Hiệu ứng kinh tế từ xung đột Nga-Ukraine đến ASEAN
Xung đột Nga-Ukraine sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung phân bón cho các nước ASEAN |
Cú sốc đối với chuỗi cung ứng sản xuất
Xung đột Nga-Ukraine làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng và đẩy thế giới vào một tình trạng bất định hiếm thấy. Thêm một đợt gián đoạn chuỗi cung ứng khác nối tiếp với những giãn đoạn do đại dịch Covid-19 đã bắt đầu hình thành, chi phí vận chuyển tiếp tục tăng lên. Các tuyến đường thương mại bị gián đoạn có khả năng gây áp lực giảm hơn nữa đối với tăng trưởng của ASEAN và toàn cầu. Sự gián đoạn các chuỗi cung ứng sẽ gây một số tác động xấu đến sản xuất của ASEAN. Có thể nhìn thấy rõ nhất, Nga và Ukraine là những nước xuất khẩu sắt thép bán thành phẩm lớn - nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất ô tô, máy móc và thiết bị điện tử. Năm 2019, Thái Lan, Indonesia và Philippines nhập khẩu lượng thép bán thành phẩm từ Nga và Ukraine với tỷ lệ lần lượt là 21,4%, 25% và gần 50%.
Năng lượng là kênh bị tác động mạnh mẽ nhất từ xung đột quân sự Nga-Ukraine đến nền kinh tế thế giới. Đối với ASEAN, mức độ ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn cung năng lượng của Nga là không lớn. Theo trang Atlas of Economic Complexity, Singapore đã nhập khẩu 38,8 tỷ USD dầu tinh luyện vào năm 2019, song chỉ 5,7% trong số đó đến từ Nga. Thái Lan cũng ở trong tình trạng tương tự khi nhập khẩu 16,6 tỷ USD dầu thô trong năm 2019 nhưng chỉ 3,3% trong số đó từ Nga.
Tuy nhiên, do Nga là nước xuất khẩu năng lượng lớn, nên khi có sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga ngay cả khi Mỹ và các nước đồng minh không trừng phạt bộ phận này của nền kinh tế Nga, cũng đã khiến giá dầu tăng từng ngày, từng giờ. Từ đầu năm đến nay, giá dầu thế giới đã tăng hơn 40%, kéo giá bán lẻ xăng dầu tăng mạnh tại gần như tất cả mọi quốc gia, cho dù các nước có nhập khẩu dầu trực tiếp từ Nga hay không. Một số chuyên gia nhận định, xung đột vũ trang Nga-Ukraine có thể dẫn tới sự gián đoạn trên thị trường năng lượng ở cấp độ tương tự như những cuộc khủng hoảng dầu lửa lớn vào thập niên 1970. Trong khi đó, JPMorgan Chase - Ngân hàng của Mỹ dự báo giá dầu thế giới có thể đạt 185 USD/thùng vào cuối năm 2022 nếu dòng dầu từ Nga tiếp tục bị gián đoạn.
Quan sát diễn biến toàn cầu cho thấy, ngày càng có nhiều áp lực buộc các công ty phải rút lui khỏi quan hệ đối tác kinh doanh với các công ty Nga, song đối với các công ty đầu tư hàng tỷ USD vào liên doanh với các công ty năng lượng của Nga ở ASEAN sẽ không có những hành động phá vỡ mối liên doanh này. Mới đây Công ty dầu khí quốc doanh Petronas của Malaysia đã tuyên bố sẽ không rút khỏi liên doanh vào lúc này. Công ty dầu khí Pertamina thuộc sở hữu nhà nước Indonesia thì cho biết, sẽ tiếp tục phát triển một nhà máy lọc dầu lớn, trong đó Rosneft của Nga sở hữu 45% cổ phần…
Các nước thành viên ASEAN có nguy cơ chịu cú sốc về nguồn cung đối với các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Nga cũng là một trong những nhà cung cấp phân bón hàng đầu thế giới. Việc thiếu hãng tàu và tăng chi phí vận chuyển khiến các doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào cho sản xuất của các nước ASEAN phải dừng giao dịch với Nga. Trong khi đó, sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ukraine làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Sự tăng giá phi mã của phân bón và giá thức ăn chăn nuôi đang “đè nặng” lên vai người nông dân. Cụ thể, giá lúa mỳ, ngô... đã tăng khoảng 10 - 20%, giá phân bón tăng trên 20% trong thời gian gần đây, ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi và trồng trọt.
Mức độ ảnh hưởng của các nước thành viên ASEAN cũng có sự khác nhau tùy thuộc vào quy mô nhập khẩu của mỗi nước. Theo đó, năm 2019, Indonesia nhập khẩu là từ Nga và Ukraine 25% lượng lúa mỳ cho công nghiệp chế biến trong nước, trong khi con số này của Việt Nam là 20% và Philippines là 16%. Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu phân bón từ Nga khoảng từ 130.000 - 380.000 tấn, chiếm khoảng 3 - 9,5% tổng khối lượng nhập khẩu, chủ yếu nhập phân kali, phân NPK và DAP. Riêng lượng phân kali nhập từ Nga khoảng từ 68.000 - 200.000 tấn/năm, chiếm 7,2 - 18,6% so với tổng lượng nhập khẩu loại phân bón này.
Hệ lụy từ các biện phát trừng phạt hướng vào Nga
Ngắt hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT) các ngân hàng quốc tế lớn của Nga; phong tỏa tài sản của các ngân hàng, tập đoàn lớn; ngăn cản xuất nhập khẩu; ngừng cung cấp tín dụng, phá giá đồng Ruble... là các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ của phương Tây dành cho Nga khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, đã và đang gây ra tác động toàn diện và sâu sắc đến kinh tế thế giới. Việc Nga bị loại ra khỏi Hệ thống thanh toán SWIFT là vấn đề hết sức quan ngại, bởi SWIFT hiện là phương thức gửi tiền phổ biến, được hầu hết ngân hàng trên thế giới và ASEAN sử dụng thực hiện các giao dịch thanh toán xuất, nhập khẩu.
Ngay khi xảy ra giao tranh, các đơn hàng của thị trường Nga và Ukraine phải ngừng do không có chuyến bay để vận chuyển, tuyến đường hàng hải ra vào khu vực xung quanh Biển Đen và biển Azov hiện ở trong tình thế không thể tiếp cận hoặc không thể đi qua. Nhiều công ty trong ngành cung ứng đã tạm ngưng cung cấp dịch vụ giao hàng đến và đi từ Nga cũng như Ukraine. Tất cả những vấn đề này khiến tình trạng tắc nghẽn hàng hóa trở nên rất tồi tệ và giá cước vận chuyển hàng hóa tăng đột biến.
Nhưng hậu quả kinh tế của cuộc xung đột tại Ukraine sẽ không chỉ giới hạn ở các quốc gia liên đới trực tiếp. Các dấu hiệu về giá cả năng lượng tăng vọt, các nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất bị đứt gãy chuỗi cung ứng đã bắt đầu cho thấy tác động ngược của “lạm phát, đình trệ”. Áp lực lạm phát sẽ còn tăng thêm do giá hàng hóa tăng vọt, đi kèm với xu hướng hạn chế đầu tư để phòng vệ trước những biến động lại một lần nữa gia tăng, các tuyến đường thương mại bị gián đoạn… những điều này có khả năng gây áp lực giảm phát đối với tăng trưởng của khu vực và thế giới./.
Linh Thanh
Bình luận