ThS. Nguyễn Thị Diệu Hằng

Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp

Trương Lý Hoàng Phi

Công ty CP Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp IBP

Nguyễn Thị Châu Anh

(*) Liên hệ: anh.nguyen@bssc.vn

Tóm tắt

Trong bối cảnh Việt Nam đang mở rộng hợp tác quốc tế trong hỗ trợ khởi nghiệp, việc nghiên cứu các chương trình trao đổi và học hỏi tại các quốc gia với hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, như: Israel, châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Singapore, là cơ sở để tích lũy kinh nghiệm từ các mô hình tiên tiến. Dù vậy, quá trình này còn hạn chế, chủ yếu ở mức độ sự kiện và học hỏi, chưa thực sự tạo dựng được mô hình hợp tác bền vững. Sự thiếu vắng một mô hình hợp tác chuẩn hóa cho việc chuyển giao và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) là một trở ngại lớn, đặc biệt trong việc kết nối, trao đổi, ươm tạo doanh nghiệp với các quốc gia. Việc nghiên cứu và thử nghiệm các mô hình, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong ươm tạo khởi nghiệp ĐMST giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế là hết sức cần thiết. Nghiên cứu này nhằm mục tiêu cung cấp cái nhìn toàn diện về các mô hình quốc tế nổi bật, phân tích để đề xuất mô hình hợp tác ươm tạo doanh nghiệp ĐMST phù hợp với Việt Nam, đồng thời đưa ra đề xuất các chính sách hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động này.

Từ khóa: hợp tác quốc tế, ươm tạo, trao đổi, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Summary

Within the context of Vietnam's expanding international collaboration in startup support, engagement and learning programs in nations with robust entrepreneurial ecosystems such as Israel, the European Union, the United States, South Korea and Singapore, have provided a foundation for accumulating experience from advanced models. Nonetheless, the process remains limited, predominantly at the event level and in terms of learning, without truly establishing a sustainable collaborative model. The absence of a standardized cooperation model for the transfer and development of its innovation-driven startup ecosystem represents a significant impediment, particularly in connecting, exchanging, and incubating businesses with other countries. Therefore, research and testing of various models and policies to enhance the effectiveness of international cooperation in incubation between Vietnam and its international partners are imperative. This study aims to provide a comprehensive overview of prominent international models, analyze them to propose a suitable innovation-driven startup ecosystem incubation cooperation model for Vietnam, and recommend effective policies to support these activities.

Keywords: international collaboration, incubation, transfer, innovation-driven startup

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hợp tác quốc tế đem lại cho các doanh nghiệp khởi nghiệp cơ hội tiếp cận nguồn lực, chuyên môn, và vốn đầu tư từ ngoài biên giới, vượt qua các rào cản văn hóa và ngôn ngữ, mở rộng thị trường. Đặc biệt, hợp tác này mang lại cơ hội mạng lưới và hình thành quan hệ đối tác quốc tế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST (ĐMST). Tuy nhiên, tại Việt Nam, mô hình ươm tạo doanh nghiệp mới chỉ nhận được sự quan tâm tăng cường về hợp tác quốc tế từ năm 2016, nhưng các hoạt động vẫn còn mang tính chất hạn chế, thiếu sự phát triển mô hình hợp tác ổn định và bền vững. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu tập trung vào hợp tác quốc tế để phát triển khởi nghiệp ĐMST, song vẫn còn thiếu những giải pháp cụ thể và mô hình hợp tác chi tiết cũng như chính sách hiệu quả.

Trước bối cảnh đó, việc khẩn trương nghiên cứu và đề xuất mô hình hợp tác ươm tạo khởi nghiệp ĐMST giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế trở nên quan trọng, nhằm thúc đẩy sự phát triển hiệu quả và bền vững của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Đề tài nghiên cứu này hướng tới việc tổng hợp và phân tích các mô hình hợp tác ươm tạo doanh nghiệp ĐMST quốc tế, đặc biệt là vai trò của các tổ chức ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, để từ đó đề xuất một mô hình hợp tác phù hợp với Việt Nam.

Về mặt lý thuyết, kết quả nghiên cung cấp một góc nhìn tổng thể của các mô hình nổi bật về trao đổi, ươm tạo doanh nghiệp trên thế giới. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn đưa ra nhận định chung về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam. Về mặt thực tiễn, kết quả nghiên cứu đề xuất mô hình chương trình ươm tạo, trao đổi doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST giữa Việt Nam và một quốc gia đối tác là cơ sở để các tổ chức, cơ quan áp dụng và triển khai. Bên cạnh đó, những đề xuất liên quan đến chính sách cũng đồng thời cung cấp thêm góc nhìn cho cơ quan nhà nước nhằm thúc đẩy việc bổ sung, hoàn thiện hơn các hành lang pháp lý trong các hoạt động này.

TỔNG QUAN THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG TRAO ĐỔI, ƯƠM TẠO DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP ĐMST

Một số chương trình trao đổi, ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tiêu biểu trên thế giới

Chương trình Khoa học và Công nghệ Mỹ-Israel (The U.S.-Israel Binational Industrial R&D - BIRD)

Hai nước Israel (Bộ Kinh tế và Công nghiệp) và Mỹ (Bộ Thương mại về Tiêu chuẩn và Công nghệ) đã thành lập Quỹ Nghiên cứu và Phát triển song phương vào năm 1977 để thúc đẩy việc phát triển chung các công nghệ đổi mới đóng góp vào sự thịnh vượng kinh tế của cả hai quốc gia. Toàn bộ quá trình ươm tạo do cơ chế hỗ trợ đổi mới thúc đẩy được tóm tắt trong Hình 1.

Hình 1: Khung Quy trình Ươm tạo cho cơ chế hỗ trợ ươm tạo

Nghiên cứu mô hình trao đổi, ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và một quốc gia đối tác
Nguồn: Kanza Sohail, Maksim Belitski, Liza Castro Christiansen (2023)

Ví dụ tiêu biểu cho quy trình này là Chương trình Khoa học và Công nghệ Mỹ-Israel (The U.S.-Israel Binational Industrial R&D - BIRD). Chương trình này là một cơ chế chia sẻ rủi ro cung cấp cho một cặp doanh nghiệp (một từ Mỹ và một từ Israel) một khoản tài trợ có điều kiện lên đến 1 triệu USD, tương đương với 50% ngân sách dự án chung của họ (mỗi quốc gia chịu phần chi phí ngang nhau cho chương trình). Ngoài việc cung cấp khoản tài trợ có điều kiện, Quỹ còn giúp các doanh nghiệp xác định các đối tác chiến lược tiềm năng và tạo điều kiện kết nối mạng lưới với các tập đoàn và doanh nghiệp phù hợp. Cho đến nay, tổng số tiền đầu tư của BIRD vào các dự án chung là hơn 370 triệu đô la, giúp tạo ra giá trị kinh tế hơn 10 tỷ đô la.

Nhìn chung, chương trình BIRD của Hoa Kỳ - Israel nổi bật nhờ cách tiếp cận chuyên biệt nhằm thúc đẩy hợp tác song phương tập trung vào công nghệ, hỗ trợ tài chính, cơ chế chia sẻ rủi ro, tiếp cận thị trường, học hỏi đa văn hóa và hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ. Những đặc điểm nổi bật này đã góp phần tạo nên danh tiếng của chương trình như một mô hình thành công trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế và đổi mới công nghệ giữa hai quốc gia.

Quỹ Nghiên cứu và Phát triển Công nghiệp Hàn Quốc - Israel (KORIL-RDF)

KORIL-RDF là một hợp tác song phương nhằm thúc đẩy hợp tác R&D công nghiệp giữa hai quốc gia là Hàn Quốc và Israel. Quỹ được thành lập để tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ đối tác giữa các công ty và tổ chức từ cả hai quốc gia tham gia vào các dự án R&D chung.

Mục tiêu chính của KORIL-RDF là thúc đẩy đổi mới công nghệ và trao đổi kiến thức bằng cách hỗ trợ các dự án hợp tác tận dụng thế mạnh và chuyên môn của các công ty từ cả hai quốc gia. Bằng cách khuyến khích các nỗ lực R&D chung, quỹ này nhằm mục đích nâng cao khả năng cạnh tranh của các công ty tham gia và đóng góp vào những tiến bộ trong các ngành công nghiệp khác nhau. KORIL-RDF thường cung cấp vốn và hỗ trợ tài chính cho các dự án R&D hợp tác được chọn, cho phép các công ty chia sẻ rủi ro và chi phí liên quan đến các sáng kiến nghiên cứu. Thông qua các dự án chung này, các công ty có thể hưởng lợi từ các nguồn lực, kiến thức và tiến bộ công nghệ của nhau, dẫn đến những đột phá tiềm năng và cơ hội thị trường mới. Quan hệ đối tác giữa Hàn Quốc và Israel trong lĩnh vực R&D công nghiệp nhấn mạnh cam kết của cả hai nước đối với đổi mới và phát triển công nghệ. Nó cũng tăng cường mối quan hệ kinh tế và hợp tác lẫn nhau giữa hai quốc gia.

Chương trình Erasmus for Young Entrepreneurs

Thúc đẩy phát triển văn hóa doanh nhân nổi lên như một cơ chế thứ ba và liên quan đến việc phát triển văn hóa doanh nhân. Các vườn ươm đại học và vườn ươm doanh nghiệp nói chung chủ yếu nhằm mục đích nuôi dưỡng các cơ chế văn hóa doanh nhân thông qua các biện pháp can thiệp, chẳng hạn như hỗ trợ mạng lưới và kết nối với các doanh nhân thành đạt, đặc biệt là mạng lưới cựu sinh viên và chuyên gia và bằng cách cho phép tiếp cận tài chính, đào tạo và huấn luyện. Các kết quả mà họ thường nhắm đến thông qua cơ chế này bao gồm hiệu suất khởi nghiệp (Rathore và Agrawal, 2021) và tăng trưởng kinh doanh (Breznitz và Zhang, 2019). Quá trình ươm tạo được thúc đẩy bởi cơ chế phát triển văn hóa doanh nhân được tóm tắt trong Hình 2.

Hình 2: Khung quy trình ươm tạo cơ chế phát triển văn hóa doanh nhân

Nghiên cứu mô hình trao đổi, ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và một quốc gia đối tác
Nguồn: Kanza Sohail, Maksim Belitski, Liza Castro Christiansen (2023)

Ví dụ nổi bật của Quy trình này là dự án Erasmus for Young Entrepreneurs. Erasmus for Young Entrepreneurs là một chương trình trao đổi quốc tế do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ nhằm thúc đẩy tinh thần kinh doanh và thúc đẩy học tập và hợp tác xuyên biên giới giữa các doanh nhân mới hoặc đầy tham vọng và các doanh nhân có kinh nghiệm.

Một số nhận định

Trên cơ sở nghiên cứu các chương trình trên, nhóm tác giả nhận thấy một số đặc điểm sau:

Một là, trong bối cảnh hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, các chương trình hợp tác đa quốc gia thường bắt nguồn từ sự hợp tác giữa các chính phủ, minh chứng qua những chương trình như Chương trình Khoa học và Công nghệ Mỹ-Israel (The U.S.-Israel Binational Industrial R&D - BIRD) và Sáng kiến công viên đổi mới Trung Quốc - Israel Changzhou (Ministry of Industry, Trade and Labor, Office of the Chief Scientist (2011)), Erasmus for Young Entrepreneurs (European Union (n.d)).

Hai là, các chương trình hợp tác quốc tế được xây dựng theo lộ trình đủ dài, thường là 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa, được đánh giá theo từng giai đoạn cụ thể, với những tiêu chí, bảng đánh giá rõ ràng và sự tham gia của các bên liên quan.

Ba là, các chương trình hợp tác quốc tế luôn có ngân sách xác định, hướng tới đối tượng tham gia và mục tiêu chương trình cụ thể, hoặc thành lập một nguồn quỹ đặc biệt nhằm hỗ trợ trực tiếp cho chương trình như Quỹ Nghiên cứu và Phát triển Công nghiệp Hàn Quốc-Israel (KORIL-RDF).

Bốn là, đi kèm các chương trình, luôn có các chính sách đặc thù và ưu tiên được thiết lập để tạo điều kiện cho các nguồn lực hợp tác quốc tế được diễn ra thuận lợi (ưu đãi về visa và thời gian lưu trú, ưu đãi về chính sách thuế, ưu đãi về đầu tư đối với những dự án được tạo ra từ các chương trình hợp tác…).

Năm là, khi lựa chọn các lĩnh vực để xây dựng các mô hình về ươm tạo và trao đổi các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, các quốc gia thường tập trung vào các ngành mũi nhọn, thế mạnh của quốc gia mình. Israel tập trung vào tái sử dụng nước, nước thải, quản lý nước thông minh, nước tiên tiến, khử phèn nước, thải nước biển và xử lý nước. Hàn Quốc tập trung vào điện tử, công nghệ thông tin, hóa mỹ phẩm, bán lẻ, giải trí, khoa học cơ bản…

Như vậy, dù có sự đa dạng về đối tượng, phương thức tiếp cận, quy mô và chủ đề lĩnh vực, nhưng các chương trình hợp tác quốc tế về ĐMST đều chia sẻ một số yếu tố cốt lõi qua năm nhận định trên. Điều này không chỉ góp phần vào việc thiết lập một bức tranh tổng thể về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, mà còn là nền tảng để phát triển các mô hình hợp tác dành riêng cho Việt Nam trong tương lai.

Thực trạng các hoạt động hợp tác quốc tế về ươm tạo và trao đổi doanh nghiệp ĐMST tại Việt Nam

Việt Nam hiện có 84 vườn ươm (incubator) và 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (accelerator). Điểm nổi bật là phần lớn trong số này đều là đối tác của các tổ chức quốc tế, bao gồm cả những tổ chức tư nhân lẫn chính phủ. Năm 2022, Việt Nam chứng ghi nhận sự hoạt động của khoảng 137 quỹ đầu tư mạo hiểm, trong đó số lượng quỹ đầu tư nội địa là 30, chiếm 28%, còn lại 107 quỹ từ Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Nhật Bản..., chiếm 72% (NIC và DO Ventures, 2023). Sự chênh lệch này minh chứng cho sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư quốc tế đối với thị trường Việt Nam.

Mặc dù chỉ mới thành lập và phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam đã ghi nhận một sự tăng trưởng vượt bậc cả về số lượng và chất lượng và đón nhận sự hỗ trợ đáng kể từ hợp tác quốc tế. Đáng chú ý, ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn và tập đoàn kinh tế quốc tế tham gia vào hệ sinh thái này, tạo điều kiện cho nguồn lực quan trọng được bổ sung. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng cải thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ĐMST và khởi nghiệp. Cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển cùng với tỷ lệ dân số trẻ và tỷ lệ am hiểu công nghệ cao giúp hệ sinh thái ĐMST Việt Nam đang trở thành “miếng bánh” mà nhiều nhà đầu tư nhòm ngó.

Mặc dù hoạt động khởi nghiệp đã có bước phát triển khởi đầu thuận lợi, vẫn còn một số thách thức cần giải quyết. Cụ thể, hệ thống pháp lý liên quan đến hoạt động khởi nghiệp còn thiếu và chưa hoàn thiện, chính sách chưa thực sự mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài, và còn thiếu cơ chế tiếp cận hiệu quả với các nguồn quỹ hỗ trợ đầu tư cũng như mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST.

Phân tích sâu hơn về hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam cho thấy, mặc dù đã đạt được những bước tiến đáng kể, nhưng việc đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ sinh thái này yêu cầu sự giải quyết triệt để các thách thức còn tồn tại. Do đó, việc tăng cường nghiên cứu và đề xuất mô hình phát triển cho các chương trình ươm tạo và trao đổi doanh nghiệp khởi nghiệp trở nên cấp thiết, cùng với việc xây dựng các giải pháp hợp lý nhằm tháo gỡ các rào cản chính sách hiện hành. Điều này không chỉ góp phần vào việc tối ưu hóa môi trường kinh doanh khởi nghiệp mà còn là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của hệ sinh thái ĐMST tại Việt Nam.

CÁC CÁCH THỨC THỰC HIỆN VÀ ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH ƯƠM TẠO VÀ TRAO ĐỔI DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP ĐMST GIỮA VIỆT NAM VÀ QUỐC TẾ

Trong khuôn khổ quốc tế, việc thiết kế và thực hiện mô hình ươm tạo và trao đổi doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST (ĐMST) yêu cầu một cách tiếp cận toàn cầu hóa, liên kết sâu rộng và đa dạng với các tổ chức bên ngoài, đặc biệt là các đối tác quốc tế để đảm bảo hoạt động ĐMST không chỉ đơn thuần là đổi mới về sản phẩm, dịch vụ, quy trình, hoạt động sản xuất, mà còn phải đổi mới về mặt con người, tư duy quản lý cũng như đổi mới về mô hình kinh doanh.

Một số mô hình hợp tác quốc tế đã được thực hiện cũng như từ thực tiễn, nhóm tác giả đã phân loại thành 3 cách thức hợp tác quốc tế chủ yếu và phù hợp với điều kiện của Việt Nam như Bảng.

Bảng: Cách thức hợp tác quốc tế chủ yếu và phù hợp với điều kiện của Việt Nam

Cách thực hiện

Yêu cầu chung

01. Thành lập nhóm dự án khởi nghiệp ĐMST đa quốc gia

  • Kết hợp thành viên đến từ hai quốc gia và thành lập nhóm dự án.

  • Đối tượng hướng đến là các cá nhân có đam mê, tinh thần khởi nghiệp đến từ Việt Nam và quốc gia đối tác.

  • Có mong muốn thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp, có khả năng làm việc nhóm

  • Có khả năng ngoại ngữ tốt (tiếng Anh hoặc ngôn ngữ được chọn). Cam kết tham gia xuyên suốt chương trình.

02. Doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST của hai quốc gia cùng tham gia ươm tạo

  • Tuyển chọn doanh nghiệp đến từ cả hai quốc gia cùng tham gia chương trình ươm tạo

  • Đối tượng: doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST

  • Phạm vi: cả hai quốc gia

  • Điều kiện bắt buộc số lượng dự án/doanh nghiệp đến từ mỗi quốc gia bất kỳ khi được sàng lọc và tuyển chọn tham gia ươm tạo không dưới 30% trên tổng số dự án/doanh nghiệp tham gia

03. Doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST của 1 quốc gia bất kỳ được lựa chọn để trao đổi tại quốc gia đối tác

Phạm vi: 100% dự án đến từ một quốc gia bất kỳ

Đối tượng: Doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST sau khi hoàn thành chương trình ươm tạo được cử đi quốc gia đối tác còn lại để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, cơ hội phát triển, giới thiệu dự án/dịch vụ của mình.

Nguồn: Tổng hợp của nhóm nghiên cứu

Tuy nhiên, cân nhắc về tính phổ biến, mức độ khả thi, quy mô nguồn lực, nghiên cứu chọn cách thực hiện số 03 - Doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST của 1 quốc gia bất kỳ được lựa chọn để trao đổi tại quốc gia đối tác trở thành mô hình mẫu để đề xuất, tổng quan quy trình được thể hiện dưới Hình 3.

Hình 3: Sơ đồ tổng quan mô hình ươm tạo và trao đổi doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST giữa Việt Nam và 1 quốc gia đối tác

Nghiên cứu mô hình trao đổi, ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và một quốc gia đối tác
Nguồn: Đề xuất của nhóm nghiên cứu

Quy trình hợp tác trong mô hình hợp tác quốc tế về ươm tạo và trao đổi các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST bao gồm 3 giai đoạn chính: (1) Tìm kiếm và tuyển chọn dự án phù hợp với mô hình hợp tác; (2) Ươm tạo và trao đổi doanh nghiệp trong mô hình hợp tác quốc tế; (3) Đánh giá kết quả dự án sau khi tham gia vào mô hình trao đổi.

(1) Giai đoạn tìm kiếm và tuyển chọn dự án phù hợp với mô hình hợp tác là bước đầu trong mô hình quốc tế về ươm tạo và trao đổi các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Đây sẽ là giai đoạn chọn lọc những dự án phù hợp nhất, là nền tảng cho việc hợp tác sau này. Do đó, ở giai đoạn này sẽ tập trung vào 03 công việc chính là tìm kiếm dự án hợp tác, tuyển chọn những dự án phù hợp và đàm phán/ thỏa thuận hợp tác quốc tế.

(2) Giai đoạn ươm tạo và trao đổi doanh nghiệp trong mô hình hợp tác quốc tế là giai đoạn quan trọng trong tiến trình ươm tạo và trao đổi doanh nghiệp. Ở giai đoạn này, các dự án sẽ được ươm tạo, trao đổi kinh nghiệm thực tế về phát triển R&D, phát triển sản phẩm, marketing, gọi vốn, thương mại hóa ý tưởng,v.v.

(3) Giai đoạn đánh giá kết quả dự án sau khi tham gia vào mô hình trao đổi là giai đoạn cuối cùng trong mô hình hợp tác quốc tế. Ở giai đoạn này, các dự án tham gia ươm tạo và trao đổi sẽ được các chuyên gia hàng đầu đánh giá sự phát triển thông qua báo cáo liên quan và đưa ra thông báo tốt nghiệp cùng các định hướng trong tương lai sau khi tốt nghiệp.

ĐỂ THỰC HIỆN THÀNH CÔNG MÔ HÌNH HỢP TÁC QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC ƯƠM TẠO VÀ TRAO ĐỔI DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP ĐMST

Dựa trên kết quả phân tích từ các mô hình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ươm tạo và trao đổi doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, nhận thấy rằng, sự thành công của chúng thường gắn liền với sự hỗ trợ từ phía chính phủ cũng như các quan hệ đối tác song phương mạnh mẽ. Từ đó, nghiên cứu đưa ra một số đề xuất như sau

Một là, cần thiết phải thiết lập mối quan hệ ngoại giao song phương cấp chính phủ đối với các quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST mạnh và phù hợp với hệ sinh thái của Việt Nam. Đề nghị này nhằm mục đích khẳng định và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập các mối quan hệ ngoại giao song phương cấp chính phủ với các quốc gia sở hữu hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tiên tiến và tương thích với hệ sinh thái của Việt Nam. Căn cứ vào các bằng chứng thực tế cho thấy, việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ươm tạo và phát triển khởi nghiệp ĐMST đã mang lại thành công đáng kể trên toàn cầu. Tuy nhiên, để đảm bảo sự bền vững, hiệu quả sâu rộng và lâu dài, sự tham gia, hướng dẫn và hỗ trợ từ chính phủ và các bộ, ban ngành là yếu tố không thể thiếu. Vì vậy, đề xuất này kêu gọi chính phủ và các cơ quan liên quan cam kết thực hiện một chiến lược hợp tác dài hạn, trong khoảng thời gian 5-10 năm, với các quốc gia đối tác nhằm củng cố và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam.

Việt Nam, với tiềm năng kinh tế và chiến lược ngoại giao mạnh mẽ, đã và đang khẳng định vị thế của mình là một điểm sáng trên bản đồ ĐMST tại khu vực và thế giới. Để tận dụng tối đa cơ hội này, chúng tôi đề xuất việc tăng cường và mở rộng các mối quan hệ song phương với các quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST phát triển mạnh mẽ, qua đó tối ưu hóa và đảm bảo tính bền vững của hệ sinh thái ĐMST Việt Nam. Việc này không những sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà còn khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực ĐMST.

Hai là, các chương trình nên tập trung vào ngành và lĩnh vực trọng tâm, thế mạnh của hai bên. Trong khuôn khổ nâng cao chất lượng và hiệu quả của các chương trình ươm tạo khởi nghiệp ĐMST, đề xuất thứ hai nhấn mạnh sự cần thiết của việc tập trung vào các ngành và lĩnh vực mà mỗi bên tham gia có thế mạnh và lợi thế cạnh tranh rõ ràng. Mặc dù việc đa dạng hóa các lĩnh vực chủ đề trong chương trình ươm tạo được đánh giá cao nhằm mục tiêu mở rộng cơ hội và khuyến khích sự đa dạng trong các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp, cũng như tạo điều kiện cho việc trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và mạng lưới liên ngành, song điều quan trọng không kém là việc duy trì chất lượng cao của chương trình ươm tạo.

Việc tổ chức các chương trình ươm tạo tập trung vào lĩnh vực không phải là thế mạnh của các đối tác tham gia có thể gặp phải những khó khăn trong việc tìm kiếm và mời chuyên gia, cố vấn, cũng như trong các khâu đánh giá và tuyển chọn, ảnh hưởng đến quá trình tổ chức, xây dựng tài liệu và kiểm soát chất lượng của chương trình. Do đó, để tăng cường chất lượng và giá trị của các chương trình ươm tạo, cũng như cải thiện tính cạnh tranh của các dự án/doanh nghiệp tham gia trên thị trường, các đơn vị chủ trì cần cân nhắc việc tập trung phát triển chương trình trong các lĩnh vực và ngành nghề mà tổ chức hoặc đối tác tham gia có thế mạnh rõ ràng. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng tổng thể của chương trình ươm tạo, mà còn tối đa hóa giá trị đóng góp cho mỗi dự án/doanh nghiệp tham gia, từ đó tạo lập nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.

Ba là, các chương trình đều cần có sự hỗ trợ tài chính ban đầu cho các đối tượng tham gia. Đề xuất thứ ba trong khuôn khổ này nhấn mạnh sự cần thiết của việc cung cấp hỗ trợ tài chính ban đầu cho các đối tượng tham gia chương trình. Phân tích quốc tế chỉ ra rằng, có một số mô hình thu phí từ các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia chương trình ươm tạo và đã gặt hái được những thành công nhất định. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam và bên trong hệ sinh thái ĐMST, việc áp dụng mô hình thu phí cho việc tham gia các chương trình ươm tạo vẫn còn là khái niệm mới mẻ và chưa được chấp nhận rộng rãi, đặc biệt là đối với các mô hình đang được đề xuất.

Vì vậy, mặc dù giá trị đóng góp của chương trình ươm tạo đối với các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp là không thể phủ nhận, trong giai đoạn đầu triển khai, chúng tôi đề xuất rằng đơn vị chủ trì cùng các đối tác cần tích cực khai thác các nguồn lực tài chính bổ sung nhằm đảm bảo rằng, chương trình có thể triển khai một cách tối ưu và bền vững. Điều này bao gồm việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan tài trợ, chính phủ, tổ chức phi chính phủ, cũng như các nguồn đầu tư tư nhân, để tạo ra một nguồn vốn ban đầu khả thi cho việc triển khai và phát triển chương trình. Thông qua việc đảm bảo hỗ trợ tài chính này, chúng tôi tin tưởng rằng chương trình sẽ không những thu hút được sự tham gia của một lượng lớn các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp chất lượng cao mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái ĐMST tại Việt Nam.

Bốn là, năng lực của cơ sở ươm tạo tham gia các chương trình hợp tác quốc tế cần được chuẩn hóa và cải thiện liên tục. Việc tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế đối với các cơ sở ươm tạo, bên cạnh năng lực về chuyên môn ươm tạo, các thành viên Ban Tổ chức cần có thêm khả năng ngoại ngữ để đảm bảo việc truyền tải thông tin và trao đổi với đối tác được chuyên nghiệp và thuận tiện. Trong mối quan hệ hợp tác quốc tế, các cơ sở ươm tạo không chỉ mang tính đại diện cho tổ chức của mình, mà còn mang tính đại diện cho quốc gia khi tham gia các chương trình hợp tác quốc tế. Do đó, việc xác lập các tiêu chí, đảm bảo quy chuẩn tối thiểu nhất định đối với các cơ sở ươm tạo sẽ giúp cho việc hợp tác quốc tế được diễn ra thuận lợi hơn.

Ở một số quốc gia, các cơ sở ươm tạo đạt chuẩn tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế được công bố công khai trên các nền tảng thông tin của chính phủ, giúp cho các đối tác quốc tế chủ động và trực tiếp liên hệ với các cơ sở ươm tạo, với sự gợi ý và giới thiệu từ chính phủ sở tại. Việc chuẩn hóa và công bố thông tin rộng rãi cũng giúp cho các cơ sở ươm tạo nỗ lực cho sự đổi mới và phát triển của chính tổ chức mình, mở ra nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế hơn.

Do đó, chúng ta cũng cần chú trọng và đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, các hoạt động nâng cao năng lực cho cơ sở ươm tạo cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế, giúp các cơ sở ươm tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST có cơ hội tiếp cận, thực hiện và tạo ra nhiều kết quả cho các chương trình hợp tác quốc tế./.

Tài liệu tham khảo

1. Ministry of Industry, Trade and Labor, Office of the Chief Scientist (2011). The Technological Incubators Program Establishing Start-up Companies from Innovative Ideas, 2011, retrieved from https://innovationisrael.org.il/en/program/china-israel-changzhou-innovation-park-cip-initiative.

2. NIC & DO Ventures (2023). Báo cáo ĐMST và Đầu tư công nghệ 2023.

3. Israel Innovation Authority. (n.d), China-Israel Changzhou Innovation Park (Cip) Initiative: Support Package For Israeli Companies, retrieved from https://innovationisrael.org.il/en/opencall/china-israel-cip.

4. BIRD grants. (n.d.), BIRD Foundation, retrieved from https://www.birdf.com/bird_programs/bird-4/.

5. Korea-Israel Industrial R&D Foundation (2021), KORIL-RDF Handbook, retrieved from https://www.koril.org/home/main.

6. European Union (n.d), Erasmus for Young Entrepreneurs_Programme Guide, retrieved from https://www.erasmus-entrepreneurs.eu/upload/Programme%20Guide%20EN,%20Update%20March%202018.pdf.

7. Kanza Sohail, Maksim Belitski, and Liza Castro Christiansen (2023), Developing business incubation process frameworks: A systematic literature review, Journal of Business Research, 162.

Ngày nhận bài: 04/6/2024; Ngày phản biện: 10/6/2024; Ngày duyệt đăng: 17/6/2024