Năm 2011, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới huyện Thiệu Hóa gặp nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp, bình quân mỗi xã mới chỉ đạt 5,7 tiêu chí nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế , xã hội chưa đồng bộ, quy hoạch phát triển manh mún. Cơ cấu ngành, nghề nông thôn chưa có chuyển biến đột phá, tỷ lệ hộ nghèo còn cao... Nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới là rất lớn, trong khi điều kiện về ngân sách của địa phương còn khó khăn … đó là những trở ngại lớn trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Thiệu Hóa.

Huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn nông thôn mới

Mô hình dưa kim hoang hậu ở thị trấn Vạn Hà

Xác định xây dựng nông thôn mới là Nhà nước và nhân dân cùng làm. Vì vậy, bên cạnh vận dụng linh hoạt các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, những năm qua, huyện Thiệu Hóa đã tập trung huy động tốt nguồn lực trong dân để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn theo đúng phương châm: “lấy sức dân để lo cho dân” “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nên khắp nơi người dân đều chung tay góp sức thực hiện. Không ít hộ gia đình ngoài tự nguyện đóng góp theo mức chung còn ủng hộ thêm tiền mặt, ngày công hoặc hạng mục công trình, nâng tổng số tiền huy động được lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhiều gia đình còn góp đất, hiến đất, hoặc tự nguyện phá dỡ cổng, sân nhà... để tạo thêm quỹ đất, giúp cho việc xây dựng các công trình công cộng được dễ dàng, thuận lợi.

Sau 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, tổng số vốn huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là trên 8.000 tỷ đồng. Trong đó vốn trong nhân dân chiếm 76,1%. Việc huy động nguồn đóng góp của nhân dân phục vụ xây dựng nông thôn mới phù hợp, không quá sức dân và đúng đối tượng, không gây bức xúc trong nhân dân. Các ngồn vốn được quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả và đúng mục đích, công khai minh bạch. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên, hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Thiệu Hóa đã tranh thủ lồng ghép các chương trình, dự án, huy động mọi nguồn lực xã hội hóa, trong cộng đồng nhân dân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Đến nay, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới toàn huyện đạt hơn 9 nghìn tỷ đồng,

Có thể khẳng định, sau 10 năm triển khai, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực của người dân. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của Huyện đã tạo nên những bước đột phá, có sự khác biệt rõ rệt về hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội; thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể, diện mạo nông thôn mới có nhiều sự thay đổi rõ rệt. Cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện, an ninh trật tự nông thôn ngày càng được củng cố, giữ vững. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong Huyện tràn đầy niềm vui, bởi quê hương ngày càng thay da đổi thịt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công và tạo việc làm cho người lao động được quan tâm thường xuyên. Đáng chú ý là, tỷ lệ hộ nghèo của Huyện đã giảm nhanh từ 23,27% năm 2010 xuống còn 1,24% năm 2020 theo tiêu chí nông thôn mới. Thu nhập tăng từ 10,1 triệu đồng/ng/năm 2011, lên 46,5 triệu đồng/ng/năm, năm 2020. Đến nay, cả 24 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đã đạt 9/9 tiêu chí của huyện nông thôn mới. Huyện đang chỉ đạo xã Thiệu các xã xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Theo lộ trình năm 2021 xã Thiệu Trung đạt xã nông thôn mới nâng cao, năm 2022 xã Thiệu Vũ, Thiệu Nguyên đạt nông thôn mới nâng cao, Thiệu Trung đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2021, có 12 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND huyện Thiệu Hóa tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới./.