HSBC: Năm 2020, Việt Nam sẽ giải ngân vượt mức 20 tỷ USD
TPP đã tăng sức hấp dẫn của Việt Nam
Tuy nhiên, trong tháng 10, đã có nhiều tin tốt cho cả hai thách thức trên. Cụ thể, vào đầu tháng 10, Việt Nam và 11 nước khác bao gồm Mỹ và Nhật đã thông qua Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) lịch sử.
Là một thành viên có lợi thế trong Hiệp định này, Việt Nam có khả năng sẽ gặt hái lợi ích thương mại đáng kể nhờ vào các mức thuế được cắt giảm và việc tiếp cận các thị trường lớn đặc biệt là Mỹ - đối tác thương mại quan trọng. Thêm nữa, các thành viên trong TPP đã tăng sức hấp dẫn của Việt Nam như là một trung tâm sản xuất, thúc đẩy hoạt động đầu tư của nước ngoài.
Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đã tăng trong vài năm qua nhằm đón đầu Hiệp định TPP và các hiệp định thương mại tự do khác bao gồm cả Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và châu Âu.
Nguồn vốn giải ngân FDI hàng năm vẫn đang theo đúng kế hoạch khi đã thu hút 14 tỷ USD trong năm nay so với mức 12,5 tỷ USD trong năm 2014.
Các chuyên gia của HSBC dự báo, đến năm 2020, Việt Nam sẽ giải ngân vượt mức 20 tỷ USD nguồn vốn FDI.
Lạm phát sẽ tăng trở lại ở mức 3,3% vào cuối nửa đầu năm 2016
Trong tháng 10, lạm phát toàn phần không thay đổi vẫn ở mức 0% so với cùng kỳ, trong khi lạm phát cơ bản lại tăng chậm hơn từ mức 1,6% trong tháng 9 xuống còn 1,4% trong tháng 10 so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, các chuyên gia của HSBC đánh giá, những lo ngại về giảm phát đang bị thổi phòng. Nguyên nhân chính của lạm phát chậm lại là do giá năng lượng giảm: trong tháng 10, yếu tố vận chuyển (ẩn danh cho lạm phát năng lượng) giảm 12,3% so với năm ngoái và giúp tăng trưởng lạm phát toàn phần giảm 1%.
Tương tự, lạm phát thực phẩm cũng tăng nhẹ chỉ 0,8% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh tăng trưởng mạnh mẽ hơn và tiền lương có thể tăng sẽ thiết lập trạng thái tăng lạm phát cơ bản vào năm 2016.
Cụ thể, đến cuối nửa đầu năm 2016, các chuyên gia của HSBC dự báo, khả năng lạm phát sẽ quay đầu trong những tháng tới và sẽ tăng trở lại ở mức 3,3% vào cuối nửa đầu năm 2016 so với cùng kỳ.
Ví dụ, yếu tố vận chuyển sẽ không còn giảm thêm trong năm sau ngay cả khi giá dầu thô toàn cầu giữ nguyên.
Trong khi đó, với hiện tượng thời tiết El Nino đã gây ra những đợt khô nặng khắp khu vực miền Trung, khả năng tình hình giá thực phẩm sẽ tăng chứ không giảm.
Có thể tăng lãi suất thêm 0,5% trong quý III/2016
Lĩnh vực sản xuất Việt Nam tiếp tục bị các yếu tố khách quan yếu gây ảnh hưởng.
Trong tháng 10, chỉ số PMI ngành sản xuất tăng nhẹ ở mức 50,1 điểm - nằm trên mức không thay đổi 50 điểm.
Chỉ số việc làm suy yếu và đơn đặt hàng xuất khẩu mới đang trên đà giảm thêm cho thấy hoạt động sản xuất khó có thể phục hồi mạnh như mục tiêu hướng tới vào cuối năm nay.
Các hoạt động trong nước cũng được thúc đẩy do sự phục hồi ổn định của tăng trưởng tín dụng đã tăng 10,8% từ đầu năm đến tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái và sẽ có khuynh hướng đạt mức 17% trong năm 2015 (so với mức 14,2% trong năm 2014) khi các ngân hàng tăng hoạt động cho vay trong những tháng tới.
Cho đến thời điểm này, lạm phát thấp và triển vọng thuận lợi đối với giá cả năng lượng toàn cầu sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước giữ lãi suất ổn định.
Nhưng một khi áp lực giá cả tăng lên trong năm tới, các chuyên gia dự báo, Ngân hàng Nhà nước có thể tăng lãi suất thêm 0,5% trong quý III/2016 đưa mức lãi suất thị trường mở từ 5% như hiện nay lên 5,5%.
Cổ phần hóa: Thật sai lầm khi tập trung vào số lượng
Điểm quan trọng nhất là mức độ bao phủ của Hiệp định TPP mang ý nghĩa thỏa thuận hỗ trợ các hoạt động cải cách cần thiết trong nước đặc biệt là đối với các DNNN.
Chính phủ đang chịu nhiều áp lực để đẩy mạnh quá trình cải cách các DNNN để hoàn tất Hiệp định TPP. Trong năm 2015, Chính phủ đã lên kế hoạch cổ phần hóa 289 DNNN, nhưng đến này chỉ mới 94 doanh nghiệp được thực hiện.
“Trong khi quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp đang được thực hiện chậm chạp, chúng tôi nghĩ rằng thật sai lầm khi tập trung vào số lượng. Thay vào đó, thử nghiệm thực tế là Chính phủ sẵn sàng tư nhân hóa ở mức độ như thế nào và cho phép sở hữu nước ngoài đến đâu?”, các chuyên gia của HSBC đặt vấn đề.
Dẫn chứng đợt IPO Vietnam Airlines năm ngoái, các chuyên gia chỉ rõ, thực tế, hãng này chỉ đề xuất cổ phần hóa 3,48% chủ sở hữu. “Tuy nhiên, mọi thứ đều có thể thay đổi”, báo cáo viết.
Chính phủ đã chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thực hiện việc tháo vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp mục tiêu bao gồm các doanh nghiệp đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán như Vinamilk và FPT.
“Mặc dù thời hạn cho việc thoái vốn của Chính phủ khỏi các doanh nghiệp này vẫn chưa rõ ràng, nhưng chúng tôi nghĩ rằng việc tập trung nỗ lực cải tổ doanh nghiệp nhà nước chú trọng chất lượng hơn số lượng là một bước đi đúng hướng”, các chuyên gia HSBC đưa quan điểm.
Việc thoái vốn ở 10 DNNN trên ước tính sẽ mang về khoảng 4 tỷ USD cho ngân sách.
“Nguồn vốn này được kỳ vọng sẽ được sử dụng cho các dự án đầu tư công quan trọng trong thời điểm Bộ Tài chính đang chật vật tăng nợ do việc cấm phát hành các trái phiếu chính phủ ngắn hạn mà sẽ có hiệu lực trong năm nay”, các chuyên gia của HSBC nhìn nhận./.
Bình luận