Với hỗ trợ của Australia trong Chương trình Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), ngày 15/7/2021, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững”.

CIEM công bố 2 kịch bản kinh tế năm 2021
Ở kịch bản lạc quan nhất, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn thấp hơn mục tiêu của Chính phủ đề ra là 6,5%.

Đà phục hồi kinh tế còn nhiều bất định do rủi ro bùng phát các đợt dịch bệnh mới

Thay mặt nhóm nghiên cứu của CIEM, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM) chỉ rõ, chúng ta đã kỳ vọng vào sự phát triển của năm 2021, nhưng bối cảnh kinh tế trong 6 tháng vừa qua không hề dễ dàng hơn so với năm 2020.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế toàn cầu phục hồi rõ nét hơn, dù chưa đồng đều giữa các nhóm nền kinh tế. Các nền kinh tế phát triển phục hồi khá mạnh mẽ, trong khi các quốc gia đang phát triển phục hồi chậm.

Đà phục hồi kinh tế còn nhiều bất định do rủi ro bùng phát các đợt dịch bệnh mới, diễn biến lây lan nhanh của các biến thể COVID-19 mới khiến nhiều quốc gia áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế; chậm trễ trong phổ biến vắc-xin và tiêm chủng; rủi ro nợ và áp lực lạm phát…

Bước vào đầu năm 2021, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, những đợt dịch với những diễn biến khá phức tạp, nhất là đợi dịch thứ tư từ cuối tháng 4 đến hết quý II, đã gây ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế.

Tốc độ tăng GDP đạt 5,64% trong 6 tháng đầu năm 2021, trong đó quý I tăng 4,65% và quý II tăng 6,61%.

“Đà phục hồi tăng trưởng vẫn hiện hữu; mặc dù vậy, việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 ở mức 6,5% là thách thức rất lớn”, ông Nguyễn Anh Dương chỉ rõ.

Kinh tế Việt Nam đã có quý đầu tiên mở rộng trong chu kỳ tăng trưởng và tiếp tục nằm trong nhóm duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức cao ở khu vực châu Á.

Khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82% trong 6 tháng đầu năm 2021, tái khẳng định vai trò là “bệ đỡ” cho nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn.

Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,91%. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành đã phục hồi trở lại, tăng mạnh lên 13,01% trong quý II/2021. Phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, tạo động lực tăng trưởng; tuy vẫn chủ yếu tập trung ở ngành công nghệ thấp và ở khâu gia công, lắp ráp, với giá trị gia tăng thấp.

Khu vực dịch vụ tăng 3,96% trong 6 tháng đầu năm 2021. Hoạt động của khu vực dịch vụ chưa phục hồi hoàn toàn với nhiều hoạt động như du lịch, vận tải gặp nhiều khó khăn.

Cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19. Các doanh nghiệp ít nhiều cũng chủ động cân nhắc điều chỉnh hướng sản xuất - kinh doanh.

Tình hình lao động - việc làm cũng chịu những ảnh hưởng đáng kể. Tổng số lực lượng lao động trong độ tuổi giảm 90,8 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp chung của lao động trong độ tuổi trong cả nước 6 tháng đầu năm 2021 là 2,52%. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, người lao động trong khu vực phi chính thức trở nên bấp bênh hơn do các cú sốc, nhất là trong đại dịch COVID-19

Ông Dương nêu rõ, rút kinh nghiệm từ ba đợt dịch trước, Chính phủ đã tiếp cận điều hành trong đợt dịch thứ tư đã có sự linh hoạt cần thiết để vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Chính phủ tiếp tục kiên định với các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các biện pháp hỗ trợ tiếp tục được thực hiện, điều chỉnh nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, qua đó góp phần vào ổn định xã hội.

Đồng thời, nhiều giải pháp, nhiệm vụ hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số để tạo sức bật cho nền kinh tế trong dài hạn và thúc đẩy thực hiện hiệu quả các FTA mới tiếp tục là ưu tiên trong các tháng đầu năm 2021.

CIEM công bố 2 kịch bản kinh tế năm 2021
Ở kịch bản dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 10/2021, chậm hơn 2 tháng so với kịch bản lạc quan, tăng trưởng của Việt Nam dự báo ở mức 5,9%

Kịch bản kinh tế cho 6 tháng cuối năm

Trên cơ sở đánh giá hiện trạng nền kinh tế, CIEM dự báo, ở kịch bản lạc quan nhất, Việt Nam có thể kiểm soát được dịch bệnh vào tháng 8/2021, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn thấp hơn mục tiêu của Chính phủ đề ra là 6,5%. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng đạt 6,2%, GDP Việt Nam sẽ vượt chỉ tiêu Quốc hội giao 0,2 điểm phần trăm.

Ở kịch bản dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 10/2021, chậm hơn 2 tháng so với kịch bản lạc quan, tăng trưởng của Việt Nam dự báo ở mức 5,9%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với chỉ tiêu Quốc hội giao.

Trước đó, nhiều tổ chức nghiên cứu quốc tế cũng đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay. Đơn cử, WB đánh giá mức tăng trưởng GDP Việt Nam là 6,6%, IMF là 6,5% hay mới đây nhất Ngân hàng UOB với con số tích cực lên đến 6,7%.

Dù tốc độ tăng trưởng dự báo của Việt Nam khá tích cực so với các quốc gia trong khu vực, song theo CIEM, nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021 có thể tiếp tục hứng chịu những tác động từ những bất định, rủi ro trong nội tại nền kinh tế cũng như thế giới.

Đó là Covid-19 và các biến thể còn diễn biến phức tạp, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng tiếp theo, hệ luỵ là đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá, chi phí logistics tăng tác động đến xuất nhập khẩu hàng hoá… Vì vậy, khả năng kiểm soát dịch bệnh tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới tốc độ tăng trưởng.

Ngoài ra, tiến độ giải ngân đầu tư công, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ kinh tế số và chuyển đổi số, khả năng tận dụng cơ hội từ các FTA mới và bảo đảm cơ hội cho lao động nữ vẫn là những yếu tố ảnh hưởng tới tăng trưởng.

Để kiểm soát dịch bệnh cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ mới đã khẩn trương vào nhịp điều hành, kế thừa khung chính sách đã có trong năm 2020 và đi trực diện, linh hoạt hơn vào xử lý những vấn đề về phòng dịch và phục hồi kinh tế, có cân nhắc nhiều đề xuất mới một cách cầu thị, quyết liệt hơn.

Trong bối cảnh theo đuổi “mục tiêu kép” và định hình cách tiếp cận đối với một số vấn đề cải cách chính sách kinh tế, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho rằng thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào 3 định hướng quan trọng.

Thứ nhất, bảo đảm có sự song hành giữa chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách kinh tế vi mô, hướng tới phục hồi xanh và phục hồi bền vững.

Thứ hai, thúc đẩy phục hồi kinh doanh và nâng cao năng lực nội tại, mức độ tự chủ của nền kinh tế gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ ba, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ hướng tới kinh tế số; trang bị kỹ năng mới để cải thiện năng suất.

Góp ý cho các kịch bản của nhóm nghiên cứu, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, cần thêm kịch bản xấu, để khi có diễn biến xấu sẽ không gặp lúng túng trong ứng xử.

“Câu chuyện đại dịch xảy ra là bài học, khi nó bùng phát thì hạn chế được rủi ro, tác động một số tiêu cực một cách thấp nhất có thể”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của TS. Võ Trí Thành, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM gợi ý nhóm nghiên cứu bổ sung thêm kịch bản thứ 3, để trong trường hợp khó khăn nhất, có thể chủ động trong điều hành, ứng phó với hoàn cảnh xấu./.