Nỗi lo của doanh nghiệp

Theo quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014, mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ thay đổi từ đầu năm tới. Cụ thể, từ 01/01/2016 đến hết năm 2017 đóng bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng. Từ 01/01/2018 trở đi, người lao động đóng bảo hiểm dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Người lao động sẽ đóng 8% và doanh nghiệp đóng 18%, chiếm 26% lương hàng tháng.

Với cách tính mới này, trong nhiều ưu điểm thì ngành bảo hiểm xã hội kỳ vọng lớn nhất là khắc phục tình trạng "chẻ" thu nhập của người lao động trả lương cao, đóng góp các khoản phúc lợi xã hội cao, mang lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp vẫn “lo ngại” về sự thay đổi này, bởi trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn, thì chi phí tăng hàng tháng là thách thức không nhỏ đối với họ.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã quyết định tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 với mức 12,4%, tương đương 250.000-400.000 đồng cho bốn vùng. Khi đó, mức lương tối thiểu mới của vùng 1 sẽ là 3,5 triệu đồng/tháng (tăng 400.000 đồng/tháng so với năm 2015); vùng 2 là 3 triệu đồng/tháng (tăng 350.000 đồng/tháng so với năm 2015); vùng 3 là 2,7 triệu đồng/tháng (tăng 300.000 đồng/tháng so với năm 2015) và vùng 4 là 2,4 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng/tháng so với năm 2015).

Với mức lương tối thiểu vùng tăng thêm từ năm 2016 như trên, ắt hẳn một loạt chi phí mà doanh nghiệp phải chi vì quyền lợi của người lao động sẽ tăng thêm. Một khi quỹ lương doanh nghiệp phải tăng, chi phí đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động cũng tăng theo.

Chưa kể, một khi chi phí đóng bảo hiểm xã hội tăng tất yếu dẫn đến chi phí đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động cũng tăng vì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp cho người lao động theo quy định của Luật Việc làm được dựa trên tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Trước nguy cơ hàng loạt chi phí tài chính tăng như vậy, nhiều doanh nghiệp đã tính đến giảm nhân sự, giảm phụ cấp để giảm chi phí hàng tháng.

Tăng phí bảo hiểm xã hội từ năm 2016 sẽ là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp

Sẽ giám sát chặt, xử lý nghiêm hơn

Theo số liệu từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 06/2015, số tiền nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế khoảng 8.000 tỷ đồng; trong đó, nợ bảo hiểm xã hội gần 6.000 tỷ đồng (chiếm 76%). Trong 5 năm gần đây, ngành bảo hiểm xã hội đã khởi kiện trên 5.000 vụ nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tổng số tiền thu được gần 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn đang phổ biến, diễn ra ở nhiều doanh nghiệp và ở tất cả các địa phương.

Hiện, cả nước có trên 300 nghìn doanh nghiệp hoạt động, nhưng cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ quản lý được khoảng 150 nghìn đơn vị đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội. Tức khoảng 50% số doanh nghiệp đang trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động.

Trước những bất cập trong việc quản lý, xử lý vi phạm trong đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động của doanh nghiệp, trong Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) vừa được Quốc Hội thông qua tại Kỳ họp 10, Quốc hội khóa 13 có quy định nhiều chế tài áp dụng cho các tội danh liên quan tới bảo hiểm xã hội.

Theo đó, Điều 216 Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) quy định người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, phạm tội thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2-7 năm.

Các hành vi phạm, phạm tội được nêu làm căn cứ áp dụng chế tài trên gồm: Trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên…

Ngoài ra, Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) còn ban hành thêm Điều 214 và 215 xử phạt tội gian lận bảo hiểm xã hội. Theo đó, với người chiếm đoạt tiền từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Các hành vi làm căn cứ để áp dụng chế tài trên, gồm: Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Trường hợp người phạm tội bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm, khi có một trong các hành vi sau đây: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; gây thiệt hại từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; tái phạm nguy hiểm…

Có thể thấy, trước những mức phạt cụ thể trong Luật Hình sự sửa đổi, các doanh nghiệp sẽ phải “suy nghĩ kỹ” trước khi trốn hoặc gian lận trong thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động./.