Năm 2015, hơn 1.000 tỷ USD bốc hơi

Sau một năm tăng trưởng chậm nhất 25 năm, thị trường tài chính Trung Quốc bắt đầu năm 2016 với những vấp váp. Hai lần thị trường chứng khoán phải đóng cửa sớm do chỉ số lao dốc qua mức "báo động đỏ" cho thấy giới chức Bắc Kinh không mấy tự tin vào khả năng cầm cương thị trường.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến cơn "ngất lịm" đột ngột của chứng khoán chính là đồng NDT sụt giá. Điều này phản ánh nhu cầu rút vốn khỏi Trung Quốc của giới đầu tư.

Goldman Sachs cảnh báo rằng việc phá giá hơn nữa Nhân dân tệ (NDT) sẽ khiến dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc tăng nhanh hơn. Goldman Sachs cho biết, NDT cứ giảm giá 1% thì có thêm 100 tỷ USD tháo chạy.

Trong 4 năm liên tiếp tính đến 2013, NDT liên tục tăng giá, khiến các công ty Trung Quốc phải vay USD từ nước ngoài và sử dụng khoản tiền này để thu lãi khi NDT mạnh lên và lãi suất tại Trung Quốc tăng. Màn đặt cược này bắt đầu giảm trong năm 2014 khi tỷ giá NDT/USD lao dốc mạnh nhất kể từ năm 1994. Đà tăng 0,9% của NDT trong tháng này không thể ngăn các nhà phân tích dự đoán NDT sẽ giảm thêm 3,4% vào cuối năm nay.

Kevin Lai, kinh tế trưởng về châu Á tại Daiwa, nhận định, thị trường mới chỉ đi được một nửa con đường dòng vốn tháo chạy. Nhà đầu tư đang ồ ạt bán ra NDT. Trung Quốc đang đối mặt với kịch bản giảm phát trên diện rộng – điều rất tồi tệ đối với thị trường, nền kinh tế và mọi thứ.

Theo ước tính của Goldman Sachs, tổng nợ nước ngoài của các công ty Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2015 giảm khoảng 140 tỷ USD xuống còn 1,69 nghìn tỷ USD. Con số này bị “nuốt chửng” bởi 370 tỷ USD người Trung Quốc sử dụng để mua ngoại tệ.

“Rủi ro ở đây là bất kỳ cú sốc nào làm xói mòn niềm tin vào NDT cũng như chính sách điều hành cũng có thể làm tăng áp lực rút vốn và khiến nỗ lực ổn định thị trường không còn hiệu quả", Goldman Sachs cho biết hôm 26/1 vừa qua.

Theo ước tính của Bloomberg, dòng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc năm 2015 tăng lên 1 nghìn tỷ USD, gấp 7 lần so với năm 2014. Đồn đoán NDT giảm giá sẽ làm tăng dòng vốn tháo chạy trong năm nay.

Trong báo cáo ra ngày 4/2, Sanford C. Bernstein viết rằng, một trong những lý do chính khiến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm là các nhà đầu tư đảo ngược các giao dịch carry trade (kinh doanh chênh lệch lãi suất). Điều này có thể khiến 400-600 tỷ USD bị rút ra khỏi Trung Quốc. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc trong tháng 1 giảm 99,5 tỷ USD, mức giảm lớn thứ 2 trong lịch sử, xuống 3,23 nghìn tỷ USD.

Vẫn chưa thể kiểm soát

Theo giới chuyên gia, chính quyền Bắc Kinh đã nỗ lực tìm cách ngăn chặn hiện trạng trên, nhưng đây là một vấn đề hết sức khó khăn vì bắt nguồn từ việc thị trường mất niềm tin vào nền kinh tế Trung Quốc.

Theo tờ Le Monde (Pháp) số ra mới đây, tình trạng vốn liếng “tháo chạy” khỏi Trung Quốc rất nghiêm trọng và vẫn đang có chiều hướng tiếp diễn, thể hiện rõ nhất ở việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã "giấu" thống kê về vốn xuất ngoại của nước này trong tháng 1/2016.

Mặt khác, truyền thông Nhà nước Trung Quốc cũng đã được huy động để kêu gọi người dân không mua USD, cho rằng các tài sản được định giá bằng đồng bạc xanh không sinh lời bằng tài sản được định giá bằng đồng nội tệ nước này.

Đối với giới chuyên gia kinh tế, vốn “bốc hơi” sẽ gây khó khăn cho Bắc Kinh trong việc cung cấp thanh khoản cho thị trường trong nước nhằm khôi phục đà tăng trưởng kinh tế, khôi phục niềm tin đã mất trong giới đầu tư.

Để chống lại tình trạng rút vốn khỏi Trung Quốc, giới chức tài chính nước này đã áp dụng rất nhiều biện pháp, cả kinh tế lẫn hành chính. Một trong những biện pháp phổ biến nhất là thu mua NDT để giúp đồng tiền này tăng giá. Biện pháp này được cho là đã có những thành công nhất định, giá NDT đang tăng và dần bình ổn.

Thế nhưng cái giá phải trả rất cao khi kho dự trữ ngoại tệ Trung Quốc đã bị mất 108 tỷ USD trong tháng 12/2015, và hụt thêm 99 tỷ USD vào tháng 1/2016. So với mức “đỉnh” 4.000 tỷ USD trong năm 2014, kho ngoại tệ của Trung Quốc hiện chỉ còn hơn 3.200 tỷ USD cho thấy mức giảm lớn nhất từ trước tới nay.

Về mặt hành chính, chính quyền Bắc Kinh đang nỗ lực hạn chế việc chuyển tiền ra thị trường nước ngoài, tăng cường kiểm soát ở các cửa khẩu để chống nạn chuyển tiền “lậu.” Bởi, giới có tiền tại Trung Quốc đã nghĩ ra hàng loạt kế sách để chuyển USD ra nước ngoài một cách gần như hợp pháp. Một trong những biện pháp đang rất thịnh hành là thuê người mang hộ.

Theo luật hiện hành, mỗi người Trung Quốc có quyền mang tối đa 50.000 USD tiền mặt mỗi năm khi xuất ngoại. Do vậy, chỉ cần nhờ được 50 người “giúp sức” là một người có thể chuyển 2,5 triệu USD ra khỏi biên giới Trung Quốc một cách hợp pháp.

Bên cạnh đó, các cách chuyển tiền “lậu” trá hình khác còn là mua bảo hiểm nhân thọ bằng ngoại tệ, mua bất động sản hay công ty tư nhân ở nước ngoài.

Riêng đối với các công ty, một “mánh” khác được áp dụng khá phổ biến là khai báo lượng hàng xuất khẩu thấp hơn thực tế, yêu cầu đối tác nước ngoài thanh toán số hàng khai báo trên giấy tờ vào tài khoản chính của công ty tại Trung Quốc, còn phần dôi ra thì trả vào tài khoản mà công ty Trung Quốc đã mở ở nước ngoài.

Theo các chuyên gia, trấn áp không phải là giải pháp cho tình trạng này. Bởi, các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường Trung Quốc đa phần là vì những lý do ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, như kinh tế giảm tốc, giá nhân công tăng lên đáng kể và những điều kiện kinh doanh ngày càng khó khăn hơn. Vấn đề là phải làm sao trấn an được các nhà đầu tư Trung Quốc cũng như nước ngoài về khả năng kinh tế Trung Quốc khởi sắc trở lại. Chỉ có cách này mới giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tránh được tình trạng "chảy máu" vốn.

Việt Nam có tận dụng được dòng vốn này?

Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư quốc tế ồ ạt rút khỏi Trung Quốc, những dấu hiệu về sự hội tụ vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện. Năm 2015, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt mức kỷ lục 22,76 tỷ USD, và năm 2016 con số này được dự báo sẽ còn lớn hơn nữa.

Theo khảo sát của fDi Market (một bộ phận nghiên cứu thuộc Financial Times), Việt Nam là quốc gia thu hút FDI lớn thứ 2 chỉ sau Trung Quốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hơn nữa, chi phí lao động tăng cao tại Trung Quốc trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho các thị trường mới nổi ở châu Á như Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh trong ngành sản xuất.

Cụ thể, chi phí để mở 1 nhà máy sản xuất thiết bị hóa chất hoặc công nghệ dược phẩm tại Việt Nam rẻ hơn Trung Quốc tới 50%. Tương tự, chi phí để xây dựng một nhà máy sản xuất tự động tại Việt Nam cũng rẻ hơn Trung Quốc khoảng 40%.

Nếu nhìn vào trung hạn có thể thấy bức tranh đầu tư nước ngoài tại Việt Nam khá tươi sáng. Thị trường nội địa tiếp tục phục hồi với mức tăng trưởng GDP dự báo cho năm 2015 là 6,1% và tăng lên 6,2% vào năm 2016.

Do vậy, nếu như biết tận dụng tốt cơ hội, tối đa hóa lợi ích chi phí; đồng thời đầu tư nâng cao kỹ năng tay nghề của người lao động và cải thiện công nghệ sản xuất, Việt Nam sẽ hưởng lợi trong dòng chảy vốn sắp tới./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://www.vietnamplus.vn/sau-hon-mot-nam-gan-1000-ty-usd-bi-chuyen-ra-khoi-trung-quoc/372704.vnp

http://motthegioi.vn/kinh-te/tin-trong-nuoc-va-quoc-te/cac-nha-dau-tu-o-at-roi-trung-quoc-va-co-hoi-cho-viet-nam-274569.html

http://thanhnien.vn/kinh-doanh/cong-ty-my-dang-khan-goi-rut-khoi-trung-quoc-659860.html

http://cafef.vn/vi-mo-dau-tu/dong-von-fdi-chay-khoi-trung-quoc-viet-nam-co-huong-loi-2015082018210605.chn