò, 399 con lợn bị chết - cuốn trôi; 337 ha hồ nuôi thủy sản bị ngập; 16 cây vó trục bị trôi...

Quy trình là do con người đặt ra và điều khiển nó. Nhưng có “quy trình” nào mà lại xả nước vào chiều đến đêm khiến dân “ không kịp trở tay”, khiến dân phải bỏ của chạy lấy người, chưa kể những mất mát, thất thoát về tài sản với những hộ dân nghèo.

Điều đáng buồn hơn nữa, Hố Hô cũng không phải là thủy điện duy nhất xả lũ gây nên bao cảnh đau thương cho người dân miền Trung.

Từ năm 2013, người dân hạ du vùng Vu Gia, Thu Bồn (Quảng Nam) đã luôn ám ảnh “lũ” do thủy điện gây ra. Và, người dân cũng thường xuyên rơi vào tình trạng không được thông báo trước, không kịp trở tay và thiệt hại về người và tài sản thì không ai khác là ngoài họ gánh chịu.

Phải quy trách nhiệm cho từng thủy điện

Điều khó hiểu là vì sao câu chuyện cũ này vẫn lặp lại mỗi mùa mưa lũ. Trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, của các bộ ngành và chủ đầu tư các nhà máy thủy điện đến đâu cần phải được phân tích, mổ xẻ và quy định rõ ràng.

Không thể cứ ngăn sông xây nhà máy để bán điện thu tiền, còn tai ương thì đổ lên đầu dân.

Thực tế, không phải bây giờ câu chuyện thủy điện làm khổ người dân xung quanh nói chung, miền Trung nói riêng mới được đặt ra mà từ lâu các nhà khoa học, nhà quản lý đã nhiều lần đề cập. Tuy nhiên, những cảnh báo cũng như những ý kiến tâm huyết của họ gần như bị rơi vào quên lãng!

Tại Hội thảo “Tư vấn phản biện quy hoạch thủy lợi, thủy điện khu vực miền Trung” vào cuối năm 2011, ông Phạm Xuân Sử, Chủ tịch Hội tưới tiêu Việt Nam cho rằng, bờ biển miền Trung dài, dãy Trường Sơn chạy suốt theo bờ biển, đồng bằng rất hẹp, có nhiều sông lớn. Sông suối nhiều, nhưng chiều dài các sông đa số ngắn và có độ dốc lớn; cửa sông bị bồi lấp gây cảng trở về thoát lũ nên khi xảy ra mưa lớn, hay thủy điện xả lũ, nước dâng cao và nhanh.

Ngày 17/10/2016, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm tra việc xả lũ của các hồ thủy điện tại khu vực miền Trung. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc vận hành xả lũ của các hồ chứa thủy điện trong đợt mưa lũ vừa qua (trong đó có việc xả lũ của hồ thủy điện Hố Hô trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh); làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, xác định cụ thể trách nhiệm đền bù thiệt hại, đề xuất phương án khắc phục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/10/2016.

Nhiều nguyên nhân được đưa ra tại Hội thảo để lý giải cho những thiệt hại mà người dân miền Trung phải gánh chịu ngay cả khi mưa bão, lụt hoặc nắng hạn. Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu; do xây dựng các trục đường giao thông, các khu dân cư tập trung, khu công nghiệp; do phá rừng…Và đặc biệt, các nhà khoa học cũng chỉ đích danh: lỗi lớn là do xây dựng và vận hành các hồ thủy điện, hồ thủy lợi chưa đồng bộ.

Còn đại diện Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, các dự án quy hoạch thủy điện do các đơn vị thuộc Bộ Công Thương thực hiện vẫn mang nặng tính chuyên ngành, chú trọng về phát điện là chính, chứ chưa tính đến điều tiết nước cho vùng hạ lưu.

Bên cạnh đó, là tình trạng mạnh ai nấy làm quy hoạch thủy điện, quy hoạch tràn lan, có cả công trình nằm trong các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia... Chưa hết, các hồ thủy điện chỉ quan tâm đến dung tích phòng lũ cho bản thân công trình, không có dung tích phòng lũ cho hạ du.

Tại phiên họp toàn thể thẩm tra báo cáo của Chính phủ về rà soát quy hoạch tổng thể thủy điện của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường theo Nghị quyết số 40/2012/QH13 của Quốc hội vào ngày 26/10/2013, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng thừa nhận, nguyên nhân dẫn đến thực trạng hiện nay của các dự án thủy điện (quy hoạch kém, môi trường bị ảnh hưởng…) có nhiều, nhưng nguyên nhân của mọi nguyên nhân là từ khi bùng phát thủy điện nhỏ (do UBND các tỉnh phê duyệt).

Tại Hội nghị chuyên đề về phát triển thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vào năm 2010, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam từng nhận định rằng, các chủ đầu tư dự án chỉ đặt mục tiêu phát điện là chính, chưa quan tâm đến việc điều tiết giảm lũ nhằm hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du. Cũng theo ông Quang, các hồ thủy điện đang thực hiện quy trình vận hành chỉ bảo đảm việc phát điện và an toàn đập, chưa thật quan tâm đến việc tham gia cắt lũ, giảm lũ, nên khi lũ về lớn thì xả xuống, gây khó khăn cho vùng hạ du.

Để giảm thiệt hại cho các tỉnh miền Trung, các chuyên gia cho rằng, cần rà soát quy hoạch thủy điện các lưu vực sông, dứt khoát loại bỏ những công trình không đảm bảo vấn đề môi trường và xâm hại đến các vùng đã được quy định như khu bảo tồn, rừng đặc dụng...

Bên cạnh đó, cần quy trách nhiệm cụ thể cho từng nhà máy thủy điện trong việc vận hành nhà máy, điều tiết lũ. Phải đặt tính mạng và tài sản của người dân lên trên lợi ích của các nhà máy thủy điện. Theo đó, cần chỉ đích danh, xử lý kiên quyết, buộc chủ đầu tư thủy điện phải bồi thường những thiệt hại về người, tài sản, hoa màu của người dân miền Trung, nhất là trong đợt lũ, lụt vừa qua./.

Tham khảo từ một số nguồn:

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20161016/thuy-dien-ho-ho-phai-chiu-trach-nhiem/1189360.html

http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/334297/thuy-dien-xa-lu-dung-quy-trinh-dim-dan-trong-dem.html

http://www.baodanang.vn/channel/5399/200912/phat-trien-thuy-dien-o-quang-nam-lo-phat-dien-va-an-toan-dap-chua-quan-tam-dieu-tiet-lu-1993055/