Vòng đàm phán Hiệp định NAFTA lần thứ năm sẽ diễn ra từ ngày 15 đến ngày 21/11 tại thành phố Mexico. Các cuộc tái đàm phán NAFTA được diễn ra theo đề nghị của Tổng thống Donald Trump với lý do hiệp định 23 năm tuổi này cướp đi hàng triệu việc làm của người lao động Mỹ và dành quá nhiều lợi thế cho Canada và Mexico.

Tổng thống Trump muốn có được thoả thuận cuối cùng vào cuối năm nay như lời hứa trong cuộc tranh cử. Nếu Mỹ rút khỏi NAFTA, dự báo kinh tế Mexico sẽ phải đối mặt với những biến động trong ngắn hạn và tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại trong trung hạn.

Mỹ hiện là đối tác thương mại số 1 của Mexico, với hơn 81% hàng hoá xuất khẩu của nước này sang Mỹ. Những mặt hàng xuất khẩu chính của Mexico sang thị trường Mỹ bao gồm: ô tô, phụ tùng ô tô, đồ điện tử, thiết bị y tế và đồ gỗ, chiếm tới 72% tổng giá trị xuất khẩu.

Ảnh hưởng rõ rệt từ việc chấm dứt NAFTA là việc áp dụng mức thuế cao đối với hàng hóa xuất khẩu của Mexico, đặc biệt là ô tô và hàng chế tạo. Theo giới chuyên môn, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào ngành công nghiệp ô tô Mexico cũng sẽ giảm bình quân khoảng 4 tỷ USD/năm.

Bên cạnh đó, các mặt hàng phải chịu mức thuế cao vào Mỹ còn phải kể đến, như: áo lên và áo thun (32%), quần âu nam (28%), măng tây (trên 21%), các loại hoa quả như dưa lưới, dưa hấu và đu đủ (17%), rau tươi 15%, dâu tây (11%) và thịt nạc (10%).

Chính vì vậy, nếu kịch bản NAFTA đổ vỡ xảy ra, trong hai năm đầu tiên, xuất khẩu từ Mexico sang Mỹ sẽ giảm 8% và ảnh hưởng mạnh tới lĩnh vực ô tô, dệt may, da giầy và các sản phẩm nông nghiệp.

Sự bất ổn về tương lai của NAFTA cho thấy các công ty của Mexico cần phải mở rộng thị trường sang châu Âu và châu Á. Ngoài ra, Mexico cần phải đẩy mạnh hơn nữa sự hội nhập, tăng cường hợp tác và mở rộng thương mại với các quốc gia trong khu vực Mỹ La-tinh, nhằm giảm thiểu những tác động xấu trong thương mại với Mỹ.

Bởi vậy, trong khi diễn ra các cuộc đàm phán NAFTA, Mexico đã tìm cách đa dạng hoá thị trường xuất khẩu nông sản, hướng tới các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Arab.


Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland (giữa), Bộ trưởng Kinh tế Mexico
Ildefonso Guajardo Villarreal (trái) và Đại diện thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer
tại vòng đàm phán NAFTA ở Ottawa, Ontario (Canada) ngày 27/9

Nếu cuộc tái đàm phán NAFTA lần này không thành công, giới chức Mexico tuyên bố quốc gia này có thể sẽ rời khỏi khu vực kinh tế này. Mexico cũng muốn nhanh chóng kết thúc đàm phán trước khi tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống dự kiến vào giữa năm 2018.

Rời khỏi NAFTA, Chính phủ Mexico cũng có kế hoạch riêng nhằm duy trì đà tăng trưởng nền kinh tế bằng quyết tâm theo đuổi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp về ngoại thương Valentin Diez Morodo đánh giá rằng, TPP là một trong những chiến lược đa dạng hoá thị trường của quốc gia này. Mexico đang nỗ lực tìm kiếm các thoả thuận thương mại song phương với các quốc gia thành viên TPP, dựa trên các điều khoản và cam kết chung đạt được giữa các bên trong quá trình đàm phán hiệp định trước đó.

Dự kiến, bên lề Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam, 11 quốc gia thành viên còn lại của TPP sẽ nhóm họp nhằm đạt được một thoả thuận hoặc một sự đồng thuận về cách thức duy trì sự tồn tại của hiệp định./.

Nguồn tham khảo:

https://financialtribune.com/articles/world-economy/75334/mexico-economy-will-slow-if-us-quits-nafta
http://www.reuters.com/article/us-mexico-tpp/mexico-says-tpp-might-still-be-implemented-without-u-s-idUSKBN17K2KR