Nhiều khó khăn khi bước vào hội nhập

Theo Hiệp hội Da – Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), Việt Nam nằm trong top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về số lượng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, nhưng là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về trị giá, sau Trung Quốc và Italy. Sản phẩm giày dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 nước, trong khi sản phẩm túi xách hiện đã có mặt tại trên 40 nước.

Do dành tới 90% sản phẩm cho xuất khẩu nên việc suy thoái của kinh tế toàn cầu ảnh hưởng rất lớn đến ngành Da giày và túi xách Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của ngành Da giày năm 2015 tăng 16% so với năm 2014, tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2016, ngành chỉ đạt tốc độ trên 7%, riêng túi xách thì tốc độ vẫn đạt được gần 14%.

Theo đánh giá từ Lefaso, vừa qua, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu có khả năng gây thiệt hại tới kinh tế khu vực EU và nền kinh tế toàn cầu, do đó cũng sẽ gây tác động không nhỏ tới việc xuất khẩu da giày và túi xách của Việt Nam trong thời gian tới.

Dẫn lời bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Lefaso trên Báo điện tử Chính phủ, thị trường EU sụt giảm mạnh do tác động của biến động chính trị, nhu cầu tiêu dùng giảm. Vì thế, khách hàng EU – đối tác lớn nhất của ngành Da giày chuyển sang đặt hàng cầm chừng, chỉ đặt hàng theo nhu cầu của thị trường chứ không đặt liên tục như những năm trước.

Tuy nhiên, bên cạnh lượng đơn hàng giảm sút do tác động của thị trường, nguyên nhân còn đến từ chính các doanh nghiệp da giày Việt Nam. Đó là khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất của khách hàng.

Ngành Da giày đang gặp nhiều khó khăn, thách thức

Lefaso cho biết, đơn hàng và khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2016 không hẳn là thiếu, thậm chí, nhiều thương hiệu lớn trên thế giới cũng đến Việt Nam tìm cơ sở sản xuất, nhưng doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được điều kiện đặt ra từ phía khách hàng. Ví dụ như: điều kiện về nhà xưởng, chất lượng sản xuất, chất lượng quản lý, môi trường, nguồn nguyên phụ liệu, chế độ cho công nhân… nên không “dám” nhận đơn hàng.

Đây không phải là vấn đề mới của các doanh nghiệp da giày mà đã được đề cập đến nhiều trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và ngành da giày nói riêng. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, các thị trường, như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… có yêu cầu rất khắt khe, nhưng nhu cầu đặt hàng lại lớn, nên nhiều đơn hàng lớn rơi vào tay doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Vì thế, trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp da giày đến từ Trung Quốc đã tới Việt Nam đầu tư, xây dựng nhà máy để tận dụng lợi thế về địa lý, nguồn nhân công và tận dụng các ưu đãi từ các FTA. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không có hướng phát triển mạnh hơn thì chắc chắn sẽ bị các doanh nghiệp này chiếm lĩnh thị phần.

Kỳ vọng từ chính doanh nghiệp

Theo Bộ Công Thương, nếu các FTA đã được ký kết và sớm có hiệu lực thì mức ưu đãi thuế xuất khẩu giày dép của Việt Nam sẽ thấp hơn từ 8%-17% so với nhiều quốc gia khác.

Dẫn lời ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso trên Báo Hải quan điện tử cho rằng, trong bối cảnh gặp khó khăn như hiện nay, để ngành da giày và túi xách Việt Nam có thể tăng trưởng ổn định trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt để tận dụng được tốt lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết và được dự báo là sớm có hiệu lực trong một vài năm tới.

Tuy nhiên, để tận dụng được các lợi thế từ các FTA, các doanh nghiệp ngành Da giày và túi xách Việt Nam phải đối mặt với vấn đề về xuất xứ hàng hóa, chất lượng hàng hóa; tuân thủ các điều khoản quy định về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ. Điều này sẽ khiến cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam khó đáp ứng được yêu cầu do năng lực kỹ thuật và tài chính hạn chế, sản phẩm không đủ tiêu chuẩn để bán ra trên thị trường.

Theo Lefaso, dự báo năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Da giày ước đạt hơn 17 tỷ USD.

Để giải quyết những vướng mắc này, các doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia vào chuỗi giá trị. Theo ông Kiệt, để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, gần như doanh nghiệp Việt Nam ở thế bị động, chúng ta được chỉ định chứ không có được sự chủ động mình muốn được nằm ở khâu nào trong chuỗi và hiện số doanh nghiệp Việt Nam được tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng rất ít.

Song, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chủ động được nếu như cùng tham gia chuỗi liên kết nội địa. Trong chuỗi liên kết nội địa sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được các quy tắc xuất xứ, chủ động được nguồn nguyên liệu, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa tại thị trường nội địa cũng như hướng tới xuất khẩu.

Theo Lefaso, Hiệp hội vừa ra mắt Trung tâm Lefaso Center. Vai trò của Trung tâm là cầu nối tạo nên sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp nội địa, hướng tới xác lập chuỗi liên kết nội địa, bao gồm các nhà sản xuất máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu trong nước, qua đó tạo thế cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa và xuất khẩu.

Lefaso Center sẽ là Trung tâm tập trung cho ngành Da giày và túi xách Việt Nam, nơi trưng bày nguyên phụ liệu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước; đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc thiết kế, định giá hàng hóa... để các doanh nghiệp chuyên tâm, tập trung sản xuất./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://baochinhphu.vn/Thi-truong/Nganh-da-giay-huong-toi-xac-lap-chuoi-lien-ket-noi-dia/281444.vgp

http://vtv.vn/kinh-te/tao-chuoi-lien-ket-moi-cho-nganh-da-giay-khi-hoi-nhap-20160714200446825.htm

http://www.baohaiquan.vn/Pages/Da-giay-thap-thom-thoat-kho.aspx