Động thái này nhằm đáp ứng nhu cầu tiền mặt gia tăng tại Trung Quốc trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong đợt này, PBOC đã đưa vào hệ thống tài chính 100 tỷ Nhân dân tệ (15,2 tỷ USD) dưới hình thức mua trái phiếu của các ngân hàng thương mại theo hợp đồng mua lại có kỳ hạn. Cụ thể, 50 tỷ Nhân dân tệ theo thỏa thuận kỳ hạn 14 ngày với mức lãi suất 2,4% và 50 tỷ Nhân dân tệ theo thỏa thuận kỳ hạn 28 ngày với mức lãi suất 2,6%.

Trước đó, ngày 1/2, PBOC cũng đã bơm 10 tỷ Nhân dân tệ vào thị trường thông qua các hợp đồng mua trái phiếu có kỳ hạn. Theo thông báo ngày 1/2, trong tuần qua, PBOC đã bơm tổng cộng 1.500 tỷ Nhân dân tệ (229 tỷ USD) vào thị trường thông qua các công cụ tài chính như cơ chế cho vay tiêu chuẩn (SLF), cho vay trung hạn (MLF) và cho vay cam kết phụ (PSL).

Cụ thể, 520,9 tỷ Nhân dân tệ dưới hình thức SLF nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường tiền tệ; 862,5 tỷ Nhân dân tệ thông qua MLF nhằm khuyến khích các thể chế tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực nông thôn; 143,5 tỷ Nhân dân tệ thông qua PSL tới Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) và Ngân hàng Xuất - nhập khẩu Trung Quốc (EIBC) nhằm hỗ trợ các dự án như cải tạo các khu ổ chuột và các dự án bảo vệ nguồn nước.

PBOC cũng sử dụng những công cụ cho vay khác, bao gồm: chương trình cho vay thường trực với điều kiện thuận lợi, hình thức cho vay trung hạn, cho vay bổ sung cầm cố để đưa vào hệ thống tài chính hơn 1,5 nghìn tỉ Nhân dân tệ trong tháng 1 vừa qua.

Theo chuyên gia kinh tế PBOC, việc bơm tiền mặt vào hệ thống tài chính này có thể được xem như biện pháp thay thế việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Tình hình thanh khoản thường khó khăn trước tuần nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm và PBOC thường bơm một lượng lớn tiền mặt vào thị trường tiền tệ nhằm ổn định lãi suất.

Bên cạnh đó, một số nhà phân tích cũng nhận định, việc PBOC có hàng loạt đợt “xuất tiền” được xem như là một biện pháp nới lỏng tiền tệ hoặc để bù đắp dòng vốn đã chảy ra khỏi các thị trường của Trung Quốc trong thời gian qua. PBOC không muốn giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng vì lo ngại điều này sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với đồng nội tệ đang yếu đi.

Năm 2015, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 6,9%, nhịp độ tăng chậm nhất trong vòng 25 năm trở lại đây, làm dấy lên đồn đoán rằng PBOC sẽ hạ lãi suất chủ chốt hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc./.