Tác giả Krämer của Chemistry World đăng bài viết [1] trong khuôn khổ gọn gàng, nhưng có tính tổng quan giúp người đọc hiểu về vấn đề chất lượng ấn phẩm khoa học xuất bản.

Bài chủ yếu tập trung vào những đường dây, tạm gọi là sản xuất hàng giả, trong xuất bản khoa học để bán cho những người có nhu cầu đóng vai tác giả. Tuy nhiên, những thông tin phân tích trong bài giúp ta hiểu thêm một số khía cạnh khác có liên quan tới đời sống và hoạt động của thế giới khoa học.

Động cơ kinh tế phía sau các ấn phẩm khoa học đối với các tác giả được Hvistendahl viết trên Science gọi là cửa hàng trưng bày ‘bazaar’ [2]. Rất nhiều tiền của đầu tư và thưởng cho loại ‘hàng hóa’ này, tạo nên sức hấp dẫn ghê gớm. Kèm theo đó là trong một thời kỳ dài, cũng không có chế tài nào để ngăn chặn việc mua bán của các tác giả [3].

Khi xuất bản khoa học đã được thương mại hoá dựa trên quan hệ cung cầu, thì mong muốn được có một nền khoa học chất lượng của những người làm chính sách khoa học và các nhà điều hành cơ sở giáo dục - nghiên cứu lại vấp phải ngay khó khăn đầu tiên, đó là nhận thức của những người ở vai trò tác giả [4]. Quá trình chuyển dịch nhận thức bị ngăn chặn bởi quá trình vận hành “quá nhanh, quá nguy hiểm”của các giao dịch thị trường ngầm.

“Gót chân Achilles” của xuất bản khoa học
Nguồn https://forbetterscience.com/2020/01/24/the-full-service-paper-mill-and-its-chinese-customers/

Trong thời thế như vậy, không nghi ngờ gì nữa, hệ lụy của đầu tư cho khoa học không chỉ là số tiền bị tiêu lãng phí, mà là cả một dãy tổn thất lớn về năng lực, hiệu quả chính sách, tác động xã hội..., mà đáng lẽ ra các nghiên cứu cần phải mang lại lợi ích cho xã hội, nền kinh tế và cả chính tương lai của khoa học [5].

Tuy thế giới khoa học được trang bị một công cụ gọi là “rút bỏ bài sau xuất bản”, nhưng việc thực hành công cụ này suốt một thời gian dài chưa được chuẩn hóa. Lượng thông tin ít ỏi xung quanh công việc này cũng khiến cho quá trình cải thiện hệ thống kiểm soát chất lượng khoa học bị chậm lại đáng kể, và hiệu quả thấp [6].

Lẽ tự nhiên, các nhà xuất bản lớn hàng trăm năm tuổi có động lực để giữ gìn tên tuổi và vị thế. Họ không coi nhẹ công việc kiểm tra và rút bỏ các bài có vấn đề. Tuy thế, mức độ rất hạn chế, vì việc này còn phụ thuộc vào ban biên tập, cách tổ chức hệ thống kiểm tra và cả quan hệ giữa tạp chí với nhà xuất bản, với các tác giả và thậm chí cả nhà tài trợ.

Đầu năm 2021, Krämer [7] đưa thông tin về việc Royal Society of Chemistry loại bỏ hơn 70 bài từ các xưởng sản xuất dởm, nhưng cũng không ai biết thực ra 70 này là nhiều hay ít, vì “tỷ trọng dởm” trong tổng thể các nghiên cứu đã xuất bản hiện nay không hình dung nổi.

Hai tác giả Marcus và Oransky [8] gọi tên “vấn đề rút bài” là hoàn toàn hợp lý. Vấn đề này có nhiều khả năng liên quan tới nhận thức chung cho rằng, về cơ bản, một nghiên cứu sau bình duyệt và được ban biên tập cho đăng, nhất là ở những chỗ có bề dày uy tín, là các nghiên cứu tốt. Thông tin và kết luận khoa học từ đó cơ bản là đáng tin.

Niềm tin này có pha màu sắc “huyền bí” của quá trình bình duyệt. Và sự bí ẩn của bình duyệt/phản biện chính là “gót chân Achilles” của xuất bản khoa học. Marcus và Oransky đưa ra quan điểm từ năm 2011 trên Nature:

“It should be no secret whether something has been peer reviewed” [9]

Ấy thế mà, tới 10 năm sau phát biểu rõ ràng, dễ hiểu nói trên, kèm theo rất nhiều sự kiện là bằng chứng cho thấy hậu quả của gót Achilles, màu sắc của sự huyền bí vừa nói trên vẫn ảo diệu và nhảy múa trêu ngươi.

Tài liệu tham khảo:

[1] Krämer, K. (2021, May 25). Publishers grapple with an invisible foe as huge organised fraud hits scientific journals. Chemistry World. Available at: https://www.chemistryworld.com/news/publishers-grapple-with-an-invisible-foe-as-huge-organised-fraud-hits-scientific-journals/4013652.article

[2] Hvistendahl, M. (2013). China's publication bazaar. Science, 342(6162), 1035-1039.

[3] Lu, J. (2020). Anomie in China’s Academic Publishing and Measures Taken. Serials Review, 46(4), 255-263.

[4] Vuong, Q. H. (2019). Breaking barriers in publishing demands a proactive attitude. Nature Human Behaviour, 3(10), 1034.

[5] Vuong, Q. H. (2018). The (ir)rational consideration of the cost of science in transition economies. Nature Human Behaviour, 2(1), 5.

[6] Vuong, Q. H. (2020). Reform retractions to make them more transparent. Nature, 582(7811), 149.

[7] Krämer, K. (2021, Jan 20). Royal Society of Chemistry retracts 70 fake ‘paper mill’ articles. Chemistry World. Available at: https://www.chemistryworld.com/news/royal-society-of-chemistry-retracts-70-fake-paper-mill-articles/4013072.article

[8] Marcus, A., & Oransky, I. (2017). Is there a retraction problem? And, if so, what can we do about it. In: K. H. Jamieson, D. M. Kahan, D. Scheufele (Eds.) The Oxford handbook of the science of science communication (pp. 119-126). New York: Oxford University Press.

[9] Marcus, A., & Oransky, I. (2011). The paper is not sacred. Nature, 480, 449-450.

Nguyễn Thị Linh, AISDL

Nguyễn Thanh Thanh Huyền, Phenikaa University