Cần tạo mảnh đất tươi tốt cho các trường tư thục phát triển!
Mạnh tay cắt giảm, đơn giản hóa những thủ tục “không hợp lý”
Theo phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều điều kiện kinh doanh trong 2 Nghị định số 73/2012/NĐ-CP và Nghị định số 46/2017/NĐ-CP sẽ được cắt giảm, đơn giản hoá.
Theo bà Vũ Thị Thu Hà, Trưởng phòng kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, tổng số điều kiện kinh doanh được đề nghị cắt giảm và đơn giản hóa là 110/212 điều kiện ban đầu (chiếm 51,9%). Trong đó, đề nghị bãi bỏ (cắt giảm) 81 điều kiện kinh doanh (chiếm 38,2%); số điều kiện kinh doanh đề nghị đơn giản hóa là 29 điều kiện (chiếm 13,7).
Cụ thể, với Nghị định số 46/2017/NĐ-CP, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất cắt giảm 72 điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa 22 kiện kinh doanh. Trong đó, bãi bỏ các điều kiện về đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm ngoại ngữ, tin học phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương. Vì theo Luật Quy hoạch năm 2017, thì không còn quy hoạch mạng lưới cơ sở này, bà Thu Hà cho biết.
Quang cảnh hội thảo
Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bỏ điều kiện hoạt động là “có quyết định về việc thành lập hoặc cho phép thành lập trường” bởi việc có quyết định thành lập hay không cơ quan cho phép hoạt động phải biết.
Bỏ quy định các trường phải có “có đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên và nhân viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu” vì không cần thiết, chỉ cần đạt tiêu chuẩn và bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục là đủ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bỏ điều kiện “có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục” vì quy định chung chung, hình thức, không có tiêu chí xác định rõ.
Riêng với giáo dục mầm non, Bộ đề nghị bỏ quy định “Đề án thành lập trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển”. Lý do là nội dung đề án đã được quy định rất cụ thể trong thành phần hồ sơ thành lập.
Bỏ điều kiện “được đặt tại khu dân cư phù hợp quy hoạch chung, thuận lợi cho trẻ em đến trường” vì khó để xác định trên thực tế; ngoài ra, nên để nhà đầu tư được lựa chọn địa điểm xây dựng trường phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mình.
Đề nghị bỏ điều kiện “Có quy chế tổ chức và hoạt động của trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ” vì không cần thiết, quy định này mang tính hình thức và không có quy định cụ thể về nội dung quy chế.
Với điều kiện thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, hiện nay phải đáp ứng điều kiện “đáp ứng nhu cầu gửi trẻ em của các gia đình”. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bỏ quy định này vì không cần thiết, khó xác định.
Đề nghị bỏ điều kiện “đủ đồ dùng cá nhân cho mỗi trẻ em” vì không cần thiết, nhà trường không có trách nhiệm phải trang bị đồ dùng cá nhân cho trẻ em.
Tuy nhiên, Bộ vẫn giữ lại điều kiện “trang thiết bị đối với một nhóm trẻ độc lập gồm có chiếu hoặc thảm cho trẻ em ngồi chơi, giường nằm, chăn, gối, màn cho trẻ em ngủ, dụng cụ đựng nước uống, giá để đồ chơi, giá để khăn và ca, cốc cho trẻ em, có đủ bô đi vệ sinh cho trẻ em dùng và một ghế cho giáo viên”.
Với điều kiện để trường trung học hoạt động, bỏ quy định “có chương trình giáo dục và tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định phù hợp với mỗi cấp học”. Lý do là vì không cần thiết, nhà trường bắt buộc phải thực hiện theo chương trình do Bộ ban hành.
Với trung tâm tin học, ngoại ngữ, Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ điều kiện “số lượng giáo viên phải bảo đảm tỷ lệ trung bình không quá 25 học viên/1 giáo viên/ca học”, và có “phòng làm việc cho bộ máy hành chính theo cơ cấu tổ chức của trung tâm để phục vụ công tác quản lí, đào tạo”, “có thư viện, cơ sở thí nghiệm, thực tập, thực hành và các cơ sở vật chất khác đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo và hoạt động khoa học công nghệ”…
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nên để nhà đầu tư có quyền chủ động trong việc quyết định quy mô, tính chất đầu tư trên những quy định tối thiểu.
Về điều kiện để trường đại học hoạt động đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ điều kiện “đất đai”, “cơ sở vật chất, thiết bị”, địa điểm xây dựng trường vì đã được quy định trong điều kiện thành lập trường. Đồng thời, đề nghị bỏ điều kiện đội ngũ giảng viên cơ hữu và cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, “đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu” vì không cần thiết….
Song, vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa
Mặc dù, ghi nhận sự nỗ lực của ngành đào tạo trong đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục trong điều kiện kinh doanh. Tuy nhiê, tại hội thảo nhiều ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần mạnh tay cắt giảm hơn nữa các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục, vì chỉ có như vậy mới tạo ra động lực để thu hút các nhà đầu tư.
Bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc pháp chế Apollo và BUV Việt Nam cho rằng, việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh là "mong mỏi hàng ngày, hàng giờ của các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục". Thêm vào đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn cần phải đơn giản hóa thủ tục cấp phép. Bởi lẽ nếu chỉ cắt giảm điều kiện kinh doanh, mà không cắt giảm thủ tục hành chính song hành, thì hiệu quả cắt giảm điều kiện kinh doanh sẽ không cao…
Ngoài ra, bà Kim Dung cũng kiến nghị rằng ngoài 110 điều kiện kinh doanh được Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát cắt giảm, thì Bộ nên tiếp tục cắt giảm một số điều kiện kinh doanh không hợp lý khác, như: bỏ điều kiện hạn chế mức phần trăm tiếp nhận học sinh Việt Nam vào học tại các cơ sở đào tạo nước ngoài, bỏ điều kiện xin giấy phép thành lập đối với cơ sở đào tạo ngắn hạn…
Cùng quan điểm về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo còn nhiều dư địa trong việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, ông Hoàng Anh Đức, Công ty Cổ phần giáo dục Edufit cũng đánh giá, có một số mô tả khác có vẻ chi tiết nhưng mập mờ và có khả năng không phù hợp với bối cảnh phát triển.
Ông Đức dẫn chứng, thí dụ đối với Giáo dục phổ thông. Tại Điều 27, Nghị định 46, Khoản 2, điểm b về phòng học bộ môn quy định: “ Phòng học bộ môn” Thực hiện theo quy định về quy chuẩn phòng học bộ môn do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Đề nghị giản lược hoặc làm rõ hơn điều nà cho phù hợp với xu hướng phát triển. Ví dụ, trong thời đại ngày nay, một phòng tập trung có thể là không cần thiết, không phù hợp. Các trường phổ thông có thể sử dụng hệ thống laptop được di chuyển linh động giữa các phòng học; hoặc học sinh tự mang laptop/thiết bị cá nhân của mình.
Tại Điều 22, Nghị định 46 quy định, yêu cầu phải có tủ hồ sơ trong lớp học. Theo ông Đức, điều này không cần thiết với phương thức quản trị chuyên môn hóa của các trường tư thục. Thêm vào đó, hồ sơ có thể được lưu trữ số hóa và chỉ in ra khi cần thiết, thay vì việc phải làm hồ sơ bản cứng theo một số sổ sách mẫu, bất tiện trong việc quản lý vận hành…
Cũng từ góc độ nhà đầu tư, Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Phổ thông trung học Marie Curie (Hà Nội) dẫn lại câu chuyện năm 2014 khi một số nhà đầu tư làm thủ tục xin lập trường tiểu học thì cơ quan cấp giấy phép yêu cầu trong đề án phải có sẵn hồ sơ của mấy chục giáo viên tiểu học, có chứng chỉ dạy học. “Để đáp ứng các điều kiện này, các nhà đầu tư đã phải lập hồ sơ giả vì trường chưa thành lập thì sao đã tuyển được người”.
Ông Khang kiến nghị, tại sao phải làm khó các nhà đầu tư như vậy, khi mà tinh thần của Thủ tướng là xây dựng Chính phủ kiến tạo. “Tạo điều kiện cho các trường tư thục ra đời thì cũng cần tạo mảnh đất tươi tốt cho nó phát triển”?.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Vụ trưởng vụ Pháp chế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Mai Thị Anh khẳng định, trong quá trình hoàn thiện đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh, Bộ lắng nghe và tiếp tục tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp hiệp hội.
Bà Mai Anh thông tin thêm, sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo tại Bộ để lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức hiệp hội. Với những điều kiện kinh doanh mà doanh nghiệp phản ánh là gây khó cho doanh nghiệp chúng tôi sẽ tiếp tục cắt bỏ các điều kiện kinh doanh vô lý./.
Bình luận