Chiều ngày 5/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (Keidanren) tổ chức cuộc họp đánh giá giữa kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, cuộc họp có ý nghĩa quan trọng sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến nay, dịch cơ bản được kiểm soát tại Việt Nam, doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, bước đầu có sự ổn định. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm vượt mức dự báo. Những kết quả tích cực này có được một phần nhờ Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, giúp nắm bắt được những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh… từ đó đề ra phương án rà soát và chỉnh sửa kịp thời.

Về phía Nhật Bản, ông Daisuke Okabe, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh, thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác và tích cực triển khai đúng các cam kết trong nội dung Kế hoạch hành động để mang đến thành công của giai đoạn 8 nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển và thịnh vượng chung của cả cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam.

Hơn một nửa tiểu hạng mục trong Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8 thực hiện đúng tiến độ
Cuộc họp đánh giá giữa kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8

Kế hoạch hành động của Sáng Kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8 gồm 11 nhóm vấn đề, bao gồm: Chế độ công bố và áp dụng án lệ/Chế độ thi hành án dân sự/ Chế độ cạnh tranh; Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; Cải thiện các vấn đề môi trường lao động; Thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng theo phương thức hợp tác công - tư (PPP); Cải cách doanh nghiệp nhà nước và thị trường chứng khoán; Phương thức thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm tạo ra cơ cấu nguồn điện tốt nhất tại Việt Nam; Nỗ lực cải thiện luật quy định liên quan đến việc xây dựng đường ống khí đốt tự nhiên, thúc đẩy nhập khẩu LNG; Các vấn đề liên quan đến đất đai; Công nghiệp hỗ trợ; Thúc đẩy hoạt động của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và hoạt động đổi mới sáng tạo tại địa phương, doanh nghiệp; Phát triển nguồn nhân lực kỹ năng nghề cao.

Tính đến cuộc họp đánh giá giữa kỳ ngày hôm nay, 47/80 tiểu hạng mục được thực hiện tốt và đúng tiến độ, 15/80 tiểu hạng mục đang được thực hiện, 6/80 tiểu hạng mục không tiến triển và 12/80 tiểu hạng mục sẽ được triển khai trong thời gian tới. Các nhóm công tác Việt Nam – Nhật Bản đã cùng rà soát các nhóm vấn đề, đánh giá những việc đã làm được và thảo luận các đề xuất của hai phía nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản. Các bộ, ngành phía Việt Nam đã rất nỗ lực, phối hợp với phía Nhật Bản thực hiện tốt các nội dung cam kết trong Kế hoạch hành động.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động không thuận lợi, việc cam kết thực hiện Sáng kiến chung chứng tỏ sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam. Nhiều văn bản pháp luật đã được sửa đổi và ban hành trong khuôn khổ hoạt động của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Nhiều khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng của phía Nhật Bản đã được các bộ, ngành liên quan tiếp thu hoặc ghi nhận, tiếp tục nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách, cũng như tổ chức thực thi./.