KHÁI NIỆM FDI XANH

UNCTAD (2008) đề cập tới FDI xanh gồm hai loại đầu tư: (i) Đầu tư trực tiếp nước ngoài tuân theo tiêu chuẩn môi trường quốc gia; (ii) Đầu tư vào việc sản xuất trực tiếp các sản phẩm và dịch vụ môi trường ở nước nhận đầu tư.

Stephen Golub và cộng sự (2011) đã có nghiên cứu đầu tiên về định nghĩa FDI xanh. Tập hợp từ những tài liệu trước đó, Stephen Golub và cộng sự (2011) cho rằng, FDI xanh gồm hai phần là: (i) Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường; (ii) Đầu tư nước ngoài vào quy trình giảm thiểu phá hoại môi trường như sử dụng công nghệ sạch hơn hay hiệu quả năng lượng hơn.

Quan niệm về FDI xanh của Stephen Golub và cộng sự (2011) và UNCTAD (2008) đều có điểm giống nhau là phân chia FDI theo hai hướng là đầu tư vào sản phẩm, dịch vụ và đầu tư vào quy trình sản xuất.

Giải pháp thu hút FDI xanh tại Việt Nam
Thu hút vốn FDI xanh là một giải pháp quan trọng, giúp Việt Nam duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Ảnh: Internet.

Hiện nay, Việt Nam chưa có khái niệm riêng về FDI xanh, nhưng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra định nghĩa về công nghệ xanh và sản phẩm xanh. Theo đó, công nghệ xanh là “công nghệ phát triển, áp dụng sản phẩm, trang bị và những hệ thống được dùng để bảo tồn môi trường và tài nguyên, giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt động của con người”; còn sản phẩm xanh là “sản phẩm không độc hại, sử dụng năng lượng và nước hiệu quả và vô hại đối với môi trường”.

Như vậy, có thể hiểu, FDI xanh là hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào sản xuất sản phẩm và dịch vụ môi trường, hoặc đầu tư trực tiếp nước ngoài có quy trình sản xuất giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhằm mục đích vừa phát triển kinh tế, trong khi sử dụng được hợp lý tài nguyên, tránh việc hủy hoại môi trường, biến đổi khí hậu và mất cân bằng sinh thái ở nước nhận đầu tư.

THỰC TRẠNG THU HÚT FDI XANH TẠI VIỆT NAM

Qua hơn 30 năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào hầu hết các ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Số liệu ở Bảng cho thấy, tính lũy kế đến ngày 31/12/2020, Việt Nam thu hút dược 33.062 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt trên 386,233 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về thu hút FDI với 15.126 dự án và 228,5479 tỷ USD vốn đăng ký (chiếm 59,18% tổng vốn đăng ký). Đứng thứ hai về lượng vốn đăng ký là hoạt động kinh doanh bất động sản với 60,3203 tỷ USD (chiếm 15,6% tổng vốn đăng ký).

FDI trong lĩnh vực sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng và điều hòa không khí có 151 dự án và tổng vốn đăng ký là 28,641 tỷ USD (chiếm 7,42% tổng vốn FDI đăng ký). FDI vào lĩnh vực xây dựng có 1.571 dự án, với tổng vốn đăng ký là 10,6794 tỷ USD (chiếm 2,76% tổng vốn FDI đăng ký).

Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm một tỷ lệ rất nhỏ về số dự án cũng như tổng vốn đầu tư đăng ký, với 505 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 3,7099 tỷ USD, chỉ chiếm 1,52% số dự án và 0,96% tổng vốn đầu tư cam kết. Mặc dù vậy, khu vực FDI đã góp phần nhất định vào việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu, tạo ra một số phương thức mới, có hiệu quả cao, nhất là các dự án đầu tư vào phát triển nguồn nguyên liệu, góp phần cải thiện tập quán canh tác và điều kiện hạ tầng yếu kém, lạc hậu ở một số địa phương.

Khu vực FDI đầu tư vào sản xuất hàng hóa và dịch vụ môi trường được thể hiện thông qua đầu tư FDI trong lĩnh vực cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, chất thải với 81 dự án, tổng vốn đăng ký là 2,926 tỷ USD (chiếm 0,76% tổng vốn đăng ký).

Bảng: FDI được cấp phép phân theo ngành kinh tế của Việt Nam

(Lũy kế các dự án còn có hiệu lực đến ngày 31/12/2020)

Số dự án

Tổng vốn đăng ký (triệu USD)

Tổng số

33.062

386.233,5

Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản

505

3.709,9

Khai khoáng

108

4.897,6

Công nghiệp chế biến, chế tạo

15.126

228.547,9

Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí

151

28.641,0

Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, chất thải

81

2.926,0

Xây dựng

1.751

10.679,4

Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác

5.182

8.505,0

Vận tải, kho bãi

875

5.418,3

Dịch vụ lưu trú và ăn uống

889

12.509,0

Thông tin và truyền thông

2.326

3.974,8

Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm

78

784,2

Hoạt động kinh doanh bất động sản

938

60.320,3

Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ

3.537

3.683,5

Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ

490

975,1

Giáo dục và đào tạo

583

4.411,5

Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội

153

1.999,8

Nghệ thuật, vui chơi, giải trí

138

3.391,5

Hoạt động dịch vụ khác

151

858,7

Nguồn: Tổng cục Thống kê (2021)

Nhìn chung, đa phần dự án FDI ở Việt Nam tập trung vào những lĩnh vực ít thân thiện với môi trường, có mức độ phát thải lớn, giá trị gia tăng thấp, thiếu những ngành công nghiệp mang tính nền tảng. Các dự án FDI xanh ít được chú trọng. Hơn nữa, chất lượng vốn đầu tư nước ngoài chưa cao, các dự án đầu tư chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công, công nghiệp nhẹ, quy mô dự án trung bình và nhỏ.

Mặc dù được kỳ vọng sử dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại hơn, nhưng thực tế cho thấy, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất sử dụng trong doanh nghiệp FDI không quá vượt trội so với doanh nghiệp trong nước. Số lượng doanh nghiệp FDI có năng lực công nghệ cao còn hạn chế, chỉ 5% doanh nghiệp FDI có công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại 14% là sử dụng công nghệ thấp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2020).

Hơn nữa, một số dự án FDI hoạt động ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất chưa tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Không ít doanh nghiệp FDI đã nhập khẩu máy móc, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam nhưng không được phát hiện kịp thời, dẫn đến hệ lụy về môi trường ở một số địa điểm, tác động lâu dài đến sức khỏe người dân và hệ sinh thái khu vực, gây xung đột lợi ích giữa các ngành sản xuất, chế biến với ngành nông nghiệp, du lịch, cũng như giữa doanh nghiệp FDI với cộng đồng dân cư.

Nguyên nhân là do Việt Nam chưa có đủ kinh nghiệm và cơ chế, tiêu chuẩn môi trường để sàng lọc hiệu quả các dự án FDI; chưa lường hết được những nguy cơ tiềm ẩn về vấn đề gây ô nhiễm môi trường của một số dự án FDI, nhất là những dự án phát sinh nguồn thải lớn để có biện pháp quản lý, giám sát hiệu quả. Sự phối hợp của các cấp, các ngành trong kiểm soát các nguồn thải từ các dự án FDI chưa hiệu quả, đồng bộ, chặt chẽ. Thiếu ràng buộc trách nhiệm, chế tài bảo đảm việc tuân thủ cam kết của nhà đầu tư và các tiêu chí đo lường cụ thể, dẫn tới công tác đánh giá và thu hút FDI chưa sát với mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Trong khi đó, ý thức của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các quy định bảo vệ môi trường còn chưa cao.

Đó là chưa kể, tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án FDI. Nhiều địa phương trải thảm đỏ thu hút dự án FDI bằng mọi giá, ít có chọn lọc, thậm chí đã chấp nhận những doanh nghiệp FDI khai thác tài nguyên giá rẻ với công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

GIẢI PHÁP THU HÚT FDI XANH

Qua phân tích thực trạng, tác giả đề xuất một số giải pháp để Việt Nam thúc đẩy thu hút FDI xanh, hướng đến phát triển bền vững trong thời gian tới, như sau:

Một là, hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan thu hút FDI, đặc biệt là về nhập khẩu công nghệ, chuyển giao công nghệ và môi trường

- Xây dựng và ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong thu hút và sử dụng FDI trên nguyên tắc không thu hút FDI bằng mọi giá; không thu hút các dự án có nguy cơ hủy hoại tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

- Rà soát, sửa đổi pháp luật về đăng ký chuyển giao công nghệ; nhập khẩu máy móc, thiết bị của doanh nghiệp FDI nhằm kiểm soát, thúc đẩy công nghệ và chuyển giao công nghệ; ngăn ngừa, hạn chế tình trạng gian lận và tiếp nhận công nghệ không thân thiện với môi trường.

- Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.

- Xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa FDI và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp Việt Nam.

Hai là, kiện toàn tổ chức bộ máy nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về FDI

- Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về FDI theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và thống nhất một đầu mối tại các bộ, ngành, địa phương, đáp ứng yêu cầu quản lý liên ngành, liên vùng tại địa phương và trong phạm vi cả nước.

- Có chính sách hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng, tiền lương, thu nhập hợp lý để khuyến khích lựa chọn, đào tạo được đội ngũ cán bộ có tính sáng tạo, chuyên nghiệp, chủ động, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu đối với việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan tới đầu tư nước ngoài; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các vi phạm; phòng ngừa, cảnh báo, giải quyết có hiệu quả các tranh chấp.

Ba là, thực hiện sàng lọc các dự án FDI

- Cần thận trọng khi xem xét các đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức mua bán và sáp nhập, góp vốn, mua cổ phần (ngành công nghiệp trọng yếu, lĩnh vực an ninh - quốc phòng, có công nghệ, có sẵn chuỗi giá trị, có thương quyền cao...).

- Xây dựng và ban hành các tiêu chí sàng lọc đầu tư (suất đầu tư, lao động, công nghệ…) để làm cơ sở thu hút các dự án có hiệu quả.

- Nâng cấp tiêu chuẩn về môi trường để làm căn cứ không tiếp nhận các dự án không khuyến khích đầu tư (ví dụ: dệt nhuộm sử dụng công nghệ cũ...). Nghiêm cấm thu hút, chấp thuận các dự án không đáp ứng tiêu chuẩn.

- Không gia hạn, mở rộng hoạt động đối với các dự án sử dụng công nghệ thấp, không đáp ứng được tiêu chuẩn công nghệ, môi trường.

Bốn là, chuẩn bị yếu tố đầu vào đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài tại các dự án FDI xanh

Thứ nhất, chuẩn bị đội ngũ lao động có tay nghề phù hợp

- Nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục, gắn đào tạo kiến thức với thực tập, thực hành nghề tại các cơ sở doanh nghiệp. Rà soát, kiện toàn chương trình đào tạo phù hợp với đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

- Tập trung đào tạo các ngành, nghề chất lượng cao, như: kỹ thuật số, công nghệ thông tin, ứng dụng tin học, điện tử viễn thông, công nghệ sinh học... Đổi mới và cập nhật những kiến thức mới, các tiêu chuẩn và kỹ năng nghề nghiệp mới phù hợp với bối cảnh quốc gia và xu thế phát triển của thế giới.

- Nghiên cứu nhu cầu, tiêu chuẩn về lao động trình độ cao của các tập đoàn và doanh nghiệp lớn để có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo lao động trong nước.

Thứ hai, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng sản xuất

- Các địa phương rà soát các dự án chậm triển khai, hoạt động không hiệu quả để thu hồi, tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư mới, có nhu cầu dịch chuyển sản xuất.

- Rà soát, xây dựng danh sách một số địa phương, khu công nghiệp, khu kinh tế đã có sự chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng, nhân lực, năng lượng... để cung cấp cho các nhà đầu tư lựa chọn./.

Tài liệu tham khảo

1. Thủ tướng Chính phủ (2012). Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020). Tờ trình phê duyệt Đề án “Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030”, ngày 31/8/2020

3. Lê Thị Hồng Ngọc (2021). Thu hút FDI xanh vì sự phát triển bền vững của Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 25, tháng 9/2021

4. Tổng cục Thống kê (2021). Niên giám Thống kê năm 2020, Nxb Thống kê

5. Stephen Golub, Céline Kauffmann and Philip Yeres (2011). Defining and Measuring green FDI: An exploratory review of existing work and evidence, OECD Working Papers on International Investment, 2011/02, OECD Publishing

6. UNCTAD (2008). Creating an institutional environment conducive to increased foreign investment and sustainable development, Accra, Ghana

ThS. Đàm Thị Thanh Thủy

Học viện Chính trị Khu vực I

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021)