Cần quản lý chặt chẽ việc thương lái nước ngoài thu mua nông sản
Trước thực trạng trên, ngày 14/3 vừa qua, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố yêu cầu kiểm tra, giám sát hoạt động thu mua nông sản của người nước ngoài tại Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các địa phương cần phổ biến quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động mua - bán hàng hoá của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam để người dân hiểu. Theo đó, yêu cầu việc mua đi bán lại với các thương lái phải có địa chỉ rõ ràng, có hợp đồng mua - bán khi diễn ra việc mua nông sản. Và theo quy định, thương nhân nước ngoài không được phép trực tiếp thu gom nông sản từ nông dân mà phải thông qua cơ quan đại diện là thương nhân Việt Nam.
Bên cạnh đó, rất nhiều các chuyên gia kinh tế cũng phân tích nguyên nhân của tình trạng trên, đồng thời khuyến nghị một số giải pháp nhằm ngăn chặn. Trả lời báo giới mới đây, theo TS. Lê Đăng Doanh, Bộ Công Thương, các sở Công Thương và các cơ quan chức năng liên quan cần có một nghiên cứu, khảo sát, báo cáo đầy đủ về các thủ đoạn, hành vi của thương lái Trung Quốc.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cần có hướng dẫn cụ thể, đối với thương lái không có lai lịch, đăng ký khi mua cần phải báo cáo và phải ngăn chặn về mặt pháp luật hoặc thông báo đến nông dân, địa phương để có biện pháp phòng ngừa, cảnh giác.
Còn theo TS. Nguyễn Hồng Quang, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác quản lý của nước ta còn có nhiều “kẽ hở”.
Ông cũng đưa ra kinh nghiệm quản lý của Thái Lan có chính sách về nông nghiệp rất rõ ràng, chặt chẽ. Như việc họ đến từng thôn, xã giao từng sản phẩm, định hướng rõ từng sản phẩm. "Không có tình trạng sản xuất ồ ạt như ở Việt Nam và cũng không có chuyện người nước ngoài vào kinh doanh một cách dễ dàng như ở Việt Nam", ông Quang cho biết.
Bên cạnh đó, GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp cũng chỉ ra, điểm yếu kém của Việt Nam là không có thâm nhập vào thị trường Trung Quốc để biết Trung Quốc đang cần gì hoặc mua các mặt hàng nông sản của mình để làm gì mà luôn trong thế thụ động.
Còn theo PGS, TS. Hoàng Thọ Xuân, chuyên gia Viện nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương, việc tuyên truyền, cảnh báo, xem hợp đồng mua - bán, quy định hợp đồng phải trên giấy tờ… chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề, trong khi gốc của vấn đề là phải có điều tra, xem xét các sản phẩm được mang đi đâu, dùng làm gì, mục tiêu kinh tế hay mục tiêu phi kinh tế", PGS, TS. Hoàng Thọ Xuân nói.
Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải hiểu sâu sắc xem nguyên nhân bắt nguồn từ đâu, chủ trương này là của ai, có phải vì mục tiêu kinh tế để thu lợi nhuận hay phi kinh tế.
PGS, TS. Hoàng Thọ Xuân lưu ý, phải có chế tài đối với các trường hợp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam, xử lý làm sao, cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát và xử lý vi phạm là bộ hoặc giao cho chính quyền xã, huyện./.
Bình luận