Phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022-2023: Cần cách tiếp cận tổng thể, tổng lực
NHẬN DIỆN TÌNH HÌNH
Diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 và các chính sách kinh tế ứng phó với tác động của dịch bệnh đối với kinh tế của các nước 2 năm qua cho thấy, cả thế giới đang phải đối mặt với vấn đề y tế, an sinh xã hội và hoạt động kinh tế.
Về vấn đề y tế
PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển |
Đại dịch Covid-19 là một trong những cuộc khủng hoảng về y tế lớn trong lịch sử loài người. Tính đến nay, thế giới đã có 219,5 triệu người bị nhiễm bệnh, hơn 4,5 triệu người bị tử vong và con số này đang còn tiếp tục tăng lên. Ở Việt Nam, số nhiễm bệnh đến nay là gần 82 vạn người, số tử vong khoảng 2 vạn người. Tuy mức độ tác động của dịch Covid-19 đối với các khu vực, các nước không giống nhau, nhưng nhìn chung, sau 2 năm đối phó với dịch bệnh, người ta rút ra nhận thức chung, gói trong 5 điểm chính.
Thứ nhất, Covid-19 có nhiều biến thể và có thể sẽ còn có thêm các biến thể nữa, mức độ lây lan và ảnh hưởng đến sức khỏe chưa lường trước được (nhất là sau khi xuất hiện biến thể Delta).
Thứ hai, trong chiến lược đối phó với dịch bệnh, phần lớn các nước đã trải qua thời kỳ ban đầu là truy vết, tìm người bị nhiễm (F0) để cách ly nhằm hạn chế lây lan và chữa trị cho họ. Tuy nhiên, sau 2 năm, đến nay, phần đông các nước đã chuyển hướng đối phó với dịch bệnh từ giải pháp truy vết F0 sang chấp nhận, sống chung với trạng thái có Covid-19. Sự chuyển hướng này dựa trên thực tế thế giới đã có vaccine ngừa Covid và đã tiêm chủng cho dân cư đạt ngưỡng y tế xác định. Cùng với đó, thế giới cũng đã bắt đầu có thuốc chữa trị cho người bị nhiễm nhẹ và các phương tiện hộ trợ cấp cứu người bị nặng. Việc tìm kiếm vaccine phòng ngừa và thuốc chữa trị đặc hiệu cho người bị nhiễm vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh và có nhiều tín hiệu khả quan. Đến một thời điểm nhất định, khi các nghiên cứu và sản xuất thuốc các loại để phòng ngừa và chữa trị đủ mức giới hạn y tế xác định thì có thể Covid-19 cũng như nhiều loại vi-rút cúm đang tồn tại khác.
Thứ ba, nếu chống dịch bằng cách truy vết và cách ly tiếp tục kéo dài, lực lượng cán bộ y tế trực tiếp chống dịch là nhóm người đầu tiên bị quá tải. Sự suy kiệt sức chống đỡ của lực lượng này sẽ trở thành yếu điểm nguy hiểm của toàn bộ chiến dịch chống dịch bệnh.
Thứ tư, đại dịch Covid-19 kéo dài 2 năm qua đã cho thấy rất rõ thực lực tổng thể của nền y tế của mọi quốc gia, bao gồm: số lượng và chất lượng đội ngũ bác sĩ, y sĩ chữa bệnh; y tế dự phòng; cách tiếp cận chăm lo sức khỏe cho người dân; mạng lưới y tế (cơ sở và chuyên sâu); công nghiệp sản xuất thiết bị y tế; công nghiệp sản xuất dược phẩm; nghiên cứu khoa học về y tế; và cách thức tổ chức chống dịch khi sự cố xảy ra.
Về an sinh xã hội
Trong trạng thái bình thường, vấn đề an sinh xã hội ít bộc lộ ra những mặt mạnh mặt yếu cụ thể, bởi cuộc sống cứ tự động diễn ra và mọi người đều dường như tự lo liệu, chu tất được cả. Trong đại dịch Covid-19, khi sinh mạng con người bị đe dọa do bệnh dịch, hoạt động sản xuất và cuộc sống bị đảo lộn một cách liên tục và kéo dài, việc làm và thu nhập không còn, nguồn dự trữ cá nhân lại eo hẹp, đã làm cho khả năng tự chống đỡ của một bộ phận dân cư, nhất là ở các nước nghèo, trở nên rất khó khăn.
Ở Việt Nam, những nỗ lực thực hiện chính sách an sinh xã hội đã được triển khai khá kịp thời, đem lại một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, phần do nhu cầu quá lớn mà nguồn lực có hạn, phần do triển khai thực tế không được đồng đều, thống nhất, nên sự hỗ trợ không đều khắp được ở mọi địa bàn và mọi thời điểm. Trong một phận dân cư, xuất hiện tâm lý lo sợ về tình trạng khó khăn, cách ly kéo dài, nguồn lực cạn kiệt. Dòng người rất đông rời bỏ các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để về quê, nhất là từ Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ, thậm chí rất xa như Duyên hải Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc, đã nói lên rất rõ thực tế này.
Về hoạt động kinh tế
Trên thế giới, sau 2 năm chịu tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kinh tế nhiều nước đang có dấu hiệu phục hồi. Một số nền kinh tế lớn có dấu hiệu phục hồi rất tốt, có thể mở ra một thời kỳ mới cho tăng trưởng kinh tế sắp tới. Tuy nhiên, có hai vấn đề lớn chung cho kinh tế toàn cầu.
Một là, sự đứt gẫy các chuỗi cung ứng và dòng chảy các nguồn lực không dễ khắc phục ngay trong thời gian ngắn. Điều này chắc chắn dẫn các nhà đầu tư và các nhà làm chính sách đến chỗ phải suy nghĩ lại về cách thức tổ chức các hoạt động kinh tế trong thời gian tới.
Hai là, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung về nhiều loại sản phẩm hàng hóa toàn cầu (lương thực-thực phẩm, năng lượng, nguyên vật liệu...), dẫn đến tình trạng tăng giá một số mặt hàng chiến lược.
Tại Việt Nam, theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng của năm nay doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 85.500, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 9 tháng là 90.300 doanh nghiệp, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước…
Tổng cục Thống kê cho biết, chưa bao giờ số doanh nghiệp rời bỏ thị trường lớn như vậy. Khả năng chống chịu của các doanh nghiệp ngày càng cạn kiệt. Các khu vực đầu tàu kinh tế quốc gia tình hình còn nghiêm trọng hơn. Trên địa bàn Hà Nội, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội quý III/2021 ước giảm 7,02% so với cùng kỳ năm trước. Tại TP. HCM, trong quý III năm 2021, chỉ số GRDP giảm 24,39%; 9 tháng đầu năm 2021 giảm 4,98%. Đây là những mốc giảm kỷ lục chưa từng có ở TP. HCM. Như vậy, chỉ với ba con số mang tính tổng hợp đã có thể hình dung bức tranh kinh tế năm 2021 - năm chịu tác động nặng nề nhất trước tác động ảnh hưởng của Covid-19.
QUAN ĐIỂM, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NĂM 2022-2023
Chính phủ cần có tuyên bố rõ ràng việc chuyển hẳn sang phương châm sống chung với Covid-19 và có các giải pháp phù hợp trong từng giai đoạn |
Do y tế, an sinh xã hội và hoạt động kinh tế xảy ra cùng lúc và có liên quan trực tiếp lẫn nhau, nên để giải quyết được, cần phải có cách tiếp cận tổng thể, tổng lực, đồng bộ. Các giải pháp phải có tính nhất quán, thông suốt trên toàn quốc, không được chống nhau, cản nhau; các địa phương không được cát cứ. Phương châm chung nên là đảm bảo 4 nhu cầu cơ bản nhất của con người theo đúng tinh thần triết học Mác-xit: ăn, mặc, ở và đi lại.
Giải pháp về y tế
Chính phủ cần có tuyên bố rõ ràng việc chuyển hẳn sang phương châm sống chung với Covid-19, nhưng vẫn duy trì mục tiêu giảm thiểu số người bị nhiễm và đặc biệt là giảm số ca tử vong vì Covid-19.
Cùng với đó, cần đẩy nhanh việc tiêm vaccine theo chuẩn quy định của y tế; giới thiệu cho người dân biết cách phòng và nhất là tự chữa trị khi không may bị nhiễm thể nhẹ tại nhà.
Ngành y tế phải có dự phòng đủ thuốc chữa trị để các cửa hàng thuốc luôn trong trạng thái có sẵn để bán cho người dân khi cần. Người dân lo sợ nhất là khi bị nhiễm (dương tính), nhưng đi mua thuốc chữa trị (thể nhẹ) mà không ở đâu bán, mặc dù y tế có giới thiệu tên thuốc cần uống. Tranh tình trạng biết mà không có!
Với các trường hợp trở nặng, bênh nhân phải được đưa vào các cơ sở điều trị kịp thời và đầy đủ các phương tiện cứu chữa. Theo đó, Bộ Y tế cần có một Hội đồng y học quốc gia chuyên về Covid-19 để thống nhất và ban hành chính thống tài liệu về một túi thuốc cơ bản chung (có thể gồm cả Tây y và Đông y) cho dân chúng toàn quốc và người dân có thể dễ dàng tiếp cận, mua được túi thuốc này khi cần.
Giải pháp về an sinh xã hội
Cơ quan chức năng cần hỗ trợ ngay những người nghèo, hộ nghèo, trước hết và cấp bách nhất là những người vừa rời khỏi các tỉnh miền Đông và những người còn ở lại mà chưa đi làm lại được. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã đến đoạn lo làm giảm nhẹ những sang chấn tâm lý do tác động của đại dịch gây ra đối với con người, lo giải quyết vấn đề sức khỏe của những người bị nhiễm Covid-19 và đã được chữa khỏi.
Chính quyền cấp cơ sở phải nắm thật chính xác số lượng từng nhóm dân cư cần hỗ trợ, tránh nhất là bị bỏ sót (có người bị bỏ lại phía sau) và tình trạng không công bằng, và/hoặc mỗi nơi mỗi kiểu.
Cùng với đó, cần công bố một kế hoạch đảm bảo an sinh xã hội rõ ràng, công khai, có mốc thời gian cụ thể..., để làm tăng lòng tin và giúp người lao động chủ động kế hoạch ở lại tiếp tục làm việc, phục hồi kinh tế.
Giải pháp phục hồi kinh tế
Đây là vấn đề phức tạp và rất thách thức trong bối cảnh hiện nay, vì rất khó minh định cách các nhóm xã hội tương tác với nhau trong giai đoạn bình thường mới. Các biến số khó nắm bắt là xu hướng thị trường; cách tính toán của các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp; tình hình của các nhóm lao động. Ngoài ra, vấn đề kinh tế lại phụ thuộc rất lớn vào kết quả và cách chống dịch, cũng như các vấn đề về an sinh xã hội đang nổi lên. Vì vậy, nên chia quá trình phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 - từ nay đến hết năm 2022:
Mục tiêu lớn nhất của giai đoạn này nên là phục hồi nền kinh tế. Theo đó, các giải pháp cần làm là hỗ trợ những doanh nghiệp có khả năng quay lại hoạt động, có đơn đặt hàng...; giữ chân người lao động ở lại các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp (chủ yếu ở miền Đông Nam Bộ); tổ chức hệ thống thông tin chính xác về mọi mặt tình hình kinh tế vi mô để chuẩn bị đưa ra các phương án lấy lại đà tăng trưởng kinh tế từ năm 2023.
Cùng với đó, Chính phủ cần nghiên cứu Đề án đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, để sang năm 2023, kinh tế có mô hình tăng trưởng mới, có khả năng chống chịu cao hơn, phân bố ngành nghề và khu vực địa lý hợp lý hơn.
Thực tế, sự thành công trong phục hồi kinh tế năm 2022 phụ thuộc rất lớn vào sự đồng hành và thành công của 2 yếu tố đầu tiên: y tế và an sinh xã hội. Yếu tố quan trọng không kém là cách thức tổ chức, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức phải được cải thiện rõ rệt, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm trong thời gian vừa qua.
Giai đoạn 2 - từ năm 2022 đến hết năm 2023:
Mục tiêu lớn nhất của giai đoạn này nên là lấy lại đà tăng trưởng trên cơ sở một nền tảng mới, đã được tái cơ cấu. Theo đó, Chính phủ cần ban hành một đề án tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế, có khả năng xử lý những điểm hạn chế trong cơ cấu hiện hành (ngành nghề/lĩnh vực, trình độ công nghệ, nhân lực, các chính sách nâng đỡ khu vực kinh tế tư nhân trong nước, các chính sách đổi mới về thuế, về cơ chế vận hành, cải cách hành chính…). Hoạt động tái cơ cấu cần tạo ra những yếu tố nền tảng mới, có sức chống chịu cao, giúp nền kinh tế dần lấy lại được đà tăng trưởng, ít ra là ngang bằng với thời kỳ trước Covid-19.
Báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 của Chính phủ công bố ngày 20/10/2021 đặt mục tiêu GDP năm 2022 tăng 6-6,5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 4%. Để hiện thực hóa mục tiêu của năm 2022 và tạo đà đưa nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững sau đó, các giải pháp, chính sách đưa ra cần theo hướng tiếp cận tổng thể, tổng lực, chú trọng giải quyết 3 vấn đề lớn nhất mà bối cảnh mới đang đặt ra./.
Bình luận