THỰC TRẠNG KHÓ KHĂN CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TRƯỚC TÁC ĐỘNG TỪ DỊCH COVID-19

Trong khoảng thời gian từ năm 2020 cho đến nay, doanh nghiệp Việt Nam thực sự trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020, trên 80% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất, cung ứng, đầu ra thị trường, nhân công, chi phí phòng ngừa dịch bệnh… Tính chung năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là hơn 2.235,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.043 nghìn lao động, giảm 2,3% về số doanh nghiệp, tăng 29,2% về vốn đăng ký và giảm 16,9% về số lao động so với năm trước. Như vậy, trong giai đoạn 2015-2020, lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập bị sụt giảm. Trước đó, trung bình mỗi năm chỉ số này tăng 14,3%. Cũng trong năm 2020, ước tính 78,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2019. Số doanh nghiệp ngừng kinh doanh tăng 81,8% với cùng kỳ năm 2019, tương đương 38,6 nghìn doanh nghiệp.

Covid-19 - Phép thử VUCA và hướng đi nào cho doanh nghiệp Việt Nam?
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, những nỗ lực của cả nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng đem đến kết quả khả quan.

Số liệu cập nhật trong 7 tháng năm 2021, cả nước có 75,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 1.065,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 555,5 nghìn lao động; tăng nhẹ 0,8% về số doanh nghiệp, tăng 13,8% về vốn đăng ký và giảm 7,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, riêng trong tháng 7/2021, do chịu tác động nặng nề từ diễn biến trở lại của dịch Covid-19, cả nước có 8.740 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 122,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 71,2 nghìn người, giảm 22,8% về số doanh nghiệp, giảm 25,3% về vốn đăng ký và giảm 0,9% về số lao động so với tháng 06/2021; giảm 22,8% so với tháng trước và giảm 33,8% so với cùng kỳ năm 2020, đồng thời số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm tương ứng 25,3% và giảm 48,7%.

Báo cáo “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam: Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp năm 2020” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hợp tác cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố vào tháng 3/2021 cho thấy, đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng và sâu sắc đến bức tranh doanh nghiệp Việt Nam. Theo báo cáo, có 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực. Trong đó, nhóm doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ (doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm) hoặc các doanh nghiệp tại vùng Duyên hải miền Trung chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất. Một số ngành thuộc khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước bị tác động nặng nề hơn 90%. Điển hình là may mặc (97%), thông tin truyền thông (96%) và sản xuất thiết bị điện (94%). Lĩnh vực chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất ở khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là bất động sản (100%), thông tin truyền thông (97%), nông nghiệp/thuỷ sản (95%).

Có thể nói, những sóng dịch Covid-19 đẩy nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản hoàn toàn, đột ngột. Trong số các doanh nghiệp tồn tại được, có đến 65% doanh nghiệp tư nhân và 62% doanh nghiệp FDI bị giảm doanh thu năm 2020 so với năm 2019.

NỖ LỰC THÍCH ỨNG CỦA DOANH NGHIỆP

Tuy nhiên, trong bức tranh toàn cảnh kinh tế thế giới ảm đạm năm 2020, kinh tế Việt Nam được ghi nhận là điểm sáng hiếm hoi với mức tăng trưởng dương, tốc độ tăng GDP ước tính đạt 2,91% (Tổng cục Thống kê, 2020).

Phân tích về những yếu tố thành công của của nền kinh tế Việt Nam năm 2020, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh yếu tố về sức chống chọi bền bỉ, tính linh hoạt và khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam.Việc cắt giảm lao động cũng được hạn chế tối đa, đây là một yếu tố “rất Việt Nam” TS. Võ Trí Thành nhận xét. Thay vào đó, các doanh nghiệp Việt Nam linh hoạt triển khai việc nâng cao đào tạo trình độ và làm việc từ xa cho người lao động (Phan Trang – Việt Hà, 2020).

Báo cáo “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam: Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp năm 2020” cũng chỉ rõ, việc hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện một hoặc nhiều biện pháp ứng phó đối với dịch Covid-19, 57% doanh nghiệp tư nhân và 71% doanh nghiệp FDI thực hiện cấp đồ phòng hộ cho người lao động. Bên cạnh đó, số liệu thống kê từ báo cáo cũng ước tính, có 13% doanh nghiệp tư nhân và 15% doanh nghiệp FDI đã triển khai các biện pháp làm việc từ xa cho người lao động để duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, đại dịch Covid -19 đã chứng kiến sự lên ngôi của kinh tế số tại Việt Nam. Đó là nhờ sự linh hoạt trong phương thức, mô hình làm việc mới của doanh nghiệp Việt Nam. Cũng theo số liệu từ báo cáo trên, 37% doanh nghiệp tư nhân và 40% doanh nghiệp FDI chủ động triển khai sản phẩm mới, phương thức tiếp cận khách hàng mới. Hơn 20% doanh nghiệp tư nhân và FDI lựa chọn phương pháp trữ hàng hóa và nguyên vật liệu để giải quyết vấn đề nguồn cung và đầu ra thị trường. Ngoài ra, thay đổi chuỗi cung ứng mới cũng là lựa chọn của 16% doanh nghiệp tư nhân và 24% doanh nghiệp FDI.

Những nỗ lực của cả nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng đem đến kết quả khả quan. Các chuyên gia đánh giá dù tăng trưởng GDP năm 2020 không đạt như kế hoạch từ trước, tăng trưởng bình quân 5 năm 2016-2020 tuy không đạt mục tiêu, nhưng năm 2020 vẫn được đánh giá là năm phát triển thành công nhất, là bước tiền đề tốt để bước vào kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 (Phan Trang – Việt Hà, 2020).

Tuy nhiên, vẫn cần nhìn nhận những khó khăn vẫn thường trực và thách thức dịch bệnh Covid-19 luôn khó đoán định. Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn hết sức tạp, tạo ra nhiều thách thức, nhưng cũng đem đến những cơ hội.

PHÉP THỬ VUCA, SẼ CÒN NHIỀU THÁCH THỨC NHƯ DỊCH COVID -19

Dịch Covid-19 là thách thức lớn, nhưng không bất ngờ với thế giới. Thực chất các nhà khoa học đã chỉ ra, con người chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động, thế giới khó đoán định với nhiều sự thay đổi đột ngột đến từ những tác động mơ hồ, phức tạp không biết trước. VUCA chính là thuật ngữ để nói về một thế giới như vậy.

VUCA là khái niệm được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1987, dựa trên lý thuyết lãnh đạo của Warren Bennis và Burt Nanus, mô tả Sự biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity) của các điều kiện và tình huống chung (Warren Bennis and Burt Nanus, 1985).

Đầu những năm 90, VUCA được sử dụng để mô tả về thế giới đa cực xuất hiện sau Chiến tranh lạnh. Đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, khái niệm này một lần nữa được sử dụng trong lĩnh vực kinh doanh để mô tả rõ nét nhất những biến động khôn lường của thị trường thế giới, cụ thể:

(i) Sự biến động – V là những biến động đa chiều dẫn đến sự thay đổi đa chiều trong một ngành, thị trường riêng hay thế giới nói chung. Những biến động này có thể khiến các doanh nghiệp không kịp tiếp nhận, nắm bắt vấn đề để thích nghi và thay đổi.

(ii) Sự không chắc chắn – U muốn nói đến tương lai khó đoán định. Không một ai có thể chắc chắn tự tin dự đoán tương lai. Tương lai không nói trước dẫn đến sự không chắc chắn. Với các doanh nghiệp, các kế hoạch kinh doanh có thể bị đảo lộn bất cứ lúc nào khi thị trường biến động và thay đổi không ngừng. Điều này dẫn đến sự không chắc chắn trong các quyết định của doanh nghiệp luôn hiện hữu.

(iii) Độ phức tạp – C là yếu tố không thể thiếu của thế giới này, nhất là trong môi trường kinh doanh vốn đa dạng sự lựa chọn và mối quan hệ. Thế giới không phải những mảnh ghép độc lập, mỗi mảnh ghép đều phải liên hết với nhau để tạo nên một khối tổng thể. Với các doanh nghiệp, có nhiều mối liên kết thì môi trường càng phức tạp, khó phân tích.

(iv) Một thế giới đầy rẫy biến động, không chắc chắn và phức tạp, chắc chắn luôn tồn tại Sự mơ hồ - A. Sự mơ hồ khiến doanh nghiệp khó giải các bài toán phức tạp khi không biết sáng suốt lựa chọn hướng đi hay giải pháp nào dẫn tới mất kiểm soát bất cứ lúc nào.

Có thể thấy, các nhà khoa học, kinh tế đã định hình trước về một thế giới hoàn toàn biến động với nhiều sự thay đổi khó đoán định, không chắc chắn. Một thế giới luôn vận hành phức tạp với những thách thức tiềm ẩn, đó là thế giới VUCA.

Như vậy, thực chất tình hình đại dịch Covid -19 xảy đến với chúng ta bây giờ rõ ràng là thách thức lớn, nhưng đã được nhìn thấy từ trước. Nhìn vào mặt khác của đại dịch Covid-19, có thể thấy khả năng ứng phó, thích nghi của thế giới trước những vấn đề lớn có thể gây ra khủng hoảng toàn cầu.

Với các doanh nghiệp Việt Nam, đại dịch Covid-19 chính là phép thử, tuy giáng một đòn mạnh, nhưng cũng cho chúng ta thấy khả năng, điểm mạnh điểm yếu để phát huy và cải thiện trong tương lai. Thế giới khó đoán định và chắc chắn sẽ còn nhiều làn sóng mạnh mẽ hơn đại dịch Covid-19 ở phía trước. Đó là điều không thể tránh khỏi.

DOANH NGHIỆP CẦN LÀM GÌ?

Đại dịch Covid-19 và những hệ lụy nghiêm trọng mà nó mang lại chính là phép thử VUCA rõ nét nhất của thế giới hiện nay. Thế giới thay đổi từng ngày và chắc chắn mức độ biến động, mơ hồ sẽ ngày càng cao. Đây chính là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp hiện nay.

Nghị quyết số 124/2020/QH14, ngày 11/11/2020 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã chỉ rõ mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững năm 2021. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%. GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45%-47%.

Có thể thấy trọng trách lớn của toàn ngành kinh tế, trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò cốt yếu trong việc hoàn thành mục tiêu tổng thế này. Khi đã có định hình về thế giới biến động với nhiều hơn một thách thức như đại dịch Covid-19 sẽ xảy đến sau này, các doanh nghiệp cần không ngừng thay đổi tư duy, linh hoạt tăng tốc độ phản ứng để có thể đưa ra được dự đoán các vấn đề sẽ hình thành, dự đoán hậu quả, rủi ro; chuẩn bị cho những tình huống, cơ hội có thể xảy ra trong thời đại mới.

Trong bối cảnh đó, để tồn tại phát triển, bên cạnh những nỗ lực cải cách hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước, bản thân doanh nghiệp cần tự cải tiến phát triển năng lực nội tại.

Thứ nhất, thế giới VUCA cần những lãnh đạo doanh nghiệp VUCA. Để làm được điều này, đầu tàu các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực lãnh đạo của bản thân. Tại hội thảo "Năng lực lãnh đạo trong trạng thái bình thường mới" diễn ra vào ngày 03/11/2020, Phó Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại của Tổ hợp Samsung Việt Nam, ông Sung Geun Park nhấn mạnh: "Thực thể có thể vượt qua khủng hoảng và gây dựng nên thành quả chính là Con người. Mặc dù mỗi quốc gia mỗi doanh nghiệp theo đuổi thành quả và văn hóa khác nhau, nhưng đều giống nhau ở việc coi trọng nhân tố Con người" (Báo Khoa học và Đời sống, 2020).

Lãnh đạo doanh nghiệp thời Covid-19 đóng vai trò rất quan trọng. Việc không ngừng nâng cao năng lực về tầm nhìn, sự hiểu biết, khả năng linh hoạt thích ứng và sự can đảm sẽ giúp doanh nghiệp đi đúng hướng, tăng khả năng linh hoạt đối phó với các biến động thị trường. Khi có tầm nhìn sáng suốt từ lãnh đạo doanh nghiệp, những giá trị cốt lõi, chiến lược phát triển doanh nghiệp dựa trên những điểm mạnh, điểm yếu, tự tin đưa ra những quyết định táo bạo, đưa ra những quyết định kịp thời trong bối cảnh thay đổi chóng mặt của thị trường.

Thứ hai, doanh nghiệp cần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số. Nhìn vào mặt tích cực, đại dịch Covid-19 đã, đang và chắc chắn sẽ thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và quy trình làm việc trực tuyến. Điều này đặt ra vấn đề chuyển đổi số doanh nghiệp phải được chú trọng đẩy mạnh hơn nữa. Từ thành công của kinh tế Việt Nam năm 2020 cho thấy, chuyển đổi số chính là một trong những phương án quan trọng nhất giúp các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Doanh nghiệp số hóa sẽ tiết kiệm được chi phí, đẩy nhanh tốc độ trao đổi thông tin toàn cầu, tăng tính linh hoạt và tối ưu nguồn lực.

Phát biểu tại Hội thảo “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cơ hội, thách thức và giải pháp” trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 21/01/2021 tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, chuyển đổi số là giải pháp, là xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tốc và phát triển. Đây là giải pháp mang tính sống còn đối với tất cả các doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bằng cách số hóa hoạt động kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ, doanh nghiệp có thể gia tăng tính cạnh tranh, phục hồi sau dịch bệnh Covid-19 và nắm bắt những cơ hội thị trường mới để phát triển bền vững (Thúy Quyên, 2021)./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tổng cục Thống kê (2021). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm

2. Thúy Quyên (2021). Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cơ hội, thách thức và giải pháp, truy cập từ http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=48704&idcm=188

3. Báo Khoa học và Đời sống (2020). Tăng năng lực lãnh đạo trong trạng thái bình thường mới, truy cập từ https://khoahocdoisong.vn/tang-nang-luc-lanh-dao-trong-trang-thai-binh-thuong-moi-157920.html

4. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (2020). Nghị quyết số 124/2020/QH14,ngày 11/11/2020 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, truy cập từ http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=1&mode=detail&document_id=201701

5. Phạm Vĩnh Hà (2020). Đại dịch COVID-19 và những tác động cơ bản đối với thế giới, truy cập từ https://vass.gov.vn/hoi-nghi-hoi-thao/Dai-dich-COVID-19-va-nhung-tac-dong-co-ban-doi-voi-the-gioi-1230

6. Nguyễn Bích Lâm (2020). Đại dịch COVID-19, hệ lụy và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, truy cập từ http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Dai-dich-COVID19-he-luy-va-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep/412613.vgp

7. Tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam (2021). Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam, truy cập từ https://vjst.vn/vn/tin-tuc/4363/tac-dong-cua-dich-benh-covid-19-doi-voi-doanh-nghiep-viet-nam.aspx

8. Tổng cục Thống kê (2021). Kinh tế Việt Nam 2020: Một năm tăng trưởng đầy bản lĩnh, truy cập từ https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/01/kinh-te-viet-nam-2020-mot-nam-tang-truong-day-ban-linh

9. Phan Trang – Việt Hà (2020). Năm 2020: Thành công nhất dù tăng trưởng thấp nhất, truy cập từ http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Nam-2020-Thanh-cong-nhat-du-tang-truong-thap-nhat/411959.vgp

10. Warren Bennis and Burt Nanus (1985). Leaders: Strategies for Taking Charge, retrieved from https://archive.org/details/leadersstrategi00benn

ThS. Nguyễn Anh Vũ - Trường Đại học Hải Phòng

(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 22, tháng 8/2021)