Đề xuất mô hình nghiên cứu tác động của dự toán ngân sách đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam[1]
Tóm tắt
Bài viết này nghiên cứu về tác động của dự toán ngân sách đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Việt Nam. Mối quan hệ giữa các nhân tố tác động đến công tác dự toán ngân sách từ lâu đã được nghiên cứu, công bố rộng rãi trên thế giới và ở Việt Nam, thì mối quan hệ này mới có các nghiên cứu tại các địa phương hay doanh nghiệp cụ thể. Trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu trong và ngoài nước trước đây, nhóm tác giả đề xuất mô hình các nhân tố tác động đến Dự toán ngân sách gồm: Chiến lược kinh doanh; Môi trường kinh doanh; Yếu tố quản lý, lãnh đạo; Ứng dụng công nghệ; Đặc điểm đặc thù của doanh nghiệp. Từ đó, tìm ra các nhân tố phù hợp tác động đến dự toán ngân sách và nghiên cứu tác động của dự toán ngân sách đến hiệu quả hoạt động của các DNNVV tại Việt Nam.
Từ khóa: dự toán ngân sách, hiệu quả hoạt động, DNNVV, nhân tố tác động.
The impact of budget estimates on the performance of small and medium-sized enterprises
in Viet Nam
Summary
This paper studies the impact of budget estimates on the performance of small and medium-sized enterprises in Vietnam. The relationship between factors affecting budget estimates has long been researched and widely published over the world. In Vietnam, this relationship has only been studied at specific localities or businesses. Through an overview of previous domestic and foreign research, the authors propose a research model of factors impacting budget estimates, which includes Business strategy; Business environment; Management and leadership factors; Technology application; Characteristics of enterprise. On that basis, the authors explore proper determinants of budget estimates as well as impact of budget estimates on the performance of small and medium-sized enterprises in Vietnam.
Keywords: budget estimates, performance, small and medium-sized enterprises, determinants
GIỚI THIỆU
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 11/2023, Việt Nam hiện có khoảng 900.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%, sử dụng 51% lao động và đóng góp hơn 40% GDP. Những năm qua, khu vực DNNVV đã và đang khẳng định vai trò động lực quan trọng để phát triển kinh tế của các địa phương. Nền kinh tế Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập với nền kinh tế thế giới, đã đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam rất nhiều những cơ hội lớn, hướng tới sự hội nhập và phát triển toàn diện sánh vai cùng với các cường quốc trên thế giới. Nhưng đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp rất nhiều những thách thức, từ sức ép cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nếu không có những chiến lược đúng đắn thì với xu thế hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam rất có thể sẽ bị đánh bật ra khỏi thị trưởng trong nước và nhường chỗ cho các công ty nước ngoài.
Chính vì thế, để có thể đứng vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có kế hoạch sản xuất và kế hoạch chi tiêu tài chính phủ hợp, đặc biệt là các DNNVV. Để có thể làm được như vậy, các doanh nghiệp phải có các công cụ quản lý khoa học nhằm giúp các nhà quản trị phát huy mặt tích cực, hạn chế hoặc giảm thiểu mặt tiêu cực và tận dụng các nguồn lực sẵn có một cách có hiệu quả. Trong đó, dự toán ngân sách là một công cụ quản lý khoa học hữu ích. Dự đoán ngân sách là một phần quan trọng trong quá trình quản lý tài chính của các DNNVV ở Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả hoạt động và sự bền vững của kinh doanh.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT
Khái niệm “DNNVV”
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP tiêu chí xác định DNNVV như sau:
- Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
- Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này. Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
- Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này. Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Khái niệm “Dự toán ngân sách”
Dự toán ngân sách là những tính toán dự kiến một cách toàn diện mục tiêu mà tổ chức phải đạt được, đồng thời chỉ rõ cách thức huy động các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu mà tổ chức đặt ra.
Khái niệm “Hiệu quả hoạt động - Operational Efficiency (OE)”
Hiệu quả hoạt động (OE) là một đại lượng đo lường hiệu quả lợi nhuận kiếm được từ hoạt động kinh doanh, là một hàm của chi phí hoạt động. Hiệu quả hoạt động càng lớn thì lợi nhuận của một công ty hoặc một khoản đầu tư càng cao. Điều này là do chủ thể kinh doanh tạo ra thu nhập hoặc lợi nhuận cao hơn cho cùng một khoản chi phí hoặc thấp hơn so với các lựa chọn kinh doanh thay thế.
Đối tượng bài nghiên cứu của nhóm nghiên cứu chúng tôi là mức ảnh hưởng của các nhân tố dự toán ngân sách đến hoạt động của các DNNVV tại Việt Nam.
ĐỀ XUẤT GIẢ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
Đề xuất giả thuyết nghiên cứu
Giả thuyết về mối quan hệ giữa Chiến lược kinh doanh đến dự toán ngân sách của các DNNVV tại Việt Nam
Nhiều nghiên cứu tìm thấy bằng chứng thực nghiệm về tác động của chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến công tác dự toán ngân sách. Dự toán ngân sách là một phần của tổ chức phụ thuộc vào chiến lược (Merchant, 1998) . Kết quả cho thấy rằng, việc áp dụng chiến lược kinh doanh hiệu quả có tác động tích cực đến lợi nhuận và tỷ suất sinh lời của các doanh nghiệp, từ đó cải thiện dự toán ngân sách.Giả thuyết nghiên cứu được thiết lập như sau:
H1: Mối quan hệ giữa Chiến lược kinh doanh đến dự toán ngân sách của các DNNVV tại Việt Nam.
Giả thuyết về môi trường kinh doanh có ảnh hưởng đến dự toán ngân sách của các DNNVV tại Việt Nam
Waterhouse, Tiessen (1978), nghiên cứu và kết luận rằng các yếu tô thuộc về môi trường kinh doanh có lúc không thể đoán được và có biến động khó lường trước như: biến động về kinh tế, chính trị, về thiên tai... Các biến động trên có tác động lớn đến hệ thống dự toán ngân sách của các doanh nghiệp. Môi trường kinh doanh của doanh nghiệp tỷ lệ tác động thuận với hoạt động của doanh nghiệp, nếu môi trường kinh doanh tồn tại sự cạnh tranh càng cao, thì đòi hỏi lập dự toán càng cần thiết và càng chi tiết hoá.Môi trường hoạt động doanh nghiệp thay đổi thì hoạt động của doanh nghiệp cũng thay đổi, nếu môi trường có tính cạnh tranh càng cao, yêu cầu lập dự toán càng cấp thiết và càng cụ thể hơn. Một môi trường kinh doanh không ổn định và sự cạnh tranh ác liệt có thể ảnh hưởng đến dự toán ngân sách của SMEs. Chiến lược kinh doanh của một doanh nghiệp xác định các mục tiêu và hướng đi cụ thể mà doanh nghiệp muốn đạt được, từ đó, nó cũng ảnh hưởng đến sự phân bổ nguồn lực và dự toán ngân sách. Các doanh nghiệp cần phải xem xét cẩn thận các yếu tố môi trường kinh doanh như phân khúc thị trường, sản phẩm và dịch vụ cung cấp, cạnh tranh, và phát triển trong quá trình lập dự toán ngân sách. Mỗi quyết định chiến lược cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc ước lượng và phân bổ nguồn lực tài chính, từ đó tạo nên liên kết mạnh mẽ giữa chiến lược kinh doanh và dự toán ngân sách. Giả thuyết nghiên cứu được thiết lập như sau:
H2: Môi trường kinh doanh có ảnh hưởng đến dự toán ngân sách của các DNNVV tại Việt Nam.
Giả thuyết về yếu tố lãnh đạo, quản lý , phân cấp quản lý doanh nghiệp, có ảnh hưởng đến dự toán ngân sách của các DNNVV tại Việt Nam
Ritchie và Miles (1970) cho rằng, sự tin tưởng của lãnh đạo và hỗ trợ là một điều kiện tiên quyết để khuyến khích sự tham gia có hiệu quả từ nhân viên .Nghiên cứu của Chen và các cộng sự (2017) tại Đại học Stanford đã chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo có tính nhạy bén và linh hoạt trong việc đưa ra quyết định liên quan đến nguồn lực tài chính thường dẫn đến dự toán ngân sách chính xác hơn. Sự linh hoạt và sáng tạo của lãnh đạo trong việc ứng phó với biến đổi môi trường kinh doanh cũng giúp tăng cường Giả thuyết nghiên cứu được thiết lập như sau:
H3: Yếu tố lãnh đạo, quản lý, phân cấp quản lý doanh nghiệp, có ảnh hưởng đến dự toán ngân sách của các DNNVV tại Việt Nam.
Giả thuyết về việc ứng dụng công nghệ có ảnh hưởng đến dự toán ngân sách của các DNNVV tại Việt Nam
Diamond, Khemani (2006) đã tiến hành cuộc nghiên cứu hệ thống kế toán giữa các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển tại châu Phi. Kết quả thu được cho ta thấy việc thực hiện các quy trình kế toán bằng phương thức thủ công hoặc bằng các ứng dụng phần mềm cũ, không được bảo trì, cải thiện chất lượng có ảnh hưởng tiêu cực đến công tác lập dự toán ngân sách của doanh nghiệp.
Mức độ ứng dụng của các công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý dự toán ngân sách của các DNNVV tại Việt Nam phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: quy mô doanh nghiệp, ngành công nghiệp, trình độ công nghệ của doanh nghiệp và trình độ học vấn của nhân viên. Giả thuyết nghiên cứu được thiết lập như sau :
H4: Việc ứng dụng công nghệ có ảnh hưởng đến dự toán ngân sách của các DNNVV tại Việt Nam.
Giả thuyết về đặc điểm đặc thù của mỗi DNNVV có ảnh hưởng đến dự toán ngân sách của các DNNVV tại Việt Nam
Mỗi DNNVV có những đặc điểm riêng biệt và đặc thù trong hoạt động kinh doanh, và những đặc điểm này có thể ảnh hưởng lớn đến quá trình dự toán ngân sách tại Việt Nam: Quy mô hoạt động; Tính linh hoạt và nhanh chóng; Đa dạng hoạt động; Quản lý nguồn lực hạn chế; Khả năng thích nghi với môi trường kinh doanh địa phương.
Tính chất riêng của mỗi DNNVV có thể đòi hỏi các phương pháp dự toán ngân sách linh hoạt, có khả năng thích nghi và đáp ứng đúng nhu cầu và yêu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh đa biến đổi tại Việt Nam. Giả thuyết nghiên cứu được đề xuất như sau :
H5 : Đặc điểm đặc thù của mỗi DNNVV có ảnh hưởng đến dự toán ngân sách của các DNNVV tại Việt Nam.
Giả thuyết về mối quan hệ giữa Dự toán ngân sách đến hiệu quả hoạt động của các DNNVV tại Việt Nam
Ngân sách đóng vai trò quan trọng trong hoạt động doanh nghiệp (Pimpong và Laryea, 2016), đóng vai trò trung gian trong công việc phân tích bổ sung tất cả các hoạt động trong DNNVV và đóng góp vào hiệu quả hoạt động chung của họ (Nguyen, 2019). Để duy trì lợi thế cạnh tranh hiện tại, các DNNVV phải không ngừng tìm cách tối đa hóa năng lượng và hiệu quả của mình trong quá trình kiểm soát ngân sách tổng thể. Lý thuyết ứng dụng về tham gia ngân sách là yếu tố sau đó chốt giúp tăng hiệu lực và hiệu quả sử dụng ngân sách của doanh nghiệp, giúp tăng thêm hiệu quả quản lý (Manafe và Setyorini, 2019). Như đã xác định trong các lý thuyết và nghiên cứu liên quan trước đây, có mối quan hệ chặt chẽ giữa quy trình ngân sách và hiệu quả hoạt động của DNNVV. Giả thuyết nghiên cứu như sau:
H6: Mối quan hệ giữa Dự toán ngân sách đến hiệu quả hoạt động của các DNNVV tại Việt Nam.
Đề xuất mô hình nghiên cứu
Từ tổng quan nghiên cứu, cũng như trên cơ sở các giả thuyết được đặt ra, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu tác động của dự toán ngân sách đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam như Hình.
Đề xuất mô hình nghiên cứu
Từ tổng quan nghiên cứu, cũng như trên cơ sở các giả thuyết được đặt ra, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu tác động của dự toán ngân sách đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam như Hình.
Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất
Nguồn: Đề xuất của tác giả
KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu, nhóm tác giả trình bày những nội dung liên quan tới cơ sở lý thuyết và tổng quan nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng tới việc lập dự toán ngân sách. Bên cạnh đó, phân tích thực trạng ảnh hưởng của dự toán ngân sách tới hiệu quả hoạt động của các DNNVV tại Việt Nam. Thông qua việc hệ thống các nghiên cứu trước có liên quan đến đề tài nghiên cứu, cơ sở lý thuyết, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu gồm 5 nhân tố tác động đến Dự toán ngân sách tại các DNNVV tại Việt Nam là: Chiến lược kinh doanh; Môi trường kinh doanh; Yếu tố quản lý, lãnh đạo; Ứng dụng công nghệ; Đặc điểm đặc thù của doanh nghiệp từ đó tìm ra mối tác động của dự toán ngân sách đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Tác dụng của nghiên cứu cung cấp cho các nhà quản lý cái nhìn tổng quát về tầm quan trọng của dự toán ngân sách, thấy được dự toán ngân sách có tác động quan trọng đến hiệu quả hoạt động. Đồng thời là tiền đề quan trọng cho các nghiên cứu định luợng về vấn đề này./.
Tài liệu tham khảo
1. Anh.N.T.V. (2022), các nhân tố tác động đến công tác lập dự toán ngân sách tại doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Long An, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Trường Đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
2. Blocher, E.J., Stout, D.E., and Cokins, G. (2010), Cost Management: Strategic Emphasis, Fifth Edition. New York, United States: McGraw-Hill Irwin.
3. Chen, J., Chang, A.Y., and Bruton, G.D. (2017), Microfinance: Where are we today and where should the research go in the future?, International Small Business Journal, 35(7), 793-802.
4. Covaleski, M. A., Dirsmith, M.W., and Samuel, S. (2003), Changes in the institutional environment and the institutions of governance: extending the contributions of transaction cost economics within the management control literature, Accounting, Organizations and Society, 28(5), 417-441.
5. Diamond, J., and Khemani, P. (2006), Introducing financial management information systems in developing countries, OECD Journal on Budgeting, 5(3), 97-132.
6. Doanh nghiệp mới (2024), truy cập từ https://doanhnghiepmoi.vn/Ha-Noi/.
7. Ha.N. (2020), Cách thiết kế bảng khảo sát trong nghiên cứu khoa học để nâng cao hiệu quả thu thập số liệu, truy cập từ https://thongke.cesti.gov.vn/dich-vu-thong-ke/tai-lieu-phan-tich-thong-ke/719-thiet-ke-bang-cau-hoi-nghien-cuu.
8. Ha.N. (2020), Đánh giá độ tin cậy của thang đo bằng phần mềm SPSS, truy cập từ https://thongke.cesti.gov.vn/dich-vu-thong-ke/tai-lieu-phan-tich-thong-ke/726-danh-gia-do-tin-cay-thang-do-spss.
9. Langfield-Smith, K. (1997), Management control systems and strategy: a critical review, Accounting, Organizations and Society, 22, 207-32.
10. Loc.P. (2022), Kinh nghiệm trong lựa chọn giữa PLS-SEM và CB-SEM, truy cập từ https://www.phamlocblog.com/2021/04/so-sanh-su-khac-biet-plsem-cbsem.html.
11. Manafe, J.D., and Setyorini, T. (2019), The impact of organizational commitment as mediator and moderator relationship between budgeting participation on managerial performance: Evidence from Indonesia, The International Journal of Social Sciences World, 1(1), 1-10. https://doi.org/10.5281/zenodo.3522567.
12. Merchant, K.A. (1998), Modern Management Control Systems, Upper Saddle River: Prentice Hall.
13. Minh.V.T. (2013), Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ đặt phòng khách sạn qua mạng của khách du lịch nội địa, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Nha Trang, Khánh Hòa.
14. Ngoc. N. (2022), Dự toán ngân sách là gì?, truy cập từ https://accgroup.vn/du-toan-ngan-sach-la-gi.
15. Nguyen.T.T.T. (2019), Analysis of the management process to enhance SMEs performance in Ho Chi Minh City, International Journal of New Technology and Research, 5(12), 09-15.
16. Nhan.T.T.T và Minh.N.N. (2021), Đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc sử dụng thương mại điện tử của khách du lịch tại địa phương, Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5.
17. Phuc.N.V. (2016), Giải pháp tài chính nâng cao hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp xây dựng thuộc Tổng Công ty Sông Đà, Luận án tiến sĩ, Học viện tài chính, Hà Nội.
18. Phuong.N.L.H. (2022), Tổng hợp về phân tích nhân tố khám phá EFA trong SPSS, truy cập từ https://trithuccongdong.net/tai-lieu-spss/phan-tich-nhan-to-kham-pha-efa-trong-spss.html.
19. Phuong.T.N.T. (2022), Tác động của dự toán ngân sách đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa: nghiên cứu thực nghiệm các doanh nghiệp sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh, truy cập từ https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/tac-dong-cua-du-toan-ngan-sach-den-hieu-qua-hoat-dong-cua-cac-doanh-nghiep-nho-va-vua-nghien-cuu-thuc-nghiem-cac-doanh-nghiep-san-xuat-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-88221.htm.
20. Pimpong, S., and Laryea, H. (2016), Budgeting and its impact on financial performance: The case of non-bank financial institutions in Ghana, International Journal of Academic Research and Reflection, 4(5), 12-22.
21. Porter, M.E. (1980), Competitive Strategy: Techniques for Analyzing Industries and Competitors, New York, United States: Free Press.
22. Ritchie, J. B. and Miles, R. E., (1970), An Analysis of Quantity and Quality of Participation as Mediating Variables in the Participative Decision Making Process, Personnel Psychology, 23(3), 347-359.
23. Thao.L.(2020), Hiệu quả hoạt động (Operational Efficiency - OE) là gì? Ví dụ trong thị trường đầu tư, Vietnambiz, Truy cập 04/03/2024. https://vietnambiz.vn/hieu-qua-hoat-dong-operational-efficiency-oe-la-gi-vi-du-trong-thi-truong-dau-tu-20200117092158689.htm.
24. Tuan, V.K., and Rajagopal, P. (2022), The mediating effect of the budget process on the performance of small- and medium-sized enterprises in Ho Chi Minh City, Vietnam, Journal of Entrepreneurship, Management, and Innovation, 18(1), 65-92. https://doi.org/10.7341/20221813.
25. Waterhouse, J. H., and Tiessen, P. (1978), A contingency framework for management accounting systems research, Accounting, organizations and society, 3(1), 65-76.
[1] “Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đề tài sinh viên NCKH Khoa Kinh tế và Kinh doanh, Trường Đại học Phenikaa năm học 2023-2024”
Đào Bích Hạnh, Lê Thị Tình, Phú Thị Quỳnh Lan
K15-KT1, Khoa Kinh tế và Kinh doanh, Trường Đại học Phenikaa
Email: 21011722@st.phenikaa-uni.edu.vn
TS. Nguyễn Thị Thuận
Email: thuan.nguyenthi1@phenikaa-uni.edu.vn
Ngày nhận bài: 22/02/2024 Ngày thẩm định: 01/3/2024 Ngày duyệt đăng: 07/3/2024 |
Bình luận