Vì sao khách du lịch quốc tế ít quay trở lại Việt Nam?

Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng khách du lịch “một đi không trở lại” Việt Nam được các cơ quan quản lý nhà nước và chuyên gia nhận định là do nạn "chặt chém" khách du lịch. "Chặt chém" khách du lịch dường như là một "chuyện thường tình ở huyện" ở Việt Nam hiện nay. Nhan nhản các thông tin liên quan đến hành vi này vẫn được nhắc đến trên các phương tiện thông tin truyền thông, bị xử lý nhưng dường như chẳng thấm vào đâu so với sự "hùng mạnh" của "đội quân chặt chém".

Điển hình như trong một bài chia sẻ gần đây trên mạng xã hội, một du khách người Mỹ đã thẳng thắn nhận xét: "Tôi đến Việt Nam là đi cho biết và sẽ không bao giờ quay lại đất nước của bạn một lần nữa đâu". Nguyên nhân được vị du khách này đưa ra là do tình trạng chặt chém, phân biệt giá cả đối với khách nước ngoài và khách Việt Nam với sự chênh lệch lớn.

Hay đầu tháng 09/2015, sự việc 1 khách du lịch người Australia phải trả đến 900 nghìn đồng để đánh 1 đôi giày ở Phố cổ Hà Nội đã gây phẫn nộ trong dư luận.

Trên đây chỉ là 1 vài ví dụ về tình trạng "chặt chém" du khách đang diễn ra tại Việt Nam.

Bên cạnh tình trạng chặt chém, dịch vụ đắt đỏ cũng là nguyên nhân khiến du khách e ngại khi đến Việt Nam. Hay vấn đề giao thông hỗn loạn cũng là nỗi khiếp sợ với khách quốc tế. Đối với du khách nước ngoài mỗi khi phải sang đường ở Việt Nam giữa dòng xe cộ lạng lách đan xen như mắc cửi là một điều rất khó khăn và đáng sợ.

Thua xa Thái Lan, Malaysia

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, hiện Việt Nam đứng thứ 5 trong các nước ASEAN về số lượng khách du lịch quốc tế đến với 7,94 lượt năm 2015, nhưng chỉ bằng 27% số lượng khách của Thái Lan (29,88 triệu), bằng 31% so với Malaysia (25,70 triệu), 52% so với Singapore (15,23 triệu).

Đáng chú ý, trong khi Thái Lan và Singapore có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2011-2015 (trung bình lần lượt 12%/năm và 10%/năm) thì Việt Nam tăng trưởng chậm hơn (trung bình 7%/năm) và Malaysia đã chững lại (trung bình 4%/năm). Indonesia có tốc độ tăng trưởng trung bình cao hơn Việt Nam với 8% trong giai đoạn 2011-2015. So với các nước thuộc nhóm dưới, Việt Nam cũng có tốc độ tăng trưởng trung bình thấp hơn so với Philippines (8%), Lào (15%) và Myanmar (51%).

Liên quan đến việc xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch cũng cho biết, Việt Nam xếp hạng 75 trong tổng số 141 nền kinh tế được đánh giá tại Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2015. So với một số nước trong khu vực, Việt Nam đứng sau Singapore (hạng (11), Malaysia (hạng 25), Thái Lan (hạng 35), Indonesia (hạng 50) và Philippines (hạng 74) và xếp trên các nước Lào (hạng 96), Campuchia (hạng 105) và Myanmar (hạng 134).

Trong các chỉ số thuộc yếu tố Chính sách du lịch và điều kiện hỗ trợ, một số chỉ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh thấp, bao gồm mức độ ưu tiên dành cho du lịch, Việt Nam xếp hạng thấp nhất trong số các nước ASEAN (hạng 119), sau nước đứng trên gần nhất là Myanmar (hạng 108).

Về mức độ mở cửa với quốc tế, Việt Nam xếp hạng 89, trong đó yêu cầu về thị thực xếp hạng 119. Thứ hạng về mức độ mở cửa với quốc tế và yêu cầu về thị thực của Việt Nam (hạng 89 và 119) sau hầu hết các nước ASEAN, chỉ đứng trên Myanmar (hạng 120 và 132). Việt Nam cũng xếp hạng thấp về sự bền vững về môi trường (hạng 132), chỉ hơn Indonesia (hạng 134).

Dù có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, nhưng vấn đề chất lượng, dịch vụ du lịch của Việt Nam vẫn còn kém nhiều nước trong khu vực

Việt Nam được đánh giá cao đối với chỉ số tài nguyên thiên nhiên (hạng 40), sau Thái Lan (hạng 16), Indonesia (hạng 19) và Malaysia (hạng 26) và trên các nước ASEAN khác; tài nguyên văn hóa (hạng 33), tương đương Thái Lan, sau Singapore (hạng 22), Indonesia (hạng 25) và Malaysia (hạng 27) và cao hơn các nước khác trong khu vực ASEAN; sức cạnh tranh về giá (hạng 22), sau Indonesia (hạng 3) và Malaysia (hạng 6) và xếp trên các nước khác trong khu vực ASEAN.

Còn có một thực tế khác, thời gian vừa qua, Việt Nam liên tiếp giành vị trí top đầu trong các bảng xếp hạng như trang web du lịch TripAdvisor, Tạp chí Du lịch - Rough Guides, trang web tư vấn du lịch TripIndex Cities... dựa theo tiêu chí cảnh quan thiên nhiên và mức phí dành cho du lịch. Ví dụ như: top 20 điểm đến du lịch có mức giá tốt nhất thế giới, top 20 kỳ quan địa chất đẹp nhất thế giới, top 30 điểm đến đẹp nhất trên Trái đất, 16 điểm đến ven biển đẹp nhất thế giới...

Tuy nhiên, theo phân tích của TS. Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên Báo điện tử VietnamNet, những bảng xếp hạng đánh giá của quốc tế dành cho Việt Nam từ trước đến nay vẫn chỉ là đánh giá về điểm tài nguyên. Đó chỉ là một trong những tiêu chí khác để đánh giá năng lực cạnh tranh của các điểm đến, vì còn nhiều tiêu chí khác, như: vấn đề môi trường, hạ tầng, sản phẩm dịch vụ, giá cả... Và tất cả các tiêu chí ấy, chúng ta đều làm chưa tốt.

Cần thay đổi tư duy làm du lịch

Theo PGS, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trên Báo điện tử VnMedia, để du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam cần phải thay đổi tư duy chiến lược phát triển du lịch với định hướng ngay từ đầu là “xây dựng một ngành du lịch đẳng cấp, vượt trội”.

Ông Thiên cho rằng, tư duy phát triển du lịch vẫn lấy “sản lượng” làm thước đo thành công chủ yếu, trong khi không hướng đến “chất lượng”. Cách làm du lịch manh mún, chia cắt, thiếu tính liên kết như hiện nay đi ngược lại với logic tồn tại của ngành du lịch…

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, một vị khách Nhật Bản đã từng phát biểu tại một hội nghị ở Đà Nẵng: “Đà Nẵng muốn phát triển được, muốn trở thành một thành phố thực sự đáng sống, thì đừng để bất cứ một lái xe taxi nào có hành vi không trả tiền thừa cho khách”. Chỉ một hành động nhỏ mà để lại sự thiếu thiện cảm và cho thấy cách làm du lịch thiếu chuyên nghiệp, trong khi đó, đáng buồn, ở nhiều nơi, người Việt Nam vẫn có thói quen tìm mọi cách để “chặt chém” du khách.

Đối với vấn nạn chặt chém khách du lịch, theo TS. Hà Văn Siêu, ngoài các biện pháp xử phạt mạnh, cần tính tới biện pháp dài hơi. Chính quyền địa phương cần quản lý chặt chẽ về mặt dân cư, tạo ra nề nếp ở địa phương, không để cơ hội cho hành vi xấu nảy sinh. Ngoài các giải pháp tổng thể để phát triển du lịch, cần xác định mạng xã hội là kênh tuyên truyền hiệu quả để quảng bá du lịch. Vì vậy, thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã có nhiều cuộc thi để tôn vinh những blogger tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Việt Nam. Mặt khác, Tổng cục Du lịch cũng khuyến khích người dân đưa những hình ảnh phê phán các hành động xấu đối với du khách. Khi đưa lên công luận, hình ảnh đó sẽ tạo hiệu ứng, hiệu lực mạnh để cảnh báo các đối tượng, các cơ sở, địa điểm chèn ép, có thái độ không tốt với du khách.

Theo ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận trên Báo điện tử VnEconomy, để nâng cao chất lượng môi trường du lịch, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong kinh doanh du lịch, dịch vụ phục vụ khách du lịch, thực hiện việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, chống các hành vi nâng giá, “chặt chém”, lừa gạt du khách. Phát động phong trào người dân ứng xử văn minh, tận tình hỗ trợ khách du lịch. Mỗi người dân là một hướng dẫn viên, niềm nở với khách du lịch, đồng thời phát huy hiệu quả công tác hướng dẫn, hỗ trợ du khách thông qua “đường dây nóng”./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/315361/700-000-con-ghe-du-khach-den-1-lan-khong-bao-gio-quay-lai.html

http://vnmedia.vn/bds-tai-chinh/201606/tang-truong-du-lich-viet-nam-kem-xa-thai-lan-malaysia-533679/

http://vneconomy.vn/thi-truong/du-lich-viet-nam-ban-chuyen-lien-ket-phat-trien-2015091806082684.htm