Nhìn lại kinh tế thế giới tuần 17-23/8
Trung Quốc bơm 19 tỷ USD vào thị trường qua hợp đồng đáo hạn
Ngày 20/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã bơm thêm 120 tỷ nhân dân tệ, tương đương 19 tỷ USD vào các ngân hàng thương mại lớn và công ty môi giới thông qua các hợp đồng mua lại đáo hạn.
Trước đó, ngày 18/8, BPoC đã bơm một lượng tiền mặt tương tự 120 tỷ nhân dân tệ vào thị trường và là lần bơm tiền trong ngày lớn nhất tại Trung Quốc kể từ tháng 1/2014.
Theo hợp đồng mua lại đáo hạn, PBoC mua cổ phiếu của các ngân hàng lớn và các công ty môi giới với thỏa thuận sẽ bán lại trong tương lai. Đây là một biện pháp hiệu quả nhằm giải quyết tình trạng thiếu tiền mặt về ngắn hạn trên thị trường.
Ngoài ra, PBoC ngày 19/8 cũng đã bơm 110 tỷ nhân dân tệ thông qua các cơ sở cho vay trung hạn. Đây là một biện pháp để các ngân hàng vay tiền của PBoC bằng cách dùng cổ phiếu thế chấp.
Tỷ giá đồng ruble tiếp tục giảm sâu, chạm đáy mới
Ngày 21/8, tỷ giá hối đoái của đồng USD so với đồng ruble Nga lúc đỉnh điểm đã leo lên mức 69,07 ruble/USD, tăng tới 1 ruble 12 kopeck so với mức đóng cửa một ngày trước đó, khi đồng USD tại sàn giao dịch Moskva có giá 67,95 ruble/USD.
Trong khi đó, tỷ giá hối đoái của đồng euro ngày 21/8 tại sàn giao dịch Moskva cũng leo lên mức kỷ lục 78,49 ruble/euro, tăng 2 ruble 11 kopeck so với phiên trước. Tối 20/8, đồng tiền chung châu Âu được giao dịch ở mức 76,38 ruble/euro.
Như vậy, tỷ giá ngoại tệ với đồng ruble Nga tiếp tục giảm sâu và nhìn chung điều này gây bất ổn cho nền kinh tế. Theo truyền thống, giới chuyên gia vẫn gắn sự suy yếu của đồng ruble với tình trạng lao dốc của giá dầu thế giới.
Singapore nới lỏng cơ chế tuyển dụng lao động nước ngoài
Từ ngày 1/10, Bộ Nhân lực Singapore sẽ thí điểm một cơ chế mới, cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này đang trong quá trình chuyển đổi kinh doanh được tiến hành điều chỉnh cơ cấu nhân sự là lao động nước ngoài.
Hiện, Singapore đang áp dụng mức trần tỷ lệ tuyển dụng lao động nước ngoài nhằm đảm bảo các doanh nghiệp trong nước sẽ không quá phụ thuộc vào những lao động này.
Theo mức trần này, doanh nghiệp sẽ phải tuyển dụng lao động nước ngoài kỹ năng thấp và cao theo một tỷ lệ nhất định. Tuy nhiên, chương trình thí điểm mới, dự kiến được áp dụng trong hai năm, nhằm mục đích giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ có sự linh hoạt nhất định trong tuyển dụng nhân lực là lao động nước ngoài để có hoạt động kinh doanh đổi mới và năng suất hơn. Chẳng hạn, nếu một doanh nghiệp theo đuổi phương thức sản xuất mới mà sẽ giảm số lượng lao động nước ngoài kỹ năng thấp, họ sẽ có thể vẫn được duy trì số lao động nước ngoài kỹ năng cao cần thiết để quản lý hệ thống sản xuất dù tỷ lệ trần đã thay đổi.
Cơ chế mới được cho sẽ giúp các doanh nghiệp Singapore tuyển dụng và đào tạo nhiều công dân Singapore hơn để quản lý quy trình sản xuất mới, trong khi vẫn tuyển dụng tạm thời lao động nước ngoài.
Dự kiến, sẽ có một ban chuyên trách để đánh giá từng trường hợp một đối với các doanh nghiệp có nhu cầu, và thời gian chuyển đổi kinh doanh sẽ được quyết định dựa trên tình hình thực tế. Để được chấp nhận, các doanh nghiệp cũng sẽ phải trình những đề xuất cải thiện năng suất và đổi mới hoạt động kinh doanh của mình.
Nhật Bản đề nghị WTO phân xử tranh chấp thương mại với Hàn Quốc
Nhật Bản đang xem xét việc yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thành lập hội đồng phân xử để giải quyết đơn khiếu nại của Tokyo liên quan đến việc Hàn Quốc cấm nhập khẩu các mặt hàng hải sản của Nhật Bản sau khi xảy ra khủng hoảng hạt nhân Fukushima năm 2011.
Dự kiến, Nhật Bản sẽ đưa ra đề nghị trên trong ngày 20/8, sau khi hai bên không thể hóa giải bất đồng trong các cuộc tham vấn song phương được tiến hành trước đó theo đúng các quy trình thủ tục của WTO./.
Bình luận