Cụ thể, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, Nghị định số 128/2020/NĐ-CP qui định về khai hải quan có nội dung phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: khai sai số lượng vận đơn chủ, vận đơn thứ cấp trên bản khai hàng hóa của hồ sơ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; khai sai số lượng hành khách trên danh sách hành khách của hồ sơ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; khai sai số lượng kiện hành lý trên bản khai hành lý của hồ sơ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh…

Theo phản ánh từ doanh nghiệp, các lỗi trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó hệ thống hải quan thường xuyên bị lỗi, tắc nghẽn, không ổn định. Mặt khác, theo qui định, nhân viên đại lý vận tải phải khai báo E- Maniest (hệ thống tiếp nhận bản khai hàng hóa, các chứng từ khác có liên quan và thông quan điện tử) 12 tiếng trước khi tàu vào. Trên thực tế có những tuyến tàu chạy từ cảng của Trung Quốc, Hồng Kông về cảng biển Việt Nam chưa đến 12 tiếng, tàu biển chưa khởi hành từ cảng đi mà hệ thống E- Manifest tại Việt Nam đã đóng hồ sơ tàu, không cho khai báo vận đơn.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân lệch múi giờ, khiến nhân viên chứng từ của các công ty đại lý vận tải/giao nhận hoàn toàn bị động về mặt thời gian để kịp thời nhận thông tin chứng từ bên đại lý nước ngoài.

Doanh nghiệp kiến nghị nhà quản lý cần cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ đối với các lỗi nhỏ, lỗi không cố ý

Từ khi Tổng cục Hải quan triển khai thực hiện Nghị định 128/ 2020/NĐ- CP với mức phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng cho một hành vi khai báo muộn, hoặc khai sai số lượng, nhiều người lao động tại các doanh nghiệp trong ngành rất lo lắng, vì mức phạt là quá cao so với lỗi rất dễ xảy ra vì nhiều lý do trên. Một số ý kiến phản ánh, mức phạt các lỗi này của Việt Nam cao gấp gần 10 lần đến 20 lần mức phạt tại Nhật, trong khi thu nhập bình quân trên đầu người tại Nhật lớn hơn tại Việt Nam nhiều.

Quy định hiện hành đang và có thể gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, gián tiếp trừng phạt người lao động, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động phụ trách việc này, vốn chỉ được hưởng mức lương tháng trung bình tương đương mức bị phạt 1 lần trong tháng. Theo kiến nghị của các doanh nghiệp, thay vì phạt các hãng tàu và đại lý vận chuyển, cần tăng cường việc giám sát một lô hàng ngay từ đầu nguồn xuất xứ, tập trung vào việc trừng trị những kẻ chủ mưu trong đường dây buôn lậu, để đảm bảo răn đe đúng các đối tượng vi phạm và giữ sự công bằng trên thị trường này.

Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền lợi của người lao động, cũng như bảo vệ doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp logistics thống nhất kiến nghị Chính phủ xem xét lại mức phạt của hành vi này cho hợp lý với mức thu nhập của người lao động hiện nay, cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ đối với các lỗi nhỏ, không cố ý để giảm thiểu việc phạt vi phạm hành chính.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 128 một cách đồng bộ, tránh tình trạng có nhiều cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan hải quan về hành vi này dẫn đến thực tế nhiều cán bộ Hải quan thực thi có cách hiểu diễn giải quy định khác nhau, thậm chí đánh đồng các lỗi và phạt mức cao nhất, gây ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động và các doanh nghiệp giao nhận vận chuyển./.