Từ khóa: xu hướng, ngân hàng số, chuyển đổi số

Summary

In Vietnam, commercial banks are competing strongly in the digital transformation process, retaining and developing individual and corporate customers, bringing the latest utilities to their different customers. The article focuses on analyzing the current situation of digital transformation of the banking industry in Vietnam, and at the same time, points out the key opportunities and challenges of digital banking, thereby proposing some appropriate recommendations.

Keywords: trends, digital banking, digital transformation

GIỚI THIỆU

Để thực hiện các mục tiêu đề ra tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020), Thủ tướng Chính phủ đã xác định lĩnh vực tài chính, ngân hàng là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số nhằm tăng cường tài chính toàn diện quốc gia. Vấn đề này đặt ra yêu cầu cần xây dựng và hoàn thiện chính sách, cơ sở pháp lý về hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng nhằm tận dụng và khai thác triệt để những cơ hội, đồng thời hạn chế, khắc phục những rủi ro tiềm ẩn và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong lĩnh vực quan trọng này của nền kinh tế.

THỰC TRẠNG CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH NGÂN HÀNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 4/2023, ước tính trong cả nước có 120 triệu tài khoản thanh toán tại các tổ chức tín dụng (TCTD) và 51 triệu hồ sơ khách hàng tại Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), trong đó, toàn bộ 100% doanh nghiệp có tài khoản. Doanh số giao dịch của các tài khoản, kể cả doanh nghiệp bình quân lên tới 30 tỷ USD/ngày qua hệ thống ngân hàng (Linh Hà, 2023). Điều đó cho thấy, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ NHS, cơ sở dữ liệu dân cư và kết nối thông tin theo Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ giúp các giao dịch được thuận tiện, nhanh chóng, an toàn, tiết kiệm chi phí cho các bên có liên quan và phòng tránh tội phạm, lừa đảo (sau đây gọi tắt là Đề án 06).

Một nội dung quan trọng khác liên quan đến Đề án 06, đó là việc các ngân hàng hướng đến việc cung cấp tín dụng trên cơ sở số. Điều đó có nghĩa là khách hàng không cần đến ngân hàng mà vẫn được vay tín dụng. Một số NHTM đã thử nghiệm hệ thống chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư của Bộ Công an, qua đó, có thể cho vay tín chấp, bước đầu là đối với các món vay giá trị nhỏ. Đây cũng là vấn đề góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen. Đồng thời, vấn đề này nếu làm tốt cũng sẽ giúp giảm chi phí hoạt động ngân hàng khi cho vay các khoản nhỏ, từ đó giảm lãi suất cho vay với tín dụng tiêu dùng.

Để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện cho vay tín chấp với dân cư, trong quý I/2023, NHNN ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN, ngày 28/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, theo đó cho phép cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử. Việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cho vay tiêu dùng thành công sẽ tạo cơ sở để tiến tới cho vay các doanh nghiệp khi có cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp được kết nối với các hệ thống khác.

Các NHTM nói riêng và TCTD nói chung cũng là một loạt hình doanh nghiệp, kinh doanh tiền tệ và cung ứng dịch vụ ngân hàng trong nền kinh tế. Các TCTD cũng như các NHTM đi đầu trong chuyển đổi số rất mạnh mẽ đem lại các tiện ích cho người dân, cho doanh nghiệp, cho mở rộng dịch vụ công. Do đó, một thành công quan trọng trong chuyển đổi số của ngành ngân hàng đó là phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Doanh số này liên tục tăng mạnh trong những năm qua, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Theo NHNN, chỉ tính riêng trong năm 2022, doanh số TTKDTM qua hệ thống ngân hàng đạt mức tăng trưởng từ 1,13-2,1 lần so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, doanh số giao dịch TTKDTM tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị; thanh toán qua kênh internet tăng tương ứng 89,36% và 40,55%; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 116,1% và 92,3%; thanh toán qua sử dụng phương thức QR code tăng tương ứng 182,5% và 210,6%; giao dịch thanh toán qua POS tăng tương ứng 53,57% và 48,78%; giao dịch qua ATM tăng tương ứng 13,28% và 14,04%. Các giao dịch sử dụng QR Code được giới trẻ, các doanh nghiệp thương mại dịch vụ đặc biệt ưa dùng.

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC TRONG PHÁT TRIỂN NHS

Cơ hội mở ra

Thứ nhất, tương tác kỹ thuật số tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ. Những dữ liệu đó có thể được phân tích để đưa ra các kết luận có tính chính xác cao về nhu cầu của khách hàng. So với hoạt động ngân hàng truyền thống, NHS có nhiều ưu điểm vượt trội nhờ nền tảng mô hình hoạt động số hóa, NHS sẽ cung cấp nhiều sản phẩm tài chính mới, như: thanh toán di động, cho vay tiêu dùng tín chấp trên nền tảng công nghệ phân tích dữ liệu tiên tiến, sản phẩm bảo hiểm số, đầu tư số… Thông qua tự động hóa quy trình, NHS giúp giảm chi phí, tăng tốc độ xử lý và bảo đảm hiệu quả vận hành. Chính vì vậy, không chỉ NHNN, mà chính các NHTM cũng xác định, phát triển NHS là một chiến lược nền tảng tạo sức phát triển, chứ không chỉ đơn thuần là một dự án công nghệ thông tin.

Thứ hai, hiện nay, hầu hết người dân Việt Nam đến tuổi trưởng thành có tài khoản tại NHTM, trong số đó, hầu hết có điện thoại thông minh, truy cập và sử dụng internet. Các khách hàng của NHS có thể mang lại lợi nhuận khá cao cho các ngân hàng. Chi phí hoạt động cho NHS thấp hơn 67% so với dịch vụ dựa trên chi nhánh truyền thống và khách hàng của NHS có thể tạo ra doanh thu gấp đôi (Đỗ Quang Trị, 2021). Một trong những lý do là các khách hàng bán lẻ tương tác với ngân hàng qua các kênh kỹ thuật số thường xuyên hơn 16 lần so với các tương tác dựa trên chi nhánh. Ngoài ra, đây là dịp nâng cao cơ hội tiếp thị và bán chéo do được cung cấp bởi các kênh kỹ thuật số.

Thứ ba, Chính phủ đang chỉ đạo mạnh mẽ triển khai Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư điện tử, cấp căn cước công dân gắn Chip điện tử, bỏ sổ hộ khẩu giấy truyền thống. Nhiều dịch vụ công điện tử và thủ tục hành chính điện tử, thủ tục hải quan điện tử, đăng ký thuế điện tử, thẻ bảo hiểm y tế điện tử, bảo hiểm xã hội điện tử… đang được triển khai mạnh mẽ trong cả nước. Chính phủ cũng đang triển khai mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, triển khai thu phí đường bộ cao tốc không dừng (VETC), thu tiền điện, nước sạch và các dịch vụ khác dựa trên nền tảng điện tử.

Một số thách thức

Một là, ngành ngân hàng Việt Nam đứng trước một số thách thức, như: cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng và các định chế tài chính, việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) của Hội đồng chuẩn mực Kế toán quốc tế (IASB). Mục tiêu của IFRS là cung cấp một khuôn khổ quốc tế về cách lập và trình bày báo cáo tài chính cho các công ty đại chúng. Trong khi hiện nay, các NHTM Việt Nam đang tuân thủ, hạch toán, báo cáo tài chính theo hệ thống tài khoản của Việt Nam.

Hai là, trong thực tế, phát triển lĩnh vực ngân hàng cũng còn gặp phải một số rào cản, chẳng hạn như: vấn đề công nghệ chờ các quy định pháp luật và những hướng dẫn thực thi; hóa đơn điện tử, chữ ký điện tử, chứng từ điện tử… vẫn còn nhiều rào cản về mặt pháp lý.

Ba là, gia tăng trải nghiệm, giảm chi phí, số hóa dịch vụ, mở rộng thị trường là một thách thức đối với các ngân hàng. Áp dụng công nghệ mới như Biometric, AI/Deep Learning, Machine Learning trong các ứng dụng thực tiễn của ngân hàng là xu hướng tất yếu để đạt được mục tiêu trên. Tuy nhiên, công nghệ chỉ là công cụ, nó phải đi cùng với nghiệp vụ để tạo ra các ứng dụng cụ thể phục vụ ngân hàng, bao gồm đào tạo cán bộ, nhân viên thông thạo thuần thục với các nghiệp vụ, kể cả nhân vien bảo trì và vận hành hệ thống mạng, chuyên gia công nghệ thông tin của ngân hàng, đến các cấp quản lý và các chốt kiểm soát nội bộ trong ngân hàng, đến nhân viên tác nghiệp trong các bộ phận nghiệp vụ; đồng thời ban hành các quy trình tác nghiệp nội bộ của ngân hàng.

Bốn là, với một lĩnh vực có tầm ảnh hưởng rộng và mang tính chất nhạy cảm với an ninh tiền tệ như NHS, việc đặt ra các quy định pháp luật và áp dụng chúng đều đòi hỏi sự cẩn trọng tất yếu. Sự cẩn trọng này là hết sức cần thiết, nhưng nó lại làm tốn kém thời gian, trì hoãn việc ban hành các văn bản quản lý của chính các tổ chức và cá nhân tại đơn vị xây dựng dự thảo, đến các cơ quan cần xin ý kiến, như: Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an… Bên cạnh các vấn đề nghiệp vụ chuyên sâu của lĩnh vực này, chẳng hạn như: giám sát dòng tiền của các ngân hàng ảo để giảm thiểu nguy cơ rửa tiền, tài trợ tiền cho các hoạt động phi pháp…, cần có các công cụ kỹ thuật để giám sát doanh thu, ghi nhận thuế, quy định về lưu trữ, bảo vệ dữ liệu cá nhân, tuân thủ Luật An ninh mạng…

Năm là, nhìn chung, sự phát triển NHS ở Việt Nam còn chưa có nhiều đột phá. Các sản phẩm NHS tuy có được đầu tư nhưng chưa có sự khác biệt rõ rệt. Để cải thiện điều này, cần phải áp dụng và cải tiến hoạt động NHS nhiều hơn nữa, từ xây dựng, nâng cấp hạ tầng đến việc ứng dụng các giải pháp mới từ các đơn vị cung cấp giải pháp ngành ngân hàng.

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Một là, Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài chính, nghiên cứu, sớm cho triển khai áp dụng hệ thống tài khoản quốc tế, kế toán theo tiêu chuẩn quốc tế, IFRS… Việc này dứt khoát phải được tiến hành khẩn trương không thể trì hoãn vì Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Đây cũng là nền tảng pháp lý quan trọng cho triển khai, áp dụng công nghệ NHS rộng rãi, hiệu quả, hội nhập quốc tế, nhất là tham gia thương mại quốc tế và thực hiện các hiệp định thương mại quôc tế mà Việt Nam đã ký với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

Hai là, việc hoàn thiện môi trường pháp lý cho phát triển và hoạt động của NHS cần được đẩy nhanh tiến độ thêm một bước. Cần gỡ vướng mắc về quan điểm, nhận thức, cách tiếp cận về NHS tại một số bộ ngành có liên quan trong tham gia ý kiến về dự thảo văn bản có liên quan.

Ba là, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và mở rộng phạm vi Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư điện tử, tiến độ gắn Chip điện tử trên căn cước công dân. Chính phủ cần chỉ đạo triển khai Visa điện tử, thẻ bảo hiểm y tế điện tử, sổ lương hưu điện tử, rà soát quy định về thương mại điện tử, chứng từ điện tử. Chính phủ chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ.

Bốn là, Chính phủ cần chỉ đạo tất cả các dịch vụ công trong tất cả các lĩnh vực, từ các Trung tâm giao dịch một cửa của các cấp chính quyền, các sở ban ngành, đến các đơn vị cung ứng dịch vụ công bắt buộc phải trang bị các thiết bị TTKDTM, thực hiện TTKDTM.

Năm là, các NHTM cần triển khai đồng bộ về NHS: lựa chọn giải pháp kỹ thuật và nhà thầu, đào tạo cán bộ các cấp, rà soát và ban hành đầy đủ các quy định nội bộ, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, tuyên truyền và giới thiệu cho khách hàng./.

TS. Trần Thị Ngọc Trâm - Trường Đại học Công đoàn

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 20, tháng 7/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Đỗ Quang Trị (2021), Phát triển dịch vụ ngân hàng số ở Việt Nam, truy cập từ https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phat-trien-dich-vu-ngan-hang-so-o-viet-nam-78706.htm.

2. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (2020-2021), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, truy cập tại www.vnba.org.vn: các mục: Thông tin hoạt động công nghệ NHS cung cấp các NHTM hội viên các năm 2020-2021.

3. Linh Hà (2023), Dữ liệu quốc gia dân cư: Nền tảng tăng tốc dịch vụ ngân hàng số, truy cập từ https://vietnamfinance.vn/du-lieu-quoc-gia-dan-cu-nen-tang-tang-toc-dich-vu-ngan-hang-so-20180504224283523.htm.

4. Ngân hàng Nhà nước (2020-2023), Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, truy cập Mục Tin tức-sự kiện tại: www.sbv.gov.vn.