Tuy nhiên, theo báo cáo, nội dung công bố của 140 doanh nghiệp này cũng vẫn chưa đầy đủ.

Cụ thể, tính đến ngày 20/09/2016, mới có 87/432 doanh nghiệp công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2016; 55/432 doanh nghiệp công bố báo cáo đánh giá thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và ba (03) năm gần nhất tính đến năm báo cáo; 34/432 doanh nghiệp thực hiện công bố báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công ích và trách nhiệm xã hội năm 2015; 77/432 doanh nghiệp công bố báo cáo kết quả sắp xếp, đổi mới năm 2015; 60/432 doanh nghiệp thực hiện công bố báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức 2015; 64/432 doanh nghiệp thực hiện công bố báo cáo tài chính năm 2015; 85/432 doanh nghiệp thực hiện công bố báo cáo tiền lương, tiền thưởng năm 2015.

Theo báo cáo này, trong số 31 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước phải công bố thông tin, thì chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc và đầy đủ theo quy định đó là Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam. Đặc biệt, một số doanh nghiệp, như: Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam... là những đơn vị chưa thực hiện công bố công khai bất cứ một nội dung nào về công bố thông tin theo quy định.

Nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn phớt lờ công bố thông tin

Trong số 6 tập đoàn kinh tế, mới có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam công bố báo cáo tài chính công ty mẹ và hợp nhất, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 (chưa có báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam công bố BCTC riêng của công ty mẹ năm 2015 (chưa có báo cáo tài chính hợp nhất), Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam công bố báo cáo tài chính 2015 trước kiểm toán (chưa có báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ); 2 Tập đoàn là Điện lực Việt Nam, Hóa chất Việt Nam chưa thực hiện công bố báo cáo tài chính năm 2015 (bao gồm báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ và hợp nhất) theo đúng thời gian quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP.

Một số tổng công ty lớn, như: Đường sắt Việt Nam, Vinafood 1, Công nghiệp tàu thủy, Sông Đà, Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Mobifone cũng chưa thực hiện công bố báo cáo tài chính 2015. Chỉ có hai đơn vị là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam đã thực hiện đầy đủ việc công bố công khai các báo cáo tài chính năm 2015 theo quy định của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP.

Nguyên nhân dẫn đến kết quả thực hiện công bố thông tin của các doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra đó là, công bố thông tin là một nội dung mới, nên các đối tượng phải công bố thông tin còn lúng túng, dẫn đến hầu hết các cơ quan chủ sở hữu và các doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện nghiêm túc yêu cầu theo Nghị định số 81/2015/NĐ-CP; một số nội dung công bố thông tin phải báo cáo cơ quan chủ sở hữu phê duyệt hoặc chấp thuận, nên thời gian công bố thông tin quá hạn so với quy định; chế tài xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 23, Nghị định 81/2015/NĐ-CP mới chỉ mang tính chất hình thức, chưa đủ tính răn đe đối với doanh nghiệp; Cơ quan chủ sở hữu trong thực tiễn chưa thực sự nghiêm túc chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin theo quy định./.

Nghị định 81/2015/NĐ-CP được ban hành ngày 18/09/2015 và chính thức có hiệu lực vào tháng 05/11/2015. Tại Nghị định này, các doanh nghiệp nhà nước là các tập đoàn, tổng công ty phải có trách nhiệm công bố 7 báo cáo thông tin, trong đó có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tình hình đầu tư phát triển của năm hiện tại hoặc các năm trước đó. Báo cáo tài chính của năm hoạt động hoặc kế hoạch đổi mới sắp xếp theo chủ trương tái cơ cấu, cổ phần hóa... Theo quy định, chậm nhất sau 6 tháng kể từ ngày Nghị định 81 có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp có trách nhiệm công bố thông tin bằng văn bản, dữ liệu gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.