Giải pháp nâng cao năng lực quản lý của cán bộ chủ chốt cấp xã ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh
ThS. Trương Thu Hương
Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Thái Nguyên
ThS. Ngô Thị Hồng Hạnh
Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Thái Nguyên
Tóm tắt
Cán bộ chủ chốt (CBCC) cấp xã có vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Dựa trên nguồn số liệu thứ cấp của UBND huyện Bình Liêu, bài viết đánh giá thực trạng năng lực quản lý đội ngũ CBCC cấp xã tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý của CBCC cấp xã ở huyện Bình Liêu trong thời gian tới.
Từ khóa: cán bộ chủ chốt cấp xã, năng lực quản lý, huyện Bình Liêu
Summary
In recent years, the Party Committee and authorities of Binh Lieu district have focused on training, fostering, recruiting and arranging key officials at the commune level, this work is seriously carried out by the authorities. , in accordance with regulations and has brought positive results. However, the conditions for the key cadres are formed from many different sources, mainly cadres from the grassroots movement, their capacities and professional qualifications are uneven, in some places some cadres Key people at the commune level are not properly trained in expertise, staffing is not consistent with their expertise and strengths, they are lacking and weak in expertise, especially skills in state management and implementation. The Party's guidelines and policies, the State's policies and laws are not convincing to the people.
Keywords: commune level officials, management capacity
GIỚI THIỆU
Là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Quảng Ninh, huyện Bình Liêu có gần 43 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn. Trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền huyện Bình Liêu đã chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng bố trí CBCC cấp xã, công tác này được các cơ quan chức năng thực hiện một cách nghiêm túc, đúng quy định và đã đem lại hiệu quả khả quan. Tuy nhiên, điều kiện đội ngũ CBCC được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu cán bộ từ phong trào cơ sở phát triển lên, năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa đồng đều. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện Bình Liêu cần có những giải pháp đồng bộ hơn nữa, nhằm nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ CBCC cấp xã, nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
THỰC TRẠNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ ĐỘI NGŨ CBCC CẤP XÃ TẠI HUYỆN BÌNH LIÊU
Kết quả đạt được
Huyện Bình Liêu có 7 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 1 thị trấn và 6 xã. Căn cứ vào Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 413/2020/QĐ-UBND, ngày 31/8/2020 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc giao số lượng CBCC và quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo đối với CBCC xã, phường, thị trấn. Quyết định ghi rõ số lượng cán bộ trung bình 10-12 cán bộ/xã, số lượng công chức tại các xã, thị trấn trung bình từ 8-10 công chức/xã, thị trấn căn cứ vào đó UBND huyện phân bổ số lượng công chức ở các xã, phường cho phù hợp.
CBCC cấp xã gồm các chức danh: Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân; Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh. Theo số liệu của Phòng Nội vụ huyện Bình Liêu, tính đến ngày 31/12/2023, số lượng CBCC cấp xã của huyện Bình Liêu là 77 người tính.
Về trình độ chuyên môn
Huyện Bình Liêu có 70,13% cán bộ có trình độ đại học và trên đại học (62,34% có trình độ đại học; 7,79% có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ); 6,49% cán bộ có trình độ cao đẳng; 23,38% có trình độ trung cấp (Bảng 1).
Bảng 1: Trình độ chuyên môn của đội ngũ CBCC cấp xã ở huyện Bình Liêu giai đoạn 2021-2023
Nguồn: Phòng Nội vụ huyện Bình Liêu |
Như vậy, có thể thấy, CBCC cấp xã tại huyện Bình Liêu có trình độ chuyên môn tương đối cao, phần lớn đều được đào tạo đại học, đặc biệt đã có CBCC cấp xã có trình độ thạc sĩ. So với kế hoạch đề ra, đến hết năm 2023 tỷ lệ CBCC cấp xã tại huyện Bình Liêu đạt chuẩn là 100% đạt so với kế hoạch đặt ra là 70%.
Về trình độ lý luận chính trị
Bảng 2: Trình độ lý luận chính trị của đội ngũ CBCC cấp xã huyện Bình Liêu giai đoạn 2021-2023
Phòng Nội vụ huyện Bình Liêu |
Bảng 2 cho thấy, năm 2023, CBCC cấp xã đã qua đào tạo lý luận chính trị là 100%, chưa qua đào tạo lý luận chính trị là 0%. Tính đến ngày 31/12/2023, có 1 CBCC có trình độ cao cấp lý luận chính trị (chiếm 1,3%), có 63/77 CBCC (chiếm 81,82%) có trình độ trung cấp lý luận chính trị, 13/77 công chức (chiếm 16,88%) có trình độ sơ cấp lý luận chính trị.
Như vậy, mặc dù số lượng nhân lực CBCC cấp xã được đào tạo về lý luận chính trị chiếm tỷ lệ lớn, góp phần nâng cao nhận thức về chính trị của nhân lực hành chính cấp xã huyện Bình Liêu.
Về trình độ quản lý nhà nước
Theo Phòng Nội vụ huyện Bình Liêu, số lượng CBCC cấp xã trên địa bàn huyện Bình Liêu được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước (QLNN) ngày càng tăng. Trong năm 2022, số lượng CBCC cấp xã được bồi dưỡng kiến thức QLNN là 49 người, chiếm tỷ lệ 64,47%, đến năm 2023 có 52 người được bồi dưỡng kiến thức QLNN, chiếm tỷ lệ 67,53%.
Tuy nhiên, số lượng CBCC chưa được bồi dưỡng kiến thức QLNN vẫn còn nhiều, đến năm 2022 có 198 người, chiếm tỷ lệ 67,58%. Vì vậy, kiến thức QLNN của đội ngũ CBCC cấp xã còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc thực thi công vụ.
Một số đánh giá
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, thực tiễn tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh cho thấy, số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ cấp xã đang dần dần được củng cố. Phần lớn các cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần, trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đại đa số cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ phù hợp với từng vị trí công việc. Một số cán bộ được đào tạo chính quy cả về lý luận và kiến thức quản lý nhà nước. Do vậy, đội ngũ cán bộ cấp xã được tiếp cận và nắm bắt nhanh nhạy những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị chưa được nâng lên và chưa đồng đều, nên ảnh hưởng đến năng lực nắm bắt các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước còn nhiều hạn chế, tư duy logic yếu. Một phần do cán bộ chưa tập trung nghiên cứu các vấn đề có tính lý luận, chưa dành nhiều thời gian để học tập bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý ở cấp cơ sở.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Nhằm nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ CBCC cấp xã tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, theo chúng tôi, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp xã cấp xã ở huyện Bình Liêu. Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC cấp xã, đảm bảo công tác đào tạo, bồi dưỡng phải xuất phát từ quy hoạch, gắn với sử dụng, đúng với ngạch và vị trí việc làm, chú trọng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ và kinh nghiệm giải quyết những tình huống theo từng vị trí việc làm của từng công chức cụ thể.
Hai là, tiếp tục thực hiện tốt việc bố trí, sử dụng, luân chuyển, điều động CBCC cấp xã cho cấp xã ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Khi bố trí, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức cấp xã vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý phải hỏi ý kiến của cơ sở và lấy phiếu tín nhiệm từ cơ sở. Việc đánh giá, sử dụng cán bộ, công chức cấp xã, nhất thiết phải hỏi ý kiến cấp quản lý cán bộ, hỏi ý kiến quần chúng và cấp dưới, cùng những người có quan hệ, có hiểu biết về cán bộ đó, trực tiếp đối thoại với cán bộ đó. Thực hiện công khai các hoạt động của cấp ủy đảng, của những cán bộ chủ trì các cấp về bố trí, bổ nhiệm, đề bạt, sử dụng cán bộ, công chức cấp xã. Đặc biệt chú trọng công khai chính sách của Nhà nước, của tỉnh Quảng Ninh.
Ba là, tăng cường giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cho CBCC cấp xã ở huyện Bình Liêu. Thực hiện nghiêm chế độ tự phê bình và phê bình nhằm đề cao giá trị đạo đức, sự hướng thiện của công chức. Đồng thời cần có chế tài xử lý một cách nghiêm minh những hành vi tham ô, tham nhũng, vi phạm trong quá trình thực thi công vụ của CBCC cấp xã cấp xã. Với những hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà về thủ tục hành chính trong giải quyết công việc cần phải được xử lý công khai, kịp thời và công bằng. Đây là biện pháp có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục, răn đe công chức đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân vào Nhà nước và pháp luật./.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Chấp hành Trung ương (2018), Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
2. UBND tỉnh Quảng Ninh (2020), Quyết định số 413/2020/QĐ-UBND, ngày 31/8/2020 về việc giao số lượng cán bộ, công chức và quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.
2. UBND huyện Bình Liêu (2021), Đề án Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý huyện Bình Liêu, giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh.
3. UBND tỉnh Quảng Ninh (2021 - 2023), Báo cáo tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức năm 2021 của UBND tỉnh Quảng Ninh
4. Phòng Nội vụ - UBND huyện Bình Liêu (2021-2023), Báo cáo tình hình thực hiện công tác ngành Nội vụ huyện Bình Liêu năm 2021, 2022, 2023.
5. UBND huyện Bình Liêu (2022-2024), Báo cáo tổng kết tình hình phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Liêu năm 2021, 2022, 2023
Ngày nhận bài: 14/5/2024; Ngày phản biện: 25/5/2024; Ngày duyệt đăng: 30/5/2024 |
Bình luận