FDI năm 2022 - chất lượng cao hơn
BỨC TRANH SÁNG THU HÚT FDI NĂM 2022
Theo nhận định của Diễn đàn Thương mại và Phát triển thế giới (UNCTAD), FDI toàn cầu năm 2022 đi ngang, có thể sụt giảm so với năm 2021 do tác động của sự biến động chính trị và kinh tế thế giới từ cuộc xung đột giữa Nga với Ucraina, chiến tranh thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng sản phẩm, giá cả năng lượng. Lương thực, một số nguyên liệu gia tăng, lạm phát tại Mỹ, EU, Anh khá cao khiến hầu hết các nước phát triển áp dụng chính sách hạn chế đầu tư ra nước ngoài; khuyến khích doanh nghiệp chuyển nhà máy tại Trung Quốc về nước; áp dụng chính sách bảo hộ sản xuất, nhất là công nghệ cao để đảm bảo an ninh đất nước. Trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực của biến động thị trường thế giới cùng xu hướng sụt giảm FDI toàn cầu như vậy, nhưng năm 2022, Việt Nam vẫn thu được kết quả đáng khích lệ từ thu hút FDI và sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế quan trọng này.
Năm 2022, Việt Nam vẫn thu được kết quả đáng khích lệ từ thu hút FDI và sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế quan trọng này |
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20/12/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt hơn 27,72 tỷ USD, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2021; vốn thực hiện đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Có tổng cộng 2.036 dự án FDI mới, tăng 17,1% so với cùng kỳ 2021 với vốn đăng ký đạt hơn 12,45 tỷ USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ. 1.107 dự án điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 12,4% với tổng vốn góp tăng thêm đạt 10,12 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ. 3.566 lượt GVMCP của nhà ĐTNN, giảm 6,1% so với cùng kỳ, với tổng giá trị vốn góp đạt 5,15 tỷ USD, giảm 25,2% so với cùng kỳ.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1%. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 2,26 tỷ USD và gần 1,29 tỷ USD. Về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30%, 25,1% và 16,3% tổng số dự án.
Đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 39,7% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 4,88 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD, chiếm gần 17,3% tổng vốn đầu tư, tăng 22,7% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan.
Theo địa bàn đầu tư, 54 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận dự án FDI, trong đó, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,94 tỷ USD, chiếm 14,2% và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 3,14 tỷ USD, chiếm 11,3% và tăng 47,3% so với cùng kỳ. Quảng Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,37 tỷ USD, chiếm 8,5%; tiếp theo lần lượt là Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội.
Về giá trị thương mại, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) ước đạt gần 276,5 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ, chiếm 74,4% kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 234,7 tỷ USD, tăng 7,4% so cùng kỳ và chiếm 65,1% kim ngạch nhập khẩu cả nước; xuất siêu 41,8 tỷ USD, bù đắp nhập siêu hơn 30,8 tỷ USD của doanh nghiệp trong nước, tạo ra xuất siêu 11,2 tỷ USD năm 2022 của Việt Nam.
Tính lũy kế đến ngày 20/12/2022, cả nước có 36.278 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 438,69 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI đạt gần 274 tỷ USD, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Bức tranh đầu tư nước ngoài năm 2022 có một số mảng sáng với các dự án FDI xanh và trong lĩnh vực chuyển đổi số được cấp phép, cùng nhiều dự án mua bán sáp nhập (M&A) cụ thể như sau:
Dự án FDI xanh
Tập đoàn Lego đã khởi công xây dựng nhà máy trên diện tích 44 hecta, với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD tại Bình Dương, được trang bị các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà và một trang trại điện mặt trời tại khu đất của dự án; lắp đặt các máy móc, thiết bị tiết kiệm năng lượng hiện đại nhất, đáp ứng tiêu chuẩn tiêu thụ điện tối thiểu của LEED Gold - Chứng chỉ toàn cầu về công trình xanh. Tổng giám đốc Tập đoàn Lego, Ông Niels B. Christiansen cho biết, đây là nhà máy thứ 6 và là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego trên toàn cầu.
Công ty Pandora sản xuất đồ trang sức, cũng của Đan Mạch, đã quyết định đầu tư 100 triệu USD tại Bình Dương, tạo ra 6.000 việc làm, 60 triệu sản phẩm trang sức mỗi năm, sử dụng năng lượng tái tạo theo tiêu chuẩn LEED.
Dự án FDI chuyển đổi số
Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHT) hiện là điểm đến lý tưởng của nhiều tập đoàn công nghệ cao thế giới, với 51 dự án FDI, vốn đầu tư 10,106 tỷ USD của Intel, Samsung, Nidec, Jabil, Sonion…, dự kiến năm 2022, có kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên 23 tỷ USD, chiếm hơn 52% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh.
Việt Nam trở thành tâm điểm của ngành bán dẫn khi Samsung tuyên bố kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn với số vốn đầu tư 920 triệu USD; nhiều công ty bán dẫn lớn của thế giới như USI Electronics của Đài Loan (Trung Quốc), Renesas Electronics của Nhật Bản đã quyết định đầu tư tại nước ta.
Tập đoàn chip khổng lồ Synopsys của Mỹ cũng mở rộng hoạt động tại Việt Nam, chuyển vốn đầu tư và đào tạo kỹ sư sang Việt Nam để tái cân bằng hoạt động trong bối cảnh cuộc chạy đua công nghệ Trung - Mỹ đang diễn ra gay gắt.
Intel xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất tập đoàn với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD; dự định liên kết với một số công ty bán dẫn để sản xuất thêm nhiều sản phẩm trong những năm tới tại Việt Nam. Theo Nikkei Asia, những đối tác tiềm năng của Intel bao gồm có hãng sản xuất TSMC nổi tiếng toàn cầu của Đài Loan. TSMC đang phát triển chip 5 nannomet, loại chip tân tiến nhất hiện nay. TSMC được cho là đang đối thoại cùng Intel về ít nhất 5 dự án gia công sắp tới.
Ngày 15/7/2022, Ban Quản lý Khu công nghiệp Hansip, Hà Nội đã trao Giấy Chứng nhận đầu tư cho Công ty Onaga (Nhật Bản) xây dựng tại Khu công nghiệp Hansip nhà máy sản xuất linh kiện máy bay, sản phẩm ứng dụng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, máy bay, tàu biển, tàu Shinkansen, ô tô, đưa vào sản xuất đợt 1 năm 2023. Công ty Onaga ký hợp đồng, thỏa thuận hợp tác tư vấn hỗ trợ, chuyển giao công nghệ giữa Onaga - Công ty IDS với nhóm các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, gồm: Công ty CP Sản xuất và Phát triển công nghiệp Việt Nhật (Indema), Công ty cổ phần Bách Liên (VietMRO), Công ty cổ phần xây lắp và thiết bị công nghiệp Mekamic, Công ty TNHH Cơ khí chính xác Hà Nội CNC và Công ty TNHH Cơ điện Lê Minh.
Ngân hàng Kasikorn (KBank) của Thái Lan đã thông báo kế hoạch tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam với khoản đầu tư trị giá hơn 75 triệu USD, hướng đến mục tiêu trở thành ngân hàng kỹ thuật số hàng đầu khu vực với mục tiêu giải ngân hơn 500 triệu USD và thiết lập mạng lưới khách hàng cá nhân 1,2 triệu người vào năm 2023.
Tờ báo Les Actualites của Pháp với tiêu đề "Hãy tìm đến Việt Nam để đầu tư vào chuyển đổi kỹ thuật số và gia công phần mềm" nhấn mạnh, những lợi thế giúp Việt Nam có thể trở thành một quốc gia đi đầu trong lĩnh vực gia công và chuyển đổi kỹ thuật số toàn cầu do môi trường kinh doanh thuận lợi với FTAs thế hệ mới, chính sách khuyến khích đầu tư của Chính phủ, lực lượng lao động trẻ am hiểu về công nghệ, chính là những yếu tố giúp các nhà đầu tư có thể hưởng lợi khi đầu tư vào chuyển đổi số tại Việt Nam.
Mua bán và sáp nhập
Tiki đã huy động thành công khoảng 450 triệu USD, với mức định giá vào tháng 12/2021 là 832 triệu USD, nhằm mở rộng thị phần thương mại điện tử, cũng như phục vụ kế hoạch IPO trong tương lai. Thương vụ Tập đoàn Shinhan Financial Group (Hàn Quốc) trở thành cổ đông lớn thứ ba của Tiki, sau khi là đối tác chiến lược mua 10% cổ phần vào tháng 5/2022 đã giúp Tiki đẩy nhanh kế hoạch IPO tại Mỹ, thế hiện niềm tin của thị trường vốn toàn cầu vào sự tăng trưởng và tiềm năng của Việt Nam. Tiki dự định niêm yết tại Mỹ vào năm 2025, nhưng ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập - CEO Tiki muốn đẩy kế hoạch này lên sớm một năm, có thể IPO thông qua hình thức SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt). Nếu IPO thành công, Tiki có thể mở đường cho dòng FDI tăng cường vào lĩnh vực công nghệ non trẻ của Việt Nam. Trong khi đó, Công ty Giao hàng Tiết kiệm cũng đang nhắm đến đợt IPO trong nước vào cuối năm 2022, đầu năm 2023 để huy động vốn và ứng phó với sự cạnh tranh ngày càng tăng trong lĩnh vực logistics, với mức định giá lên tới 1 tỷ USD.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ TỒN TẠI TRONG THU HÚT FDI NĂM 2022
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được nói trên, thu hút FDI năm 2022 vẫn bộc lộ một số khiếm khuyết, tồn tại cố hữu. Các khiếm khuyến này thể hiện ở một số điểm như sau:
- Một số địa phương chưa chú trong lựa chọn, sàng lọc dự án FDI, có nhiều dự án sản xuất vốn đăng ký dưới 1 triệu USD mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước có thế thực hiện được. Đây là vấn đề tồn tại nhiều năm gần đây, nhưng chưa được khắc phục đáp ứng mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
- Tuy Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi của FTAs thế hệ mới, nhưng vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt về đối tác đầu tư theo định hướng thu hút nhiều hơn từ các công ty đa quốc gia (MNEs) của Hoa Kỳ, Châu Âu. Nguyên nhân chính là do cơ quan xúc tiến đầu tư của Trung ương và địa phương không nghiên cứu tìm hiểu thực trạng thực tiễn để tìm ra giải pháp thích hợp với từng đối tác.
- Các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài và nhà đầu tư mặc dù đánh giá cao lợi thế của Việt Nam, tin tưởng vào tiềm năng của thị trường 100 triệu dân của Việt Nam, nhưng vẫn quan ngại về việc chậm trễ khắc phục các điểm nghẽn đầu tư và kinh doanh, nhất là các thủ tục hành chính vẫn gây phiền hà. Một số không ít công chức, viên chức vẫn sách nhiễu nhà đầu tư và doanh nghiệp.
XU HƯỚNG THAY ĐỔI CHÍNH SÁCH THU HÚT FDI TRÊN TOÀN CẦU
Năm 2021, các nước đã ban hành 109 chính sách mới liên quan đến FDI, giảm 28% so với năm 2020; trong đó, tỷ lệ các biện pháp kém thuận lợi hơn chiếm 42% (cao hơn 1 điểm phần trăm so với năm 2020). Hầu hết các nước phát triển chiếm 63% dòng vốn FDI toàn cầu áp dụng hoặc củng cố chế độ sàng lọc đầu tư dựa trên tiêu chí an ninh quốc gia, chế độ tạm thời được áp dụng trong thời kỳ đại dịch để bảo vệ các công ty chiến lược khỏi sự thâu tóm của nước ngoài. Trong khi đó, các nước đang phát triển tiếp tục áp dụng chính sách tự do hóa, tạo thuận lợi hơn cho kinh doanh và đầu tư, khẳng định vai trò quan trọng của FDI trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Các biện pháp tạo thuận lợi đầu tư chiếm gần 40%, mở cửa ngành, lĩnh vực đối với FDI là 30% và khuyến khích đầu tư mới là 20%.
Quý I/2022 chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong việc áp dụng các biện pháp chính sách đầu tư với 75 quy định mới - kỷ lục cho một quý; 70% các biện pháp là trừng phạt và phản đối ảnh hưởng tới FDI đến và đi từ Nga và Belarus, bao gồm các lệnh cấm hoặc hạn chế đối với FDI, biện pháp trừng phạt nhằm vào các tổ chức tài chính; hạn chế thương mại và vận tải, đóng băng tài sản của hàng trăm cá nhân và tổ chức.
Năm 2021, có 73 hiệp định đầu tư quốc tế (IIA) mới ký kết với một số điều khoản được cải cách phù hợp với các khuyến nghị chính sách FDI của UNCTAD, nhằm duy trì không gian pháp lý tạo thuận lợi đầu tư, khuyến khích tăng trưởng xanh, giảm tác động của biến đổi khí hậu, chống tham nhũng, bảo đảm quyền lợi của người lao động và nhân quyền; 86 hiệp ước chấm dứt hiệu lực, trong số có 74 IIA trong nội khối EU (BIT); hiện có 2.558 IIA còn hiệu lực.
Đáng chú ý, chính sách thu hút FDI của các nước ASEAN được thay đổi để ứng phó với cạnh trạnh thu hút vốn FDI trong tình trạng vốn đầu tư toàn cầu sụt giảm. Cụ thể, như: Chính phủ Malaysia đã chủ động thúc đẩy cải cách trong nước để trở thành điểm đến đầu tư ưa thích của nhà đầu tư nước ngoài vào hệ sinh thái kinh doanh, cũng như nền kinh tế sôi động của Malaysia với cơ sở hạ tầng hiện đại, sự ổn định về chính trị và lực lượng lao động tay nghề cao; Chính phủ Indonesia tận dụng nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở hạ tầng tốt, diện tích đất lớn kết hợp với các ưu đãi hấp dẫn, giảm bớt nhiều quy định, thủ tục không cần thiết, sửa đổi chính sách thuế để tạo thêm lợi thế trong việc cạnh tranh thu hút dòng vốn FDI. Thái Lan nằm trong số các điểm đến lựa chọn hàng đầu của dòng FDI nhờ vào những cảng biển thuận lợi cho hoạt động logistics, cơ sở hạ tầng cho các ngành công nghệ cao và có vị trí địa lý ở trung tâm khu vực, giá nhân công hấp dẫn. Chính phủ Thái Lan đang hướng tới thu hút các nhà đầu tư vào ngành sinh học và y tế nhằm phát triển đất nước thành một trung tâm thiết bị y tế của ASEAN.
Thực tế này cho thấy, các nước ban hành chính sách mới về FDI có tác động đến cạnh tranh toàn cầu và khu vực đối với hoạt động thu hút FDI mà Việt Nam cần quan tâm, để từ đó, xem xét, nghiên cứu tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút FDI cho năm 2023 và các năm tiếp theo.
DỰ BÁO THU HÚT FDI NĂM 2023 TIẾP TỤC KHẢ QUAN
Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2022, GDP (PPP) của Indonesia dẫn đầu ASEAN, đạt 4.023 tỷ USD, xếp thứ 7 thế giới; của Thái Lan xếp thứ hai ASEAN, đạt 1.480 tỷ USD, xếp thứ 22 thế giới; của Việt Nam 1.300 tỷ USD, của Philippines đạt 1.155 tỷ USD, của Malaysia đạt 1.096 tỷ USD và của Singapore đạt 700,98 tỷ USD. Năm 2027, quy mô GDP (PPP) của Việt Nam được dự báo đạt khoảng 2.001 tỷ USD, xếp thứ 2 ASEAN và thứ 22 thế giới.
Quy mô ngày càng lớn của kinh tế Việt Nam với thị trường hơn 100 triệu dân, với khoảng 30-35 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, đang trong giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng, với trên 55 triệu lao động có trình độ tốt nghiệp phổ thông trung học, mỗi năm tăng thêm 1,2 triệu lao động được đào tạo có tay nghệ cao, thích ứng với đòi hỏi của công nghệ, dịch vụ hiện đại, chuyển đổi số. Cùng với những lợi thế về quy mô, Việt Nam được đánh giá cao về sự ổn định chính trị, an toàn xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư, nơi đáng sống và lao động của người nước ngoài, đã và đang trở thành cứ điểm sản xuất một số sản phẩm công nghệ hiện đại của các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới.
Ông Dominic Harding, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng bộ phận Khách thuê xuyên biên giới Savills Hoa Kỳ cho rằng: “so với Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường hấp dẫn để đầu tư với rủi ro tương đối thấp. Điều này tạo động lực thúc đẩy dòng vốn của nhiều công ty công nghệ và doanh nghiệp khác ở Mỹ đầu tư vào Việt Nam”.
Tháng 9/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) khảo sát doanh nghiệp FDI, kết quả khảo sát đã cho thấy một số tín hiệu tích cực. Theo đó, trên 90% doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ở mức trung bình và cao; khoảng 66% doanh nghiệp dự kiến mở rộng đầu tư trong năm 2023; 76% doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả của các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ, như: miễn, giảm thuế, phí, bình ổn giá, giấy phép lao động, xuất nhập khẩu, hỗ trợ người lao động, hỗ trợ tiêm vaccine Covid-19.
Ngoại trừ xảy ra tình huống bắt trắc trên thế giới và trong khu vực, có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế và thu hút FDI của nước ta năm 2023, thì xu hướng dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, vốn thực hiện dự kiến trên 25 tỷ USD, vượt mức trung bình hàng năm giai đoạn 2021- 2025 đề ra tại Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị. Trong đó, các dự án FDI xanh, ít phát thải nhà kính, dự án FDI công nghệ số, dịch vụ số, dự án FDI năng lượng mặt trời, năng lượng gió, dự án FDI xây dựng hạ tầng tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2022; nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao của MNEs từ các nước OECD, nhất là Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Anh đã được cấp phép hoặc đã đạt được thỏa thuận với Việt Nam sẽ được thực hiện.
Vấn đề then chốt để các dự báo trên đây trở thành hiện thực, cần thúc đẩy cuộc cải cách nền hành chính quốc gia theo yêu cầu của Chính phủ kiến tạo, Chính phủ số tại các bộ, ngành trung ương, chính quyền địa phương và ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp; lựa chọn kỹ càng hơn dự án FDI và nhà đầu tư có tiềm năng theo hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng và hiệu quả của khu vực kinh tế FDI mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2022.
GS, TSKH. Nguyễn Mại
Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE)
(Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01+02 tháng 01/2023)
Bình luận