Cơ hội lớn

Đối với ngành du lịch, khi tham gia TPP, lĩnh vực này sẽ đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi. Đó là sự gia tăng của dòng khách nội khối tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam; việc nới lỏng điều kiện tự do đầu tư và di chuyển lao động giữa 12 nước nội khối sẽ giúp tăng nhu cầu đi lại tìm kiếm cơ hội đầu tư, tìm kiếm việc làm kết hợp với du lịch. Theo đó, sẽ gia tăng dòng du khách quốc tế và tăng cường mật độ, quy mô các loại hình du lịch - kinh doanh, du lịch - hội họp ngay trong nội khối TPP mà Việt Nam là một thành viên. Mặt khác, đa số các thành viên TPP cũng đã cam kết về mở cửa thị trường khách kinh doanh cho nhau.

Ngoài ra, cơ hội mà TPP mang lại cho ngành “công nghiệp không khói” của Việt Nam đó là du khách quốc tế sẽ có cơ hội làm thủ tục thuận lợi, dịch chuyển nhanh và rẻ hơn nhờ những cam kết nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh trong khuôn khổ TPP. Mặt khác, các thành viên TPP đều thông qua và duy trì trong hệ thống văn bản pháp luật của mình quyền cơ bản của người lao động như được thừa nhận trong Tuyên bố 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Vì vậy sẽ giúp nâng cao điều kiện làm việc, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có lao động ngành du lịch.

Đặc biệt, cạnh tranh trong TPP tạo áp lực buộc người lao động phải chủ động nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề, tinh thần liên kết gắn với các nhóm lao động đặc thù và lợi ích xã hội khác nhau. Xu thế chuyển dịch lao động nội khối vừa tạo cơ hội tìm kiếm việc làm mới, vừa gia tăng áp lực cho lao động giữ cơ hội việc làm.

Trả lời báo chí về tác động của TPP đối với ngành du lịch tại cuộc họp báo triển khai kế hoạch năm 2016 mới đây, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, du lịch là ngành không biên giới, vì vậy, sau WTO là TPP, chúng ta đang đứng trước cơ hội về đầu tư, kinh doanh, thị trường rất lớn. Để chủ động hội nhập với TPP buộc chúng ta phải có cách tiếp cận mới, đủ khả năng thích ứng với các cam kết trong nội khối.

Trong khi đó, khi tham gia AEC, với dân số 600 triệu dân, các thị trường nguồn du lịch thuộc khu vực ASEAN đã và đang đóng góp khoảng 20% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong những năm qua. Một số nước ASEAN, như: Thái Lan, Singapore, Malaysia vừa là thị trường nguồn, vừa đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng để khách du lịch quốc tế đến Việt Nam

Dẫn lời ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch Việt Nam) trên Báo Đại đoàn kết điện tử cho biết, hợp tác du lịch với các nước ASEAN là quan hệ cùng có lợi khi các nước cùng hợp tác, bổ sung cho nhau trong kết nối sản phẩm, nâng cao chất lượng, quảng bá du lịch, hỗ trợ nhau đồng thời cũng là hỗ trợ chính mình. Tuy nhiên, đây là quá trình vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, theo đó lợi ích đối với mỗi nước phụ thuộc vào nỗ lực và khả năng của từng nước.

Như vậy, có thể khẳng định, AEC mở ra nhiều cơ hội đối với Việt Nam để cùng hợp tác phát triển ngành du lịch với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, một trong những điểm yếu nhất hiện nay của ngành này chính là vấn đề nguồn nhân lực.

Theo Tổng cục Du lịch, phát triển nguồn nhân lực thông qua việc triển khai MRA-TP (thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch) là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong hội nhập du lịch. Vì khi ký thỏa thuận này, các nước ASEAN sẽ tạo điều kiện để các lao động có thể di chuyển qua lại một cách dễ dàng trong khu vực. Điều này cũng có nghĩa, các lao động giỏi, trình độ cao sẽ có nhiều cơ hội có việc làm và được các nước dùng nhiều cách để “hút nhân tài”. Ngược lại, nhân lực, lao động tay nghề yếu sẽ bị bật khỏi “sân chơi AEC”.

Chia sẻ về cơ hội khi thực hiện triển khai MRA – TP, ông Đinh Ngọc Đức cho biết, đây là cơ hội tốt để du lịch Việt Nam có động lực nâng cao chất lượng nhân lực du lịch trong nước để có đủ điều kiện làm việc hiệu quả tại các nước khác trong khu vực. Đồng thời, cũng góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trong bối cảnh phát triển nhanh trong nước, tranh thủ được nguồn lao động chất lượng cao trong khu vực.

Bộc lộ nhiều điểm yếu

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 của Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung cả năm 2015, khách quốc tế đến nước ta đạt 7943,7 nghìn lượt người, giảm 0,2% so với năm trước và đây là năm đầu tiên khách đến Việt Nam giảm kể từ năm 2009.

Nguyên nhân khách quốc tế đến Việt Nam thấp được cơ quan thống kê nhận định là do, chưa thu hút được nhiều khách đến vì mục đích du lịch, tham quan và mục đích công việc như các nước đang phát triển đã làm. Hơn nữa, môi trường kinh doanh du lịch của Việt Nam còn tồn tại nhiều “điểm trừ”.

Theo ông Hà Văn Siêu, hiện thách thức nặng nề nhất là khối doanh nghiệp lữ hành. Bởi khi thực hiện cam kết trong TPP doanh nghiệp nước ngoài sẽ đưa khách vào thị trường trong nước buộc doanh nghiệp nội phải chia sẻ thị phần. Nếu không có năng lực và có một chiến lược cạnh tranh doanh nghiệp nội sẽ rất dễ thua trên sân nhà…

Bên cạnh đó, có thể nhìn nhận rõ, một số tồn tại, như: môi trường du lịch, tình trạng đeo bám du khách, trộm cắp, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm... đang gây cản trở cho sự phát triển và hội nhập của du lịch Việt.

Đặc biệt, nhân lực của Việt Nam cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của hội nhập AEC. Lao động du lịch Việt Nam còn kém cạnh tranh so với các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực. Chất lượng nhân lực toàn ngành chưa cao.

Có một thực tế đáng quan ngại, đó là hiện nay Việt Nam vẫn đang thiếu các trung tâm đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao. Một con số thống kê cho biết, nguồn nhân lực cho ngành du lịch trình độ từ đại học trở lên chỉ chiếm 3,11% trong số hơn 1 triệu lao động của toàn ngành. Trong khi đó, trình độ nguồn nhân lực là yếu tố quyết định cho sự phát triển của tất cả mọi lĩnh vực, không riêng gì đối với lĩnh vực du lịch. Bởi vậy, đây chính là một điểm yếu nếu không được cải thiện sẽ làm giảm sức cạnh tranh của ngành du lịch Việt trước AEC.

Cần tận dụng lợi thế bản sắc để hội nhập thành công

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển du lịch trong thời gian tới.

Nhiều khách nước ngoài vẫn đang tìm đến Việt Nam để khám phá. Những nét đặc sắc riêng của Việt Nam, như: lễ hội ruộng bậc thang, lễ hội hoa tam giác mạch, du lịch làng nghề… từ lâu đã trở thành thương hiệu riêng của Việt Nam đã và đang thu hút bất cứ du khách nào muốn tò mò, khám phá. Việc luôn đưa ra những sản phẩm du lịch có dấu ấn riêng của Việt Nam sẽ là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp ngành du lịch lôi cuốn du khách cả trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, mỗi địa phương lại có một lễ hội cũng là một yếu tố rất riêng để có thể níu chân du khách. Đơn cử như: lễ hội Chùa Hương, lễ chọi trâu, hội chợ Viềng… mỗi năm đã thu hút hàng ngàn lượt du khách thăm và tham gia lễ hội.

Bên cạnh đó, theo ông Đinh Ngọc Đức, việc Việt Nam chính thức gia nhập AEC sẽ có những tác động trực tiếp và giá tiếp đến tất cả các đối tượng trong ngành du lịch, từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp kinh doanh du lịch, cơ sở đào tạo, người lao động và cả du khách… Vấn đề đặt ra là phải tận dụng được các cơ hội đồng thời vượt qua những khó khăn, thách thức để phát triển với tốc độ cao và tránh được nguy cơ tụt hậu, nhất là so với các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực.

“Trong đó, việc quan trọng và trước mắt chính là chuẩn bị, triển khai tốt Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch ASEAN (MRA - TP)”, ông Đức nhận định.

Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cũng khuyến nghị, cần xem xét các quy định, rào cản để bảo vệ cho doanh nghiệp trong nước. Ngược lại, doanh nghiệp cũng phải chủ động nâng cao năng lực, liên kết tạo sản phẩm hấp dẫn nhằm gia tăng thị phần.

Ngoài ra, với ngành du lịch nói chung cần có bước chuẩn bị để phát triển sản phẩm phù hợp, hướng tới dòng khách kết hợp kinh doanh, hội họp khi lưu chuyển thương mại, đầu tư, dịch vụ trong nội khối TPP được tạo ra; tập trung vào chất lượng và hiệu quả khai thác khách hơn là số lượng. Mặt khác, phải tạo điều kiện đi lại thuận lợi hơn cho du khách, kết nối có hiệu quả giữa du lịch và các lĩnh vực khác như giao thông, thương mại, ngoại giao, cải thiện năng lực cạnh tranh về điểm đến trong khu vực và quốc tế.

Đồng thời tích cực tăng cường liên kết, kết nối trong khu vực để đa dạng hóa sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá thu hút khách từ nước thứ ba, cũng như trao đổi khách giữa các nước./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://daidoanket.vn/kinh-te/du-lich-hoi-nhap-aec-lam-gi-de-canh-tranh/84314

http://baocongthuong.com.vn/du-lich-viet-voi-tpp.html