Khoa học và nghệ thuật ngày càng gần nhau
Phấn khích, thách thức, khai sáng, kích thích, truyền cảm hứng, vui vẻ. Đó là một số từ được sử dụng để mô tả trải nghiệm về sự hợp tác giữa người làm nghệ thuật và khoa học. Trong thực tế, sự tham gia của công chúng ngày càng trở nên thiết yếu với các dự án nghiên cứu của giới khoa học. Theo đó, các nhà khoa học đang ngày càng tìm kiếm giới nghệ sĩ để giúp họ truyền đạt tác phẩm của mình cho khán giả mới. Một số nhà khoa học chia sẻ, rằng giới nghệ sĩ có thể giúp các nhà khoa học tiếp cận nhiều đối tượng hơn và tạo ra các kết nối cảm xúc để nâng cao khả năng cảm nhận và học tập. Khoa học thường mang tính trực quan, việc tạo và xuất bản dữ liệu không truyền tải hết được giá trị của nó.
Mới đây, các nghệ sĩ và nhà khoa học đã cùng nhau làm rung chuyển các giác quan nhiều người khi dàn nhạc giao hưởng Sydney ở Úc biểu diễn phiên bản làm lại của The Four Seasons của Antonio Vivaldi. Họ đưa vào dữ liệu dự báo khí hậu mới nhất cho mỗi mùa - do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông về Biến đổi Khí hậu của Đại học Monash ở Melbourne cung cấp. Tác phẩm và các biến thể của bản nhạc chứa dữ liệu địa phương đã được gửi đến mọi dàn nhạc lớn trên thế giới. Buổi biểu diễn là một lời kêu gọi hành động sáng tạo trước Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc vào tháng 11 tại Glasgow, Vương quốc Anh.
Thăm dò của Tạp chí The Nature cho thấy, ít nghệ sĩ hơn các nhà khoa học trả lời về mối quan hệ của 2 giới này. Tuy nhiên, một số người được hỏi lưu ý rằng, các nghệ sĩ không chỉ hỗ trợ các nhà khoa học về các yêu cầu giao tiếp của họ với công chúng. Cũng không nên coi tác phẩm nghệ thuật như một đối tượng nghiên cứu, ngay cả khi đó là những lý do khiến các nhà khoa học tìm kiếm cơ hội làm việc với các nghệ sĩ.
Theo nhà bác học Albert Einstein, cái đẹp nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn, đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính
Hơn nửa thế kỷ trước, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã mở Trung tâm Nghiên cứu Thị giác Nâng cao ở Cambridge để khám phá vai trò của công nghệ trong văn hóa. Trung tâm được thành lập trong Chiến tranh Việt Nam, khi nhiều nhà khoa học ở Hoa Kỳ đang bị chỉ trích vì làm việc theo các hợp đồng quốc phòng. Những người sáng lập của nó tin rằng, các nghệ sĩ và nhà khoa học có thể cùng nhau tạo ra tầm nhìn về một thế giới nhân văn hơn. Họ tập trung các dự án của mình xung quanh ánh sáng - do đó có tên là 'nghiên cứu thị giác'. Seth Riskin, nhà nghiên cứu nghệ thuật thị giác tại Bảo tàng MIT, chia sẻ, ‘ánh sáng’ là thứ mà cả nghệ sĩ và nhà khoa học đều quan tâm và do đó có thể tạo thành nền tảng cho sự hợp tác.
Khi khoa học, công nghệ ngày càng phát triển và được chia thành nhiều phân ngành hơn, người ta dự báo rằng, sẽ đến một thời điểm mà các nhà nghiên cứu hàng đầu cũng có thể là nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ và ngược lại.
Nhà bác học lỗi lạc Einstein từng khẳng định: “Khoa học - tôn giáo - nghệ thuật là những cành nhánh của cùng một cây” và “Cái đẹp nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn, đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính”. Theo Giáo sư, Viện sỹ Đào Vọng Đức, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Việt Nam, lịch sử phát triển khoa học cũng cho thấy rằng, những phát minh lớn có được không chỉ dựa vào lý trí và lập luận logic thuần túy, mà còn bằng cả những nhạy cảm thẩm mỹ và sự hỗ trợ của các yếu tố trực giác. Những thành tựu rực rỡ của khoa học và công nghệ hiện đại rọi những tia sáng mới vào cách tiếp cận những hiện tượng siêu nhiên, nghiên cứu về các lĩnh vực tâm linh huyền bí.
Giáo sư, Viện sỹ Đào Vọng Đức cũng chia sẻ rằng, nghiên cứu thế giới vi mô - thế giới hạ nguyên tử cùng với các hình thái năng lượng và quy luật tương tác để tạo ra thế giới quanh ta ra sao là những vấn đề cốt lõi của vật lý học hiện đại, trong đó, việc xây dựng lý thuyết đại thống nhất tương tác có tầm quan trọng đặc biệt. Các kết quả nghiên cứu chứng tỏ rằng, ngoài không gian - thời gian như chúng ta sống và cảm nhận, còn thêm các chiều ẩn khác nữa (các chiều phụ trội), mà chỉ dùng tri thức khoa học thì sẽ không cảm nhận và khám phá ra./.
Bình luận