48% nguyên phụ liệu dệt may nhập từ Trung Quốc vì… giá rẻ

Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại Bộ Công Thương (VITIC), ngành dệt may của nước ta hiện mới chỉ chủ động được khoảng 50% nguyên phụ liệu trong nước, phần còn lại phải nhập khẩu, trong đó, nhập từ Trung Quốc chiếm tới 48%. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may phải nhập toàn bộ nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

Lâu nay, mặt hàng sợi, xơ, kể cả thuốc nhuộm, hóa chất… các công ty đều nhập từ thị trường này. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề chi phí cho việc nhập nguyên phụ liệu từ thị trường khác.

Hiện nay, Việt Nam là nhà xuất khẩu dệt may và da giày lớn thứ 2 vào thị trường Mỹ, chỉ sau Trung quốc, với kim ngạch lên tới 13,1 tỷ USD vào năm 2014. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, và phải nhập 4/5 nguyên liệu từ Trung Quốc. Mỗi năm, Việt Nam chi phí khoảng 4,7 tỷ USD cho việc nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc, chiếm 50% tổng lượng nhập khẩu hàng năm.

Chính vì với đặc thù gia công và xuất khẩu bằng nhập nguyên liệu, ngành dệt may đang có giá trị gia tăng rất thấp, chỉ chiếm từ 5%-10% trong trị giá xuất khẩu toàn ngành mỗi năm. Việc chỉ định số lượng gia công, nguyên phụ liệu gia công hoàn toàn nằm trong tay đối tác của ngành dệt may.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, dệt may có lợi thế so sánh về giá nhân công, tay nghề và cơ hội để phát triển vùng nguyên liệu sẵn có. Bên cạnh đó, chúng ta tự hào có lịch sử ngành dệt may lâu đời, có hiệp hội, ngành hàng và cả tập đoàn lớn mạnh… Thế nhưng, trong những năm qua, dệt may vẫn đang là ngành có giá trị gia tăng cực kỳ thấp, gia công xuất khẩu.

Xuất khẩu lọt top 3 ngành mũi nhọn (dầu thô, dệt may và mới đây là điện tử, linh kiện điện tử) nhưng nhập khẩu cũng luôn nằm top 2 ngành lớn nhất.

“Để một ngành chủ lực phụ thuộc 95% nguyên phụ liệu nước ngoài thì sau này ngành sẽ lấy gì để cạnh tranh khi Quy tắc Xuất xứ hàng hóa (CRO) ngày càng ngặt nghèo hơn nếu chúng ta tham gia vào AEC hay TPP nữa”, bà Phạm Chi Lan cho biết.

Có một thực tế là một số nguyên liệu đầu vào nhập từ Trung Quốc có giá rẻ, chỉ bằng khoảng 25%-35% giá thành so với nhập từ Nhật Bản. Nếu thay đổi thị trường nhập nguyên phụ liệu, doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải tăng giá thành sản phẩm.

Như vậy, chỉ khi nào chúng ta đáp ứng được nguồn nguyên phụ liệu trong nước thì mới khống chế được giá. Ngay cả khi không nhập từ Trung Quốc, mà nhập qua Lào, Campuchia (thực chất là hàng Trung Quốc xuất qua) giá nguyên phụ liệu cũng sẽ cao hơn so với nhập trực tiếp và giá sản phẩm vẫn bị đội lên.

“Ép” Việt Nam, song Mỹ cũng “bó tay”

Ngày 24/06, tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin, các nhà đàm phán thương mại Mỹ yêu cầu Việt Nam - quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu sang Mỹ – phải giảm sự lệ thuộc về nguồn nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc.

Mặc dù đây không phải là điều kiện tiên quyết khi tham gia TPP đối với Việt Nam, nhưng Mỹ vẫn muốn “ép” Việt Nam chấp nhận đòi hỏi này nếu muốn có được các yếu tố thuận lợi để nhanh chóng kết thúc đàm phán TPP và tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu dệt may sang Mỹ.

Theo WSJ, mục đích chính của yêu cầu này là tạo ra các cơ hội tìm kiếm thị trường mới cho Việt Nam và hỗ trợ ngành dệt may của Mỹ. Bởi, ngành dệt may của Mỹ đang tạo công ăn việc làm cho 250.000 công nhân và thu về 20 tỷ USD mỗi năm nhờ xuất khẩu.

Bà Eliza Levy, phát ngôn viên của Hội đồng quốc gia của các tổ chức dệt may Mỹ cho biết, Mỹ và Mexico là 2 nhà sản xuất nguyên liệu dệt may lớn. Thay vì phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, Việt Nam hoàn toàn có thể nhập khẩu vải và sợi từ Mỹ và Mexico.

Theo các quy định của Hiệp định mới TPP, hàng dệt may và da giày Việt Nam khi vào Mỹ sẽ được miễn thuế, hoặc được hưởng thuế suất ưu đãi từ 7%-32% nếu đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường khó tính này.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Thời trang Mỹ, bà Julia Hughes lại cho biết, các nhà xuất khẩu dệt may của nước này không thể cung cấp đủ nguồn nguyên liệu đầu vào cho Việt Nam, vì thế việc Việt Nam phải tiếp tục lệ thuộc vào Trung Quốc là điều khó tránh khỏi.

“Theo quy định hiện hành của Mỹ, dệt may Việt Nam khó có thể được hưởng thuế suất 0% khi sang thị trường này”, bà Julia Hughes cho biết.

Để “đi tắt đón đầu” các cơ hội mới từ TPP, nhiều công ty của Hong Kong, Hàn Quốc, và Đài Loan hiện nay đã “rót” hàng triệu USD đầu tư vào các nhà máy dệt may tại Việt Nam với kỳ vọng sẽ được miễn thuế khi xuất sang Mỹ sau khi hiệp định này được ký kết.

Điển hình như Công ty TAL Apparel có trụ sở tại Hong Kong đang xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu trị giá 240 triệu USD tại Việt Nam và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017 để cung cấp nguyên liệu cho 2 nhà máy của hãng này tại Việt Nam.

Giám đốc điều hành Roger Lee của Công ty TAL Apparel cho rằng, ít nhất 5 năm nữa ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam mới có thể tự chủ được nguồn nguyên liệu. Khi nói về các nhà sản xuất của Mỹ, vị giám đốc này cho hay, sản phẩm dệt may của Mỹ đắt hơn nhiều so với các nước châu Á, nên “còn khuya” mới có thể cạnh tranh nổi với những quốc gia này.

Cần làm gì để thay đổi tình thế?

Việc Mỹ “đánh tiếng” không phải là “tiếng chuông” cảnh báo lần đầu tiên đối với Việt Nam, bởi, từ năm ngoái, câu chuyện làm gì để giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc đối với nhiều lĩnh vực nói chung và lĩnh vực dệt may nói riêng đã được bàn tán sôi nổi tại nghị trường cũng như các buổi hội thảo, tọa đàm. Vậy nhưng, “bài toán” này vẫn chưa có lời giải. Nếu chúng ta không nhanh chóng tìm ra phương cách, một khi TPP sắp được đàm phán, có thể chúng ta sẽ bị loại ra khỏi “cuộc chơi”.

Để giảm sự phụ thuộc vào nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, một trong những khâu quan trọng của ngành được nhắc đi nhắc lại qua bao năm vẫn là: xây dựng vùng nguyên liệu trong nước, đẩy mạnh chuỗi liên kết xuất khẩu bằng quy trình khép kín: sản xuất sợi, dệt, công nghệ nhuộm và may thành phẩm và thứ 3 là đẩy mạnh R&D thông qua hình thức OBM (tự thiết kế, sản xuất và xuất khẩu) nhằm định vị thị trường và thương hiệu của mình.

Hiện, theo Quy hoạch Phát triển ngành Công nghiệp Dệt may đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 đã có từ năm 2008 với kế hoạch nâng tỷ lệ nội địa hóa: (cung ứngnguyên phụ liệu bông, sợi, vải sản xuất trong nước) phải đạt từ 50% (năm 2010) lên 60% (2015) và 70% (2020). Tuy nhiên, với những thống kê trên, dệt may vẫn chưa đạt được kỳ vọng.

Hiện nay, tín hiệu khởi sắc là quy hoạch diện tích bông vải dự kiến 1000 ha tại Ninh Thuận vừa được Tập đoàn Dệt may Việt Nam phối hợp với tỉnh Ninh Thuận vào cuối năm 2013. Đây là bước đi chậm nhưng cũng có thể coi là tín hiệu vui đối với ngành khi kỳ vọng những năm tới nguyên phụ liệu của dệt may có thể được cải thiện.

Bên cạnh đó, trước những diễn biến phức tạp của nguồn nguyên phụ liệu đầu vào, thiết nghĩ, chính các doanh nghiệp cần phải nỗ lực tìm hướng thoát khỏi việc nhập khẩu hoặc hạn chế tối đa nhập khẩu từ một thị trường bằng cách đa dạng hóa nguồn nguyên liệu.

Hơn nữa, doanh nghiệp cần có mục tiêu xa hơn, để chủ động tham gia các hiệp định thương mại như TPP. Bởi, nếu không chủ động được nguồn nguyên liệu chắc chắn sẽ không khai thác được lợi thế từ TPP./.