Giải pháp phát triển doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam trong bối cảnh mới
THỰC TRẠNG
Những kết quả đạt được
Để phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (sau đây gọi là Nghị quyết 10). Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát: Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
|
Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 10, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam nói chung và DN tư nhân nói riêng có sự phát triển mạnh cả về chất, lượng và quy mô, tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Theo tính toán, nếu đầu tư tư nhân (chưa tính đến hộ kinh doanh cá thể) tăng 1%, sẽ giúp GDP của Việt Nam năm 2020 tăng trưởng thêm khoảng 0,15 điểm %. Trong số đó, rất nhiều DN tư nhân đã trở thành "những con sếu đầu đàn", dẫn dắt trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển kinh tế của đất nước. Khảo sát trong 5 năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam được thế giới biết đến qua những tên tuổi các tập đoàn tư nhân, như: Vingroup, Sun Group, T&T Group, Thaco, Vietjet, TH True Milk, Masan... Nhiều DN tư nhân đạt kim ngạch xuất khẩu hàng triệu USD, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, thu ngân sách và giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh, xã hội. Thống kê cho thấy, 29 DN Việt Nam đã có giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán vượt con số 1 tỷ USD (Nguyễn Quốc Điển, 2021).
Còn theo nhóm nghiên cứu CIEM ở Việt Nam, chủ trương phát triển kinh tế tư nhân gắn liền với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đã tạo dư địa, không gian và cơ hội kinh doanh cho khu vực kinh tế tư nhân đầu tư nâng cao năng lực. Quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt với các phiên bản Luật Doanh nghiệp (từ Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty năm 1990 đến Luật Doanh nghiệp phiên bản năm 1999, 2004, 2014 và 2020), Luật Đầu tư (2004, 2014, 2020) và những quyết sách trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi để người dân, DN biến các cơ hội kinh doanh thành sự phát triển thực sự. Số lượng DN thành lập mới đã tăng đáng kể, đặc biệt trong giai đoạn 2015-2020 có hơn 735.000 DN thành lập mới (trung bình 122.500 DN/năm). Trong 9 tháng đầu năm 2021 mặc dù ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng vẫn có 85.483 DN thành lập mới. Năng lực của khu vực DN tư nhân đã được cải thiện trong thời gian qua. Khu vực kinh tế tư nhân có số lượng chủ thể và quy mô ngày càng lớn, số lượng DN khu vực tư nhân trong TOP 10, TOP 50, TOP 100 DN lớn nhất Việt Nam tăng qua các năm; trình độ công nghệ, trình độ tổ chức quản lý được cải thiện.
Mặc dù đại dịch kéo dài đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của rất nhiều DN đình trệ, rất nhiều DN nhỏ và vừa phải tạm ngừng hoạt động hay đóng cửa, song trong khó khăn, các DN tư nhân Việt Nam phát huy mạnh mẽ nhất tinh thần, ý chí, sức sáng tạo cũng như khả năng đương đầu với khó khăn của chính mình. Cùng với sự ủng hộ, các chính sách hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời của Đảng, Nhà nước, các DN đã tháo gỡ được những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm cho người dân, duy trì và củng cố các nguồn lực, đảm bảo đời sống cho người lao động… ngay cả trong những giai đoạn giãn cách căng thẳng nhất.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt trong năm 2021, cộng đồng DN, doanh nhân đã và đang tạo ra động lực để “biến nguy thành cơ”, phục hồi và bứt phá mạnh mẽ hơn sau khi dịch bệnh được khống chế. Đây được xem là cơ hội để các DN, doanh nhân đánh giá lại năng lực quản trị, khả năng ứng phó với những biến động thị trường, quyết tâm thực hiện chuyển đổi số, cơ cấu các nguồn lực theo hướng bền vững hơn… Đơn cử, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường chứng khoán Việt Nam, hai tập đoàn kinh tế tư nhân là FPT và Sovico đã chủ động đề xuất giải pháp để giải quyết tình trạng “nghẽn lệnh” trên hệ thống của Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) bằng nguồn tài chính, nhân lực và công nghệ của chính mình. Trong đó, FPT thực hiện giải pháp kỹ thuật, Sovico đóng góp nguồn lực tài chính. Sau chỉ 3 tháng, đúng như cam kết với Chính phủ, Bộ Tài chính, hệ thống đã hoạt động thông suốt, an toàn và có thể xử lý từ 3-5 triệu lệnh/ngày, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời hoàn toàn làm chủ về công nghệ trong tương lai, không còn phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài.
Có thể khẳng định, khu vực DN tư nhân là “tấm đệm giảm sốc” cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang bị tác động bởi các yếu tố bất định như dịch Covid-19. Cụ thể, trong giai đoạn vừa qua, nhiều DN tư nhân đã chung tay cùng các bộ, ngành và Chính phủ góp phần chống dịch hiệu quả, động thái này thể hiện sự đồng hành hiệu quả 3 bên, giữa Chính phủ - DN - Người dân. Các DN cũng là những “mạnh thường quân” cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân nghèo, các khu vực khó khăn vì cách ly, phong tỏa, ủng hộ trang thiết bị y tế, phòng dịch, máy thở, xe cứu thương…
Những khó khăn, thách thức
Một là, khả năng chống chịu của các DN trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra ngày càng suy giảm. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, số DN đăng ký thành lập mới giảm 2,3% so với năm 2019; số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tăng 13,9%. Phần lớn các DN phải tạm ngừng kinh doanh và đã giải thể hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; những DN quy mô lớn rút lui khỏi thị trường nhiều hơn. Trong 9 tháng năm 2021, có 90,3 nghìn DN tạm ngừng sản xuất, kinh doanh có thời hạn, DN dừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và DN đã hoàn tất thủ tục giải thể. Trong số đó, có tới 50,1% DN đã và đang làm thủ tục rút lui vĩnh viễn khỏi thị trường. Lần đầu tiên, số DN gặp khó khăn tạm ngừng sản xuất, chờ làm thủ tục và đã làm thủ tục giải thể lớn hơn số DN mới thành lập.
Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 9/2021 có đến 95% DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; 80% DN phải tăng chi phí đầu vào do dịch; 54,2% DN tăng chi phí do giá nguyên vật liệu tăng; 49,5% DN tăng chi phí về logistics; đặc biệt có đến 33,4% DN thiếu lao động và 40,8% DN thiếu nguyên vật liệu sản xuất.
Còn “Báo cáo tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với DN Việt Nam: Một số phát hiện chính từ điều tra DN 2020” của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) khảo sát gần 10.200 DN trên toàn quốc cũng cho biết, đại dịch Covid-19 tác động rất tiêu cực đến DN tại Việt Nam. Trong đó, có 87,2% DN cho biết, chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Chỉ 11% DN cho rằng, họ “không bị ảnh hưởng gì” và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”.
Hai là, các chính sách hỗ trợ chưa thực sự có hiệu quả. Một số cơ chế, chính sách chưa bảo đảm tính tổng thể, chưa bao quát hết được tính chất, quy mô, mức độ khẩn cấp như đại dịch Covid-19. Theo VCCI, trung bình vẫn có 22% DN gặp khó khăn, khi thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, như: đề nghị miễn, giảm thuế (23% DN gặp phải), hoàn thuế (18%), quyết toán thuế (17%)… Việc giảm phí, lệ phí có hiệu ứng tích cực, nhưng các quy định về thủ tục vẫn cứng nhắc, đặc biệt trong kiểm tra DN phải trả chi phí kiểm tra xét nghiệm 2-3 nơi, khiến DN phát sinh thêm nhiều chi phí (Nguyễn Minh Phong, 2021).
Đặc biệt, nhiều giải pháp hỗ trợ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 của Chính phủ cho tới nay mới chỉ thực hiện được một phần nhỏ, chưa tạo ra động lực giúp DN và người dân vượt qua khó khăn. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư qua theo dõi và tổng hợp các kiến nghị phản ánh của cộng đồng DN cho thấy, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN. Việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ. Tỷ lệ DN tiếp cận được một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp. Đặc biệt, vấn đề các DN tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để DN có thể chủ động phương án sản xuất, kinh doanh…
Đặc biệt, mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam còn cao. Sáng ngày 21/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, tại tổ Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay DN đang gặp rất nhiều khó khăn với mặt bằng lãi suất cho vay 6%-8%, thậm chí 9%. Với lãi suất này, DN rất khó khăn để hồi phục (Phương Trang, 2021).
Ba là, năng lực của khối DN tư nhân còn nhiều hạn chế. Mặc dù khối DN tư nhân trong nước đã tăng gần như từ con số 0 vào đầu thập niên 1990 lên hơn 700 nghìn DN năm 2020, song chỉ đóng góp chưa tới 10% trong tổng GDP của Việt Nam - chưa bằng ½ của khu vực FDI và chưa bằng 1/3 của khu vực kinh tế cá thể. Hơn 98% DN tư nhân trong nước có quy mô nhỏ và vừa, trong đó tỷ trọng DN siêu nhỏ lên tới 73%. Không những thế, quy mô trung bình của DN tư nhân đã giảm đi đáng kể, từ mức 27 lao động mỗi DN vào giữa thập niên 2000 xuống còn chưa đến 18 lao động mỗi DN hiện nay. Quy mô vốn bình quân sau khi điều chỉnh lạm phát cũng nhỏ đi so với cách đây 15 năm.
Sức chống chịu của DN tư nhân trong nước đối với các cú sốc từ bên ngoài rất yếu, thể hiện hết sức rõ nét qua đại dịch Covid-19 vừa rồi. Và do vậy, khả năng kết nối của họ vào các chuỗi giá trị toàn cầu cũng hết sức hạn chế. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ có 15% DN tư nhân là nhà cung ứng cho DN FDI tại Việt Nam, chỉ có 8,4% có khả năng xuất khẩu sản phẩm trực tiếp ra nước ngoài, và chỉ có 7,4% có thể xuất khẩu gián tiếp thông qua việc bán hàng cho bên thứ ba.
Bản thân các DN tư nhân trong nước đã yếu, khả năng kết nối, liên kết giữa các DN tư nhân và giữa DN tư nhân với các DN nước ngoài tại Việt Nam còn yếu hơn, vì thế phát triển DN tư nhân mang nặng tính manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc. Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ có khoảng 15% DN tư nhân Việt Nam bán hàng hay cung cấp dịch vụ cho DN nước ngoài tại Việt Nam. Tỷ lệ DN Việt Nam xuất khẩu sản phẩm trực tiếp chỉ 8,4%, còn tỷ lệ xuất khẩu gián tiếp qua bên thứ ba vỏn vẹn 7,4% (Quang Lộc, 2019).
NHỮNG GIẢI PHÁP CẦN THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI
Để nâng cao năng lực của khu vực DN tư nhân Việt Nam, trước mắt, cần tập trung vào các giải pháp hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động; kết nối lao động; đảm bảo điều kiện để “sống chung” với đại dịch; tháo gỡ những khó khăn về dòng tiền; tạo điều kiện cho DN tiếp cận khoản vay mới để khôi phục sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng các gói vay ưu đãi để hỗ trợ DN trong năm 2021 vì hiện nay, nhưng nhiều ngân hàng thương mại thông báo "đã cho vay vượt quy mô vốn ưu đãi cho DN ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19", nên dừng giải ngân, dẫn tới tăng trở lại các khoản lãi suất vay liên quan sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục xem xét các chính sách giúp miễn, giảm, giãn, hoãn các khoản đóng góp nghĩa vụ thuế, phí cho DN tới hết 2022 (như: thuế đất/tiền thuê đất, thuế thu nhập DN, các khoản phí đặc thù từng ngành...);
Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, việc giải quyết nguồn vốn cho các DN không phải là vấn đề dễ. Cho nên ngoài những cơ chế, chính sách của Chính phủ, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các hội nghề nghiệp, của các ngân hàng. Ngoài ra, bản thân các DN tư nhân cũng phải có các chính sách, chiến lược phát triển của riêng mình để tự cứu mình trước. Hiện nay, các DN tư nhân vẫn chủ yếu là những DN vừa và nhỏ, như vậy phải tính đến việc tăng cường hợp tác liên kết với nhau để cạnh tranh và phát triển. Tăng cường vai trò của hiệp hội ngành nghề trong việc đa dạng hóa các hình thức liên kết, tăng cường hợp tác thay vì cạnh tranh chia sẻ thị trường.
Trong trung và dài hạn, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tận dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy DN khu vực tư nhân tham gia sâu vào chuỗi giá trị, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tăng cường sự kết nối, liên kết theo chuỗi giá trị giữa DN khu vực tư nhân với DN có vốn đầu tư nước ngoài; chú trọng thúc đẩy phát triển DN tư nhân quy mô vừa và lớn, phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế…
Để khu vực DN tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, chỉ giải quyết các nút thắt trong nội bộ khu vực này là chưa đủ. Trái lại, cần có một tầm nhìn tổng thể cho toàn bộ khu vực DN quốc gia. Trong bối cảnh chưa thể thu nhỏ một cách quyết liệt khu vực DN nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn và tổng công ty, thì cần đưa những DN này vào môi trường cạnh tranh và chấm dứt cứu trợ cho những DN hay dự án thua lỗ kéo dài. Đối với khu vực FDI, bên cạnh việc thu hút có chọn lọc, hướng vào các ưu tiên của nền kinh tế, việc tìm cách cho DN nội địa kết nối vào mạng lưới cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu phải trở thành ưu tiên quan trọng của Chính phủ giai đoạn tới.
Chính phủ cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh; các thành phần kinh tế được bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực đầu vào và trong tiếp cận thị trường đầu ra. Việc có những ưu đãi cho DN nhà nước hay DN FDI sẽ là bất bình đẳng cho DN tư nhân.
Với bản thân các DN tư nhân, để tận dụng được cơ hội cũng như khắc phục những hạn chế, cần chú trọng nâng cao chất lượng, quy mô để đảm bảo đủ lớn về quy mô, đáp ứng yêu cầu chất lượng, xây dựng thương hiệu hàng Việt. Các DN cần phối hợp với nhau, tập hợp các DN cùng ngành để nâng cao năng lực cạnh tranh, cùng chia sẻ cơ hội, khó khăn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng với những bất định, như: thiên tai, dịch bệnh./.
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2019). Quyết định số 1362/QĐ-TTg, ngày 11/10/2019 về kế hoạch phát triển bền vững DN khu vực tư nhân đến năm 2025
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021). Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với cộng đồng DN và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh Covid-19, ngày 26/9/2021
3. Tổng cục Thống kê (2020). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2020
4. Tổng cục Thống kê (2021). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2021
5. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) (2021). Báo cáo tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với DN Việt Nam: Một số phát hiện chính từ điều tra DN 2020
6. Nguyễn Thị Hương (2021). DN tư nhân Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 28
7. Quang Lộc (2019). Phát triển DN tư nhân: 2 định hướng chính sách, truy cập từ http://congthuong.vn/phat-trien-doanh-nghiep-tu-nhan-2-dinh-huong-chinh-sach-117770.html
8. Nguyễn Minh Phong (2021). Để hỗ trợ DN vượt qua đại dịch COVID-19…!, truy cập từ http://baochinhphu.vn/Kinh-te/De-ho-tro-doanh-nghiep-vuot-qua-dai-dich- Covid-19/445117.vgp
9. Phương Trang (2021). Ông Trần Hoàng Ngân: DN rất khó khăn để hồi phục với mặt bằng lãi suất 6-8%, thậm chí 9%, truy cập từ https://vietnambiz.vn/ong-tran-hoang-ngan-doanh-nghiep-rat-kho-khan-de-hoi-phuc-voi-mat-bang-lai-suat-6-8-tham-chi-9-202110220758173.htm
10. Nguyễn Quốc Điển (2021). Kinh tế tư nhân – “Lực kéo” quan trọng của kinh tế Việt Nam thời hậu Covid-19, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/kinh-te-tu-nhan-luc-keo-quan-trong-cua-kinh-te-viet-nam-thoi-hau-covid19-331387.html
TS. Tạ Thị Đoàn
Học viện Chính trị khu vực 1
(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021)
Bình luận