Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết họ sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc khoảng một điểm phần trăm từ ngày 15/10. Đây là cách để đảm bảo các khoản tín dụng "tăng trưởng hợp lý" và giúp hỗ trợ phát triển kinh tế. Theo đó, các ngân hàng thương mại của nước này sẽ có thêm 1,2 nghìn tỷ NDT nhờ mức cắt giảm trên, trong đó 450 tỷ NDT (65 tỷ USD) được sử dụng để thanh toán các khoản cấp vốn từ ngân hàng trung ương, và phần còn lại sẽ được sử dụng để cho vay thương mại.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bơm 110 tỷ USD vào nền kinh tế

Trong khi ngân hàng trung ương nói rằng, động thái này không phải là sự thay đổi quan điểm chính sách tiền tệ “thận trọng” của Trung Quốc, các nhà phân tích cho biết đây là tín hiệu mà Bắc Kinh đang ngày càng lo lắng về tình hình kinh tế trong nước trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ ngày càng leo thang.

“Đây là dấu hiệu nới lỏng chính sách để đối đầu với hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, và cho thấy chính phủ Trung Quốc quyết tâm duy trì tăng trưởng”, Liao Qun, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng quốc tế Citic Trung Quốc phân tích.

Zhang Ming, nhà nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói động thái bơm tiền là nhằm đối phó với hiện tượng giảm tốc tăng trưởng do căng thẳng thương mại gây ra.

“Tranh chấp thương mại với Mỹ càng căng thẳng thì vai trò của thương mại trong tăng trưởng càng yếu đi”, ông nói. “Nếu xuất khẩu giảm do tranh chấp thương mại, tác động tiêu cực từ lĩnh vực thương mại sẽ lan sang đầu tư và sản xuất”.

Ông Zhang nói ông dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm tốc xuống còn 6,6% trong quí ba, từ mức 6,7% của ba tháng trước đó và xuống mức 6,4% ở quí tư năm nay.

Đã xuất hiện nhiều dấu hiệu làm bộc lộ những điểm yếu của nền kinh tế trị giá 12.000 tỷ USD của Trung Quốc.

Tháng 9 vừa qua, cả chỉ số sức mua chính thức lẫn không chính thức trong khối sản xuất rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2 khi các đơn hàng xuất khẩu, các chỉ số sản xuất đều sụt giảm.

Trong lĩnh vực du lịch, theo số liệu của Học viện du lịch Trung Quốc, chi tiêu của khách du lịch nội địa trong 4 ngày đầu của tuần nghỉ lễ quốc khánh của Trung Quốc , kết thúc vào Chủ nhật vừa qua, chỉ tăng 8,1% so với mức tăng 21% hàng năm từ năm ngoái.

Động thái cắt giảm được thông báo vào ngày cuối cùng trong tuần nghỉ lễ quốc khánh của Trung Quốc cũng có thể đóng vai trò như một phát sung cho thị trường chứng khoán Trung Quốc khi các giao dịch hoạt động trở lại vào sáng thứ Hai. Trong khi Trung Quốc đại lục đang nghỉ ngơi, tất cả các thị trường chứng khoán lớn khác, từ New York đến Tokyo, đã trải qua những đợt sụt giảm đáng kể. Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 4,4% trong tuần trước. Đây là phiên giảm tồi tệ nhất trong kỳ nghỉ Quốc khánh kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Xie Yaxuan, nhà kinh tế trưởng của China Merchants Securities cho biết, thời điểm thông báo là một động thái có chủ ý của Bắc Kinh "để bù đắp cú sốc từ sự suy giảm trong thị trường chứng khoán và trái phiếu toàn cầu đối với nền kinh tế trong nước".

Thị trường chứng khoán nước ngoài của Trung Quốc đã đặc biệt yếu trong năm nay. Trong một bài phát biểu tại Viện Hudson hôm thứ Năm (4/10), Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm 25% trong chín tháng đầu năm vì việc Washington “chống lại các hoạt động thương mại của Bắc Kinh”.

Thông báo mới nhất từ ngân hàng trung ương xuất hiện vào đúng thời điểm gia tăng sự thù địch trong môi trường bên ngoài của Trung Quốc, với việc Mỹ tăng cường các biện pháp phòng thủ trên một số mặt trận, từ thương mại đến an ninh.

Trong bối cảnh đó, vào tháng trước, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi cả nước bám sát con đường “tự chủ”, sau khi chính phủ Trung Quốc chuyển trọng điểm kinh tế nhằm đối phó với cuộc chiến thương mại, đáng kể nhất là xếp việc giảm nợ, vốn là một ưu tiên trước đó, vào hàng thứ yếu.

Bằng cách giảm tỷ lệ dự trữ của các ngân hàng - lần thứ tư trong năm nay - Bắc Kinh đã làm nổi bật sự khác biệt giữa chính sách tiền tệ của mình và của Mỹ. Cuối tháng trước, Cục Dự trữ Liên bang ở Washington đã nâng lãi suất chủ chốt lên một phần tư điểm phần trăm lên mức cao nhất trong vòng 10 năm và dự kiến sẽ thực hiện lại vào cuối năm nay và một vài lần nữa vào năm 2019.

Xu Jianwei, nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng Natixis (Pháp) tại Hong Kong, nói chính phủ Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác là phải tìm một con đường khác, thoát khỏi các chính sách tiền tệ của Mỹ.

“Trong một cuộc chiến thương mại, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa khi niềm tin của các nhà đầu tư yếu đi… Trung Quốc do vậy buộc phải bơm tiền vào nền kinh tế”, ông nói.

Zhang Ming, nhà nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng, trên lý thuyết, việc nới lỏng tiền tệ của Bắc Kinh sẽ dẫn đến dòng vốn nhiều hơn và gây áp lực lên đồng NDT, vì vậy nó sẽ giúp bơm tiền vào nền kinh tế và kiểm soát dòng chảy vốn và tỷ giá hối đoái.

Theo Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm hơn 20 tỷ USD trong tháng 9 xuống còn 3.097 tỷ USD, sau đợt giảm 8 tỷ USD trong tháng 8.

PBOC dựa vào các điều khoản chặt chẽ về tài khoản vốn để quản lý các khoản thanh toán ra nước ngoài và các biện pháp hành chính khác, bao gồm một yếu tố phản biện cho phép Bắc Kinh có tiếng nói lớn hơn trong việc thiết lập giá trị đồng NDT và ngăn chặn bất kỳ sự mất giá mạnh nào.

Tuy nhiên, khi Mỹ tiếp tục tăng lãi suất, thì kỳ vọng về một đồng NDT yếu hơn vẫn còn. Ở Hồng Kông tuần trước, tỷ giá của đồng NDT đã giảm 6,9 USD so với đồng USD.

PBOC cho biết trong một tuyên bố rằng, việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ "sẽ không chuyển thành áp lực khấu hao trên đồng NDT" và rằng có "đủ điều kiện" cho Trung Quốc giữ giá trị đồng NDT ở mức ổn định.

Nó cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định kỳ vọng của thị trường./.

Dịch từ nguồn:

https://www.scmp.com/economy/china-economy/article/2167332/china-central-bank-seeks-pump-extra-us110bn-economy-us-trade