Quản lý nông sản theo lý thuyết chuỗi giá trị: Trường hợp nghiên cứu tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái
QUẢN LÝ NÔNG SẢN THEO LÝ THUYẾT CGT TẠI HUYỆN YÊN BÌNH
Yên Bình là huyện cửa ngõ phía Nam của tỉnh Yên Bái, có vị trí quan trọng là cầu nối phát triển kinh tế, văn hóa giữa khu vực Trung du miền núi và vùng Tây Bắc của Việt Nam. Trong những năm qua, huyện Yên Bình rất chú trọng đến việc xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững nói chung, cũng như các đề án, quy hoạch phát triển các mặt hàng nông sản theo CGT nói riêng. Cụ thể là, thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Nghị quyết số 15/2015/NQ-HĐND, ngày 15/12/2015 của HĐND tỉnh Yên Bái về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 807/QĐ-UBND, ngày 24/4/2020 của UBND tỉnh Yên Bái việc điều chỉnh, bổ dung danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo CGT gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Yên Bình đã ban hành một loạt các đề án quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển nông sản theo CGT đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
|
Cùng với đó, để thực hiện quản lý nông sản trên địa bàn Huyện theo CGT, UBND huyện Yên Bình đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huyện triển khai Quyết định số 769/QĐ-UBND, ngày 25/5/2018 của UBND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo CGT gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Cụ thể, UBND Huyện ban hành: Kế hoạch thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo CGT gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2019 và giai đoạn 2019-2020; Các quyết định phê duyệt thuyết minh và dự toán kinh phí thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo CGT gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản; Văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án và công tác thanh tra, kiểm tra các dự án phát triển CGT…
Ngoài ra, để duy trì sự gắn kết giữa các khâu trong phát triển nông sản theo CGT, hàng năm, huyện Yên Bình thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát. Cụ thể: trong giai đoạn 2018-2020, mỗi năm, Huyện đều tổ chức từ 5 đến 6 đợt thanh tra, kiểm tra hoạt động của các CGT trên địa bàn, qua đó kịp thời định hướng, hỗ trợ các hộ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong chuỗi liên kết nông sản phát triển.
Thực tiễn những năm qua cho thấy, UBND huyện Yên Bình đã hướng dẫn các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các chủ thể khác đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và lựa chọn 10 sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực của huyện để đăng ký với tỉnh xây dựng tiêu chuẩn 3 sao với các sản phẩm: chè xanh chất lượng cao, tre măng Bát Độ, rọ tôm, quế và tiêu chuẩn 4 sao với các sản phẩm: bưởi Đại Minh, cá hồ Thác Bà, gạo Bạch Hà… Đến nay, Huyện đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, như: vùng cây ăn quả với gần 1.900 ha, trong đó, vùng cây ăn quả có múi 1.100 ha; vùng gạo đặc sản xã Bạch Hà 150 ha; vùng quế 1.000 ha; phát triển thủy sản hồ Thác Bà quy mô lớn với trên 1.800 lồng cá; trong đó, đã hỗ trợ đóng mới 1.061 lồng nuôi cá và quây lưới nuôi cá trên eo ngách hồ Thác Bà trên 230 ha; phát triển vùng nuôi trâu thịt với 509 ha, khu vực nuôi lợn với 818 ha…
Ngoài ra, để nâng tầm thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, tạo cơ hội kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp để thúc đẩy cơ hội xúc tiến thương mại, hướng đến xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân, Huyện đã tổ chức thực hiện 5 dự án phát triển sản xuất liên kết theo CGT gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, gồm: bưởi Đại Minh, cá nuôi trên hồ Thác Bà, gỗ keo, cây dược liệu (cây khôi nhung); gỗ bạch đàn, bồ đề và phụ phẩm gỗ keo. Các dự án này giúp người dân sản xuất theo hướng tập trung và tìm được đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
MỘT SỐ TỒN TẠI, HẠN CHẾ
Bên cạnh những kết quả đạt được, quản lý phát triển nông sản theo CGT ở Yên Bình thời gian qua còn một số hạn chế, cụ thể như sau:
Thứ nhất, CGT nông sản phần lớn mới chỉ dừng ở khâu sản xuất và tiêu thụ trực tiếp, chưa có sự tham gia sâu của khâu chế biến, bảo quản. Nói cách khác, nông sản được thu mua, sơ chế, phần lớn sẽ được vận chuyển đến tay người tiêu dùng dưới dạng nông sản thô. Các thành phẩm được chế biến từ nông sản chưa có sự đa dạng về chủng loại, công nghiệp chế biến và công nghệ bảo quản sản phẩm nông sản lạc hậu, chưa phát triển kịp với đòi hỏi của người tiêu dùng.
Thứ hai, liên kết trong sản xuất còn hạn chế, quy mô, phạm vi của liên kết còn nhỏ, hình thức liên kết còn giản đơn (chủ yếu dừng lại ở hợp đồng mua bán nông sản). Chưa gắn kết được các khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm, thiếu nhà đầu tư có tiềm lực liên kết sản xuất, thu mua, chế biến tiêu thụ sản phẩm và doanh nghiệp có khả năng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn với nông dân.
Thứ ba, hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp phổ biến quy mô nhỏ, năng lực nội tại còn yếu. Các hợp tác xã còn thiếu cơ sở vật chất, trình độ công nghệ lạc hậu, sự liên kết hợp tác giữa các thành viên hợp tác xã chưa chặt chẽ, hiệu quả liên kết thấp; hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn (trang trại, tổ hợp tác, liên kết sản xuất) được hình thành và phát triển ở một số nơi chưa gắn với quy hoạch phát triển sản xuất hàng hóa, thiếu chiến lược phát triển bền vững và chưa bám sát yêu cầu của thị trường.
Thứ tư, quy mô sản sản phẩm hàng hóa nhỏ, chất lượng và sức cạnh tranh thấp, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ; số lượng sản phẩm được xây dựng nhãn hiệu theo tiêu chuẩn, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp an toàn, hữu cơ còn hạn chế; lợi nhuận trong lĩnh vực nông nghiệp thấp, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường do tác động của biến đổi khí hậu gây ra thiệt hại trực tiếp cho người sản xuất dẫn tới rủi ro cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi chưa được khống chế kịp thời.
Thứ năm, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học, công nghệ còn chậm; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất liên kết theo CGT trên địa bàn Huyện rất hạn chế.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NÔNG SẢN THEO CGT TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN YÊN BÌNH, TỈNH YÊN BÁI
Để giải quyết những tồn tại trong công tác quản lý và tăng cường hiệu quả quản lý nông sản theo CGT trên địa bàn huyện Yên Bình trong thời gian tới, chính quyền Huyện cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau đây:
Một là, xây dựng cơ chế hợp tác và phát triển các mối liên kết giữa các chủ thể tham gia CGT (liên kết ngang và liên kết dọc) để giải quyết vấn đề quy mô sản xuất manh mún, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể trong phát triển nông sản theo CGT.
Hai là, tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy các mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới nhằm gắn kết các hộ sản xuất nhỏ và nâng cao năng lực tổ chức sản xuất nông nghiệp bằng cách nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi; phát triển các mô hình chăn nuôi hiện đại theo hướng sản xuất hàng hóa; phát triển các sản phẩm đặc sản, bản địa theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ…
Ba là, tăng cường đầu tư khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực chế biến sâu nông sản trên địa bàn Huyện.
Bốn là, tăng cường các chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, măng tre Bát Độ… nhằm đưa nông sản Huyện ra thị trường ngoài và hướng tới xuất khẩu.
Năm là, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND, ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh Yên Bái ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo CGT (bao gồm: hỗ trợ xây dựng phương án, kế hoạch kinh doanh, phát triển thị trường; hỗ trợ chi phí đánh giá cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cho vùng nguyên liệu và sản phẩm; hỗ trợ thiết kế tem, nhãn mác, bao bì, chứng nhận OCOP…).
Sáu là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, gắn với thế mạnh của địa phương; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm trong quá trình quản lý nông sản theo CGT./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. HĐND huyện Yên Bình (2021). Các nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới
2. UBND huyện Yên Bình (2018-2020). Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội huyện Yên Bình các năm, từ năm 2018 đến 2020
3. Đào Thế Anh (2020). Phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn bền vững ở Việt Nam, Nxb Xây dựng và Nxb nông nghiệp
4. Võ Thị Thanh Lộc và Nguyễn Phú Son (2016). Phân tích chuỗi giá trị sản phẩm, Nxb Đại học Cần Thơ
5. Nguyễn Văn Bộ, Đào Thế Anh (2013). Giải pháp nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị nông sản Việt Nam, Tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam, số 2+3, 26-28
6. Phạm Quốc Quân (2013). Lợi ích của nông dân khi tham gia chuỗi giá trị hàng hóa nông sản, Tạp chí Kinh tế và Dự báo,13, 41-43
Nguyễn Cao Sơn
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái
Phạm Thái Thủy
Trường Đại học Hùng Vương
(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 35 năm 2021)
Bình luận