Hội thảo này nhấn mạnh lại thông điệp về việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế cho một nền kinh tế thị trường hiện đại.

Việt Nam đã trải qua một quý I với không ít bất định

Đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô quý I/2019, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM) cho rằng, Việt Nam đã trải qua một quý I với không ít bất định.

Dẫn chứng cho nhận định trên, ông Dương cho biết, trong quý I, triển vọng kinh tế thế giới và các nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu xấu đi. Theo đó, xu hướng đảo chiều chính sách từ thắt chặt tài chính sang ứng phó với suy giảm/suy thoái kinh tế đã bắt đầu hiện hữu.

Thứ hai, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn còn phức tạp. Đàm phán thương mại giữa Mỹ và các đối tác, dù có nhiều thông tin, bộc lộ nhiều diễn biến khó lường. Tranh cãi về yêu cầu cải cách hệ thống thương mại đa phương và ứng xử với chủ nghĩa bảo hộ còn phổ biến.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM) cho rằng, Việt Nam đã trải qua một quý I với không ít bất định

Thứ ba, một số nền kinh tế khu vực (như Thái Lan, Indonesia) chuẩn bị bầu cử, với những khả năng thay đổi chính phủ và định hướng điều hành gắn với hợp tác kinh tế khu vực.

Thứ tư, đồn đoán, kỳ vọng về dòng vốn nước ngoài gia tăng vào Việt Nam đi kèm với những băn khoăn về khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và tư duy, cách thức sàng lọc dự án đầu tư nước ngoài.

Thứ năm, bất định còn tiềm ẩn đối với thời điểm Việt Nam có những hướng dẫn, chính sách cụ thể để thực thi CPTPP và tiếp cận CMCN 4.0.

Đánh giá chung, ông Dương cho rằng, cho đến tháng 4/2019, công thức điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn tỏ ra phù hợp. Chính sách tiền tệ vẫn giữ được sự thận trọng, linh hoạt cần thiết, và vẫn củng cố thêm được dư địa điều hành (lãi suất, dự trữ ngoại hối).

Cách thức điều hành chính sách tiền tệ vẫn hướng tới củng cố niềm tin của thị trường và nền tảng của hệ thống (tăng an toàn vốn, xử lý nợ xấu), thay vì vội vã chạy theo xử lý các vấn đề ngắn hạn.

Chính sách tài khóa đã có sự phối hợp tích cực hơn với chính sách tiền tệ, trên nền tảng NSNN được cơ cấu lại theo hướng bền vững hơn.

Chính sách thương mại tiếp tục phát huy sự nhanh nhạy, thực dụng, đặc biệt trong quan hệ với các nền kinh tế chủ chốt để giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội, giảm thiểu nguy cơ bị chống trợ cấp, chống bán phá giá...

“Nhờ đó, môi trường kinh tế vĩ mô đã tạo điều kiện để Việt Nam làm sâu sắc hơn các cải cách về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh”, ông Dương cho hay.

GDP 2019 ước đạt 6,88%

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương cũng cập nhật dự báo cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019, phù hợp với kỳ vọng chung về sự phục hồi kinh tế thế giới và diễn biến kinh tế trong nước. Theo đó, GDP của các đối tác tăng 3,9%. Mức giá của Hoa Kỳ tăng 2%. Giá hàng nông sản xuất khẩu giảm 2,1%. Giá dầu thô thế giới giảm khoảng 7,2%.

Về phía Việt Nam, tỷ giá VNĐ/USD trung tâm có thể được điều chỉnh tăng 2%. Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%. Tín dụng tăng 14%. Giá nhập khẩu tăng 2%. Dân số tăng 1,08%/năm, và việc làm tăng 0,86%. Lượng dầu thô xuất khẩu giả thiết không đổi so với năm 2018. Tỷ giá hữu hiệu thực giả thiết tăng 1%. Trên cán cân thanh toán, chuyển giao của Chính phủ và khu vực tư nhân (ròng) lần lượt giảm 10% và tăng 5%. Vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 5%. Đầu tư từ nguồn NSNN được bổ sung 429,3 nghìn tỷ đồng.

Kết quả dự báo cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,88%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,02%. Thặng dư thương mại ở mức 3,1 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng trong năm là khoảng 3,71%.

Bảng: Kết quả dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô 2019

Đơn vị: %

Tăng trưởng GDP

6,88

Lạm phát (bình quân)

3,71

Tăng trưởng xuất khẩu

9,02

Cán cân thương mại (tỷ USD)

3,1

Nguồn: Dự báo từ mô hình kinh tế lượng vĩ mô sử dụng số liệu quý.

Phía trước vẫn còn không ít thách thức

Theo ông Dương và nhóm nghiên cứu, diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý II-IV/2019 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bên ngoài. Trước tiên là rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ đã gia tăng. Khảo sát của Wall Street Journal trong tháng 2 cho thấy xác suất suy thoái trong năm 2019, 2020 và 2021 ở Mỹ lần lượt là 24,53%%, 45,7% và 39,1%.

Theo đó, lộ trình điều chỉnh lãi suất của Mỹ cũng có thể sẽ được cân nhắc thận trọng hơn. Khảo sát của Reuters trong giai đoạn 11-14/3 cho thấy 55% ý kiến dự báo FED tăng lãi suất ít nhất một lần trước quý IV (trong khi lần khảo sát trước cho đồng thuận là tăng lãi suất trong quý II).

Thách thức thứ hai ở phía trước, theo ông Dương là căng thẳng thương mại ở khu vực khó hạ nhiệt. Căng thẳng và đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc còn diễn biến khó lường. Trung Quốc có thể nhượng bộ một số nội dung trong đàm phán, song kết quả đạt được khó có thể giúp đẩy lùi bất đồng giữa hai bên về chính sách thương mại. Mỹ cũng có thể gia tăng căng thẳng thương mại với các nền kinh tế khác (chẳng hạn, Nhật Bản).

Một vấn đề nữa sẽ tạo những thách thức lớn cho Việt Nam, đó là dù kỳ vọng nhiều vào việc phê chuẩn EVFTA, Việt Nam cũng cần lưu ý rằng EU đang rất bận với chương trình nghị sự về thương mại (liên quan đến Brexit, đàm phán thương mại với Mỹ). Bản thân EU cũng đã phê chuẩn hiệp định FTA với Nhật Bản trong quý I, nên nhu cầu phê chuẩn sớm một FTA khác có thể giảm bớt.

Bên cạnh đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật hơn ở các thị trường nước ngoài, kể cả thị trường CPTPP.

Điểm cuối cùng, ông Dương lưu ý đó là thị trường tài chính quốc tế có thể còn phản ứng nhanh và quá mức trước những diễn biến bất lợi, đặc biệt liên quan đến các vấn đề địa chính trị..., qua đó ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và dòng vốn vào/ra Việt Nam.

Đồng tình rằng, Việt Nam vẫn còn phải xử lý không ít thách thức, chủ yếu là về nền tảng kinh tế vi mô; Tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật còn phổ biến, dẫn tới tình trạng tư duy, chính sách mới chậm đi vào thực hiện, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM lo lắng chỉ rõ: “Chúng ta thiếu thị trường, thừa nhà nước, nên phải cải cách nhiều hơn nữa. Đang rất nhiều nhóm lợi ích đan xen nhau, nên cải cách là va vào các nhóm lợi ích, nên cực kỳ khó cho cải cách”.

Ngay cả với CPTPP, các hướng dẫn và sửa đổi luật còn chậm thực hiện, dù lãnh đạo cấp cao và doanh nghiệp kỳ vọng khá nhiều. Quan trọng hơn, hiệu lực thực thi chính sách vẫn chậm được cải thiện.

Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên nhắc lại những nhóm giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội phần nào cho thấy sự sát sao, song mặt khác cũng cho thấy các nhóm giải pháp chưa được nhận thức và/hoặc thực hiện đầy đủ.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, ông không thích khi nghe được những nhận xét là Việt Nam đang tăng trưởng tốt nhất, hay cao nhất thế giới. Bởi nhìn sâu vào chất lượng tăng trưởng sẽ thấy nhiều vấn đề.

Nghị quyết số 02 mãi mới thêm được 2 chữ “Bứt phá” để kỳ vọng vào sự bứt phá, nhưng hết quý I, mọi việc vẫn “y nguyên”, không nhìn thấy sự thay đổi.

“Nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế rất kém năng động. Chính vì thế, chúng ta không có ngành nghề mới. Thể chế vẫn làm theo quy định, tiến theo quy trình. Với cách quản lý đó đã làm triệt tiêu hết sự sáng tạo cần thiết. Trong khi đây là nguồn lực lớn nhất hiện nay", ông Cung thẳng thắn./.