Nhìn lại kinh tế thế giới tuần 16-22/04
WTO cảnh báo tranh chấp thương mại kìm hãm kinh tế toàn cầu
Ngày 20/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo đã lên tiếng cảnh báo sự leo thang tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm "trật bánh" đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Trong một tuyên bố được đưa ra tại Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Tổng Giám đốc Azevedo cảnh báo "một sự sụp đổ trong các mối quan hệ thương mại giữa những người chơi chính có thể làm trật bánh đà phục hồi" được ghi nhận trong những năm gần đây, đe dọa sự mở rộng kinh tế và đẩy nhiều việc làm có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo ông, các quốc gia nghèo sẽ là những nước phải hứng chịu tác động nặng nề nhất của một cuộc chiến thương mại.
Người đứng đầu WTO cũng bày tỏ quan ngại về nguy cơ xảy ra một chuỗi các biện pháp đơn phương, "ăn miếng trả miếng," gây bất ổn nền thương mại và đe dọa tăng trưởng. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu bởi những đối tượng thiệt hại không chỉ gói gọn trong các nước có liên quan trực tiếp.
Ông đồng thời kêu gọi các nước tận dụng WTO như một diễn đàn để giải quyết tranh chấp và là nhân tố thiết yếu giúp ngăn chặn căng thẳng leo thang.
Hội nghị các bộ trưởng G20 họp bàn về thương mại tự do
Các bộ trưởng tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 19/4 đã bắt đầu cuộc họp kéo dài hai ngày tại Washington; trong đó thương mại là một trong những nội dung chính trong chương trình nghị sự, trong bối cảnh Mỹ đang theo đuổi các chính sách mang tính bảo hộ thương mại.
Chuyên gia Takatoshi Kato của Trung tâm tài chính quốc tế Nhật Bản cho biết, các bộ trưởng tài chính và thống đốc Ngân hàng trung ương G20 tập trung vào việc thuyết phục Mỹ qua việc nêu bật tầm quan trọng của hoạt động thương mại cởi mở, tự do và công bằng.
G20 có thể cũng thảo luận các động thái về (chính sách) tiền tệ, chắc sẽ tái khẳng định sự đồng thuận trong việc kiềm chế và không chủ ý định giá thấp đồng tiền của nước mình để có được lợi thế về thương mại.
Bên cạnh đó, G20 xem xét những tác động của việc thu giảm dần quy mô của các chương trình kích thích tiền tệ ở Mỹ và châu Âu đối với kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, những quan ngại về tình hình địa chính trị vẫn còn đó, liên quan tới vấn đề ở Syria và Triều Tiên.
Venezuela trấn áp các hoạt động phá hoại hệ thống tài chính
Phó Tổng thống Venezuela Tareck El Aissami ngày 19/4 thông báo cơ quan an ninh nước này vừa bắt giữ 105 đối tượng trong một đường dây liên quan các hoạt động phá hoại hệ thống tài chính Venezuela trong thời gian qua.
Ông Aissami cho biết trong khuôn khổ “Chiến dịch bàn tay giấy” (Operación Manos de papel), cơ quan an ninh Venezuela đã thu giữ hơn 3.000 tỷ bolívar (khoảng 50.450 USD) trong các tài khoản ngân hàng.
Cơ quan chức năng Venezuela cũng xác định khoảng 90% tài khoản được sử dụng để thực hiện việc buôn lậu đồng bolívar thuộc hệ thống ngân hàng Banesco.
WB tăng khoản cho vay đối với các quốc gia có thu nhập trung bình thấp
WB sẽ tăng cường các khoản cho vay đối với các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tuyên bố trên được Chủ tịch WB Jim Yong Kim đưa ra tại một cuộc họp báo ngày 19/4 ở Washington (Mỹ) khi được hỏi về kế hoạch tăng vốn trị giá 13 tỷ USD và các hoạt động cho vay của WB.
Theo kế hoạch, khoản vốn tăng thêm 13 tỷ USD nói trên sẽ được chuyển tới hai cơ quan trực thuộc WB là Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển (IBRD) - tổ chức cho vay chính - và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) - tổ chức cho vay hỗ trợ khu vực tư nhân. Cụ thể, khoảng 7,5 tỷ USD sẽ được chuyển tới IBRD, trong khi IFC nhận 5,5 tỷ USD.
Chủ tịch WB Jim Yong Kim nhấn mạnh kế hoạch tăng vốn nói trên không nhằm mục đích thay đổi các khoản vay đối với bất cứ quốc gia cụ thể nào, trong khi nhiều thành viên trong ban lãnh đạo WB đang muốn tập trung vào khoản vay cho các nước có thu nhập trung bình thấp./.
Bình luận