Ngân hàng Thế giới hỗ trợ khẩn cấp Vương quốc Tonga sau thảm họa thiên tai
Ngân hàng Thế giới vừa giải ngân 8 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp ban đầu để giúp Vương quốc Tonga ứng phó và phục hồi sau vụ phun trào núi lửa và sóng thần kinh hoàng xảy ra vào ngày 15/1.
Núi lửa dưới đáy biển Hunga-Tonga-Hunga-Ha’apai, nằm cách đảo chính Tongatapu của Tonga khoảng 65 km về phía Bắc, phun trào đã tạo ra một đám tro bụi cao ít nhất 30 km và rộng 260 km. Sự kiện hy hữu này đã gây ra một loạt đợt sóng thần ảnh hưởng đến các hòn đảo trên khắp đất nước, gây ra các trận sóng ở Samoa, Fiji, Vanuatu, Úc, New Zealand, Nhật Bản và toàn bộ vùng biển phía Tây của lục địa Mỹ (từ Alaska đến Chile). Cho đến nay, ít nhất ba trường hợp tử vong đã được xác nhận ở Tonga.
Thiệt hại ở Tonga do núi lửa phun trào và sóng thần vào ngày 15/1 |
Khoản hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới sẽ cung cấp nguồn lực giúp Chính phủ Tonga khôi phục các dịch vụ cơ bản và giúp đỡ các gia đình Tonga bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Khoản hỗ trợ này được thực hiện thông qua hoạt động chính sách phát triển hỗ trợ phục hồi lần thứ hai của Tonga với phương án rút vốn trong trường hợp thảm họa theo yêu cầu, cho phép giải ngân khẩn cấp vốn trong trường hợp xảy ra sự kiện thảm họa. Chương trình này được cấp vốn bởi Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) - Quỹ hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới cho các quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương nhất.
“Mặc dù cần đánh giá thêm bức tranh toàn cảnh về thiệt hại từ thảm họa lớn này, nhưng chúng tôi biết rằng, thiệt hại là rất lớn. Con người Tonga có sức mạnh và khả năng phục hồi phi thường. Ngân hàng Thế giới đã và sát cánh cùng nhân dân Tonga trong thời điểm đầy thách thức này, và chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với các bạn trong thời gian tới”, ông Stephen Ndegwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới phụ trách Papua New Guinea và các quốc đảo Thái Bình Dương, phát biểu.
Hai dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ cũng đang được triển khai để hỗ trợ phục hồi cho Tonga, bao gồm Dự án Giao thông Thích ứng với Khí hậu Tonga và Chương trình Phục hồi Thái Bình Dương, đều có mục đích tăng cường khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng quan trọng ở Tonga, bao gồm các cơ quan chính phủ và trường học, cũng như các cảng hàng không và cảng biển.
Trong khuôn khổ Chương trình Phục hồi Thái Bình Dương, các trung tâm điều hành khẩn cấp đã được xây dựng ở Ha’apai và Vava’u để hỗ trợ cảnh báo sớm và ứng phó với các thảm họa thiên nhiên, bao gồm hoạt động núi lửa và sóng thần. Các trung tâm này đã được khởi động vào ngày 14/1 và tiếp tục thu thập thông tin, hỗ trợ khôi phục hoạt động cho các cơ quan chính phủ sau sự cố mất liên lạc do sự cố phun trào. Chương trình này cũng tài trợ cho hệ thống phát thanh tần số cao, kho dự trữ ứng phó khẩn cấp và đào tạo các hệ thống cảnh báo được sử dụng để ứng phó ngay với vụ phun trào.
Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hỗ trợ đánh giá thiệt hại để giúp Chính phủ đánh giá bản chất và quy mô của thiệt hại cũng như nhu cầu tái thiết và phục hồi./.
Bình luận