Thái Vân Hà

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Tóm tắt

Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia. Những nỗ lực của nhà nước và các chính sách được đưa ra đã và đang có những đóng góp tích cực đối với việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, cũng như tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Trên cơ sở đánh giá chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tại các doanh nghiệp FDI, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, từ đó, đề xuất những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Từ khóa: nguồn nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp FDI, chính sách

Summary

The policy of attracting high-quality human resources to foreign direct investment (FDI) enterprises in Vietnam plays an important role in promoting the sustainable development of the national economy. The state’s efforts and policies have been making positive contributions to creating a favorable business environment, as well as enhancing the capacity and operational efficiency of FDI enterprises in Viet Nam. This article evaluates policies to attract high-quality human resources at FDI enterprises, points out limitations and shortcomings, and proposes solutions in the future.

Keywords: high-quality human resources, FDI enterprises, policies

GIỚI THIỆU

Việt Nam hiện đang là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào môi trường chính trị ổn định, vị trí địa lý chiến lược và lực lượng lao động dồi dào. Tuy nhiên, để duy trì và nâng cao sức hút trong mắt các nhà đầu tư, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng vào việc thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong các doanh nghiệp FDI.

Việc hoàn thiện các chính sách liên quan không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Trước những thách thức và cơ hội hiện tại, việc xây dựng và triển khai các chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao cho khối doanh nghiệp FDI trở thành yếu tố then chốt để Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế hấp dẫn của mình trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

MỘT SỐ GÓC NHÌN VỀ NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO

Theo định nghĩa của Liên hiệp quốc, “Nguồn nhân lực là trình độ lành nghề, là kiến thức, là năng lực của toàn bộ cuộc sống con người hiện có thực tế hoặc tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội trong một cộng đồng”.[1]

Theo Nicolas Henry: “Nguồn nhân lực là nguồn lực con người của những tổ chức (với quy mô, loại hình, chức năng khác nhau) có khả năng và tiềm năng tham gia vào quá trình phát triển của tổ chức cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, khu vực, thế giới”.[2]

Theo George T.Milkovich và John W.Boudreau: “Nguồn nhân lực là tổng thể các yếu tố bên trong và bên ngoài của mỗi cá nhân đảm bảo nguồn sáng tạo cùng các nội dung khác cho sự thành công, đạt được mục tiêu của tổ chức”. [3]

Hiện nay, có rất nhiều khái niệm về nguồn nhân lực chất lượng cao, ở nước ta lần đầu tiên thuật ngữ nguồn nhân lực chất lượng cao xuất hiện đó là trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X khẳng định: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là chuyên gia đầu ngành”. Nó đã thể hiện rằng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam có những điểm mới trong đó tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xem đó là bước đột phá nhằm sớm đưa nước ta thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, đồng thời tạo sự phát triển nhanh, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế.

Theo Nguyễn Hữu Dũng quan niệm rằng: “Nhân lực chất lượng cao là khái niệm để chỉ một con người, một người lao động cụ thể có trình độ lành nghề (về chuyên môn, kỹ thuật) ứng với một ngành nghề cụ thể theo tiêu thức phân loại lao động về chuyên môn, kỹ thuật nhất định (trên đại học, cao đẳng, công nhân lành nghề)”.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là những cá nhân có trình độ chuyên môn và kỹ năng vượt trội, đáp ứng được các yêu cầu cao của thị trường lao động và có khả năng đóng góp quan trọng vào sự phát triển và thành công của tổ chức.

Như vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao chính là lực lượng cốt lõi cả trong hai mặt số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực chất lượng cao có lực lượng nòng cốt là những công nhân lành nghề - những người trực tiếp sản xuất hàng hoá và cung ứng dịch vụ cho người tiêu dùng cả ở trong nước và nước ngoài. Lực lượng lao động “đầu tàu” của nguồn nhân lực chất lượng cao là đội ngũ trí thức.

Thu hút nguồn nhân lực cao là một trong những khâu quan trọng của quản trị nguồn nhân lực nhằm tuyển dụng những người có trình độ đáp ứng các yêu cầu đặt ra từ lực lượng lao động xã hội vào làm việc trong một cơ quan, tổ chức.

Theo Nguyễn Thị Tuyết Mai (2016), trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, khi nền kinh tế chủ yếu dựa trên tri thức thì nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định. Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao càng thể hiện rõ nét hơn:

Thứ nhất, nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn lực chính quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta.

Thứ ba, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, đảm bảo cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Thứ tư, nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định đến sự thành công và phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Doanh nghiệp FDI là viết tắt của Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một tổ chức có nhà đầu tư nước ngoài hoặc là thành viên của tổ chức hoặc là cổ đông. FDI là viết tắt của cụm từ Foreign Direct Investment[4], là hình thức đầu tư dài hạn của cá nhân hay công ty nước này vào nước khác bằng cách thiết lập cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cá nhân hay công ty nước ngoài đó sẽ nắm quyền quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh này.[5] Việc thu hút, phát triển và duy trì nguồn nhân lực này không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.

THỰC TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC TẠI VIỆT NAM VÀ CÁC DOANH NGHIỆP FDI

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, và quản lý tăng trung bình 10-15% mỗi năm. Các chương trình đào tạo quốc tế, hợp tác với các trường đại học và tổ chức giáo dục nước ngoài cũng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và cung cấp thêm nhân lực chất lượng cao cho thị trường.

Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27-27,5%.

Tính đến quý I năm 2023, cả nước có khoảng 51,2 triệu lao động, trong đó tỷ lệ lao động trong các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 35%, công nghiệp và xây dựng chiếm 28%, và dịch vụ chiếm 37%[6]. Chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, khi tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt khoảng 28%, nhưng chỉ có 10% có trình độ đại học trở lên. Trong đó số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI khoảng 4,8 triệu người, chiếm khoảng 10% tổng lực lượng lao động của cả nước, tập trung chủ yếu ở các ngành sản xuất chế tạo (khoảng 60%), tiếp theo là các ngành dịch vụ và công nghệ thông tin[7]. Tuy nhiên trong đó chỉ có khoảng 15% lao động trong các doanh nghiệp FDI có trình độ đại học trở lên. Khoảng 50% lao động đã qua đào tạo nghề hoặc có chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật[8].

Ngoài ra, một khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) năm 2023 cho thấy, 55% các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, đặc biệt là kỹ năng mềm và khả năng sử dụng ngoại ngữ. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên (độ tuổi 15-24) là 7,4% vào quý I năm 2023, cao hơn so với tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước là 2,2%.

Mặc dù đang có rất nhiều lợi thế về nguồn nhân lực do đang ở trong thời kỳ dân số vàng, tuy nhiên, thực trạng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan (TDRI) đã chỉ ra rằng hầu hết các kỹ năng mềm của người lao động Việt Nam nằm ở mức trung bình hoặc yếu, đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm, và kỹ năng lãnh đạo.

Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam chưa cao nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập. Những hạn chế, yếu kém của nguồn nhân lực là một trong những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2022 cũng chỉ ra rằng Việt Nam còn thiếu lao động có kỹ năng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, kỹ thuật và quản lý. Thị trường lao động cũng đối mặt với sự mất cân đối cung - cầu, đặc biệt thiếu hụt lao động chất lượng cao trong các ngành công nghệ cao và dịch vụ.

Nghiên cứu của Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (2016) cũng cho thấy, mức độ đáp ứng về kỹ năng do thay đổi công nghệ của lao động trong các doanh nghiệp điện tử và may rất thấp.

THỰC TRẠNG CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH NHẰM THU HÚT, TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI

Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam đã có những dấu hiệu tích cực. Phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024 do Bộ LĐTBXH tổ chức, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - nhìn nhận, nguồn nhân lực của Việt Nam chưa đạt yêu cầu so với nhu cầu lao động theo hướng số hóa, hiện đại hóa như hiện nay. “Chúng ta phải đầu tư sâu cho lĩnh vực đào tạo nói chung và đào tạo nghề nói riêng thì mới nâng cao được chất lượng” - bà Doan nhấn mạnh.

Quốc hội đã ban hành Bộ luật Lao động đầu tiên vào năm 1994 và được bổ sung sửa đổi qua các năm, đến nay Luật Lao động được sử dụng mới nhất là Bộ luật Lao động 2019, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục,… Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật, đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”. [9]

Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 31/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện pháp luật và ban hành khung chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong các lĩnh vực: lãnh đạo, quản lý, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, nghệ thuật, khoa học và xã hội; thể dục, thể thao; quân sự, quốc phòng và an ninh quốc gia, thông tin và truyền thông… Đây là cơ sở chính trị, pháp lý để chúng ta đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công ở Việt Nam hiện nay.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 5715/QĐ-UBND ngày 21/11/2014 về Quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ vào làm việc tại Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán, Trung tâm Công nghệ sinh học; Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND ngày 04/7/2019 ban hành Quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu trong giai đoạn 2019-2022…, qua đó đã thu hút được một số chuyên gia đầu ngành đến làm việc. Các chính sách này về cơ bản phù hợp với các văn bản do Trung ương ban hành và tuân thủ theo quy định.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành các chính sách và quy định pháp luật tập trung vào nhiều nhóm đối tượng khác nhau như: Quyết định số 91/2009/QĐ-UBND về việc ban hành quy định về thu hút, sử dụng, đào tạo tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố Hà Nội; Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô; Quyết định số 2735/QĐ-UBND ngày 16/6/2015 về việc ban hành Quy chế hoạt động của Quỹ ưu đãi, khuyến khích các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, người có trình độ cao tham gia cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô nhằm thu hút, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Quyết định số 579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và Quyết định số 1216/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020

MỘT SỐ HẠN CHẾ VÀ THÁCH THỨC

Tình trạng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam vẫn đang đối diện với nhiều hạn chế và thách thức đáng kể, dù đã có sự cải thiện nhất định. Dưới đây là những vấn đề cụ thể:

Đầu tiên, tỷ lệ lao động được đào tạo về nghề nghiệp và kỹ năng trong tổng lực lượng lao động vẫn còn thấp. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2023, chỉ có khoảng 28% lực lượng lao động được đào tạo về nghề nghiệp và kỹ năng (có trình độ sơ cấp trở lên) trên toàn quốc. Tại các doanh nghiệp FDI, tỷ lệ lao động dưới đại học vẫn chiếm hơn 80%, và con số này chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể từ năm 2011 đến nay. Đây là một thách thức lớn khi mà yêu cầu về kỹ năng ngày càng tăng trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi một lực lượng lao động có trình độ cao hơn.

Thứ hai, đội ngũ lao động chất lượng vẫn còn thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng. Nhìn chung, đội ngũ lao động tri thức ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao và quản lý kinh doanh. Việc thiếu hụt nhân tài trong các ngành công nghiệp, như tài chính, kiểm toán và luật pháp, làm cho các doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và duy trì nhân lực chất lượng.

Kết quả điều tra PCI - FDI 2022 cũng cho thấy vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện chất lượng lao động ở các tỉnh. Có tới 54% doanh nghiệp FDI đánh giá chất lượng lao động chỉ đáp ứng nhu cầu ở mức trung bình. Khoảng 1/3 doanh nghiệp FDI đánh giá chất lượng lao động đáp ứng phần lớn nhu cầu của doanh nghiệp. Chỉ có 9% doanh nghiệp FDI hoàn toàn hài lòng với chất lượng nguồn nhân lực, giảm so với mức 15% năm 2021.

Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam
FDI đánh giá chất lượng lao động tại các tỉnh, thành phố (Theo kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam (PCI) dành cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2022). Nguồn: https://daibieunhandan.vn/doanh-nghiep1/chat-luong-lao-dong-la-yeu-to-quan-trong-thu-hut-doanh-nghiep-fdi-i324220/

Thứ ba, tác phong và kỷ luật lao động cũng đang gặp thách thức. Phần lớn lao động tại Việt Nam, đặc biệt là những người xuất thân từ nông thôn, vẫn mang những tác phong làm việc của ngành nông nghiệp, không phù hợp với môi trường làm việc công nghiệp. Họ thiếu kỹ năng làm việc nhóm, chưa có khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, cũng như thiếu sự sáng tạo và khả năng chia sẻ kinh nghiệm làm việc. Điều này khiến các doanh nghiệp FDI phải tốn nhiều thời gian và chi phí để đào tạo lại tác phong lao động phù hợp với yêu cầu của môi trường kinh doanh hiện đại.

Thứ tư, lực lượng sinh viên mới ra trường chưa được chuẩn bị tốt về mặt tâm lý và kỹ năng ứng dụng. Mặc dù họ có kiến thức lý thuyết tốt, nhưng thiếu kỹ năng áp dụng thực tế và sự chuẩn bị về tâm lý khi bước vào môi trường làm việc. Đây là một thách thức đối với các doanh nghiệp FDI khi muốn sử dụng nguồn nhân lực tươi mới từ các trường đại học và cao đẳng.

Thứ năm, tình trạng "nhảy việc" của người lao động do thiếu khát vọng và thiếu tầm nhìn dài hạn. Người lao động thường có xu hướng thay đổi công việc thường xuyên, chủ yếu do sự không hài lòng với công việc hiện tại hoặc khát khao có thu nhập cao hơn. Điều này làm giảm tính ổn định của lực lượng lao động và tăng thêm gánh nặng chi phí đào tạo và thay thế nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp FDI.

Tóm lại, mặc dù đã có sự tiến bộ, nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức cần vượt qua đối với chính sách thu hút và quản lý nguồn nhân lực chất lượng cao tại các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Để giải quyết các vấn đề này, sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo là điều cần thiết để nâng cao trình độ và năng lực của lực lượng lao động, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia. Việc này không chỉ giúp các doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả hơn mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

GIẢI PHÁP TIẾP TỤC HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH ĐỂ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC, THU HÚT, TUYỂN DỤNG NHÂN TÀI

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc thu hút vốn FDI, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc thu hút và tận dụng nguồn nhân tài luôn là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp và doanh nhân, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, cạnh tranh toàn cầu ngày nay. Để giải quyết các thách thức và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, chính phủ cũng như các doanh nghiệp FDI cần đưa ra những chính sách và thực hiện những giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, Chính phủ ban hành các văn bản quy định thống nhất việc thu hút, sử dụng nhân tài; cụ thể hóa đầy đủ các nội dung của các giai đoạn trong thu hút nhân tài và tích cực khuyến khích các trường đại học và trung học chuyên nghiệp phát triển các chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp FDI như chuyên ngành công nghệ cao, khoa học kỹ thuật, quản lý và các lĩnh vực có nhu cầu cao của thị trường lao động. Doanh nghiệp FDI cần xây dựng một chiến lược rõ ràng về phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào việc tuyển dụng và đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Việc đầu tư vào đào tạo kỹ năng và nâng cao năng lực thực hành là rất cần thiết để cung cấp đủ lao động có trình độ và kỹ năng phù hợp với yêu cầu sản xuất và quản lý của doanh nghiệp.

Thứ hai, để có được nguồn nhân lực chất lượng, các doanh nghiệp FDI cần hiểu và đánh giá chính xác vai trò của các cán bộ quản lý nhân sự. Điều này bao gồm việc tuyển dụng những người có năng lực chuyên môn và phẩm chất tốt, đồng thời hỗ trợ và khuyến khích phát triển nghề nghiệp cho họ. Quản lý hiệu quả nguồn nhân lực cũng đòi hỏi phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân viên để tạo môi trường làm việc tích cực và có động lực.

Thứ ba, có tầm nhìn chiến lược và sẵn sàng dự đoán các thay đổi trên thị trường lao động và chính sách nhà nước liên quan. Điều này giúp cho các doanh nghiệp có thể thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi, củng cố công tác quản trị và nguồn nhân lực hiệu quả. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến lao động và đầu tư, giảm bớt các rào cản pháp lý và thủ tục quản lý. Nâng cao tính dễ dàng và minh bạch trong việc làm thủ tục cho các doanh nghiệp nước ngoài. Đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng và minh bạch cho các doanh nghiệp FDI. Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện công bằng trong cạnh tranh.

Thứ tư, cần có kế hoạch và ngân sách rõ ràng cho việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Đầu tư hợp lý vào việc đào tạo là cần thiết để giúp cán bộ nhân viên cải thiện kỹ năng và nâng cao năng lực quản lý, đáp ứng được yêu cầu sản xuất và kinh doanh ngày càng cao.

Thứ năm, ban hành và thực hiện các hệ thống đánh giá hiệu quả nhân sự, cùng với việc thiết lập các chế độ đãi ngộ hợp lý. Đưa ra các chính sách thu hút nhân tài như hỗ trợ thuế, chi phí sinh hoạt, và các chế độ đãi ngộ hấp dẫn cho các chuyên gia, nhà quản lý và công nhân kỹ thuật có kỹ năng cao. Các chính sách này cần được thiết kế linh hoạt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các doanh nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân nhân tài, đồng thời xây dựng một văn hóa doanh nghiệp tích cực và trách nhiệm, giúp tăng cường hiệu suất làm việc và sự hài lòng của nhân viên.

Thứ sáu, Chính phủ cần cung cấp hỗ trợ về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng đào tạo và phát triển nhân lực. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI hợp tác với các trường đào tạo để phát triển chương trình đào tạo nghề phù hợp. Từ đó, các doanh nghiệp FDI tạo liên kết chặt chẽ với các cơ sở đào tạo nghề. Các doanh nghiệp cần hợp tác mạnh mẽ để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp và cung cấp cơ hội thực tập cho sinh viên. Điều này giúp cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Thứ bảy, quan trọng nhất là doanh nghiệp phải xây dựng một môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh. Văn hóa này phải được lãnh đạo cấp cao phát triển và thúc đẩy, đồng thời hỗ trợ các hoạt động cộng đồng xã hội của nhân viên. Điều này sẽ giúp tăng cường sự cam kết và lòng trung thành của nhân viên với doanh nghiệp.

Thứ tám, Chính phủ cần đưa ra các chính sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng vận tải, viễn thông và các tiện ích công cộng để cải thiện môi trường sống và làm việc cho người lao động trong các khu vực đang thu hút đầu tư FDI. Hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ mới và khởi nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI có tính đột phá trong công nghệ và dịch vụ./.

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt

  1. Luật Đầu tư 2020

  2. Bộ luật Lao động 2019

  3. Bách khoa toàn thư mở (WIKIPEDIA)

  4. Báo cáo của Tổng cục Thống kê 2023

  5. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến hết năm 2023

  6. Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

  7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.327

  8. Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam

  9. Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 31/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

  10. Quyết định số 91/2009/QĐ-UBND về việc ban hành quy định về thu hút, sử dụng, đào tạo tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố Hà Nội

  11. Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô

  12. Quyết định số 2735/QĐ-UBND ngày 16/6/2015 về việc ban hành Quy chế hoạt động của Quỹ ưu đãi, khuyến khích các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, người có trình độ cao tham gia cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô

  13. Quyết định số 579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020

  14. Quyết định số 1216/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020

Tiếng Anh

  1. World Bank Group (2000), World Development Indicators

  2. Nicholas Henry (2016). Public Administration and Public afairs. Routledge, New York, USA

  3. George T.Milkovich & John W.Boudrea (2005). Quản trị nguồn nhân lực, NXB thống kê, TP. HCM, Việt Nam


[1] World Bank Group (2000), World Development Indicators

[2] Nicholas Henry (2016). Public Administration and Public afairs. Routledge, New York, USA

[3] George T.Milkovich & John W.Boudrea (2005). Quản trị nguồn nhân lực, NXB thống kê, TP. HCM, Việt Nam.

[4] Khoản 22 Điều 3 Luật Đầu tư 2020

[5] Bách khoa toàn thư mở (WIKIPEDIA)

[6] Báo cáo của Tổng cục Thống kê 2023

[7] Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến hết năm 2023

[8] Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.327.

Ngày nhận bài: 16/5/2024; Ngày phản biện: 02/6/2024; Ngày duyệt đăng: 25/6/2024