Những vấn đề đặt ra hiện nay đối với thu hút FDI vào Việt Nam
THỰC TRẠNG THU HÚT FDI VÀO VIỆT NAM
Kết quả đạt được
Từ khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 ra đời, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong mở cửa đối với FDI và các cải cách trong nước khác để tận dụng và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ nước ngoài chảy vào Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến ngày 20/12/2020, cả nước có 33.070 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký là 384 tỷ USD; vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 231,86 tỷ USD, bằng 60,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Theo lĩnh vực đầu tư, các doanh nghiệp (DN) FDI đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với khoảng 58% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản (chiếm 16%); sản xuất, phân phối điện (hơn 7%).
FDI đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam |
Theo địa phương, FDI đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố; trong đó, TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu thu hút FDI, tiếp theo là Hà Nội, Bình Dương.
Theo đối tác đầu tư, đến thời điểm 20/12/2020, có 137 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 70,6 tỷ USD; Thứ hai là Nhật Bản (60,3 tỷ USD). Các nước, vùng lãnh thổ tiếp theo là Singapore và Đài Loan, Hồng Kông. Riêng Trung Quốc đại lục trong 5 năm (2016-2020) đứng thứ 7.
Về góp vốn, mua cổ phần, có 445 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 71,9% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 543,1 triệu USD, giảm 34,4% so với cùng kỳ.
Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 3 tỷ USD, chiếm 55,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,44 tỷ USD, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo, lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ với tổng vốn đăng ký gần 485 triệu USD và gần 153 triệu USD.
Như vậy, khu vực FDI có vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Đây là khu vực kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế trong 5 năm gần đây.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ trọng GDP của khu vực FDI đã tăng từ mức 15,4% năm 2011 lên khoảng 19% GDP năm 2019, trong khi tỷ trọng của khu vực DN nhà nước (DNNN) giảm dần (từ mức 29% xuống gần 27% trong cùng giai đoạn) và của khu vực kinh tế ngoài nhà nước gần như không đổi, dao động trong khoảng 43% GDP.
Điểm đáng lưu ý là tăng trưởng GDP và xuất siêu phụ thuộc nhiều vào FDI, thậm chí là một vài tập đoàn xuyên quốc gia (MNC), như: Samsung Electronics (Hàn Quốc), Formosa (Đài Loan). Riêng Samsung Electronics đã có ảnh hưởng rất lớn, đôi khi là quyết định mẫu hình tăng trưởng GDP theo quý và xuất khẩu của Việt Nam, nhất là nhiều quý từ năm 2018 đến nay. Đặc biệt, một số địa phương có mức tăng trưởng sản lượng công nghiệp rất cao (trên 50% một số thời điểm của Hà Tĩnh, Thanh Hóa) cũng là nhờ sự đóng góp vượt trội của các tập đoàn xuyên quốc gia (MNC) lớn trên địa bàn (điển hình như Tập đoàn Formosa và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn).
Những vấn đề đặt ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế, trong đó có nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, do đó khi khu vực sản xuất bị ảnh hưởng, hoạt động đầu tư sẽ ngay lập tức bị tác động làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là đầu tư của khu vực FDI và khu vực ngoài nhà nước. Tính đến ngày 20/8/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỷ USD. Cụ thể, có 1.135 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm gần 37% về số lượng, nhưng tổng vốn đăng ký đạt gần 11,33 tỷ USD, tăng 16,3%. Tổng vốn đăng ký tăng thêm cũng đạt gần 5 tỷ USD, tăng 2,3%. Ngược lại, vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào các DN Việt Nam giảm hơn 43%, chỉ còn 2,8 tỷ USD.
Bên cạnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong thu hút và quản lý FDI vào Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề, cụ thể là:
Thứ nhất, Việt Nam chưa có đầy đủ các quy tắc, tiêu chuẩn phù hợp và cụ thể, còn thiếu các chế tài hữu hiệu trong thu hút và quản lý FDI vào Việt Nam. Chính vì thế, nhiều DN FDI lợi dụng, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, rủi ro mất an ninh năng lượng, an ninh tài chính. Các dự án hạ tầng, nhất là của Trung Quốc được thực hiện với hình thức tổng thầu (EPC) tiềm chứa nhiều rủi ro đối với nợ nước ngoài và an ninh năng lượng của Việt Nam.
Xét về khía cạnh xã hội, vấn đề lao động của Trung Quốc theo sau các dự án của quốc gia này ngày càng trở nên phức tạp.
Thứ hai, chưa nhìn nhận rõ bản chất của FDI vào Việt Nam. Mức tác động lan tỏa lên nền kinh tế của khu vực FDI vẫn còn rất yếu. Mức đóng góp của các DN FDI cho việc nâng cao năng lực công nghiệp Việt Nam vẫn còn rất thấp. Các mối liên kết giữa khối DN FDI và DN trong nước yếu có phần do cả công nghiệp hỗ trợ lẫn các DN trong nước vẫn còn yếu kém, không đáp ứng nhu cầu và chuẩn mực cung ứng dịch vụ của các DN FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia. Kết quả khảo sát 13.580 DN châu Á của JETRO (2020) cho thấy, tỷ trọng linh phụ kiện, vật liệu mà các DN Nhật Bản mua ở Việt Nam chỉ chiếm 36,3%, trong đó từ DN Việt Nam chỉ chiếm 13,6% tổng giá trị thu mua.
Thứ ba, việc trốn thuế, chuyển giá trong khu vực FDI thời gian dài cũng gây hại cho ngân sách nhà nước nói riêng và an ninh tài chính nói chung; đồng thời, gây cạnh tranh không bình đẳng trong nền kinh tế.
Tình trạng DN FDI kê khai, báo lỗ ngày càng phổ biến. Điều bất hợp lý là mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn, nhưng các DN này vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, nhận định, tình trạng DN FDI kê khai, báo lỗ ngày càng phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh đó là các hành vi “chuyển giá”; chuyển giao máy móc đã lạc hậu khi vào đầu tư… Tại TP. Hồ Chí Minh, gần 60% trong số hơn 3.500 DN FDI thường xuyên kê khai lỗ liên tục trong nhiều năm. Điển hình nhất là vụ Coca-Cola Việt Nam bị truy thu, xử phạt về thuế hơn 821 tỷ đồng vào cuối năm 2019. Đây được xem là DN FDI đứng đầu danh sách nghi án chuyển giá tại Việt Nam và Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã xếp DN này ở vị trí số 1 trong danh sách DN có nghi vấn chuyển giá. Kể từ khi vào Việt Nam từ năm 1995 đến nay, Coca-Cola báo lỗ tới hơn 20 năm liên tiếp (Nguyên Nga, 2020).
Thứ tư, chưa nhìn nhận vai trò quan trọng của công tác xúc tiến đầu tư, thẩm định đầu tư, kiểm tra kiểm soát và xử lý vi phạm trong FDI. Những công tác này đang thực sự chưa được làm tốt, do thiếu nguồn lực.
Thứ năm, chưa có sự liên kết, phối hợp giữa FDI và đầu tư trong nước. Đây là 2 mảng quan trọng của công tác đầu tư, phát triển kinh tế đất nước, nhưng chưa thấy sự phối hợp, hậu thuẫn. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, các nguồn lực giá rẻ trong nước, như: lao động, đất đai, tài nguyên, ưu đãi chính sách được khai thác để thu lợi nhuận. Đối với khu vực kinh tế trong nước, việc kết nối với khu vực FDI sẽ tiếp nhận được vốn đầu tư, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, thương hiệu mạnh và mạng lưới kinh doanh mở rộng trên toàn cầu. Đây là cách thức để khu vực kinh tế trong nước nhanh chóng cải thiện năng lực sản xuất, kinh doanh để bắt kịp với trình độ phát triển của khu vực FDI.
Một số DN FDI có mức lợi nhuận rất cao, nhưng đóng thuế thấp, làm cho DN trong nước gặp khó khăn khi cạnh tranh. Các DN nhỏ và vừa trong nước có rất ít cơ hội trở thành đối tác cung cấp linh kiện, phụ kiện cho các DN FDI, nên việc tiếp thu công nghệ sản xuất và kinh nghiệm quản lý cũng mờ nhạt…
NHỮNG GIẢI PHÁP CẦN THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI
Để giải quyết các vấn đề đặt ra hiện nay đối với thu hút FDI vào Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh việc sớm tiêm vắc xin toàn dân, kiểm soát được dịch bệnh, phục hồi chuỗi cung ứng…, chúng ta cần lưu ý thực hiện các giải pháp sau:
Một là, xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao... thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm R&D, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Hiện nay, việc điều chỉnh, đổi mới chính sách thu hút FDI cần được thực hiện theo hướng giảm các tác động tiêu cực và tăng các lợi ích tiềm tàng của khu vực này đối với nền kinh tế, tính đến nhiều hơn bối cảnh mới (đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các FTA thế hệ mới - là cơ hội để Việt Nam chọn lọc những dự án FDI theo hướng ưu tiên. Chính sách thuế và tài chính liên quan cần tính tới các yếu tố nêu trên. Đặc biệt, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi và hỗ trợ DN vượt qua những tác động của dịch bệnh Covid-19. Thu hút FDI phải bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu với đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa.
Hai là, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Tăng cường liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho DN Việt Nam.
Đặc biệt, để nâng cao tác động tích cực và tạo mối liên kết chặt chẽ với kinh tế địa phương, việc mời gọi được các công ty xuyên quốc gia (MNC) đầu tư vào Việt Nam là rất cần thiết. Đối với các địa phương kém phát triển, xa các cực tăng trưởng, các công ty này có vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng mạng lưới công nghiệp hỗ trợ, liên kết kinh doanh địa phương, cả nước và khu vực. Tuy vậy, cần tính tới điều kiện hỗ trợ ở địa phương, sự tham gia của DN con nước ngoài, mà các MNC kéo theo và các cam kết, nhất là trong chuyển giao công nghệ từ khu vực này cũng như các chế tài kèm theo, tránh hiện tượng các DN FDI khai thác những tiềm năng, lợi ích đủ rồi chuyển sang nước khác.
Nhằm tăng tính liên kết kinh doanh, qua đó tạo ra các tác động tích cực, từ các DN FDI đến các DN trong nước, ngoài sự hỗ trợ hiệu quả, phù hợp của Nhà nước, các DN trong nước cần nâng cao chất lượng nhân lực, chuẩn mực quản trị, kinh doanh để có thể liên kết và thu hút vốn từ các DN FDI. Ở đây, vai trò của Nhà nước rất quan trọng trong tạo lập các mối liên kết kinh doanh và hạn chế các khiếm khuyết của thị trường, nhất là phát triển công nghiệp hỗ trợ. Điều cốt yếu là tạo dựng các công cụ liên kết hiệu quả thông qua xây dựng chính sách liên kết ngành, ươm tạo DN và qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về FDI; đặc biệt tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để bảo đảm các DN FDI sử dụng đúng, hiệu quả nguồn lực, cũng như bảo đảm cam kết đầu tư. Tăng cường và đổi mới công tác kiểm tra, giám sát theo hướng tạo điều kiện cho DN hoạt động có hiệu quả; phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước để tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra; tăng cường hậu kiểm với các dự án FDI sau khi được cấp phép.
Bốn là, các cơ quan xúc tiến đầu tư chủ động làm việc với nhà đầu tư nước ngoài đã có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam để trao đổi, định hướng và thống nhất sơ bộ về thủ tục đầu tư, không để các nhà đầu tư đợi cho đến khi dịch bệnh được xử lý dứt điểm mới tiến hành thủ tục.
Bên cạnh đó, chủ động, sáng tạo tận dụng sự chuyển dịch FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ -Trung, chiến lược Nam tiến mới của các nước Bắc Á để thu hút vào các lĩnh vực ưu tiên. Cần chủ động quảng bá, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các công ty và thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam; đặc biệt là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý, như: Mỹ, EU, Nhật Bản.
Ngoài ra, Việt Nam cần tập trung chuẩn bị mặt bằng, nhất là tại các khu công nghiệp, cùng với sự đồng bộ về hạ tầng giao thông, khả năng cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc… để sẵn sàng đón dự án đầu tư nước ngoài.
Năm là, chính sách chống chuyển giá cần tiếp tục được hoàn thiện, tính đến đầy đủ các yếu tố chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất, thành tựu công nghệ 4.0 và mức ưu đãi ở các nước khu vực và toàn cầu...; sửa đổi một số quy định về quản lý thuế với DN có giao dịch liên kết; tăng mức phạt và hình thức phạt đối với hành vi chuyển giá để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về dự án đầu tư và DN FDI.
Ngoài ra, để tránh bị kiện tụng quốc tế với DN FDI trong bối cảnh thực hiện các FTA thế hệ mới, cần nghiên cứu chuyên sâu các cơ chế, chính sách (kể cả tài khóa) phù hợp, đủ để hạn chế các dự án FDI có thể gây nguy hại đối với an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh quốc gia, đe dọa gây phát thải, ô nhiễm ra môi trường./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030
2. Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020-2021). Báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2020; tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 8 tháng đầu năm 2021
3. JETRO (2020). Thực trạng hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư ở Việt Nam
4. Nhóm Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính quốc tế (2018). Báo cáo khuyến nghị Chiến lược FDI thế hệ mới và tầm nhìn chiến lược 2020-2030
5. Trần Văn Dũng (2020). Thu hút vốn FDI vào Việt Nam và những vấn đề đặt ra hiện nay, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/thu-hut-nguon-von-fdi-vao-viet-nam-va-nhung-van-de-dat-ra-hien-nay-330589.html
6. Nguyễn Mại (2020). Đầu tư trực tiếp nước ngoài 2019, dự báo 2020 và dài hạn, truy cập từ https://baodautu.vn/dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-2019-du-bao-2020-va-daihan-d113916.html
7. Nguyên Nga (2020). DN FDI chuyển giá ngày càng nhiều, truy cập từ https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/doanh-nghiep-fdi-chuyen-gia-ngay-cang-nhieu-1239765.html
TS. Nguyễn Thị Hương Giang
Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Thương mại
(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 27, tháng 9/2021)
Bình luận