THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG NHẰM TẠO SINH KẾ BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH

Tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng của Hòa Bình

Hòa Bình nằm ở vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 76 km theo hướng quốc lộ 6, là khu vực đối trọng phía Tây của Thủ đô Hà Nội, phía Đông giáp thủ đô Hà Nội, phía Bắc giáp tỉnh Phú Thọ; phía Tây giáp tỉnh Sơn La và Thanh Hóa, phía Đông Nam giáp tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, mạng lưới giao thông đường bộ và đường thủy tương đối phát triển, trong đó có các tuyến đường quốc gia quan trọng đi qua, như: đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 6, Quốc lộ 12B, đường cao tốc Hòa Bình đi Hòa Lạc (Hà Nội)… Vị trí địa lý của Tỉnh là một điều kiện thuận lợi cho Hòa Bình mở rộng hợp tác, phát triển kinh tế. Trên địa bàn tỉnh có 173 điểm di tích, danh thắng được quản lý, bảo vệ, nhiều hang động chứa đựng những di chỉ khảo cổ của nền "Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng. Tỉnh có 4 khu bảo tồn thiên nhiên (Ngọc Sơn - Ngổ Luông, Thượng Tiến, Pu Canh, Hang Kia - Pà Cò) đa dạng về hệ sinh thái; nguồn nước khoáng nóng tại huyện Kim Bôi, Lạc Sơn, Yên Thủy… Hồ Hòa Bình có diện tích mặt nước 8.000 ha, dung tích 9,5 tỷ m3 với nhiều đảo, tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình, được ví như hòn ngọc của Tỉnh và đã được phê duyệt quy hoạch phát triển thành khu du lịch quốc gia.

Phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo sinh kế bền vững ở tỉnh Hòa Bình
Với vị trí thuận lợi, cùng những tài nguyên du lịch thiên nhiên đa dạng, Hòa Bình ó tiềm năng rất lớn trong phát triển loại hình du lịch cộng đồng

Đặc biệt, Hòa Bình có nền văn hóa độc đáo của các dân tộc Mường, Tày, Thái, Dao, Mông. Cộng đồng các dân tộc còn giữ được bản sắc riêng có. Hòa Bình còn được biết đến là cái nôi của nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới với hệ thống di chỉ khảo cổ dày đặc; hệ thống lễ hội dân gian, phong tục tập quán độc đáo, đặc sắc. Chính nét đa dạng văn hóa đã tạo nên sức hấp dẫn lớn cho phát triển du lịch nhân văn của tỉnh Hòa Bình.

Như vậy, với vị trí thuận lợi, cùng những tài nguyên du lịch thiên nhiên đa dạng, tài nguyên nhân văn độc đáo, hấp dẫn là tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, thể thao - giải trí, mạo hiểm. Đối với loại hình du lịch cộng đồng, Hòa Bình thực sự có tiềm năng rất lớn trong phát triển loại hình du lịch này.

Thực trạng phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo sinh kế bền vững cho cư dân bản địa của Tỉnh

Trong những năm vừa qua, du lịch cộng đồng của Hòa Bình đã có những bước phát triển và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến tháng 11/2020, Hòa Bình có hơn 100 bản du lịch cộng đồng, phân bố rộng khắp trên địa bàn và nhiều khu nghỉ dưỡng có chất lượng. Nổi bật là các huyện Mai Châu, Lạc Sơn, Tân Lạc, Đà Bắc... và các khu nghỉ dưỡng Ba Khan village resort, Kim Bôi Serena, các điểm du lịch cộng đồng, như: bản Lác, bản Ké, xóm Đá Bia… Những kết quả đó được thể hiện:

(1) Số lượng du khách tham gia hình thức du lịch cộng đồng tăng, thị trường khách du lịch được mở rộng

Năm 2015, khách du lịch cộng đồng chiếm 11,6 % trên tổng lượng khách du lịch, thì đến năm 2019, số lượng du khách du lịch cộng đồng chiếm 15,1%. Bình quân chung giai đoạn 2015-2019 chiếm 13,9% tổng số du khách. Riêng năm 2019, các điểm du lịch cộng đồng đã đón 471.000 lượt khách đến khám phá, trải nghiệm văn hóa bản địa của cộng đồng các dân tộc (Bảng 1) tập trung nhiều nhất ở huyện Mai Châu với 7 điểm du lịch cộng đồng, kế đó là huyện Lạc Sơn, Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc.

Bảng 1: Tỷ lệ khách du lịch cộng đồng trong tổng số khách du lịch đến Hòa Bình giai đoạn 2015-2019

Đơn vị: Người

Năm

2015

2016

2017

2018

2019

Tổng du khách toàn Tỉnh

2.568.443

2.274.624

2.279.436

2.695.185

3.111.275

Khách du lịch cộng đồng

298.000

315.000

359.000

395.000

471.000

Chiếm tỷ lệ (%)

11,6

13,8

14,4

14,7

15,1

Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình

Thị trường khách du lịch cộng đồng cũng được mở rộng. Nếu năm 2015 các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn Tỉnh mới đón được 155.000 lượt khách quốc tế, thì đến năm 2019, số lượng khách khách quốc tế đạt 243.000 lượt khách. Du khách chủ yếu đến từ các các nước có nền kinh tế phát triển, như: Pháp, Úc, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha....

Có thể thấy lượng khách du lịch quốc tế đến các điểm du lịch cộng đồng chiếm tỷ lệ khá cao, chủ yếu tập trung vào dịp đầu năm, cuối năm, thời điểm nghỉ cuối tuần, các ngày nghỉ lễ, học tập, nghiên cứu. Bên cạnh đó, số lượng du khách nội địa đến từ các thành phố lớn trong cả nước cũng đạt đến 228.000 lượt khách (Bảng 2).

Bảng 2: Tổng số khách du lịch cộng đồng của tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2015-2019

Đơn vị: Lượt khách

Năm

2015

2016

2017

2018

2019

Tổng lượt khách du lịch cộng đồng

298.000

315.000

359.000

395.000

471.000

Khách du lịch quốc tế

155.000

167.000

190.000

227.000

243.000

Khách du lịch nội địa

143.000

148.000

169.000

168.000

228.000

Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình

(2) Cơ sở vật chất phục vụ cho khách du lịch cộng đồng ngày càng được cải thiện

Trong giai đoạn 2015-2019, số lượng nhà nghỉ phục vụ du lịch cộng đồng phát triển khá nhanh, năm 2015 chỉ có 105 nhà nghỉ cộng đồng hoạt động với 1.575 giường, thì đến năm 2019 số lượng nhà nghỉ tăng lên 157 với số lượng 2.355 giường (Bảng 3) chiếm gần 1/3 số lượng cơ sở lưu trú phục vụ du lịch toàn Tỉnh.

Bảng 3: Số lượng nhà nghỉ du lịch cộng đồng so với số lượng cơ sở lưu trú du lịch toàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2015 -2019

STT

Năm

2015

2016

2017

2018

2019

1

Tổng số cơ sở lưu trú toàn Tỉnh

376

379

402

412

434

Giường

5.282

5.155

5.245

5.156

5.419

2

Cơ sở lưu trú cộng đồng

102

114

130

142

157

Giường

1.575

1.710

1.950

2.130

2.355

Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình

Đi kèm với số lượng cơ sở dịch vụ lưu trú tăng lên, chất lượng của các cơ sở lưu trú phục vụ du lịch cộng đồng cũng ngày càng được cải thiện. Toàn Tỉnh có 4 điểm du lịch cộng đồng được đánh giá và phân hạng; Trong đó, có 3 điểm đạt 4 sao, gồm có: Điểm du lịch cộng đồng bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu; Điểm du lịch cộng đồng Đá Bia, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc; Điểm du lịch cộng đồng Hang Kia, xã Hang Kia, huyện Mai Châu và Điểm du lịch cộng đồng Lũy Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc đạt 3 sao. Tỷ lệ sử dụng phòng đạt 30%-45%, có công suất sử dụng phòng khá cao so với các hình thức du lịch khác (UBND tỉnh Hòa Bình, 2021).

(3) Tổng thu từ du lịch cộng đồng đang ngày một tăng góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương

Sự gia tăng của du khách đến với các địa điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã góp phần làm tăng nguồn thu và thúc đẩy sự phát triển của du lịch cộng đồng. Giai đoạn 2015-2019, tổng thu từ du lịch cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh có mức tăng bình quân là 19,6%/năm. Năm 2015 tổng thu từ du khách du lịch cộng đồng đạt 148 tỷ đồng, đến năm 2019 đã tăng lên 415 tỷ đồng (Bảng 4). Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nguồn thu của toàn ngành du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng giảm mạnh do số lượng du khách đến Hòa Bình suy giảm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu của địa phương. Tuy nhiên, nhìn vào số liệu của giai đoạn 2015-2019 đã cho thấy, tổng thu của du lịch cộng đồng có sự tăng trưởng đáng kể.

Bảng 4: Đóng góp của du lịch cộng đồng trong tổng nguồn thu toàn ngành du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2015-2019

Đơn vị: Tỷ đồng

Các chỉ tiêu

2015

2016

2017

2018

2019

Tổng thu từ khách du lịch toàn Tỉnh

831

1.038

1.216

1.520

2.075

Tổng thu từ khách du lịch cộng đồng

148

192

231

303

415

Tỷ lệ đóng góp của du lịch cộng đồng trong tổng thu từ khách du lịch toàn Tỉnh (%)

17,8

18,5

19

19,9

20

Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình

Điều đáng chú ý là trong năm 2019, nếu xét trong cơ cấu tổng thu từ khách du lịch toàn Tỉnh: khách quốc tế đóng góp 29,1%; khách nội địa chiếm 70,9%; trong khi đó, riêng với nguồn thu của du lịch cộng đồng, thì tỷ lệ đóng góp của khách quốc tế khá cao chiếm 34,7%; khách du lịch nội địa chiếm 65,3% (UBND tỉnh Hòa Bình, 2020). Tín hiệu này cho thấy, du khách quốc tế đang rất quan tâm đến hình thức du lịch cộng đồng, đó là cơ hội để Hòa Bình tiếp tục phát triển mở rộng hình thức du lịch này.

(4) Góp phần thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch cộng đồng theo hướng hiện đại

Trong thực tế, các địa điểm du lịch cộng đồng đã kết hợp tất cả các loại hình trong một mô hình tổng hợp, các chủ thể kinh doanh du lịch không còn là các hộ gia đình rời rạc, mà đã có sự liên kết theo hướng hợp tác xã, hiệp hội và thành lập các doanh nghiệp. Cụ thể: Mô hình du lịch cộng đồng hoạt động theo mô hình hợp tác xã tại Bản Lác, huyện Mai Châu; hoạt động theo hình thức Chi hội du lịch cộng đồng tại các xóm Mu, Khướng, Mòn, Sát Thượng huyện Lạc Sơn; Mô hình du lịch cộng đồng hoạt động theo công ty cổ phần tại các xóm: Ké, Đức Phong (Đá Bia cũ), Sưng, huyện Đà Bắc; Mô hình doanh nghiệp du lịch hợp đồng thống nhất phân chia lợi nhuận với các hộ gia đình khai thác kinh doanh du lịch cộng đồng tại xóm Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc. Điều này cho thấy sự chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đang dần phát triển theo hướng hiện đại.

(5) Cung cấp và mang tới các cơ hội giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho cư dân bản địa

Trong giai đoạn vừa qua, du lịch nói chung và du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã và đang góp phần vào việc tạo ra các cơ hội việc làm cho cư dân bản địa. Nhu cầu về nhân lực lao động phục vụ cho du lịch cộng đồng đang tăng khá nhanh trong các hoạt động phục vụ theo hướng chuyên nghiệp. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2015 mới chỉ có 210 lao động chuyên nghiệp trong mô hình này, nhưng đến năm 2019, con số này đã tăng lên 628 người; trong đó lao động nữ chiếm ưu thế hơn lao động nam (Hình).

Hình: Số lượng và cơ cấu lao động theo giới tính tại các cơ sở kinh doanh du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2015-2019

Phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo sinh kế bền vững ở tỉnh Hòa Bình

Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình

Có thể thấy, số lao động phục vụ trong các điểm du lịch cộng đồng còn thấp, nhưng nếu nhìn dưới góc độ quy luật của du lịch, du khách chỉ tiêu 30% trong các điểm du lịch, 70% chi tiêu ngoài xã hội, thì mới thấy được sức lan tỏa của du lịch cộng đồng đối với việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập là rất đáng chú ý.

Ngoài ra, thông qua du lịch cộng đồng các ngành nghề khác cũng được phát triển theo và từ đó tạo ra sinh kế bền vững giúp cư dân bản địa tăng thu nhập và dần thoát nghèo. Có thể đơn cử trường hợp tại Điểm du lịch cộng đồng xóm Sưng, Mó Hém, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc. Đây là những xóm thuần nông, khó khăn nhất huyện, qua thực hiện mô hình kinh doanh du lịch cộng đồng, những sản phẩm nông nghiệp bản địa, như: chè Shan tuyết, rượu hoẵng, hàng thổ cẩm được giới thiệu, quảng bá, có sức tiêu thụ tốt giúp kinh tế cư dân bản địa đã dần thoát nghèo.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công nói trên, trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo sinh kế bền vững trên địa bàn tỉnh Hòa Bình còn gặp một số tồn tại, cụ thể là:

- Nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực du lịch cộng đồng ngày càng tăng, nhưng chất lượng rất hạn chế, vì chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ.

- Hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, các tuyến đường kết nối đến các địa điểm du lịch cộng đồng còn khó khăn, gây trở ngại cho du khách khi đến du lịch tại các địa điểm du lịch cộng đồng của Hòa Bình.

- Công tác quy hoạch, định hướng phát triển du lịch chưa được quan tâm đúng mức, nên nhiều nơi trên địa bàn Tỉnh vẫn còn tình trạng phát triển du lịch cộng đồng theo hướng tự phát.

- Việc xây dựng sản phẩm cho du lịch cộng đồng còn đơn điệu, chưa tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ đáp ứng nhu cầu của du khách dẫn đến sự lưu trú của du khách rút ngắn làm giảm nguồn thu của cư dân bản địa.

- Vai trò và sự phối hợp của chính quyền trong hỗ trợ cho hình thành mối quan hệ liên kết giữa các chủ thể tham gia hoạt động cung ứng dịch vụ phục vụ cho du lịch cộng đồng chưa hiệu quả; công tác quản lý chưa chặt chẽ dẫn đến nhiều nơi phát triển du lịch cộng đồng gây tổn hại đến môi trường và xuất hiện những dịch vụ biến tướng, gây tác động xấu đến những giá trị văn hóa bản địa truyền thống.

Tất cả những tồn tại nói trên nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời, thì không những không đảm bảo sinh kế ổn định và lâu dài cho cư dân bản địa, mà còn gây ra những hệ lụy khó lường trong bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa của cư dân bản địa trong phát triển du lịch cộng đồng.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẦN THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI

Qua nghiên cứu và thực tế những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, theo chúng tôi, để đảm bảo cho sự phát triển du lịch cộng đồng nằm tạo sinh kế bền vững cho cư dân bản địa, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:

Một là, Hòa Bình cần phải có quy hoạch tổng thể và chi tiết đến các điểm du lịch cộng đồng. Quy hoạch phải dựa trên những nghiên cứu đánh giá cụ thể những thế mạnh của từng địa điểm, nhằm tận dụng lợi thế và khai thác tốt tài nguyên cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa bản địa. Đây vừa là căn cứ để định hướng phát triển cho du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn kiến trúc nhà, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa, nghề truyền thống của người bản địa cho khai thác phát triển du lịch, vừa là căn cứ để xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng đa dạng phù hợp với điều kiện của từng điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn toàn Tỉnh.

Hai là, sớm đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối các điểm du lịch cộng đồng với hệ thống giao thông nội tỉnh được thông suốt và thuận lợi. Đặc thù của các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thường ở vùng sâu, xa, nên việc di chuyển của du khách chưa được thuận tiện. Vì vậy, cần phải được ưu tiên đầu tư để tạo điều kiện cho du khách dễ dàng tiếp cận với các địa điểm nói trên.

Ba là, nhanh chóng ban hành Bộ tiêu chí về xây dựng chuẩn các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn Tỉnh, từ đó xác lập các chỉ tiêu xây dựng điểm du lịch cộng đồng đạt chuẩn. Trên cơ sở đó làm căn cứ quản lý, cũng như trao quyền tự chủ cho cộng đồng bản địa trong quản trị, chia sẻ lợi ích, thiết lập quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan; đồng thời, làm cơ sở để bảo tồn và gìn giữ văn hóa bản địa, bảo vệ cảnh quan môi trường phù hợp với phong tục tập quán của địa phương.

Bốn là, cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển đối với các chủ thể kinh doanh du lịch cộng đồng, như: chính sách hỗ trợ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất nông sản sạch, nông sản bản địa để phục vụ cho các điểm du lịch cộng đồng, đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch (nhà vệ sinh công cộng, bãi đỗ xe, trang thiết bị tối thiểu phục vụ khách nghỉ); tạo cơ chế để hộ gia đình, cá nhân bà con dân tộc thiểu số tại các xóm có tiềm năng phát triển du lịch có thể trực tiếp, hoặc gián tiếp tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng. Đây là vấn đề cần phải làm ngay, vì bản thân các điểm du lịch đó phải được xem như một cửa khẩu xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, từ đó kéo theo tác động lan tỏa đến các lĩnh vực khác và sẽ thúc đẩy sản xuất và tạo sinh kế lâu dài cho cư dân bản địa.

Năm là, nhanh chóng thiết lập sự liên kết kinh tế giữa các chủ thể kinh doanh, các điểm du lịch cộng đồng trên toàn tỉnh. Thiết lập các tour du lịch liên hoàn trải nghiệm giữa các loại hình du lịch cộng đồng nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch thỏa mãn yêu cầu của nhiều đối tượng khách du lịch, đồng thời hình thành chuỗi giá trị du lịch khép kín và chuyên nghiệp. Thực hiện tốt công tác quảng bá xúc tiến các sản phẩm du lịch cộng đồng cho du khách trong nước và quốc tế.

Sáu là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho du lịch cộng đồng. Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, thuyết minh để nâng cao chất lượng phục vụ, giao tiếp, điểm lưu ý là cần đào tạo 100% hướng dẫn viên và những người phục vụ trong hoạt động du lịch tại địa phương phải là người dân bản địa. Họ sẽ được đào tạo ban đầu nhưng sau đó, mỗi cá nhân đều tự trau dồi bản thân để có thể phục vụ du khách một cách tốt nhất, chính đội ngũ này sẽ gắn bó lâu dài với quê hương của họ.

Bảy là, cần thành lập Ban quản lý hoạt động kinh doanh du lịch cộng đồng của Tỉnh. Đây là đầu mối để tăng cường công tác quản lý các hoạt động sản xuất kinh doanh du lịch cộng đồng, giám sát, kiểm tra công tác bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch, văn hóa và xử phạt các hành vi vi phạm. Cần lồng ghép các chương trình có nguồn vốn, như: chương trình nông thôn mới, chương trình hỗ trợ giảm nghèo, các dự án phi chính phủ để có nguồn lực hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, kỹ năng nghề thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. UBND Tỉnh Hòa Bình (2021). Quyết định số 1795/QĐ-UBND, ngày 20/8/2021 phê duyệt Đề án Phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình (2015-2019). Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển du lịch các năm, từ năm 2015 đến 2019

3. V. H (2021). Hòa Bình: Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch, truy cập từ http://www.baohoabinh.com.vn/276/151395/Quan-tam-dau-tu-xay-dung-ha-tang,-co-so-vat-chat-phuc-vu-du-lich.htm

(*) Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp Bộ: “Phát triển du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững ở các tỉnh vùng Tây Bắc Việt Nam”. Mã số: B.21-01

TS. Trần Thanh Tùng

TS. Tạ Thị Đoàn

Học viện Chính trị Khu vực 1

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 27, tháng 9/2021)