Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đẩy mạnh tự chủ bệnh viện nhưng không chạy theo lợi nhuận
Nhiều thành tựu trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá năm 2018, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân đạt được những thành tựu, kết quả toàn diện. Đặc biệt trong quá trình chuẩn bị 2 nghị quyết của Trung ương về bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới, ngành y tế đã tổ chức thực hiện thí điểm nhiều nội dung để khẳng định và đưa vào nghị quyết. Qua một quá trình kiên trì, đi đúng hướng, nhiều mặt công tác của ngành y tế đã có kết quả rõ trong đó có những mặt đã bắt đầu bền vững.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị
Phó Thủ tướng nêu ví dụ, ngoài số bác sĩ, số giường bệnh vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, thì ngay báo cáo của Cục Quản lý dược cho thấy, nhờ sự kiên trì tiếp tục công tác quản lý đấu thầu thuốc, giá thuốc biệt dược trung bình hàng năm giảm trên 10% giá thuốc và hiện nay giá thuốc của Việt Nam trong khu vực chỉ cao hơn Malaysia một chút, tới đây phải kéo xuống thấp nhất ASEAN. Tỷ lệ thuốc kém chất lượng của Việt Nam hiện là 1,4% trong khi mức trung bình ASEAN là 7%. Việc đánh giá chất lượng bệnh viện hiện nay được đo lường bằng số liệu cụ thể, lấy ý kiến từ người bệnh, người nhà bệnh nhân và xã hội.
“Có những lĩnh vực đạt được kết quả không chỉ rõ mà bắt đầu có biểu hiện bền vững như phát triển bảo hiểm y tế (BHYT). Cách đây 5 năm, tỷ lệ bao phủ BHYT trên 60% và Quốc hội ra chỉ tiêu đến năm 2020 là 80% nhưng đến nay tỷ lệ BHYT đã đạt 88%. Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng đều hàng năm. Tất cả cấp uỷ, chính quyền đã coi đây là nhiệm vụ chính trị”, Phó Thủ tướng phân tích thêm.
Triển khai các chương trình y tế phải đồng loạt, đồng bộ từ y tế cơ sở
Nói về nhiệm vụ của ngành y tế trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý các giải pháp, “đầu việc”, lộ trình, bước đi đã được xác định rất rõ trong hai nghị quyết của Trung ương, đồng thời, nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm. Đó là:
Năm 2019, ngành y tế, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phải bảo đảm đạt và vượt chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đã được đề ra; quản lý được số liệu về 16 triệu hợp đồng BHYT của 30 công ty bảo hiểm ngoài nhà nước. Ngành y tế phải thống nhất với BHXH để có cơ chế thanh toán BHYT đúng với tinh thần “y tế phòng là chính”, “y tế cơ sở là nền tảng”.
“Cơ sở vật chất, nhà cửa nhiều trạm y tế cơ sở rất khang trang nhưng quan trọng nhất là tủ thuốc trạm y tế phải nhiều lên, chất lượng thuốc không kém bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh thì người dân mới đến. Y tế xã đã trở thành “cánh tay nối dài” của y tế huyện nhưng cơ chế tài chính vẫn phân biệt hai cấp với mức chênh lệch lớn là không hợp lý”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Khẳng định đẩy mạnh tự chủ bệnh viện là chủ trương rất quan trọng để tăng cường chất lượng khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến nhưng Phó Thủ tướng yêu cầu phải quán triệt quan điểm y tế công cộng không được chạy theo lợi nhuận.
“Thực hiện tự chủ không có nghĩa buông cho các bệnh chạy theo lợi ích kinh doanh, tìm mọi cách tăng nguồn thu. Chúng ta tháo gỡ vướng mắc để đội ngũ y bác sĩ, cán bộ y tế bằng sáng tạo, trách nhiệm của người thầy thuốc sẽ xây dựng các mô hình quản trị, quản lý, khai thác tốt nhất cơ sở vật chất, con người. Làm sao để người Việt Nam không mất hàng tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh. Nhưng không phải cứ tự chủ là tìm mọi cách tăng nguồn thu, nếu như vậy là không còn định hướng y tế công cộng là phục vụ toàn dân”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Đồng thời, củng cố hệ thống y tế cấp huyện, bao gồm: mô hình quản trị, quản lý, phương thức thanh toán để y tế cơ sở thực sự là nền tảng của hệ thống y tế, bảo đảm cân đối giữa hệ dự phòng và điều trị.
“Mô hình tổ chức các nơi khác nhau, có những bệnh viện huyện đã được nâng hạng, nâng cấp không muốn sáp nhập, quay lại trung tâm y tế huyện thì phải có cơ chế để dự phòng và điều trị gắn chặt với nhau dưới lãnh đạo chuyên môn theo ngành dọc và các nhiệm vụ cụ thể do cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo. Làm sao để cán bộ y tế xã được coi như cán bộ y tế huyện và y tế dự phòng không còn “tủi thân” với y tế điều trị”, Phó Thủ tướng nói.
Trong ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực y tế, Phó Thủ tướng cho rằng, cần đẩy mạnh y học từ xa (Telemedcine), một lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, nên mới ở mức độ tự phát chứ chưa có chương trình trọng điểm để tập trung chỉ đạo. Đây là cách tốt nhất để cán bộ y tế các cấp được đào tạo, hướng dẫn khi được tham gia vào các ca mổ từ xa, hội chẩn từ xa do các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành thực hiện.
Bên cạnh đó, ngành y tế cần chỉ đạo các đơn vị, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc… triển khai nghiêm túc việc kết nối, cập nhật dữ liệu đối với hệ thống quản lý thông tin y tế, như: hệ thống thanh toán BHYT, hệ thống các nhà thuốc..
“Đơn cử việc kết nối hệ thống các nhà thuốc phải được coi là một điều kiện bắt buộc để người dân khi mua thuốc ở đâu đều biết được nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và khắc phục không quản lý được giá thuốc. Chúng ta phải làm nghiêm, vì nhân dân. Nơi nào không làm tích cực thì phải xem xét trách nhiệm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nêu thực tế nhiều địa phương vướng khi triển khai các chương trình quản lý thông tin y tế cơ sở như tiêm chủng, hồ sơ sức khoẻ, Phó Thủ tướng phê bình Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) và yêu cầu huỷ bỏ ngay những văn bản do Cục này ban hành đang làm chậm quá trình triển khai, khiến nhiều địa phương đang phải đợi hướng dẫn.
“Chúng ta triển khai Telemedicine thì từ trên xuống còn hệ thống quản lý, quản trị thông tin y tế thì phải từ dưới lên, đồng loạt, đồng bộ từ y tế cơ sở”, Phó Thủ tướng yêu cầu./.
Bình luận