Cần từng bước khôi phục hoạt động xuất khẩu lao động
Lao động xuất khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, thị trường hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài trong thời gian qua đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính phủ tại các thị trường tiếp nhận lao động lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã ban hành chính sách cấm hoặc hạn chế nhập cảnh. Từ đó, khiến cho lực lượng lao động đã trải qua quá trình dài học tập ngoại ngữ, tác phong, rèn luyện tay nghề, đang sẵn sàng xuất cảnh bị kẹt lại ở Việt Nam.
Mặt khác, nhiều người đang trong độ tuổi lao động ở Việt Nam đang có nhu cầu tìm hiểu đi làm việc tại nước ngoài cũng đã có thái độ e ngại so với trước thời điểm dịch bùng phát khi đăng ký, nộp hồ sơ tham gia các chương trình.
Hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài trong thời gian qua đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Ứng phó trước tình hình trên, năm 2020, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chủ động theo dõi sát diễn biến, tình hình dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của nước tiếp nhận lao động, cũng như với cơ quan đại diện ngoại giao, chỉ đạo các ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp và tổ chức sự nghiệp theo dõi sát sao tình hình của người lao động làm việc ở nước ngoài, kịp thời hỗ trợ và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trước những ảnh hưởng của dịch bệnh và tổ chức đưa người lao động hết hạn hợp đồng về nước theo chỉ đạo của Chính phủ; kịp thời thông tin và hướng dẫn các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài an toàn trong điều kiện dịch bện chưa chấm dứt và các nước/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động thường xuyên điều chỉnh các quy định về tiếp nhận lao động nước ngoài nằm đối phó với tình hình dịch bệnh Covid-19.
Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2020 là 78.641 lao động, đạt 60,5% kế hoạch được giao (130.000 lao động), bằng 112,3% kế hoạch đã điều chỉnh của năm (70.000 lao động) do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong đó, số liệu lao động xuất cảnh của một số thị trường chính như sau: Nhật Bản: 38.891 lao động (15.900 nữ); Đài Loan: 34.573 lao động (12.452 nữ); Hàn Quốc: 1.309 lao động (44 nữ); Rumani: 924 lao động (113 nữ); Trung Quốc: 596 lao động nam; Singapore: 537 lao động nam…
Từng bước phục hồi dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu. Tín hiệu tích cực là, một số quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam về cơ bản đã khống chế được sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, từng bước nới lỏng các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội để khởi động lại và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế, trong đó có việc tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài vào làm việc.
Do đó, để từng bước phục hồi lại hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với tình hình và trạng thái bình thường mới tại Việt Nam, cũng như tại các quốc gia tiếp nhận lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, từng bước khôi phục và thúc đẩy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đối với thị trường tiếp nhận lao động không có chính sách hạn chế về việc xuất - nhập cảnh, tiếp nhận lao động nước ngoài, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các doanh nghiệp chủ động trao đổi với đối tác nước ngoài trên cở sở chính sách, quy định của nước sở tại để bảo đảm người lao động nhập cảnh hợp pháp, an toàn, bảo đảm tối đa quyền lợi của người lao động trong trường hợp phải thực hiện cách ly sau khi nhập cảnh. Bảo đảm việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế cho người lao động trong trường hợp nghi hoặc bị nhiễm dịch bệnh.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần thông tin đầy đủ, rõ ràng tới người lao động các chính sách người lao động được hưởng, trách nhiệm người lao động phải thực hiện liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, quán triệt người lao động chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam và nước, vùng lãnh thổ tiếp nhận.
Thực hiện đầy đủ các chế độ tiền lương, sinh hoạt của người lao động theo hợp đồng đã ký và quy định sở tại trong trường hợp phải khám, chữa bệnh; giãn, giảm giờ làm, nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đối với các công tác tư vấn, tuyển chọn, đào tạo người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện những hướng dẫn của cơ quan chức năng địa phương về phòng, chống dịch Covid-19; kết hợp đào tạo trực tuyến đối với lao động chưa thể tập trung đào tạo trực tiếp./.
Năm 2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Đây là con số khiêm tốn sau kết quả 5 năm liền (trước năm 2020), số lao động ra nước ngoài làm việc của Việt Nam luôn vượt trên con số 100.000 người. |
Bình luận