34/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (58,33%).

11 tháng, còn 34/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình

Năm 2022, tổng số vốn cần được giải ngân là rất lớn với 542 nghìn tỷ đồng, nhiều hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng so với năm 2021 và gấp hơn 2,5 lần so với năm 2016.

Để chỉ đạo, điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2022, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 Nghị quyết (trong đó có 2 Nghị quyết chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công), 4 công điện, 7 văn bản; thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 là trên 580.261 tỷ đồng; số vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao là 580.064 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/11, tổng số vốn NSNN các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân là 550.400,63 tỷ đồng, đạt 94,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn trong nước đạt 94,6%, vốn nước ngoài đạt 99,7% kế hoạch.

Số vốn NSNN còn lại chưa phân bổ là 29.646,204 tỷ đồng, bằng 5,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chủ yếu là vốn cân đối ngân sách địa phương.

Theo Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN đến ngày 31/11 là 338.319,81 tỷ đồng, đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, so với mức 63,86% cùng kỳ năm 2021.

Có 6 bộ, cơ quan Trung ương và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80% kế hoạch Thủ tướng giao. Tuy nhiên, 34/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (58,33%), trong đó có 5 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch Thủ tướng giao như Bộ Ngoại giao: 18,16%, Ủy ban Dân tộc: 2,41%...

Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Nội vụ cam kết giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư NSNN năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao, trong khi các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương còn lại phấn đấu giải ngân đạt mức cao nhất.

Về việc trả lại kế hoạch vốn đầu tư công được giao năm 2022, theo Bộ Tài chính tổng hợp, thì có khoảng gần 12.626 tỷ đồng (36,5% kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương) được các bộ, ngành, địa phương có văn bản chính thức đề xuất trả lại kế hoạch vốn để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.

Bộ Tài chính cũng khẳng định, các chủ dự án chắc chắn đã rà soát tiến độ khả năng giải ngân, để báo cáo cơ quan chủ quản đề xuất với cấp có thẩm quyền trả lại số vốn không có khả năng giải ngân trong năm.

Đâu là nguyên nhân?

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với các dự án chuyển tiếp, việc giải ngân chậm do năng lực tổ chức thực hiện dự án còn yếu, nhất là năng lực cán bộ quản lý dự án còn hạn chế. Vướng mắc về giải phóng mặt bằng, giá cả nguyên vật liệu tăng cao dẫn đến nhà thầu thi công chầm chừng. Một số dự án do ảnh hưởng của biến động tăng giá dẫn đến vượt chi phí dự phòng, làm tăng tổng mức đầu tư phải rà soát lại các hạng mục.

Giải trình trước các đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc đến giải phóng mặt bằng như một nguyên nhân khá cơ bản và mang tính cố hữu lâu nay. Bởi vậy, Bộ trưởng đã tiếp tục đề nghị việc cần thiết phải tách dự án giải phóng mặt bằng ra một dự án riêng.

“Chúng tôi đang đề nghị trước mắt cho thực hiện một số hành động trước. Nếu như dự án đã có chủ trương đầu tư, có thể cho phép đo đạc, kiểm đếm trước. Chỉ cần như vậy đã có thể rút ngắn thời gian được khoảng 6-8 tháng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.

Tuy vậy, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng cho rằng, vấn đề chính vẫn là tăng cường kỷ cương, kỷ luật; tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

“Hiện hơn 76% vốn ngân sách là do phía địa phương quản lý, nên việc thúc đẩy giải ngân phụ thuộc rất lớn vào phía địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh

Chính quyền địa phương một số nơi chậm giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch. Việc điều chỉnh quy hoạch làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn các dự án của Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp.

Về nguyên nhân trả lại vốn, Bộ Tài chính cho biết, là do có một số dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, dừng triển khai, chưa hoàn tất các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay, ảnh hưởng của thiên tai...

Chiều 8/12, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến của Tổ công tác số 1 với các 8 bộ, cơ quan Trung ương và 2 địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: VGP

"Thông" vướng mắc để đẩy vốn vào nền kinh tế?

Đề xuất các giải pháp khơi thông vướng mắc, đưa nguồn vốn đầu tư công vào nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đầu tiên là thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng cũng như của Chính phủ. Cụ thể là các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết số 124/NQ-CP, ngày 15/9/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, cộng với các chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 19/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Tiếp theo, các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án và đặc biệt các nhà thầu phải đôn đốc thực hiện để có khối lượng thì mới giải ngân được. Do vậy, công tác thực hiện từ nay đến cuối năm rất quan trọng, làm sao có được khối lượng tương đối lớn để có thể giải ngân được số tiền còn lại của năm 2022.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở các bộ, ngành, địa phương, cũng như lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các đối tượng như chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu để làm sao đạt được kết quả thực hiện tốt.

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề thủ tục, các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị trước các thủ tục hành chính để giải ngân vốn đầu tư công khi có khối lượng, để làm sao tránh tình trạng dồn dập, như rơi vào thời điểm cuối tháng 12 hoặc cuối tháng 1/2023, việc giải ngân đồng loạt ở nhiều bộ, ngành, nhiều chủ đầu tư, nhiều ban quản lý dự án.

"Lúc đó, sự phục vụ của hệ thống kho bạc, cũng như hệ thống hành chính rất vất vả và có thể nghẽn mạng, rất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân", Thứ trưởng lưu ý.

Cuối cùng, là công tác chuẩn bị. “Chúng ta chuẩn bị bước vào năm 2023, kế hoạch ngân sách và đầu tư công đã trình ra Quốc hội với lượng vốn năm 2023 là rất lớn, cao hơn năm 2022 hơn 100 nghìn tỷ đồng, áp lực giải ngân của năm 2023 rất lớn. Do vậy, cần công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa, để làm sao bước sang năm 2023, chúng ta có thể triển khai thực hiện được ngay. Đây là điều tốt nhất để giảm nhẹ gánh nặng, cũng như sức ép của thời điểm cuối năm”, Thứ trưởng Phương nêu rõ.

Mới đây, chiều 8/12, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến của Tổ công tác số 1 với các 8 bộ, cơ quan Trung ương và 2 địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công. Theo Phó Thủ tướng, trong số những nguyên nhân chủ quan và khách quan nêu trên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, nhất là trong công tác lập quy hoạch, đề xuất xin dự án, năng lực của chủ đầu tư và nhà thầu.

Cơ bản nhất trí với báo cáo và đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu các đơn vị trong Tổ công tác số 1 cần siết chặt kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, nêu cao vai trò người đứng đầu, lãnh đạo tất cả các cấp, bộ, ngành, địa phương; đồng thời, rà soát thường xuyên công tác này trên tất cả các đơn vị.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đặc biệt lưu ý phải nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chuẩn bị dự án để khi giao vốn thì dự án được triển khai ngay, không để xảy ra tình trạng "vốn chờ dự án", nhất là các dự án sử dụng vốn ODA.

Về góc độ chuyên gia, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công có tác động rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế, kể cả thanh khoản của các tổ chức tín dụng và cơ hội tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Để thúc đẩy giải ngân dòng vốn này, chúng ta cần có cách tiếp cận mới, đó là có thể tập trung vào 2 nội dung: Thứ nhất, cần xây dựng nhiều dự án quan trọng quốc gia liên vùng, mà những dự án này không thể không làm. Ví dụ như dự án vành đai 3, 4 ở TP. Hồ Chí Minh, dự án sân bay Tây Sơn Nhất, sân bay Long Thành... Đó là những dự án không thể không làm, mà khi làm thì tập trung vốn, nguồn lực để triển khai càng sớm càng tốt, lấy hiệu quả lên hàng đầu.

Thứ hai, cần lấy hiệu quả làm thước đo để đánh giá người đứng đầu, cơ quan khi thực hiện triển khai dự án đầu tư công. Cùng với đó là những cơ chế khuyến khích, đánh giá một cách khách quan để người đứng đầu bộ, ngành, địa phương thấy những nỗ lực của họ thực sự được ghi nhận và họ muốn đóng góp cho giải ngân vốn đầu tư công.

"Nếu làm được như vậy, dòng vốn đầu tư công sẽ được khơi thông và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế", vị chuyên gia này nhấn mạnh./.