Từ câu chuyện thực tế của BigC có thể thấy, các doanh nghiệp nước ngoài có ưu thế trường vốn, năng lực quản lý tốt, cũng như kinh nghiệm và thương hiệu nổi bật trên thương trường khi tham gia thị trường bán lẻ sẽ buộc doanh nghiệp nội phải tự sửa những yếu kém cố hữu như: chậm đổi mới, manh mún, quy mô nhỏ lẻ; phải tự "lớn lên", chủ động nâng cao năng lực, xây dựng hình ảnh, hình thành một số thương hiệu mạnh, quy mô lớn để đảm nhận vai trò dẫn dắt trên thị trường, lan tỏa đến các đơn vị nhỏ trong mối liên kết doanh nghiệp nội.

Trước những khó khăn và thách thức nói trên, cho biết tại Toạ đàm “Nâng cao sức cạnh tranh thị trường bán lẻ Việt Nam” tổ chức ngày 20/06 vừa qua, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, nhà bán lẻ nội có lợi thế lợi hiểu tâm lý người tiêu dùng Việt và am hiểu thị trường của mình hơn, nhưng ông Nhân vẫn cho rằng, Chính phủ, chính quyền địa phương cần hỗ trợ để tạo động lực phát triển, giúp doanh nghiệp nội tăng khả năng cạnh tranh.

Vì vậy, theo vị giám đốc này, hội nhập là điều tất yếu, nhưng chúng ta phải có hàng rào kỹ thuật, vì các nước đều làm để bảo vệ các nhà bán lẻ của họ.

“Đơn cử như Ấn Độ, bất kỳ nhà bán lẻ ngoại vào đều phải liên doanh với doanh nghiệp nội địa với tỷ lệ tối đa 51%. Ngoài ra còn những quy định khác, như tổng doanh thu bán hàng phải có 30% của các nhà sản xuất nhỏ, vừa trong nước. Malaysia cũng tương tự, nhưng tỷ lệ trong liên doanh tới 70%”, ông Nhân nói.

Theo ông Nhân, chính sách chung giữa nhà bán lẻ ngoại, nội cần tạo sự phát triển, động lực cạnh tranh, nhưng phải giữ sự ổn định thị trường và phát triển nhà bán lẻ nội địa. Theo đó, các nhà bán lẻ nội địa sẽ tiêu thụ hàng sản xuất trong nước tốt nhất, vì sợi dây liên kết với các nhà sản xuất trong nước có từ lâu.

Doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang chống đỡ rất yếu ớt từ doanh nghiệp ngoại

Cũng có chung quan điểm, dẫn lời ông Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc nghiên cứu và phát triển, Viện Kinh tế và Quản lý TP. Hồ Chí Minh trên Báo điện tử Dân Việt, thì Việt Nam là thành viên của WTO, nên cần áp dụng các quy định của tổ chức này để bảo vệ sản xuất trong nước.

WTO có quy định khung, cung cấp cho các nước thành viên công cụ bảo vệ ngành sản xuất trong nước chống lại tác động tiêu cực, đột ngột của cắt giảm thuế quan, hàng nhập khẩu hoặc các biện pháp hành chính. Tuy nhiên biện pháp truyền thống các nước thường áp dụng là biện pháp thuế quan để bảo vệ hàng trong nước. Một biện pháp nổi tiếng khác mà WTO cho phép là hàng rào kỹ thuật. Đây là biện pháp hữu hiệu được các nước lựa chọn nhiều để sử dụng. Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cao để hàng hóa nhập vào phải đáp ứng tiêu chuẩn đó mới được phép nhập.

WTO còn 3 công cụ phòng vệ thương mại cho phép các quốc gia thành viên áp dụng gồm tự vệ, chống trợ cấp và chống bán phá giá.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng lưu ý, ở Việt Nam, khi xây dựng hàng rào kỹ thuật quá cao thì hạn chế sản xuất trong nước, nếu xây dựng thấp thì các nước dễ dàng đáp ứng nên những biện pháp chúng ta áp dụng vào để bảo vệ doanh nghiệp chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Việt Nam cần áp dụng những biệp pháp bảo vệ doanh nghiệp trong nước hiệu quả hơn.

Cho biết tại buổi Tọa đàm nói trên, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ, hàng rào kỹ thuật hợp lý và hội nhập mà chúng ta có được để bảo vệ các nhà bán lẻ nội non trẻ bao gồm việc kiểm tra yêu cầu kinh tế và danh mục nhà bán lẻ nước ngoài.

"Thời gian qua, thực tế có những lúc những nơi hàng rào kỹ thuật bị vô hiệu. Sự thật là nhiều lúc, nhiều nơi chưa ý thức rõ nên hàng rào kỹ thuật của chúng ta không hữu hiệu”, bà nói.

Đáng lo hơn, bà Loan nhấn mạnh, trước làn sóng ký kết các FTA thế hệ mới, đặc biệt TPP và FTA với EU, một số cơ quan nhà nước cho rằng sẽ không áp dụng rào cản với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ. Đây là điều đáng lo, dù về ý thức trước sau gì những rào cản này sẽ dỡ bỏ và đối mặt cạnh tranh bình đẳng.

"Những rào cản này không phải bỏ ngay từ bây giờ, mà phải có lộ trình. TPP dù đã ký nhưng phải được phê chuẩn và có hiệu lực. Sau khi có hiệu lực thì chúng ta cũng còn thời gian 5 năm mới dỡ bỏ hàng rào kỹ thuật. Những gì vẫn còn và có hiệu lực thì vẫn phải giữ, trong cuộc đua cam go này. Các địa phương cần ý thức điều này để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp nội địa”, bà Loan bổ sung thêm.

Đây cũng không phải là lần đầu vấn đề dựng hàng rào kỹ thuật được nêu lên, trước đó, tại kỳ họp Quốc hội thứ 10, ngày 20/10/2015, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã nêu quan điểm về việc nước ta cần xây dựng một hàng rào kỹ thuật.

Theo đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, TP. Hồ Chí Minh cho rằng, khi hội nhập, muốn sống còn cần có 2 điều: Thứ nhất là năng lực cạnh tranh. Thứ hai chính là rào cản kỹ thuật.

Còn theo đại biểu Trần Du Lịch, TP. Hồ Chí Minh, hàng rào kỹ thuật nào chúng ra cũng phải tính, vì trong những nguyên tắc thực hiện WTO là nguyên tắc đối xử quốc gia. Nếu dựng hàng rào kỹ thuật về thực phẩm với tiêu chuẩn a,b,c, đầu tiên các doanh nghiệp trong nước, thị trường trong nước phải tuân thủ, mới bàn đến các nước nhập khẩu.

“Bản thân doanh nghiệp trong nước của họ đã đạt tiêu chuẩn đó rồi, nếu ta đặt hàng rào kỹ thuật mà chỉ áp dụng cho nhập khẩu, sản xuất trong nước không áp dụng thì chúng ta bị kiện ngay ở WTO. Đây là vấn đề rất khó khăn, đại biểu ủng hộ việc chúng ta rất yếu trong nhiều lĩnh vực không có hàng rào kỹ thuật. Nhưng dựng cỡ nào chúng ta phải tính và vấn đề trong nước phải giải quyết nâng cao về mặt kỹ thuật đối với hàng rào mà chúng ta xây dựng, mới mang lại hiệu quả. Nếu không, chúng ta sẽ vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia, một trong bốn nguyên tắc quan trọng của WTO”. TS. Trần Du Lịch nói./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://baochinhphu.vn/Thi-truong/Nha-nuoc-khong-can-thiep-tru-khi-Big-C-phan-biet-doi-xu/253714.vgp

http://vov.vn/kinh-te/thi-truong-ban-le-viet-nam-can-tu-dung-hang-rao-ky-thuat-522682.vov

http://danviet.vn/nha-nong/dung-hang-rao-ky-thuat-bao-ve-nong-san-viet-679306.html