Nghị quyết 19 vẫn đang đi rất chậm
Nhiều chỉ tiêu chưa đạt
Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM), Nghị quyết 19 ra đời nhằm giảm bớt các rào cản đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam ở cả cấp Trung ương và cấp địa phương, ở những lĩnh vực mà các doanh nghiệp thường chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
Theo đó, trong cải cách hành chính thuế, tính đến 23/9/2015, đã có 98% doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử ổn định. Tổng Cục Thuế đã phối hợp với 33 ngân hàng thương mại để triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Cho đến nay đã có 84 doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử và 71,3% doanh nghiệp nộp thuế điện tử.
Song, theo đánh gá của doanh nghiệp, kết quả của cải cách trên vẫn chưa như mong đợi.
Cải cách hành chính thuế vẫn chưa được doanh nghiệp đánh giá cao
Đối với cải cách hành chính về bảo hiểm xã hội, Nghị quyết 19 yêu cầu giảm thời gian nộp bảo hiểm xã hội từ 335 giờ/năm xuống còn 49,5 giờ/năm.
Trong thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp, như: cắt giảm 50 tiêu thức trên các biểu mẫu, tờ khai; bãi bỏ 16 thành phần hồ sơ trong các thủ tục; giảm từ 115 thủ tục xuống còn 43 thủ tục…
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, thời gian nộp bảo hiểm xã hội tuy giảm nhiều nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu xuống 49,5 giờ như yêu cầu của Nghị quyết.
Cũng tương tự với cải cách thủ tục hải quan và quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất – nhập khẩu, mặc dù Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã có nhiều nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hải quan, áp dụng hải quan điện tử, song các thủ tục này chưa được cải thiện, do đó chưa giảm được thời gian thông quan hàng hóa.
Đối với việc tiếp cận điện năng, mục tiêu của Nghị quyết19 nhằm giảm thời gian tiếp cận điện năng còn 70 ngày, trong đó 36 ngày thuộc trách nhiệm của EVN và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Mặc dù ENV đã có nhiều giải pháp để cải thiện chỉ số này, song vẫn chưa đạt được chỉ tiêu đề ra. Tính đến nay, thời gian doanh nghiệp thuê thiết kế và thực hiện công trình ở Việt Nam là 63 ngày.
Liên quan đến việc rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại xuống còn tối đa 200 ngày, bà Thảo cũng cho biết, tính đến nay chưa có thông tin cụ thể về mức độ cải thiện đối với chỉ số này.
“Song có thể khẳng định, thời gian chưa rút ngắn được như yêu cầu của Nghị quyết”, bà Thảo nói.
Đối với việc giải quyết phá sản doanh nghiệp, Nghị quyết 19 đạt mục tiêu rút ngắn thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp xuống còn 30 tháng (đến hết 2015) và 24 tháng (đến hết 2016).
Bổ sung thêm cho phát biểu của bà Thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, chúng ta mới chỉ nhấn mạnh đến cải cách hành pháp, mà quên hoặc không để ý rằng, ngành tư pháp cũng có những vấn đề cần phải cải cách.
Do đó, Chính phủ cần có sự phối hợp nhiều hơn với Tòa án nhân dân tối cao để triển khai thực hiện các chỉ số thuộc tư pháp. Nếu không, Nghị quyết 19 sẽ chưa tác động đến được những chỉ số này.
Mặc dù Luật Phá sản 2014 là một đạo luật tiến bộ với nhiều nội dung đổi mới, đã có hiệu lực từ 1/7/2015, song trên thực tế chưa ghi nhận sự cải thiện trong thủ tục và thời gian giải quyết phá sản của doanh nghiệp, khả năng chỉ tiêu này không đạt yêu cầu.
Mới có 4 bộ và 3 địa phương nộp báo cáo
Theo Nghị quyết 19 do Thủ tướng ban hành đầu năm nay, định kỳ hàng quý, các bộ, cơ quan, địa phương phải gửi báo cáo đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Nghị quyết này là trọng tâm trong điều hành của Chính phủ trong năm nay với kỳ vọng sẽ thu hẹp xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam sao cho ngang bằng với các quốc gia ASEAN 6, và ASEAN 4.
Tuy nhiên, cũng theo bà Thảo, cho đến ngày 23/9/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới chỉ nhận được báo cáo 6 tháng thực hiện Nghị quyết 19 của 04 bộ, cơ quan là: Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, VCCI, EVN ; cùng 03 địa phương: là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Hà Nội.
Trong đó, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai là địa phương điển hình tốt trong triển khai quyết liệt và có hiệu quả Nghị quyết 19.
Bà Thảo cho biết, sau lần hội thảo trước, thấy rằng nhiều bộ, địa phương chưa thực sự biết và hiểu về Nghị quyết 19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức 07 hội thảo tập huấn (phân theo khu vực địa lý) để hỗ trợ cho tất cả các bộ, cơ quan và 63 địa phương hiểu rõ phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, hầu hết các bộ, cơ quan và 18 UBND tỉnh, thành phố chưa coi trọng việc tham gia tập huấn, trong đó có Hà Nội.
Còn TS. Nguyễn Đình Cung đánh giá, có sự không đều giữa các bộ ngành với nhau và không đều giữa các địa phương với nhau.
Có địa phương rất năng động, tiên phong như TP. Hồ Chí Minh và có bộ cũng rất khá như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo quan sát của vị chuyên gia này, tại hai Bộ là Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù Bộ Công Thương xây dựng nhiều các quy định về điều kiện kinh doanh lẫn các quy định về quản lý chuyên ngành xuất nhập khẩu, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt hơn các nội dung của Nghị quyết 19.
Cần tăng tính phối hợp
Bình luận về việc mới chỉ có 2 bộ nghiêm túc gửi báo cáo, Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Trung tâm Trọng tài quốc tế cho rằng: “Đây là một bước thụt lùi. Lý do gì một nghị quyết của Chính phủ đề lần đầu tiên đưa Việt Nam tham gia cuộc chơi với thế giới, mà các thành viên Chính phủ lại không làm, không báo cáo? Tôi cho rằng phải lý giải điều này, nếu không thì tình hình (môi trường kinh doanh) có thể sẽ xấu hơn”.
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, các cơ quan cần nâng cao quyết tâm thực hiện và phối hợp lẫn nhau để có thể hiện thực hóa những mục tiêu của Nghị quyết.
Ông cũng dẫn chứng, triển khai Nghị quyết 19 và Luật Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị loại bỏ 3.300 điều kiện kinh doanh từ ngày 01/07/2015.
Tuy nhiên, hiện nay, các bộ, ngành và địa phương vẫn tiếp tục ban hành nhiều thông tư, văn bản với hàng loạt điều kiện kinh doanh mới.
Các điều kiện kinh doanh này chủ yếu là ở các thông tư, tức là nằm ở các bộ. Do quy trình làm thông tư không được như luật và nghị định, nên rất khó kiểm soát chất lượng, lợi ích của nó hướng tới.
“Những mục tiêu liên quan đế một bộ thì triển khai có vẻ thuận lợi, chỉ tiêu liên quan đến nhiều bộ, nhiều cơ quan, theo tôi thấy, giờ vẫn gần như giậm chân tại chỗ”, ông Cung thẳng thắn.
Vì thế, để thực hiện được các mục tiêu của Nghị quyết 19, theo vị chuyên gia này, thì các cơ quan cần nâng cao quyết tâm thực hiện và phối hợp lẫn nhau./.
Bình luận